VietnamDefence -
“Năm Mậu Thân (1788), đầu đời Quang Trung, quân Bắc xâm chiếm nước Nam, ông (Đặng Tiến Đông) phụng chiếu cầm đạo quân tiên phong, tiến đánh làm cho quân Bắc tan vỡ, ông một mình một ngựa tiến lên trước, dẹp yên nơi cung cấm” - Phan Huy Ích (Tông Đức thế tự bi, Chùa Thủy Lâm, thôn Lương Xá, xã Lam Điền, Chương Mỹ, Hà Nội).
DANH TƯỚNG TÂY SƠN |
Trong lịch sử Việt Nam, có lẽ không mấy ai phải chịu sự thiệt thòi lớn lao như các danh tướng Tây Sơn. Họ có cả một đời xông pha oanh liệt với hàng loạt những võ công kiệt xuất, nhưng, sử sách ghi chép về họ lại quá ít ỏi. Họ đã anh dũng chiến đấu quên mình vì nghĩa cả là cứu nước và cứu dân, nhưng ngay sau đó sự nghiệp phi thường của họ đã bị quá nhiều những cây bút thù nghịch tìm cách xuyên tạc. Chẳng phải là ngẫu nhiên mà tác giả của Tây Sơn lương tướng ngoại truyện là Nguyễn Trọng Trì đã có những lời cảm vịnh vừa hùng tráng lại vừa man mác một nỗi buồn không nguôi:
“Tướng quân chiến mã kim hà tại?
Dã thảo nhàn hoa mãn địa sầu”.
(Chiến mã của tướng quân giờ ở nơi đâu?
Cỏ hoa đồng nội đất đầy sầu).
|
ĐÔ ĐỐC ĐẶNG TIẾN ĐÔNG (1738 - ?) - MỘT TƯỚNG TÂY SƠN CHỈ HUY TRẬN ĐỐNG ĐA
(Phan Huy Lê // Nghiên cứu Lịch sử.-N.154 (1-1974))
Ngọc Hồi - Đống Đa là hai chiến thắng oanh liệt nhất, giữ vai trò quyết định thắng lợi của kháng chiến chống Thanh năm 1788-1789. Quang Trung Nguyễn Huệ trực tiếp chỉ huy trận Ngọc Hồi. Nhưng dưới sự lãnh đạo chung của Quang Trung, ai là người đã chỉ huy quân đội Tây Sơn lập nên chiến công Đống Đa lịch sử. Sử sách chỉ ghi chép một cách sơ lược và mơ hồ: có sách chép là Đô đốc Long (Ngô gia văn phái. Hoàng Lê nhất thống chí.-H.: Văn học Hà Nội, 1964.-Tr.362, 364; Lê Trọng Hàm. Minh đô sử, sách chép tay, q.44), có sách chép là Đô đốc Mưu (Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam chính biên liệt truyện, Sơ tập, sách in đời Nguyễn, q.30; Đào Nguyên Phổ. Tây Sơn thủy mạt khảo, sách chép tay). Tên nhân vật đó chỉ xuất hiện một lần trong lịch sử mà ngay cả dòng họ, quê quán cũng không ai biết.
Gần đây, chúng tôi phát hiện được một số di vật gốc đời Tây Sơn và thu thập được một số tư liệu cho phép xác minh một tướng Tây Sơn được Quang Trung giao cho trọng trách đánh thắng trận Đống Đa là Đô đốc Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến Đông.
