VietnamDefence -
“Ngọc tốt giấu kín nơi sâu, / Rồng thần lặn không kẻ thấy. / Chờ khi người biết đến mình, / Chí lớn nọ đem ra vùng vẫy. / Giúp tám cực mà chuyển xoay, / Vỗ chín cõi yên rường mối” - Ngô Thì Nhậm (Mộng Thiên Thai phú. Lời dịch của Ngô Linh Ngọc. Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm, tập 2.-H.: KHXH, Hà Nội, 1978.-Tr.41)
Ngô Thì Nhậm sinh ngày 11 tháng 9 năm Bính Dần (1746) tại làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, nay là thôn Tả Thanh Oai, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì (Hà Nội). Ông là con trai của Hoàng giáp Ngô Thì Sĩ (1725-1780).
TIỂU DẪN |
Cơn bão quật khởi của phong trào Tây Sơn đã thực sự tạo nên sức mạnh rung trời chuyển đất. Sức mạnh vĩ đại đó đã cuốn hút sự tham gia của hàng chục vạn nông dân khắp cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài. Sức mạnh vĩ đại đó đã lần lượt đè bẹp tất cả thù trong lẫn giặc ngoài, làm rạng rỡ truyền thống ngoan cường và bất khuất của tổ tiên ta. Và cũng chính sức mạnh vĩ đại đó đã có tác dụng phân hóa sâu sắc đối với đội ngũ giai cấp phong kiến thống trị đương thời. Không ít sĩ phu yêu nước và thức thời đã hiên ngang đứng hẳn về phía Tây Sơn, có nhiều cống hiến lớn lao đối với Tây Sơn, cũng là cống hiến lớn lao cho lịch sử dân tộc. Tuy đến với Tây Sơn sớm muộn có khác nhau và tuy mức độ cống hiến cũng không đồng nhất, nhưng, hình ảnh của tất cả những sĩ phu yêu nước và thức thời ấy đều được sử sách ghi lại một cách rất trân trọng. Ba gương mặt tiêu biểu của những sĩ phu yêu nước và thức thời này là Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích và Nguyễn Thiếp. Ba nhân vật đặc biệt này tuy chưa bao giờ trực tiếp cầm quân xông pha trận mạc, nhưng, với tầm nhìn và phép ứng xử tuyệt vời của mình, họ đã có ảnh hưởng rất quan trọng đối với hoạt động và thắng lợi chung của phong trào Tây Sơn.
|
Thuở thiếu thời, Ngô Thì Nhậm được ông nội là Ngô Trân nuôi dạy. Khi ông nội qua đời, Ngô Thì Nhậm được cha là Ngô Thì Sĩ trực tiếp kèm cặp. Vốn hiếu học lại thông minh, Ngô Thì Nhậm tiến tới rất nhanh. Năm mới 16 tuổi, được cha tận tình dìu dắt, Ngô Thì Nhậm đã hoàn tất tác phẩm đầu đời của mình là Nhị thập tứ sử toát yếu (Sách này nay đã thất truyền). Năm 1765 (năm 19 tuổi), Ngô Thì Nhậm đỗ Giải Nguyên (đỗ đầu ở trường thi Hương) và năm sau (năm 1766, năm tròn 20 tuổi), Ngô Thì Nhậm đã hoàn tất cuốn sách thứ hai của ông: Tứ gia thuyết phả (Sách này nay đã thất truyền). Trong đội ngũ các bậc danh nho thuở trước, đỗ đạt sớm như Ngô Thì Nhậm vốn dĩ đã rất ít, để chí lập ngôn sớm như Ngô Thì Nhậm lại càng ít hơn.
