Vietnamdefence.com

 

Lê Duy Mật (? - 1770)

VietnamDefence - “Lê Duy Mật là người chí thân của vua Lê, đau về nỗi nhà Lê không sao ngóc đầu lên được, nên đã đem thân ra xa mãi chốn núi rừng để đánh giặc. Việc Lê Duy Mật làm có thể gọi là danh chính ngôn thuận, không thể ví như bọn giặc cỏ được. Dẫu rằng lòng trời chẳng còn muốn giúp nhà Lê, khiến cho việc của Lê Duy Mật không thể thành công, nhưng, nói về nghĩa lớn vua tôi thì không bao giờ mai một được” - Lời cẩn án của các sử gia thời Nguyễn trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 37, tờ 25.

  • Chuyện bắt đầu từ trong hoàng cung

Tháng 4 năm Kỷ Dậu (1729), Chúa Trịnh lúc bấy giờ là Trịnh Cương đã ép vua Lê Dụ Tông (Tên thật là Lê Duy Đường, ở ngôi từ năm 1705-1729, làm Thượng Hoàng từ năm 1729-1731, mất vào tháng 1 năm 1731, thọ 51 tuổi) phải nhường ngôi cho con thứ là Lê Duy Phường (con thứ của Lê Dụ Tông, cũng là cháu ngoại của chính Trịnh Cương. Lê Duy Phường tức Lê đế Duy Phường, ở ngôi 3 năm (1729-1732). Lê Dụ Tông sợ bị Chúa Trịnh bức bách, nên đã lặng lẽ chấp nhận việc này. Lê Duy Phường ở ngôi được 3 năm thì bị Chúa Trịnh lúc đó là Trịnh Giang vu cho tội thông dâm với vợ của cha hắn là Trịnh Cương rồi phế làm Hôn Đức công. Tháng 9 năm 1732, Lê Duy Phường bị Trịnh Giang giết khi mới vừa 26 tuổi. Sự kiện này đã tạo ra một làn sóng phản kháng mạnh mẽ trong hoàng tộc cũng như bá quan văn võ.

Lợi dụng sự bất bình này, tháng 12 năm Mậu Ngọ (1738), Lê Duy Mật (con thứ của vua Lê Dụ Tông (1705-1729)), Lê Duy Chúc (con thứ của vua Lê Hy Tông (1675-1705), tức là vai chú ruột của Lê Duy Mật và Lê Duy Quy) và Lê Duy Quy (con thứ của vua Lê Dụ Tông (1705-1729)) đã cùng với một loạt văn thần và võ tướng khác như Phạm Công Thế (người làng Hoàng Xá, huyện Đông Quan, nay là xã Phương Đông, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, đỗ Tiến Sĩ năm 1727), Vũ Thước (Hiện vẫn chưa rõ lai lịch), Lại Tế Thế (người làng Quang Lãng, huyện Tống Sơn, nay thuộc tỉnh Thanh Hóa)... đã bí mật họp bàn tính kế đốt kinh thành, lật đổ Trịnh Giang. Nhưng kế lớn chưa kịp tiến hành đã bị bại lộ và bị Trịnh Giang thẳng tay đàn áp. Lê Duy Quy chạy đi Cẩm Thủy (một trong những huyện của phủ Quảng Hóa, nay thuộc Thanh Hóa) và sau đó thì lâm bệnh và mất. Lê Duy Mật và Lê Duy Chúc thì chạy đến Nghi Dương (một trong những huyện của phủ Kinh Môn, nay thuộc Hải Dương. Lê Duy Mật và Lê Duy Chúc chỉ ở Nghi Dương một thời gian rất ngắn. Sau khi Lê Duy Chúc qua đời, Lê Duy Mật đã đem hết những người tùy tùng chạy vào Thanh Hóa và phát động khởi nghĩa tại vùng đất này). Ở Nghi Dương chưa được bao lâu thì Lê Duy Chúc cũng lâm bệnh mà qua đời. Lực lượng hoàng tộc nhà Lê quyết chí chống lại họ Trịnh lúc ấy chỉ còn lại một mình Lê Duy Mật nữa mà thôi.

Từ đây, một cuộc khởi nghĩa lớn do Lê Duy Mật cầm đầu đã hình thành ở vùng thượng du phía Tây của Thanh Hóa. Khẩu hiệu đầu tiên của Lê Duy Mật là "Phù Lê diệt Trịnh". Tuy không tạo được sức hút mạnh mẽ đối với toàn xã hội, nhưng chính khẩu hiệu này lại có tác dụng khá to lớn đối với đội ngũ trí thức nho học đương thời. Có không ít nho sĩ đã hăng hái tề tựu dưới ngọn cờ của Lê Duy Mật, một phần cũng bởi lý do quan trọng này.