Theo gia phả các chi họ Đặng, đặc biệt là bộ Đặng gia phổ hệ toản chính thực lục gồm 6 quyển (Đặng Tiến Đông. Đặng gia phổ hệ toản chính thực lục. Sách chép tay gồm 6 quyển: Quyển 1 gọi là Ngoại ký chép nguồn gốc xa của họ Đặng vốn là họ Trần; Quyển 2 chép về Nghĩa Quốc công Đặng Huấn; Quyển 3 chép về đời Hà Quận công Đặng Tiến Vinh; Quyển 4 chép về đời Doanh Quận công Đặng Thế Tài; Quyển 5 chép về đời Yên Quận công Đặng Tiến Thự; Quyển 6 chép về đời Dận Quận công Đặng Tiến Cẩm) do chính Đặng Tiến Đông biên soạn vào đời Tây Sơn và Ngô Thì Nhậm đề tựa, Đặng Tiến Đông sinh vào giờ Sửu (khoảng từ 1-3 giờ sáng) ngày 2 tháng 5 năm Mậu Ngọ, niên hiệu Vĩnh Hựu thứ tư (ngày 18/6/1738), tại xã Thịnh Phúc, huyện Phú Xuyên (Hà Nội), thuộc chi trưởng dòng họ Đặng, gốc ở làng Lương Xá (nay thuộc xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ, Hà Nội).
Theo gia phả và bài tựa của Ngô Thì Nhậm thì họ Đặng xưa vốn là họ Trần, tương truyền thuộc dòng dõi Trần Hưng Đạo. Đến đầu đời Lê, Trần Văn Huy đỗ Tiến sĩ, lấy tự là Đặng Hiên nên từ đó, con cháu lấy tự của cha làm họ rồi chuyển từ họ Trần sang họ Đặng. Ngoài cách giải thích đó, một số con cháu họ Đặng còn lưu lại truyền thuyết cho rằng, vào đời Mạc, họ này có nhiều người “phù Lê diệt Mạc” nên bị nhà Mạc truy lùng và từ đấy, đổi ra họ Đặng. Điều chắc chắn là từ đời Đặng Huấn có công phù Lê, dòng họ Đặng trở thành một dòng họ lớn có nhiều người đỗ đạt và làm quan to trong suốt thời Lê-Trịnh. Vùng Chương Mỹ còn lưu hành nhiều câu hát về dòng họ Đặng ở Lương Xá như sau:
Giàu thì Quảng Bị, Bối Khê,
Làm quan Lương Xá, ngoại đê Đại Từ.
Hay:
Bao giờ chợ Chúc hết người,
Sông Ninh hết nước, Đặng này hết quan.
Đặng Tiến Đông là con trai thứ tám của Dận Quận công Đặng Tiến Cẩm và bà vợ lẽ thứ năm là Phạm Thị Yến. Vào thời Lê mạt, cả gia đình ông, từ ông cha đến anh em, chú bác đều là những quan lại, tướng soái cao cấp, giữ nhiều chức tước quan trọng trong triều, ngoài trấn. Nhận xét về họ Đặng và con cháu Đặng Huấn, nhà sử học Phan Huy Chú đã viết: “Ngôi kiêm cả tướng văn, tướng võ; một nhà quý hiển ít ai sánh kịp” (Phan Huy Chú. Lịch triều hiến chương loại chí. Bản dịch.-H.: Sử học, 1960, T.1.-Tr. 257).
Đặng Tiến Cẩm (1679-1749) là con trai thứ năm Yên Quận công Đặng Tiến Thự. Đặng Tiến Thự đã từng làm Trấn thủ Nghệ An, phong đến chức Thái phó, được Chúa Trịnh ban cho họ tên là Trịnh Liễu và sau khi chết được truy tặng Thái tể. Đặng Tiến Cẩm từng giữ các chức: Quyền Trấn thủ Nghệ An kiêm Trấn thủ châu Bố Chính, Trấn thủ các xứ Hải Dương, An Quảng; Trấn thủ Sơn Tây, Đốc lãnh Hải Dương, Lưu thủ kinh thành, hai lần làm Đề điệu kỳ thi Bác cử (thi võ) và phong đến chức Điện tiền Kiểm điểm ty, Đô Kiểm điểm.