Năm 1769 (năm 23 tuổi), Ngô Thì Nhậm đỗ trong khoa Sĩ vọng, nhờ đó, được bổ làm Hiến sát sứ ở Hải Dương, hưởng chức hàm Chánh thất phẩm (Quan lại xưa được chia làm 9 phẩm cấp, mỗi phẩm cấp lại còn được chia làm 2 bậc cao thấp khác nhau là Chánh và Tòng, cộng là 18 bậc. Như vậy, Ngô Thì Nhậm thuộc bậc 13/18). Ông chính thức bước vào hoạn lộ kể từ đó. Năm 1771 (năm 25 tuổi), do cha là Ngô Thì Sĩ bị Hoàng Ngũ Phúc vu oan và bị Chúa Trịnh Sâm (1767-1782) cách chức, Ngô Thì Nhậm xin từ quan để trở về quê. Năm 1772 (năm 26 tuổi), Ngô Thì Nhậm dự kỳ khảo thí ở Quốc Tử Giám và đỗ hạng ưu. Cũng vào năm này, ông hoàn tất cuốn Hải Đông chí lược. Trong Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú (1782-1840) cho hay, sách này gồm 4 quyển, “chép về núi sông, phong tục và nhân vật cùng các lệ thuế và số đinh suất của xứ Hải Dương khá rõ ràng” (Văn tịch chí (Loại truyện kí)). Năm 1775 (năm 29 tuổi), Ngô Thì Nhậm đỗ Tiến sĩ (Khoa này chỉ lấy đỗ cao nhất là Tiến sĩ, tổng cộng có 18 người đỗ, Ngô Thì Nhậm đỗ thứ năm. Em rể của ông là Phan Huy Ích (1751-1822) cũng đỗ trong khoa này) và sau đó được bổ làm Hộ khoa Cấp sự trung. Năm 1776 (năm tròn 30 tuổi), ông được thăng làm Giám sát Ngự sử rồi Đốc đồng Kinh Bắc (vùng tương ứng với Bắc Ninh và Bắc Giang ngày nay). Năm 1778 (năm 32 tuổi), ông được kiêm luôn cả Đốc đồng Thái Nguyên. Bấy giờ, Ngô Thì Sĩ cũng đang làm Đốc đồng Lạng Sơn, thật đúng là:
"Nhất gia binh tượng liên tam trấn,
Vạn lý phong cương khống nhị thùy"
(Ngô Thì Nhậm. Hạ tôn thiều phó hùng trấn
(tức Mừng cha đi trấn giữ ở trấn quan trọng)).
Nghĩa là:
"Một nhà chỉ huy cả ba trấn
Muôn dặm trông coi bờ cõi hai biên thùy"
Cũng trong thời gian làm Đốc đồng Kinh Bắc kiêm Đốc đồng Thái Nguyên, Ngô Thì Nhậm đã viết Thánh triều hội giám (Sách này nay đã thất truyền).
|
Ngô Thì Nhậm |
Năm 1780 (năm 34 tuổi), trong chỗ đẩy đưa không ngờ của thế cuộc, bỗng dưng, Ngô Thì Nhậm phải mang tiếng xấu với đời. Chuyện này mỗi sách chép một kiểu, tuy nhiên, tổng hợp và phân tích những tài liệu tin cậy nhất, chúng ta có thể tóm lược như sau:
Trước đó, chúa Trịnh Sâm đã lập con trưởng là Trịnh Khải (tức Trịnh Tông (mẹ người họ Dương, sinh năm 1763, sau làm Chúa 4 năm (1782-1786)) làm Thế tử, nhưng rồi đến tháng 9 năm 1780, do quá si mê với Tuyên phi Đặng Thị Huệ (tức Bà Chúa Chè vì bà vốn người làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, nay thuộc tỉnh Bắc Ninh, mà làng này lại có tục danh là làng Chè), Trịnh Sâm đã truất ngôi Thế tử của Trịnh Khải và lập con trai thứ do Đặng Thị Huệ sinh hạ là Trịnh Cán (lúc này còn rất nhỏ) lên thay.
Trịnh Khải tức giận, liền cùng với quan giữ chức Trấn thủ ở Sơn Tây là Nguyễn Khản và quan giữ chức Trấn thủ ở Kinh Bắc là Nguyễn Khắc Tuân (con nuôi của Nguyễn Phương Đĩnh, xuất thân võ quan, trước đó từng có mối quan hệ khá thân mật với Trịnh Khải), bàn mưu chuẩn bị lực lượng để chờ khi Trịnh Sâm qua đời (Lúc này, Trịnh Sâm đang lâm bệnh nặng) là giết Quận Huy (tức Huy Quận công Hoàng Đình Bảo, còn có tên khác là Hoàng Tố Lý. Ông người làng Phụng Công, huyện Yên Dũng, nay thuộc tỉnh Bắc Giang. Quận Huy là cháu của Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc, xuất thân là quan võ. Lúc này, Quận Huy và Đặng Thị Huệ có mối quan hệ rất gắn bó với nhau. Sau Quận Huy bị kiêu binh giết chết), bắt Đặng Thị Huệ và Trịnh Cán rồi giành lấy ngôi chúa cho Trịnh Khải.
Biết chuyện, Ngô Thì Nhậm đã có lời can ngăn, nhưng, việc chưa đâu vào đâu thì Ngô Thì Sĩ qua đời, ông phải về nhà chịu tang cha. Và cũng đúng lúc ấy, cơ mưu của Trịnh Khải bị bại lộ, Trịnh Sâm hạ lệnh bắt giam Trịnh Khải, đồng thời, xử tội rất nặng một loạt đại thần: giết chết Đàm Xuân Thụ (hiện chưa rõ lai lịch, chỉ biết đó là người rất được Trịnh Khải tin cậy), bắt giam Nguyễn Khản, Nguyễn Khắc Tuân, Nguyễn Phương Đĩnh (cha nuôi của Nguyễn Khắc Tuân, Trấn thủ Kinh Bắc. Lúc này, Nguyễn Phương Đĩnh được chúa Trịnh là Trịnh Sâm giao việc nuôi dạy Trịnh Khải) và Chu Xuân Hán (hoạn quan, người huyện Chương Đức, nay thuộc huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây). Sau Trịnh Sâm cho là Nguyễn Phương Đĩnh nuôi dạy Trịnh Khải mà không làm được công trạng gì, bèn lột hết chức tước rồi đuổi về quê (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 45, tờ 22 ). Trong ngục tối, Nguyễn Khắc Tuân và Chu Xuân Hán đã vì uất ức mà uống thuốc độc tự tử (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 45, tờ 22 ), riêng Nguyễn Khản thì khi Trịnh Khải lên ngôi Chúa liền được tha và đến tháng 7 năm 1783 lại được thăng làm Lại bộ Thượng thư, quyền Tham tụng.