Trước khi khởi sự, Lê Duy Mật đã cho phổ biến rộng rãi bài hịch của mình. Trong bài hịch đó, Lê Duy Mật vừa ca ngợi công đức của Lê Thái Tổ, ca ngợi cống hiến của các bậc tiên đế nhà Lê, vừa lên án sự chuyên quyền độc đoán của họ Trịnh, đồng thời, kêu gọi tất cả mọi người hãy đồng lòng vùng lên trừ khử họ Trịnh và trả lại quyền uy ngôi báu cho nhà Lê. Với nhân dân đang bị đọa đày, giềng mối chính thống của nhà Lê chẳng có ý nghĩa gì đáng kể nữa, nhưng chí lớn và lời hịch khảng khái của Lê Duy Mật lại khiến cho họ rất cảm kích. Giữa họ và Lê Duy Mật, lúc đầu tuy địa vị và nếp nghĩ rất khác nhau, nhưng lại có chung một kẻ thù, đó là ách thống trị tàn bạo của tập đoàn họ Trịnh. Họ tập hợp và chiến đấu anh dũng dưới ngọn cờ của Lê Duy Mật, trước hết và chủ yếu cũng bởi sự trùng hợp tự nhiên này.

  • Những thử thách và tổn thất đầu tiên

Ngay khi vừa phát hiện kế hoạch đốt cháy kinh thành của Lê Duy Mật, Trịnh Giang đã hạ lệnh vây bắt để trừng trị rất gắt gao. Lê Duy Mật và những người đồng lòng hợp mưu đã phải vội vã trốn khỏi kinh thành Thăng Long. Trịnh Giang liền sai quân đuổi theo. Vũ Thước bị bắt và bị giam vào ngục tối. Sau dó không bao lâu, Vũ Thước bị đem ra xử tử.

Lê Duy Mật chạy đến Nghi Dương. Trong thế bức bách, ông thấy không thể nào ở lại đất Nghi Dương được. Rất may cho Lê Duy Mật, một viên thổ hào của huyện Nghi Dương là Ngô Hưng Tạo đã đưa ông vượt biển vào Nam, đến với đất tổ của nhà Lê là Thanh Hóa.

Tháng 12 năm 1738, cuộc đụng độ đầu tiên giữa quân đội của chúa Trịnh Giang với lực lượng của Lê Duy Mật đã xảy ra. Trong cuộc đụng độ này, một nhân vật rất thân tín của Lê Duy Mật là Phạm Công Thế đã bị bắt và sau đó là bị giết. Sử cũ viết rằng:

“Lúc bấy giờ, Phạm Công Thế đang giữ chức Đông Các Hiệu Thư, theo (Lê) Duy Mật dấy quân, đánh nhau rồi bị bắt. Bầy tôi trong triều trách (Phạm) Công Thế rằng:

- Nhà ngươi là người khoa giáp, tại sao lại đi theo bọn phản nghịch?

(Phạm) Công Thế cười và nói:

- Danh phận không rõ đã từ lâu, thuận nghịch lấy đâu mà phân biệt?

Nói rồi vươn cổ chịu chém, không hề tỏ sự nao núng hay khuất phục” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 38, tờ 7).

Cái chết của Vũ Thước rồi kế đến là cái chết của Phạm Công Thế, thực sự là những tổn thất lớn của Lê Duy Mật và những người cùng chí hướng với ông. Trong bối cảnh đầy khó khăn như vậy, nếu không biết khôn khéo xây dựng và phát triển lực lượng mà lại công khai đối địch vũ trang với quân đội của Chúa Trịnh là hết sức sai lầm. Xuất phát từ nhận thức đó, Lê Duy Mật đã lặng lẽ rút lui về miền thượng du ở phía Tây Thanh Hóa và từng bước xây dựng căn cứ hoạt động cho mình tại đây.

Trong khoảng 2 năm (từ năm 1738-1740), Lê Duy Mật đã thực sự chung sống với nhân dân thượng du, có cơ hội để hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng cũng như những sở trường và sở đoản của họ. Đây là 2 năm đầu tiên nhưng cũng là 2 năm có ý nghĩa rất đặc biệt đối với Lê Duy Mật. Từ một người có địa vị cao sang trong hoàng tộc, ông đã đến với nhân dân, chịu sự cảm hóa mạnh mẽ của nhân dân để rồi dần dần trở thành một lãnh tụ thực sự của nhân dân. Nói khác hơn, tuy không phải xuất thân áo vải, nhưng, Lê Duy Mật cũng là một trong những thủ lĩnh xuất sắc của lực lượng nông dân áo vải trong cuộc đấu tranh xã hội quyết liệt đương thời.

Căn cứ đầu tiên của Lê Duy Mật ở Thanh Hóa là vùng huyện Thạnh Thành ngày nay. Tại đây, Lê Duy Mật đã cho xây dựng dinh lũy tại xã Ngọc Lâu. Ông xưng là Thiên Nam Đế Tử. Một guồng máy chỉ huy khởi nghĩa nhanh chóng được tổ chức và ngày càng được nâng cao. Thuận lợi đáng kể nhất của Lê Duy Mật lúc này là sự phân hóa và chia rẽ trong nội bộ Cung Vua và Phủ Chúa, sự sa đọa của Trịnh Giang và những cuộc vùng dậy của đồng bào các dân tộc ít người. Nhưng, cũng trong 2 năm đầu tiên, khó khăn của Lê Duy Mật là phải chống trả hàng loạt những cuộc tấn công đàn áp đẫm máu của quân đội Chúa Trịnh. Lúc này, các cuộc khởi nghĩa lớn do Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ và đặc biệt là do Nguyễn Hữu Cầu, Hoàng Công Chất và Nguyễn Danh Phương chỉ huy, hoặc chỉ vừa mới hình thành, hoặc đang trong thời kỳ chuẩn bị cho nên chưa thể góp phần phân tán sức mạnh quân sự của họ Trịnh, chưa thể “chia lửa” một cách tự nhiên đối với Lê Duy Mật.