Anh em của Đặng Tiến Cẩm tức chú bác ruột của Đặng Tiến Đông, đều nắm giữ nhiều chức vụ cao cấp của chính quyền họ Trịnh. Gia Quận công Đặng Tiến Lân làm đến chức Đại Tư đồ. Lại Quận công Đặng Đình Sở giữ chức Trấn thủ Sơn Tây. Bộc Quận công Đặng Tiến Luận làm Đốc phủ Sơn Tây, Hải Dương. Đặc biệt, Ứng Quận công Đặng Đình Tướng đã giữ những chức tước cao nhất của phủ chúa như Bồi tụng, Tả Đô đốc Thiếu phó, Thái phó, Đại Tư mã, Đại Tư không, và như Phan Huy Chú đã nhận định: “Trong khoảng 70 năm, là một bậc kỳ cựu trải qua mấy triều, công danh phẩm giá hơn cả các quan, ba con và một cháu của ông đều lấy Quận chúa, một nhà quý thịnh, người bấy giờ gọi, là ông Tiên Quốc lão” (Phan Huy Chú. Lịch triều hiến chương loại chí. Bản dịch.-H.: Sử học, 1960, T.1.-Tr. 229).
Đặng Tiến Đông thuộc một dòng họ thế phiệt, xuất thân trong một gia đình quý tộc đời đời ăn lộc vua bổng chúa. Nhưng ông sinh ra và lớn lên trong một hoàn cảnh hết sức biến động và đảo lộn của xã hội.
Năm 1747, lên 9 tuổi, Đặng Tiến Đông bắt đầu theo học thầy Doãn Xá tại chùa Thủy Lâm (hay chùa Lương Xá, tại xã Lam Điền, Chương Mỹ, Hà Nội).
Năm 1749, Đặng Tiến Đông 11 tuổi thì mồ côi cha. Mười năm sau, năm 1759, mẹ ông cũng qua đời.
Đặng Tiến Đông bước vào đời đã phải chứng kiến cảnh đổ nát, tàn tạ của chế độ phong kiến, đời sống lầm than cực khổ của nhân dân và những cuộc đấu tranh rung trời chuyển đất của quần chúng. Những cơn bão táp của chiến tranh nông dân Đàng Ngoài đang lay động tận nền tảng cơ đồ thống trị của Vua Lê-Chúa Trịnh xây dựng mấy trăm năm. Cha anh và chú bác của Đặng Tiến Đông từng cầm quân trấn áp những cuộc khởi nghĩa nông dân đó và nhiều phen bị thất bại thảm hại. Trong gia phả họ Đặng do ông viết, ông đã ghi chép một cách khá đầy đủ và trung thực hành động của cha anh, chú bác, kể cả những lần bị quân nông dân đánh cho thất điên bát đảo. Dưới ngòi bút của ông có thể nhận thấy, hình như ông đã bước đầu cảm thấy trong những cuộc “nổi loạn” của quần chúng một sức mạnh quật khởi khó lòng chế ngự. Nhiều thủ lĩnh nông dân khởi nghĩa, ông vẫn gọi là “nghịch”, là “giặc”, nhưng qua một số hành động do ông ghi lại, thì không phải là kẻ hung ác, tàn bạo, mà là người có tình, có nghĩa. Trong gia phả ông có kể lại hai trường hợp Quận He Nguyễn Hữu Cầu tha chết cho cha ông là Dận Quận công Đặng Tiến Cẩm và anh cả của ông là Trí Trung hầu Đặng Đình Trí.
Thực tế lịch sử đau thương và quật cường những năm giữa thế kỷ XVIII ở Đàng Ngoài đã dần dần tác động đến cách nhìn, tư tưởng và tình cảm của Đặng Tiến Đông. Nhưng phải đến phong trào nông dân Tây Sơn cùng với những chấn động mãnh liệt của nó đối với toàn bộ cơ cấu xã hội, mới mở ra cho Đặng Tiến Đông cũng như một số sĩ phu tiến bộ ở Bắc Hà, một chân trời mới.