Bấy giờ, Huy Quận công Hoàng Đình Bảo vốn có tư thù với Ngô Thì Nhậm, bèn tìm mọi cách để xin cho Ngô Thì Nhậm được làm Công bộ Hữu Thị lang, tạo cớ cho thiên hạ phao tin rằng Ngô Thì Nhậm là “sát tứ phụ nhi Thị lang” nghĩa là giết bốn người cha để làm Thị lang (4 người cha đó, có sách nói là Trịnh Khải (quân phụ), Ngô Thì Sĩ (thân phụ), Nguyễn Khắc Tuân và Chu Xuân Hán (phụ chấp: bạn của cha). Tuy nhiên, cũng có sách nói là Ngô Thì Sĩ (thân phụ), Nguyễn Khản, Nguyễn Khắc Tuân và Chu Xuân Hán (phụ chấp)). Ngô Thì Nhậm biết là sự chẳng lành sẽ đến nên cố từ chối, nhưng gia đình lại có người bàn rằng, cần phải mềm dẻo mới mong tránh được những sự thù oán tiếp theo, vì thế, Ngô Thì Nhậm buộc phải nhận chức, nhưng lấy cớ là đang chịu tang cha cho nên không dâng biểu tạ ơn (Ngô gia văn phái. Hoàng Lê nhất thống chí, Hồi thứ nhất).
Sự kiện trên xảy ra vào năm 1780, năm Canh Tý, vì thế, sử thường gọi đó là vụ án năm Canh Tý. Trong vụ án này, Ngô Thì Nhậm là người vô tội. Lúc đầu, ông có ý định can ngăn đối với những người ủng hộ mưu đồ của Trịnh Khải, nhưng, việc chưa tiến hành thì ông đã phải về chịu tang cha. Việc Ngô Thì Sĩ qua đời lúc ấy chỉ hoàn toàn là tình cờ, không phải là bởi uất ức vì chuyện Ngô Thì Nhậm phát giác mưu mô của những người ủng hộ Trịnh Khải (trong đó có mình) như một vài tài liệu đã viết.
Năm 1782 (năm 36 tuổi), do những biến cố dồn dập trong Phủ Chúa, Ngô Thì Nhậm phải về quê vợ ở một thời gian khá dài. Năm đó, Trịnh Sâm qua đời, chưa được bao lâu thì kiêu binh nổi lên, phế Trịnh Cán (con thứ của Trịnh Sâm do bà Đặng Thị Huệ sinh hạ. Tháng 10 năm 1781, Trịnh Cán được lập làm Thế tử và tháng 9 năm 1782 thì được lập làm Chúa. Tháng 10 năm 1782, Trịnh Cán bị phế truất và mất vào cuối năm 1782 vì bệnh), giết Huy Quận công và tôn lập Trịnh Khải lên ngôi Chúa. Ngay khi vừa được tôn lên ngôi Chúa, Trịnh Khải đã tìm đủ mọi cách để báo ân báo oán. Nhân cơ hội đó, có kẻ đề nghị Trịnh Khải bắt Ngô Thì Nhậm nhưng Trịnh Khải không trả lời. Ngô Thì Nhậm thấy thật khó mà được bình an, bèn trốn về quê vợ (ở Vũ Thư, Thái Bình) như đã nói ở trên.
Năm 1786 (năm 40 tuổi), Ngô Thì Nhậm được chứng kiến tận mắt biến cố lớn lao của lịch sử nước nhà: quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy đã tiến thẳng ra Thăng Long, tiêu diệt họ Trịnh, tôn phù nhà Lê. Chỉ với một cuộc tấn công chớp nhoáng, Nguyễn Huệ đã đập tan toàn bộ lực lượng của họ Trịnh (Trịnh Khải chạy trốn nhưng sau đó bị bắt nạp cho Tây Sơn. Dọc đường bị áp giải, Trịnh Khải đã tự tử), dựng lại cơ đồ của họ Lê vốn dĩ đã đổ nát trước đó hàng trăm năm. Chính biến cố này đã có ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến nhận thức của Ngô Thì Nhậm. Ông đã âm thầm theo dõi với tất cả thiện chí của mình.