Tháng 1 năm 1740, Trịnh Doanh đã khôn khéo thực hiện được cuộc phế truất Trịnh Giang và lên ngôi Chúa. Trịnh Giang tuy được tôn làm Thượng Vương nhưng kỳ thực đã bị mất hết mọi quyền hành. Về phần mình, ngay sau khi lên ngôi Chúa, Trịnh Doanh đã ra lệnh đàn áp một cách khốc liệt đối với mọi phong trào đấu tranh của nhân dân. Nhưng cũng đúng lúc Trịnh Doanh lên ngôi chúa, một loạt những cuộc khởi nghĩa lớn đã bùng nổ. Cơ hội để Lê Duy Mật tìm cách đẩy mạnh và mở rộng hoạt động đã hình thành. Và Lê Duy Mật cũng đã không bỏ qua cơ hội thuận lợi đó.

  • Bình tĩnh chống trả âm mưu kết hợp giữa tấn công với mua chuộc của Trịnh Doanh

Cuối tháng giêng năm 1740, từ căn cứ Ngọc Lâu, Lê Duy Mật cho quân tràn ra, tấn công dồn dập vào các đồn lũy của quân đội Chúa Trịnh ở hai huyện Phúc Lộc (tức là huyện Phúc Thọ, nay thuộc tỉnh Hà Tây) và Tiên Phong (tức là huyện Tân Phong, nay thuộc tỉnh Hà Tây). Khắp các địa phương của trấn Sơn Tây bị náo dộng. Trịnh Doanh vội vã trao cho Trần Đình Miên (tức là Trần Đình Cẩm, hiện chưa rõ lai lịch) chức Đốc lãnh Sơn Tây, cầm quân đi đánh dẹp. Trần Đình Miên cất quân chưa được bao lâu thì Trịnh Doanh lại sai tiếp quan giữ chức Bồi tụng là Nguyễn Bá Lân (1701-1786) (người làng Cổ Đô, huyện Tiên Phong, nay là thôn Cổ Đô, xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây, đỗ Tiến sĩ năm 1731) đem cả bộ binh lẫn tượng binh lên tiếp ứng. Dù quân số đã rất đông, Trần Đình Miên và Nguyễn Bá Lân vẫn tiếp tục chiêu mộ thêm binh sĩ, quyết dùng lực lượng áp đảo để đàn áp cho bằng được nghĩa binh của Lê Duy Mật. Trước tình thế khó khăn này, Lê Duy Mật liền cho lui quân về Thanh Hóa. Trần Đình Miên và Nguyễn Bá Lân cũng không dám cho quân mạo hiểm đuổi theo.

Tháng 5 năm 1740, một biến cố chính trị khá lớn nữa lại xảy ra trong kinh thành Thăng Long. Bấy giờ, Trịnh Doanh đã ép vua Lê Ý Tông (tên thật là Lê Duy Thận, con thứ 11 của vua Lê Dụ Tông. Lê Ý Tông ở ngôi 5 năm (1735-1740)) phải nhường ngôi cho cháu là Lê Duy Diêu (tức vua Lê Hiển Tông (1740-1786)) để lên làm Thái Thượng Hoàng. Sử cũ viết rằng:

“Lê Duy Diêu là con trưởng (của vua Lê Thuần Tông), lẽ ra đã được lập làm vua từ trước, nhưng vì có chú ruột là (Lê) Duy Mật dấy quân cho nên, Trịnh Giang ghét mà truất đi đã lâu, lại còn giam vào ngục cấm. Đến đây, Trịnh Doanh sai người bí mật dời Lê Duy Diêu đến ở tại nhà Bính Quận công Vũ Tất Thận (em của Vũ Thái phi, vợ Trịnh Cương). Vũ Tất Thận không hề được báo trước chuyện này, nhưng một hôm, ông nằm mơ thấy một người ra vẻ “kẻ cả” đến nhà, cờ quạt, âm nhạc... nghi trượng hệt như là thiên tử. Hôm sau thì thấy (Lê) Duy Diêu đến. (Vũ) Tất Thận bèn đem chuyện nằm mơ nói với (Trịnh) Doanh. (Trịnh) Doanh cũng muốn nhờ cậy ở phúc đức của (Lê) Duy Diêu, bèn bàn với các đại thần tôn lập (Lê Duy Diêu) làm vua. Xong, xin vua (Lê Ý Tông) nhường ngôi cho (Lê) Duy Diêu. Trong tờ chiếu nhường ngôi của Lê Ý Tông có đoạn:

- Nghĩ bọn gian ngoan và ngu tối đang quấy rối ở chốn biên cương (chỉ cuộc khởi nghĩa của Lê Duy Mật), nên muốn kinh kỳ được yên, bốn biển được tĩnh, mới theo lẽ chính đáng, suy tôn người đích trưởng, cốt sao kính trọng giềng mối chính thống và thuận theo lòng dân” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 38, tờ 31).