Năm 1788 (năm 42 tuổi), hưởng ứng lời cầu hiền của Nguyễn Huệ, cùng với một số cựu thần khoa bảng khác như Phan Huy Ích, Nguyễn Thế Lịch..., Ngô Thì Nhậm đã ra nhận chức với chính quyền Tây Sơn, ông được phong làm Lại bộ Tả Thị lang, tước Tình Phái hầu, được cùng với một trọng thần của Tây Sơn là Võ Văn Ước trông coi mọi việc quan hệ đến quan lại của nhà Lê.
Cứ như ghi chép của sử cũ thì cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Ngô Thì Nhậm với Võ Văn Ước cũng có một giai thoại khá đặc biệt. Chuyện kể rằng, người đến sớm nhất trong ngày quan lại nhà Lê yết kiến Nguyễn Huệ là Ngô Thì Nhậm. Hôm ấy, Võ Văn Ước được Nguyễn Huệ giao trách nhiệm tổ chức đón tiếp. Thấy Ngô Thì Nhậm, Võ Văn Ước cứ tưởng là Sùng Nhượng công Lê Duy Cẩn, vì thế, vội vã mời lên ngồi ngang hàng với mình. Một lúc sau, quan lại nhà Lê lục tục kéo đến và tề tựu ở ngay dưới sân. Không còn cách nào hơn, Ngô Thì Nhậm đành đứng dậy và lặng lẽ đi ra nơi khác, bấy giờ, Võ Văn Ước mới biết rằng đó không phải là Sùng Nhượng công Lê Duy Cẩn mà là Ngô Thì Nhậm! Giận vì cho là Ngô Thì Nhậm vô lễ, lập tức, Võ Văn Ước sai người đi bắt. Ngô Thì Nhậm bèn chạy đến tìm gặp Trần Văn Kỷ nhờ giúp đỡ. Trần Văn Kỷ từng ra Thăng Long dự thi Hội (nhưng không đỗ), từng được gặp và do đó rất phục tài của Ngô Thì Nhậm. Lúc này, Trần Văn Kỷ đang được Nguyễn Huệ trọng dụng, cho nên Ngô Thì Nhậm rất tin là có thể che chở cho mình được. Gặp Trần Văn Kỷ, Ngô Thì Nhậm được thông báo rằng, chính Nguyễn Huệ cũng đã biết tiếng của Ngô Thì Nhậm, tin là có thể giao cho Ngô Thì Nhậm trọng trách của chính quyền mới, vì thế, đã giao cho Trần Văn Kỷ đi tìm Ngô Thì Nhậm. Ngay lập tức, Trần Văn Kỷ dẫn Ngô Thì Nhậm vào yết kiến Nguyễn Huệ. Đó là một cuộc gặp gỡ cảm động và tương đắc giữa đấng anh hùng cái thế là Nguyễn Huệ với bậc văn tài xuất chúng là Ngô Thì Nhậm. Và Nguyễn Huệ đã phong chức ban tước cho Ngô Thì Nhậm như đã nói ở trên.
Chỉ ít ngày sau đó, Nguyễn Huệ trở lại Phú Xuân. Để cai quản lực lượng của mình ở Bắc Hà, đồng thời, để phòng mọi bất trắc có thể xảy ra, Nguyễn Huệ đã thành lập một Bộ chỉ huy Tây Sơn đặt đại bản dinh ngay tại Thăng Long. Bộ chỉ huy này do Đại Tư mã Ngô Văn Sở đứng đầu và sát cánh với Ngô Văn Sở là một số tướng lĩnh như Phan Văn Lân, Võ Văn Dũng, Nguyễn Văn Tuyết... Ngoài ra, nhiều văn thần cũ của nhà Lê, trong đó có Ngô Thì Nhậm, cũng được Nguyễn Huệ tin cậy cho tham gia vào Bộ chỉ huy. Trước khi rời Thăng Long, Nguyễn Huệ đã ân cần dặn dò:
"(Ngô Văn) Sở, (Phan Văn) Lân là nanh vuốt của ta, (Võ Văn) Dũng và Ngôn (chưa rõ họ - NKT) là tâm phúc của ta, còn (Ngô Thì) Nhậm là bề tôi mới của ta. Ngày nay, ta giao việc quân quốc của 11 trấn Bắc Hà cho các ngươi, vì thế, các ngươi phải lo toan liệu mà làm việc. Điều gì cần bàn thì phải họp bàn với nhau, chớ có phân biệt người mới với người cũ. Lòng ta chỉ mong như vậy mà thôi" (Đại Nam chính biên liệt truyện, Sơ tập, quyển 30).
Lời ấy là lời thực sự tin cậy của Nguyễn Huệ đối với Ngô Thì Nhậm và Ngô Thì Nhậm cũng đã hoàn toàn xứng đáng với lòng tin cậy lớn lao ấy của Nguyễn Huệ.
Cuối năm 1788, 29 vạn quân Mãn Thanh mượn cớ có Lê Chiêu Thống cầu cứu, đã giương ngọn cờ chính trị giả hiệu là “phù Lê diệt Tây Sơn” để tràn sang xâm lược nước ta. Trước tình thế đó, Bộ chỉ huy Tây Sơn đã họp để bàn kế sách đối phó. Ngô Thì Nhậm là một trong số những thành viên tham sự cuộc họp quan trọng này. Lúc đầu, ý kiến của các thành viên không nhất trí với nhau. Đại để có hai loại hình ý kiến chính như sau:
1) Loại hình ý kiến thứ nhất cho rằng, họ được Nguyễn Huệ giao trách nhiệm ở lại giữ thành và giữ đất, vậy thì hễ giặc đến là phải liều chết mà đánh, không cần phải bàn luận gì nhiều. Chủ xướng loại hình ý kiến này là Đại Tư mã Ngô Văn Sở. Rõ ràng, đây là loại hình ý kiến thể hiện một tinh thần trách nhiệm rất cao, nhưng đó là thứ tinh thần trách nhiệm cứng nhắc, không tính toán đến kết quả cuối cùng sẽ ra sao.
2) Loại hình ý kiến thứ hai cũng có điểm tương đồng với loại hình ý kiến thứ nhất, đó là phải quyết đánh quân xâm lăng, nhưng khác hẳn về phương thức đánh. Họ cho rằng, muốn đánh và đánh thắng quân Mãn Thanh, trước hết phải đem quân lên biên ải, kế thừa kinh nghiệm mai phục của Lê Lợi thuở trước, đánh phủ đầu bằng nhiều trận lớn nhỏ ngay khi chúng vừa đặt chân lên lãnh thổ nước ta, thì mới có thể giữ yên được bờ cõi. Chủ xướng loại hình ý kiến này là Võ Văn Dũng và Phan Văn Lân. Đây là ý kiến tỏ rõ sự hiểu biết khá sâu về truyền thống và kinh nghiệm chống xâm lăng của tổ tiên, nhưng lại cũng bộc lộ sự đánh giá chưa chính xác về tình hình cụ thể của Bắc Hà lúc bấy giờ. Gần 400 năm trước khi quân Mãn Thanh sang xâm lược nước ta, sở dĩ Lê Lợi có thể liên tiếp tổ chức nhiều trận mai phục kéo dài từ Chi Lăng đến Xương Giang là vì lúc đó, lòng dân đã hoàn toàn hướng về Lam Sơn. Đến đây, nhân tâm ly tán, và trong điều kiện đó, không một kế hoạch mai phục nào lại có thể thành công được.
Đúng lúc đó, Ngô Thì Nhậm đã nêu ra một loại hình ý kiến khác hẳn. Ông nói với Ngô Văn Sở, cũng là nói với các tướng trong Bộ chỉ huy quân đội Tây Sơn ở Bắc Hà rằng:
“Xưa nay, phép dụng binh chỉ thấy nói hoặc đánh hoặc giữ mà thôi. Nay quân Thanh đến đây, tiếng tăm rất lớn, đã thế bọn cam tâm làm nội ứng cho chúng ở trong nước đem phao tin đồn nhảm, khiến cho thanh thế của chúng càng trở nên to lớn thêm và cũng khiến cho lòng người sợ hãi. Quân ta giá thử có ai được sai phái đi đâu, thì vừa ra khỏi thành đã bị bắt giết. Số người Bắc Hà trong sổ quân của ta, hễ gặp dịp là bỏ trốn liền. Đem đội quân ấy đi mà đánh thì nào có khác gì xua bầy dê đi săn cọp dữ, bảo không thua thế nào được? Đến như việc đóng chặt cửa thành để cố thủ, thì khi lòng người đã không vững, chắc chắn thế nào cũng sẽ sinh ra mối lo ở bên trong. Đến lúc đó, dẫu cho Tôn, Ngô (chỉ Tôn Tử và Ngô Khởi, hai nhà binh pháp nổi tiếng của Trung Quốc cổ đại - NKT) có sống lại cũng đành phải chịu bó tay, không làm gì hơn được nữa. Việc này chẳng khác gì đem chạch bỏ vào giỏ cua, xin hãy nghĩ kĩ lại. Nay đánh cũng chẳng được, giữ cũng không xong, vậy thì cả đánh lẫn giữ đều không phải là kế hay, rốt cuộc có lẽ chỉ còn một cách, đó là nhanh chóng sai thủy quân chở lương thực, giương buồm thuận gió mà ra biển rồi tiến vào cửa Biện Sơn (nằm giáp giới giữa Ninh Bình với Thanh Hóa ngày nay - NKT) mà đóng. Còn như bộ binh thì hãy sửa soạn khí giới mà gióng trống lên đường, lui về giữ miền Tam Điệp (cũng nằm giáp giới giữa Ninh Bình và Thanh Hóa ngày nay - NKT). Hai mặt thủy bộ cùng liên hệ với nhau, giữ chỗ hiểm yếu rồi cho người chạy về bẩm với Chúa công (chỉ Nguyễn Huệ - NKT). Ta cứ thử xem quân Thanh đến và xếp đặt việc của nhà Lê như thế nào, vua Lê Chiêu Thống sau khi phục quốc sẽ thu xếp việc quân việc nước ra sao, chờ đến khi Chúa công ra rồi quyết chiến một phen cũng không muộn gì” (Ngô gia văn phái. Hoàng Lê nhất thống chí, Hồi thứ 13).