Đây thực chất là một âm mưu mua chuộc của Trịnh Doanh. Thông qua việc đưa Lê Duy Diêu lên ngôi, Trịnh Doanh hy vọng sẽ làm lung lay ý chí của Lê Duy Mật, bởi vì một khi ngôi đích trưởng của họ Lê đã được xác lập, ngọn cờ phù Lê của Lê Duy Mật sẽ thật khó mà vững vàng. Lê Duy Diêu là cháu gọi Lê Duy Mật bằng chú ruột, nếu Lê Duy Mật chấp thuận bỏ vũ khí trở về với triều đình, ắt hẳn đặc quyền đặc lợi của Lê Duy Mật cũng sẽ được bảo vệ. Tóm lại, biến cố tuy xảy ra trong hoàng thành nhưng mối liên hệ thì vươn đến tận biên cõi xa xôi. Khác với tính toán của chúa Trịnh Doanh, Lê Duy Mật nhận ra rất rõ rằng, đó bất quá chỉ là đòn phủ đầu thường thấy của các Chúa Trịnh đối với Vua Lê mỗi khi Nhà chúa muốn xác lập quyền uy lúc mới lên ngôi mà thôi. Và Lê Duy Diêu nhiều lắm thì cũng chỉ là con bài tội nghiệp của Chúa Trịnh, chẳng có thực lực hay quyền uy gì cả... 

  • Cuộc đụng độ với tướng Đặng Đình Mật ở Sơn Tây (9/1741)

Tháng 9 năm 1741, nghĩa là chẳng bao lâu sau các trận giáp chiến với Trần Đình Miên và Nguyễn Bá Lân, Lê Duy Mật lại táo bạo cho quân tấn công ra Bắc lần thứ hai. Lần này, nghĩa quân Lê Duy Mật men theo An Hóa (tên huyện, xưa thuộc phủ Thiên Quan, nay thuộc tỉnh Ninh Bình) và Phụng Hóa (tên huyện, xưa thuộc phủ Thiên Quan, nay thuộc tỉnh Ninh Bình), băng qua Mỹ Lương (tên huyện, huyện này xưa thuộc trấn Sơn Tây, nay thuộc Hà Nội) và Minh Nghĩa (tên huyện, huyện này xưa thuộc trấn Sơn Tây, nay thuộc Hà Nội) rồi đánh đến tận Hưng Hóa và Sơn Tây. Cuộc tấn công này khiến cho Trịnh Doanh rất lo ngại, vì vậy mới sai Đặng Đình Mật (người làng Lương Xá, huyện Chương Đức, nay thuộc huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ông là con của Huân Quận công Đặng Đình Gián và là cháu của Ứng Quận công Đặng Đình Tướng) là một trong những viên tướng thân tín nhất đem quân đi đàn áp. Sử cũ viết:

“Trịnh Doanh thấy (Đặng) Đình Mật là con nhà thuộc dòng dõi thế thần, vừa là chỗ thân thích lại cũng vừa là kẻ có công, nên muốn đãi ngộ hơn các tướng khác. (Trịnh Doanh) liền cho triệu (Đặng Đình Mật) đến, trao cho thanh kiếm vàng lại còn ban cho cả cờ mao và phủ việt (búa có sắc vàng, vua dùng khi đi đánh dẹp. Đây ban cho tướng là tỏ sự đặc biệt trọng vọng) của tướng quân. Đã thế, (Trịnh Doanh) còn chọn ngày làm lễ bái yết Cung Miếu (nơi thờ các Chúa Trịnh) rồi mới sai đi đánh. Trước đó, triều đình sai tướng đem quân đi đánh dẹp, chưa bao giờ cử hành lễ này” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 39, tờ 17).

Đặng Đình Mật được Trịnh Doanh trao quyền Thống lãnh, chỉ huy quân các đạo ở Thanh Hóa, An Sơn (tức Ninh Sơn hay Yên Sơn, tên một huyện thuộc trấn Sơn Tây xưa, nay thuộc Hà Nội), Mỹ Lương và Chương Đức (tên huyện, nay thuộc Hà Nội) trong trận đánh quan trọng này. Để tạo sự bất ngờ, nhân đêm tối, Đặng Đình Mật cho quân tấn công vào lực lượng của Lê Duy Mật. Nghĩa quân Lê Duy Mật, tuy có bị lúng túng trong cuộc giao tranh đầu tiên, nhưng ngay sau đó đã nhanh chóng tìm được phương pháp đánh trả thích hợp. Một trận đồ nghi binh và mai phục được hình thành. Đặng Đình Mật tuy đã cố gắng hết sức vẫn không sao có thể đè bẹp được nghĩa quân. Tuy nhiên, do tình thế chưa cho phép đẩy mạnh và mở rộng hơn nữa những trận đụng độ với các đạo quân của Đặng Đình Mật, Lê Duy Mật đã hạ lệnh rút lui về Văn Lãng (tên huyện, nay thuộc tỉnh Thái Nguyên), rồi từ Văn Lãng, tìm đường lui về với căn cứ Ngọc Lâu.