Ý kiến xuất sắc này của Ngô Thì Nhậm đã nhanh chóng thuyết phục được Bộ chỉ huy Tây Sơn. Cuộc rút lui về Tam Điệp và Biện Sơn của quân Tây Sơn cuối năm 1788 chính là bởi sự nhất trí với ý kiến của Ngô Thì Nhậm. Ông còn nói thêm với chủ tướng là Đại Tư Mã Ngô Văn Sở rằng:
“Tướng giỏi ngày xưa thường lường trước thế giặc rồi mới đánh, cân nhắc để nắm chắc phần thắng rồi mới hành động, nghĩa là phải tùy theo tình thế đổi thay mà bày ra chước lạ. Giống như đánh cờ, trước phải nhường người một nước rồi sau mới thắng người một nước, không được đổi vị trí nước trước ra nước sau, đó mới là tay cao cờ. Nay ta hãy bảo toàn lấy quân lực mà lui, không bỏ mất một mũi tên nào cả. Hãy cho giặc được ngủ trọ một đêm rồi đuổi đi, cũng như ngọc bích của nước Tấn thuở xưa sau vẫn nguyên lành chớ có mất gì (Ở Trung Quốc thời Xuân Thu, nước Tấn muốn đánh cả nước Ngu lẫn nước Quắc. Lúc đầu, Tấn hay lấy ngựa tốt và ngọc quý đem đút lót cho vua nước Ngu để mượn đường nước Ngu đi đánh Quắc. Vua nước Ngu dại dột nghe theo. Đến khi diệt được Quắc rồi, Tấn liền đem quân diệt luôn cả Ngu. Nước Ngu thua trận, bao nhiêu ngọc quý trước đó Tấn đem đút lót cho vua nước Ngu đều bị Tấn thu hồi lại). Nếu có vì thế mà mắc lỗi, tôi sẽ xin bộc bạch với Chúa công, thế nào cũng được lượng xét, xin ông chớ có nghi ngại gì” (Ngô gia văn phái. Hoàng Lê nhất thống chí, Hồi thứ 13).).
Khi đem đại quân tiến ra Tam Điệp và Biện Sơn nhằm chuẩn bị cho trận quyết chiến với quân Mãn Thanh, phát biểu trong cuộc gặp gỡ với các tướng lĩnh và văn thần cao cấp của mình, Quang Trung Nguyễn Huệ khẳng định:
“Các ngươi đóng quân ở nơi trơ trọi, giặc Thanh kéo sang, người trong kinh kỳ làm nội ứng cho chúng, các ngươi làm sao mà cử động được? Các ngươi đã biết nín nhịn để tránh mũi nhọn của chúng, chia quân đóng giữ nơi hiểm yếu, bên trong thì kích thích lòng quân, bên ngoài thì làm cho giặc kiêu căng. Kế ấy là rất đúng. Khi mới nghe nói, ta đã đoán là do Ngô Thì Nhậm chủ mưu, sau hỏi (Nguyễn) Văn Tuyết thì quả đúng như vậy” (Ngô gia văn phái. Hoàng Lê nhất thống chí, Hồi thứ 14).
Chưa bao giờ là võ tướng trực tiếp cầm quân xông pha trận mạc, nhưng ý kiến của Ngô Thì Nhậm về đối sách tạm thời của quân đội Tây Sơn quả là rất xuất sắc. Thắng lợi vang dội của Tây Sơn trong trận quyết chiến chiến lược Ngọc Hồi - Đống Đa sau đó gắn chặt với công lao khởi xướng ý kiến đúng đắn này của Ngô Thì Nhậm.
Khi đất nước đã sạch bóng quân xâm lăng, Ngô Thì Nhậm được Quang Trung thăng làm Binh bộ Thượng thư. Đó là một sự tưởng thưởng xứng đáng, thể hiện niềm tin cậy ngày một vững chắc và lớn lao của Quang Trung đối với ông. Đáp lại, Ngô Thì Nhậm cũng đã không ngừng có thêm những đóng góp to lớn cho chính quyền của Quang Trung. Tổng kết những ghi chép tản mạn của sử cũ, chúng ta có thể khái quát các cống hiến của Ngô Thì Nhậm từ năm 1789 (năm 43 tuổi) trở về sau như sau:
Một là, bằng tiếng nói sắc bén, thấu lý và đạt tình, Ngô Thì Nhậm đã lôi kéo được không ít trí thức khoa bảng từng phục vụ cho Vua Lê và Chúa Trịnh, trút bỏ mặc cảm để hợp tác đắc lực và rất có hiệu quả đối với guồng máy chính quyền của Quang Trung. Trong số những người được Ngô Thì Nhậm cảm hóa, giới thiệu và tiến cử, chúng ta thấy nổi bật lên những tên tuổi như: Phan Huy Ích (1751-1822) (người làng Thu Hoạch, huyện Thiên Lộc, nay thuộc xã Thạch Châu, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, đỗ Tiến sĩ năm 1775. Ông là con của Tiến sĩ Phan Huy Cận (tức Phan Huy Áng), anh của Tiến sĩ Phan Huy Ôn và là cha của nhà bác học Phan Huy Chú), Trần Bá Lãm (1758-1815) (người làng Vân Canh, huyện Từ Liêm, nay là xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội; đỗ Chế khoa (tương đương Tiến sĩ) năm 1787), Ninh Tốn (1744-1790) (người làng Côi Trì, huyện Yên Mô, nay thuộc xã Yên Mỹ, huyện Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình; đỗ Tiến sĩ năm 1778), Vũ Huy Tấn (người làng Mộ Trạch, huyện Đường An, nay thuộc xã Tân Hồng, huyện Cẩm Bình, tỉnh Hải Dương. Ông là con của Tiến sĩ Vũ Huy Đĩnh), Đoàn Nguyễn Tuấn (người làng Hải An, huyện Quỳnh Côi (nay thuộc xã Quỳnh Nguyên, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình). Ông là con của Tiến sĩ Đoàn Nguyễn Thục)... Tuy mức độ cao thấp có khác nhau, nhưng tất cả họ đều có những cống hiến rất đáng được trân trọng.
Hai là, thay mặt Hoàng Đế Quang Trung, soạn thảo kế hoạch và trực tiếp chỉ huy việc thực hiện chủ trương thiết lập mối quan hệ bang giao hữu hảo với triều đình Mãn Thanh. Đây là một công việc cực kỳ khó khăn, bởi lẽ sau thất bại thảm hại ở trận Ngọc Hồi - Đống Đa, triều đình Mãn Thanh đang muốn quyết chí đánh báo thù. Nhưng, bằng tất cả sự uyển chuyển và khôn khéo, Ngô Thì Nhậm đã buộc triều đình Mãn Thanh phải từ bỏ ý định đánh báo thù, công nhận nền độc lập và tự chủ của nước ta, công nhận chính quyền do Quang Trung đứng đầu, đồng thời, từ bỏ âm mưu lợi dụng tập đoàn Lê Chiêu Thống lưu vong. Công lao của Ngô Thì Nhậm trong lĩnh vực này là vô cùng to lớn: Không phải là ngẫu nhiên, cũng không phải hoàn toàn là tán dương một cách vô lối, khi người đương thời cũng như hậu thế vẫn thường nói “Ngô Thì Nhậm là Quang Trung thời bình”. Cuối năm 1788, khi chuẩn bị cho trận đại phá quân Thanh, trong một cuộc gặp gỡ các tướng lĩnh và văn thần cao cấp tại Tam Điệp và Biện Sơn, chính Quang Trung đã khẳng định vai trò của Ngô Thì Nhậm trong cuộc đấu trí ngoại giao ác liệt này:
“Nay ta thân hành cầm quân ra, phương lược tiến đánh đều đã được tính toán sẵn, chẳng qua chỉ độ mươi ngày là đã có thể đánh được người Thanh. Nhưng, chúng là nước lớn gấp 10 nước mình, sau khi bị thua một trận, ắt sẽ lấy làm hổ thẹn mà dốc chí đánh báo thù, như thế thì họa binh đao sẽ chẳng bao giờ dứt, đó không phải là điều phúc cho dân, ai nỡ lòng nào mà làm được? Đến lúc ấy, chỉ có người khéo lời lẽ mới mong dập tắt được binh đao, nếu chẳng phải là Ngô Thì Nhậm thì không ai làm được” (Ngô gia văn phái. Hoàng Lê nhất thống chí, Hồi thứ 14).
Xứng đáng với niềm tin cậy lớn lao của Quang Trung, Ngô Thì Nhậm đã hoàn thành xuất sắc việc mà Quang Trung cho là “nếu chẳng phải là Ngô Thì Nhậm thì không ai làm được”. Ông là tác giả của kịch bản cho người đóng giả Quang Trung (Theo ghi chép của Đại Nam chính biên liệt truyện, Sơ tập, quyển 30, người được cử đóng giả là Quang Trung là Phạm Công Trị) sang chầu và dự lễ bát tuần khánh thọ (lễ mừng thọ 80 tuổi) của Hoàng đế Mãn Thanh Càn Long.