Khi phần lớn lực lượng của Lê Duy Mật đã trở về căn cứ Ngọc Lâu, tình hình Thanh Hóa ngày một trở nên căng thẳng. Trịnh Doanh cho rằng, muốn đàn áp được Lê Duy Mật, muốn làm dịu lòng dân ở miền đất đặc biệt này, trước hết phải biết khôn khéo tìm cách phủ dụ và trấn an. Xuất phát từ nhận định đó, Trịnh Doanh đã sai hai văn thần rất tin cậy là Lê Hữu Kiều (1691-1760) (người làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, nay là thôn Liêu Xá, xã Liêu Xá, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên, đỗ Tiến sĩ năm 1718. Ông là con út của Hoàng giáp Lê Hữu Danh, em của Tiến sĩ Lê Hữu Hỷ và Tiến sĩ Lê Hữu Mưu, chú của Tiến sĩ Lê Trọng Tín và Tiến sĩ Lê Hữu Dung) và Hà Tông Huân (1697-1766) (tức Hà Huân, người làng Kim Vực huyện Yên Định, nay thuộc huyện Thiệu Yên, tỉnh Thanh Hóa, đỗ Bảng nhãn năm 1724) đến Thanh Hóa. Bấy giờ, Lê Hữu Kiều đang giữ chức Bồi tụng trong Phủ Chúa được điều đến Thanh Hóa giữ chức Lưu thủ, còn Hà Tông Huân là Binh Bộ Thượng thư, quyền Tham tụng. Đưa một nhân vật quê Thanh Hóa, rất có danh vọng với đời như Hà Tông Huân về ngay chính đất Thanh Hóa để phủ dụ nhân dân, Trịnh Doanh hy vọng sẽ cô lập được Lê Duy Mật. Nhưng mưu sâu này của Trịnh Doanh cũng không thu được kết quả gì. Căn cứ Ngọc Lâm nhìn chung vẫn được giữ vững, đất Thanh Hóa vẫn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Lê Duy Mật. 

  • Trận Thịnh Mỹ (10/1742) và trận Kinh Lão (3/1749)

Trong khi Lê Hữu Kiều và Hà Tông Huân đang ra sức tìm cách để phủ dụ nhân dân Thanh Hóa thì Lê Duy Mật đã cho quân đánh vào Nghệ An. Nghĩa quân Lê Duy Mật chiếm được Cổ Nam (xưa thuộc châu Quy Hóa, nay là Quỳ Châu, Nghệ An) và nhanh chóng biến Cổ Nam thành một căn cứ mới của mình. Khoảng giữa năm 1742, Lê Duy Mật bất ngờ đưa quân tiến ra Lôi Dương (nay thuộc tỉnh Thanh Hóa), đánh bại quân đội của Chúa Trịnh đóng ở thành Bái Thượng (tên làng ở huyện Lôi Dương, nay thuộc tỉnh Thanh Hóa). Nhân đà thắng lợi, Lê Duy Mật còn định cho quân vượt đò Lương Giang (tức Ngu Giang, tên một chi lưu của sông Mã ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) để ra An Trường (tên làng ở huyện Thụy Nguyên, nay thuộc Thanh Hóa).

Tháng 10 năm 1742, Trịnh Doanh hạ lệnh cho Đặng Đình Mật phải gấp rút đem quân đi đánh trả. Hà Tông Huân và Nguyễn Nghiễm (người làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, nay thuộc Hà Tĩnh, đỗ Hoàng giáp năm 1731. Ông là cha của Tiến sĩ Nguyễn Khản và thi hào Nguyễn Du) cũng được điều đến để giúp sức cho Đặng Đình Mật. Đại binh của họ Trịnh do tướng Đặng Đình Mật cầm đầu đã đánh một trận khá lớn với nghĩa quân Lê Duy Mật tại Thịnh Mỹ (tên làng, làng này thuộc huyện Lôi Dương xưa, nay thuộc tỉnh Thanh Hóa). Với ưu thế áp đảo về quân số, Đặng Đình Mật quyết tiêu diệt hoàn toàn lực lượng của Lê Duy Mật ngay tại Thịnh Mỹ và các vị trí khác thuộc huyện Lôi Dương. Rất tiếc là viên tướng khét tiếng mưu dũng hơn người này đã không thể nào thực hiện được tham vọng đó. Lê Duy Mật vừa tổ chức đánh trả một cách ngoan cường, vừa khôn khéo tìm cách bố trí lui quân để bảo toàn lực lượng. Khi Đặng Đình Mật vào được Thịnh Mỹ thì nghĩa quân Lê Duy Mật đã rút về Lang Chánh (tên châu, nay thuộc Thanh Hóa).

Tại Lang Chánh, Lê Duy Mật vừa xây căn cứ mới, vừa tổ chức cho quân khai khẩn đất hoang, sản xuất và tích trữ lương thực, đồng thời, không ngừng chiêu mộ thêm lực lượng. Sau 7 năm (1742-1749), sức mạnh của nghĩa quân chẳng những đã được hồi phục mà còn phát triển hơn trước. Lang Chánh trở thành đầu não của nghĩa quân trong một thời gian khá dài.