Ngày 16 tháng 9 năm 1792, Quang Trung đột ngột qua đời, hưởng thọ 39 tuổi! Đó là tổn thất lớn nhất của Tây Sơn. Con của Quang Trung là Quang Toản lên nối ngôi. Cuối năm ấy (năm 46 tuổi), Ngô Thì Nhậm được cử làm Chánh sứ sang Mãn Thanh để vừa báo tang vừa cầu phong cho Quang Toản. Và ông đã hoàn thành tốt đẹp chuyến đi sứ đó.
Tiếc thay, sau cái chết của Quang Trung, cuộc khủng hoảng chính trị trong nội bộ Tây Sơn diễn ra ngày một trầm trọng khiến cho sức mạnh ngỡ như “bất khả chiến bại” của Tây Sơn nhanh chóng bị tiêu hao. Là nhà khoa bảng và là bậc đại thần giàu lòng “ưu thời mẫn thế, Ngô Thì Nhậm theo dõi những biến đổi của thời cuộc với bao nỗi lo lắng không nguôi. Trên danh nghĩa, Quang Toản vẫn trọng dụng ông, nhưng, sự chia bè kết cánh của triều đình khiến cho ông không sao có thể tiếp tục phát huy được tài năng của mình. Ngô Thì Nhậm dành phần nhiệt huyết còn lại của mình cho việc cầm bút và nghiên cứu về Thiền học. Chính ông là người đã lập ra Trúc Lâm Thiền viện tại phường Bích Câu (nay thuộc Hà Nội) và cũng chính ông là tác giả của Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh. Đương thời cũng như hậu thế có thể có những ý kiến về thiền khác hẳn với Ngô Thì Nhậm, nhưng điều quan trọng đáng nói hơn lại là ở chỗ, giữa nhiễu nhương của cuộc đời Ngô Thì Nhậm đã tìm cho mình một lối sống tao nhã, không chút vướng bận đến vụ lợi và đua tranh.
Năm 1802, Nguyễn Ánh chiếm lại được toàn cõi nước ta và chính thức khai sinh ra triều Nguyễn. Một cuộc trả thù rất tàn bạo với tất cả những ai từng theo hoặc từng ủng hộ Tây Sơn bắt đầu. Ngô Thì Nhậm là một trong số những người bị trả thù đó. Đầu năm Quý Hợi (1803), Ngô Thì Nhậm cùng với Phan Huy Ích và Nguyễn Gia Phan cùng bị đem ra Văn Miếu để đánh đòn. Riêng Ngô Thì Nhậm vì chịu không nổi đau đớn, đã mất vào ngày 16 tháng 2 (ngày 9/3/1803), hưởng thọ 57 tuổi. Vì sao cả ba người cùng bị đòn roi mà chỉ có một mình Ngô Thì Nhậm chết? Cắt nghĩa điều này, đời có khá nhiều giai thoại, đại để cho rằng Ngô Thì Nhậm có mối hiềm khích đối với bạn học là Đặng Trần Thường. Sau Đặng Trần Thường trở thành tướng cao cấp của Nguyễn Ánh cho nên cũng là đánh roi, nhưng roi dùng để đánh Ngô Thì Nhậm bị Đặng Trần Thường sai cột thêm móc sắt. Giai thoại còn nói đến cuộc đối đáp giữa Ngô Thì Nhậm với Đặng Trần Thường khi Ngô Thì Nhậm bị đem ra Văn Miếu để đánh. Nhưng, giai thoại bao giờ cũng là... giai thoại, vì thế, xin được miễn nhắc lại ở đây.
Cuộc đời của Ngô Thì Nhậm là cuộc đời của một nhà yêu nước tầm vóc lớn, của một bậc khoa bảng thức thời, của một cây đại bút để lại cho đời rất nhiều tác phẩm quý, góp phần làm rạng rỡ cho văn hiến của nước nhà. Phần lớn các tác phẩm của Ngô Thì Nhậm đã được Nhà xuất bản Khoa học Xã hội giới thiệu trong Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm (2 quyển), năm 1978.
Thời Tự Đức (1848-1883), vì Nhà vua có họ và tên thật là Nguyễn Phúc Thì, lại có tên khác là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, cho nên để tránh hai chữ húy là Thì và Nhậm, Ngô Thì Nhậm bị đọc thành Ngô Thời Nhiệm. Tên ông bị đọc khác đi nhưng ánh sáng tỏa ra từ cuộc đời và sự nghiệp của ông thì vẫn mãi mãi không đổi. Ngàn năm, còn đó... tên ông.
Nguồn: Danh tướng Việt Nam - Tập 3 / Nguyễn Khắc Thuần.-H.: Giáo dục, 2005.