Tháng 3 năm 1749, từ Lang Chánh, Lê Duy Mật đã cho quân bất ngờ vượt đường xa, đánh thẳng vào Kinh Lão (tên làng, làng này thuộc huyện Mỹ Lương xưa, nay thuộc Hà Nội). Đây là một vị trí cách kinh thành Thăng Long không xa, vì thế Trịnh Doanh rất lo lắng. Đã vậy, phối hợp chặt chẽ với Lê Duy Mật, đạo quân do thủ lĩnh Tương (Tham khảo thêm Bốn phương rầm rộ khởi binh thuộc phần I - Đàng ngoài ở đầu thế kỷ XVIII.-Danh tướng Việt Nam - Tập 3 / Nguyễn Khắc Thuần.-H.: Giáo dục, 2005) chỉ huy cũng tình nguyện đánh mạnh vào Kiệt Sơn (tên làng, làng này thuộc huyện Mỹ Lương xưa, nay thuộc Hà Nội) nhằm tạo ra thế thanh viện lẫn nhau, không dễ gì đàn áp được. Trước tình hình nguy cấp đó, Trịnh Doanh đã có hai quyết định quan trọng. Một là sai Văn Đình Ức (người làng Lạc Phố, huyện Hương Sơn. Nay đất này thuộc địa phận tỉnh Hà Tĩnh. Văn Đình Ức đỗ Tạo sĩ (Tiến sĩ võ) và Mai Thế Chuẩn (1703-1761) (người làng Thạch Tuyền, huyện Nga Sơn, nay thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, đỗ Tiến sĩ năm 1731. Ông làm quan văn được phong tới Hữu Thị lang, sau chuyển sang ngạch quan võ, được phong tới Hữu Hiệu điểm, quyền Phủ sự) đem quân đánh chặn bước tiến của Lê Duy Mật và thủ lĩnh Tương. Hai là mật sai Lân Trung Hầu (hiện chưa rõ họ tên và lai lịch) đem quân vào Thanh Hóa, đánh ồ ạt vào căn cứ của Lê Duy Mật. Văn Đình Ức và Mai Thế Chuẩn đánh trả rất quyết liệt nhưng vẫn không thu được thắng lợi nào đáng kể. Lân Trung Hầu dốc sức đánh vào Ngọc Lâu. Lúc này, Ngọc Lâu không còn là căn cứ đầu não nữa, nhưng cuộc tấn công vào Ngọc Lâu quả thật là một đòn rất hiểm của Trịnh Doanh. Tin cáo cấp đưa ra, Lê Duy Mật buộc phải đình chỉ cuộc tấn công để kéo quân về Thanh Hóa. 

  • Đánh Quỳ Châu và Trà Long (5/1763), tướng giữ chức Đốc suất ở trấn Nghệ An là Văn Đình Ức thua trận và bị Trịnh Doanh lột hết chức tước

Sau trận đụng độ với Lê Duy Mật ở Kinh Lão, tướng Văn Đình Ức được bổ làm Đốc suất ở trấn Nghệ An. Văn Đình Ức là một kẻ tham lam, “bòn rút của dân, chính lệnh hà khắc, lại còn hay nhũng nhiễu dân lành, bị thuộc hạ nhiều phen tố cáo” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 42, tờ 16). Suốt thời gian giữ chức Đốc suất ở Nghệ An, ngoài việc bòn rút và vơ vét của dân, Văn Đình Ức hầu như không làm được bất cứ một việc gì. Nhân lòng căm giận của dân, đầu tháng 5 năm 1763, Lê Duy Mật cho quân đánh vào Trấn Ninh (nguyên là đất Bồn Man, vua Lê Thánh Tông đổi làm phủ, quản lĩnh 7 huyện. Đại để, phủ này tương ứng với vùng phía Tây của Nghệ An) và Cao Châu (tức Trịnh Cao là một huyện của phủ Ngọc Ma, nay phủ này thuộc Nghệ An). Thấy tình hình nguy cấp, viên tù trưởng của Trấn Ninh là Lư Cầm sai người đi cấp báo cho Văn Đình Ức. Thay vì đem quân đến Trấn Ninh, Văn Đình Ức đã bắt giam người của Lư Cầm!

Trấn Ninh và Cao Châu nhanh chóng bị nghĩa quân Lê Duy Mật khống chế và kiểm soát. Tướng dưới quyền của Văn Đình Ức là Võ Tá Đoan (người làng Hà Hoàng, huyện Thạch Hà, nay thuộc xã Thạch Môn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) xin xuất quân mãi mà không được, bèn dâng thư tố cáo Văn Đình Ức về triều đình. Trong khi đó, Lê Duy Mật cũng không bỏ qua cơ hội hiếm hoi, tung quân đánh vào Quỳ Châu (tên phủ, nay thuộc tỉnh Nghệ An) và Trà Long (tức là Trà Lân, sau đổi là Tương Dương. Phủ này nay thuộc tỉnh Nghệ An). Lần này, Văn Đình Ức mới quyết định đưa quân đi đánh trả, nhưng tất cả đã muộn màng. Những vị trí then chốt ở Quỳ Châu và Trà Long đều đã bị nghĩa quân Lê Duy Mật chiếm lĩnh. Văn Đình Ức thua trận, bị đem ra xét xử. Triều đình đương thời luận tội rằng: “Văn Đình Ức dối trên lừa dưới, phải khép vào án tử hình, nhưng Trịnh Doanh lấy cớ rằng Văn Đình Ức là người từng có công lao, cho nên, chỉ lột hết quan chức, cho về làm dân” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 42, tờ 17).

Sau trận đánh quan trọng này, Lê Duy Mật biến toàn bộ những vùng đất mới chiếm được ở Nghệ An thành căn cứ mới của mình. Đại bản doanh của Lê Duy Mật đặt tại động Trình Quang (thuộc phủ Trấn Ninh, nay thuộc tỉnh Nghệ An). Bao quanh đại bản doanh Trình Quang là Nội Phủ và Ngoại Phủ (tức là những cơ quan trực thuộc của Lê Duy Mật). Án ngữ phía ngoài Nội Phủ và Ngoại Phủ là cả một hệ thống đồn lũy. Sử cũ cho biết có tất cả 16 đồn lũy với đầy đủ thành cao, hào sâu, đài quan sát và điếm canh từ xa để bảo vệ một cách cẩn thận (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 42, tờ 22). Từ đây, hàng loạt những cuộc tấn công xuống đồng bằng Nghệ An và đồng bằng Thanh Hóa liên tiếp được tổ chức.

Trịnh Doanh vội vã bổ dụng Bùi Thế Đạt (người làng Tiên Lý, huyện Đông Thành, nay thuộc tỉnh Nghệ An) nắm giữ các việc ở Nghệ An, kiêm giữ chức Đốc suất, “được tùy ý lo xếp đặt mọi việc” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 42, tờ 17). Tháng 7 năm 1764, Trịnh Doanh lại bổ dụng viên hoạn quan thân tín là Đàm Xuân Vực (người làng Tương Trúc, huyện Thanh Trì, nay thuộc Hà Nội. Bấy giờ, có rất nhiều người vốn dĩ là hoạn quan nhưng được chuyển sang ngạch quan võ) làm Thống suất cả hai trấn Thanh Hóa và Nghệ An. Nhưng thêm Bùi Thế Đạt rồi thêm cả Đàm Xuân Vực, tình hình Thanh Hóa và Nghệ An vẫn không thay đổi. Nghĩa quân Lê Duy Mật vẫn tồn tại và hoạt động rất mạnh mẽ.

  • Trận Hương Sơn (4-1767)

Khi Lê Duy Mật đang chiếm được nhiều vùng đất rộng lớn của Thanh Hóa và Nghệ An thì ở Thăng Long, Chúa Trịnh Doanh qua đời (Trịnh Doanh mất vào tháng 1 năm Đinh Hợi (1767) sau 27 năm ở ngôi Chúa (1740-1767). Tin này truyền đến Trình Quang khiến cho Lê Duy Mật và toàn thể lực lượng của ông rất hồ hởi. Một kế hoạch tấn công cấp tốc được thông qua. Lần này, Lê Duy Mật chủ trương kết hợp giữa việc mở rộng phạm vi ảnh hưởng ở vùng đồng bằng Nghệ An với việc đánh mạnh xuống khu vực phía nam sông Lam.

Ở Nghệ An, mục tiêu chính của Lê Duy Mật là đất Thanh Chương (trước đó có tên là Thổ Du, nay thuộc tỉnh Nghệ An). Ở phía nam sông Lam, mục tiêu chính của Lê Duy Mật là đất Hương Sơn (trước đó còn có tên là Đỗ Gia, nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh). Ngoài lực lượng chủ yếu là bộ binh, khá nhiều voi chiến cũng được huy động vào cuộc tấn công bất ngờ này. Tháng 4 năm 1767, quân Lê Duy Mật đồng loạt ra trận. Tướng chỉ huy quân đồn trú của họ Trịnh tại Nghệ An là Hà Lãm (võ tướng, hiện nay chưa rõ lai lịch) không sao chống đỡ nổi, liền bỏ chạy thục mạng. Tại phía nam sông Lam, nghĩa quân Lê Duy Mật cũng nhanh chóng chiếm được Hương Sơn. Tin thua trận liên tục truyền về Thăng Long, chúa mới lên nối nghiệp là Trịnh Sâm (con của Trịnh Doanh, nối nghiệp Chúa từ tháng 1 năm Đinh Hợi (1767), ở ngôi Chúa được tất cả 15 năm (1767-1782) rất lo lắng.

Để cứu nguy, Trịnh Sâm liền sai Nguyễn Nghiễm đến Nghệ An, giữ chức Hiệp Đốc suất, cùng với quan giữ chức Đốc suất đã có mặt ở Nghệ An trước đó là Bùi Thế Đạt để cùng nhau bàn định kế sách đánh dẹp. Bùi Thế Đạt và Nguyễn Nghiễm vừa dốc hết lực lượng, vừa cưỡng bức dân đi lính và làm dân phu, vất vả trong một thời gian khá dài mới tạm đẩy lùi được các đạo quân của Lê Duy Mật. Nghĩa quân rút về Trấn Ninh, tiếp tục chiếm đóng và khống chế Trấn Ninh, Cao Châu, Quỳ Châu và Trà Long như cũ.

  • Bị con rể là Lại Thế Thiều phản phúc, anh hùng ôm hận tự thiêu (1/1770)

Tại Trình Quang, thanh thế của Lê Duy Mật ngày một lên cao. Ảnh hưởng của nghĩa binh Lê Duy Mật không phải chỉ dừng lại ở Nghệ An và Thanh Hóa mà còn lan sang tận cả đất Lào. Một khối đoàn kết chống tập đoàn họ Trịnh ngày càng được mở rộng và củng cố. Điều này khiến cho Chúa mới nối nghiệp Trịnh Sâm rất tức tối. Tháng 8 năm Kỷ Sửu (1769), Trịnh Sâm sai viên quan lúc ấy đang giữ chức Tham nghị ở Nghệ An là Nguyễn Mậu Dĩnh (lai lịch hiện chưa rõ) đem thư tới phủ dụ, nhưng Nguyễn Mậu Dĩnh không được vào Trình Quang. Trước tình thế đó, Trịnh Sâm quyết chí dùng đại binh để đàn áp. Kế hoạch của Trịnh Sâm là đồng thời đưa cả ba đạo quân lớn, nhất loạt đánh vào Trấn Ninh mà mục tiêu quan trọng nhất ở Trấn Ninh là thành Trình Quang. Ba đạo quân đó gồm có:

  1. Đạo thứ nhất là tất cả quân sĩ Nghệ An, đặt dưới quyền chỉ huy chung của Thống lãnh Bùi Thế Đạt.
  2. Đạo thứ hai bao hàm tất cả quân sĩ ở Thanh Hóa, do Nguyễn Phan (người làng Hà Dương, huyện Hoằng Hóa, nay thuộc tỉnh Thanh Hóa) cầm đầu.
  3. Đạo thứ ba gồm toàn bộ quân sĩ ở Hưng Hóa, do Đốc lãnh Hoàng Đình Thể (người làng Hà Thượng, huyện Hậu Lộc, nay thuộc tỉnh Thanh Hóa. Ông đỗ Tạo sĩ (Tiến sĩ võ) điều khiển.

Nghe tin đại binh của họ Trịnh kéo đến, Lê Duy Mật đã bình tĩnh bố trí trận địa, sẵn sàng đánh trả. Ba đạo quân lớn, vũ khí đầy đủ, lương thực dồi dào, nhưng phải đánh mãi từ tháng 8 năm 1769 đến tháng 1 năm 1770 mới tiến đến được ở phía ngoài của Ngoại Phủ Trình Quang mà thôi.

Trình Quang là một vị trí rất hiểm yếu. Ngoài 16 đồn lũy bảo vệ rất chắc chắn cho Ngoại Phủ và Nội Phủ, ngoài thành cao, hào sâu được xây dựng rất kiên cố, nơi đây còn có vách núi cheo leo, không dễ gì vượt qua được. Bấy giờ, Lê Duy Mật chủ trương cố thủ trong thành, không vội động binh. Các tướng của Chúa Trịnh sợ mắc mưu của Lê Duy Mật nên cũng không dám tiến.

Thấy đại quân bị sa lầy, Trịnh Sâm vội điều thêm tướng Hoàng Ngũ Phúc (người làng Phụng Công, huyện Yên Dũng, nay thuộc tỉnh Bắc Giang, xuất thân là hoạn quan) tới Nghệ An. Hoàng Ngũ Phúc không vội đem quân đi đánh mà sai người bắt và tìm cách dụ hàng mẹ của Lại Thế Thiều (người làng Quang Lãng, huyện Tống Sơn, nay thuộc Thanh Hóa. Hiện chưa rõ Lại Thế Thiều đến với Lê Duy Mật rồi trở thành tướng và con rể của Lê Duy Mật từ lúc nào). Đối với Lê Duy Mật, Lại Thế Thiều vừa là tướng tâm phúc, lại cũng vừa là con rể, cho nên rất được tin cậy. Biết rõ điều ấy, Hoàng Ngũ Phúc đã kết hợp giữa hù dọa với dụ dỗ và mua chuộc để mẹ của Lại Thế Thiều chịu viết thư cho con, xúi giục Lại Thế Thiều chống Lê Duy Mật, làm nội ứng cho quân sĩ họ Trịnh. Và, Lại Thế Thiều đã đồng ý. Sử cũ chép rằng:

“Lại Thế Thiều là con rể của (Lê) Duy Mật. Khi nhận được thư của mẹ, hắn bỗng hóa thành kẻ ăn ở hai lòng, ngầm sai đồ đảng là Lê Văn Bản (người làng Xuân Dương, huyện Yên Khánh, nay thuộc tỉnh Ninh Bình) mở cửa thành cho quan quân (chỉ quân đội họ Trịnh - NKT) tiến vào. Khi quan quân đã vào rồi, hắn bèn cho dựng thang trèo lên cao mà bắn. Lê Duy Mật biết rõ biến loạn đã bắt đầu ngay từ trong nhà mình, vì thế, tụ tập hết vợ con lại rồi phóng lửa đốt mà tự thiêu” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 43, tờ 28). 

Cuộc khởi nghĩa do Lê Duy Mật phát động và lãnh đạo, sau hơn 30 năm chiến đấu anh dũng và ngoan cường, đến đó đã bị đè bẹp. Tuy xuất thân không phải là nông dân áo vải, nhưng, trải hơn 30 năm đồng cam cộng khổ với nhân dân bị đọa đày dần dần, Lê Duy Mật đã thực sự trở thành một trong những thủ lĩnh xuất sắc của phong trào chiến tranh nông dân thế kỷ thứ XVIII. Cuộc trường chinh chống tập đoàn họ Trịnh đã biến Lê Duy Mật từ một nhân vật bình thường của hoàng tộc nhà Lê thành một bậc danh tướng, thành một trong những biểu tượng của khí phách hiên ngang. 

Nguồn: Danh tướng Việt Nam - Tập 3 / Nguyễn Khắc Thuần.-H.: Giáo dục, 2005.

Print Print E-mail Print