Giữa năm 1786, nghĩa quân Tây Sơn dưới quyền lãnh đạo của Nguyễn Huệ, ào ạt vượt sông Gianh, tiến ra Bắc Hà. Trong chốc lát, nền thống trị của họ Trịnh bị lật nhào. Trật tự chính trị ở Bắc Hà trải qua một cơn đảo lộn. Trước sự ruỗng nát và sụp đổ của chế độ họ Trịnh, phong trào Tây Sơn là tiêu biểu của sức mạnh phi thường, một sức sống đang vươn lên. Hơn một tháng sau, đoàn quân “áo vải cờ đào” và người anh hùng của họ rút về Nam, trao trả quyền hành lại cho nhà Lê. Nhưng rồi triều đình vua Lê mà bấy lâu nhân dân và sĩ phu Bắc Hà vẫn kỳ vọng, lại có dịp bộc lộ tính chất nhu nhược, bất lực hoàn toàn của nó.
Chiếc ngai vàng ọp ẹp của nhà Lê vốn đã rệu rạo, nay càng ngả nghiêng trước tình trạng cực kỳ hỗn loạn của Bắc Hà. Quân Tây Sơn vừa rút, Lê Chiêu Thống đã cảm thấy “một nước trống rỗng” và vội “viết thư triệu hết những người thế gia và bầy tôi cũ dấy quân về bảo vệ hoàng thành”. Nhân đấy, “bọn hào mục các nơi chiếm giữ châu quận, chiêu tập binh mã, đều mượn danh nghĩa “bảo vệ”. Những hạng vô lại đánh giết lẫn nhau, trong nước thành ra rối loạn” (Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Việt sử thông giám cương mục. Bản dịch.-H.: Sử học, 1960.-T.XX.-Tr.23). Bọn con cháu Chúa Trịnh như Trịnh Lệ, Trịnh Bồng, bọn tướng tá cũ như Đinh Tích Nhưỡng, Hoàng Phùng Cơ, Dương Trọng Tế... đều nổi dậy tranh giành, đánh giết nhau và ức hiếp nhân dân thậm tệ. Vua Lê lại bị đặt vào địa vị bù nhìn. Dưới sự hoành hành của bọn tướng quân phiệt, “ngay giữa ban ngày, thủ hạ ra sức cướp bóc dân cư gần kinh thành, không có hiệu lệnh ngăn cấm. Mọi người đều cho là không còn hy vọng gì cả” (Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Việt sử thông giám cương mục. Bản dịch.-H.: Sử học, 1960.-T.XX.-Tr.25).
Nhân cơ hội đó, cuối năm 1786, Nguyễn Hữu Chỉnh lấy danh nghĩa tôn phò vua Lê, chiêu tập binh mã ở Nghệ An rồi kéo ra Thăng Long. Đến lượt Nguyễn Hữu Chỉnh lại thâu tóm mọi quyền hành ở Bắc Hà, “quyền Chỉnh thật ngang với nhà vua, thế của Chỉnh có thể lật nghiêng cả nước” (Ngô gia văn phái. Hoàng Lê nhất thống chí.-H.: Văn học Hà Nội, 1964.-Tr.195). Từ một phần tử phong kiến thất thế ở Bắc Hà, Nguyễn Hữu Chỉnh phải theo Tây Sơn để gây dựng lực lượng, nay lại phản bội Tây Sơn, âm mưu làm bá chủ Thăng Long. Dưới sự chuyên chế của Chỉnh, tình hình Bắc Hà càng rối loạn: “Lòng người lìa tan, quan văn, quan võ ai cũng chán nản... Bọn hào mục gian ác ở đâu thì tụ họp ở đấy rồi đi cướp bóc lẫn nhau. Ngoài thành vài dặm đều là hang ổ của bọn trộm cướp” (Ngô gia văn phái. Hoàng Lê nhất thống chí.-H.: Văn học Hà Nội, 1964.-Tr.219).
Trong vòng hơn nửa năm kể từ khi quân Tây Sơn tiến ra Thăng Long (tháng 7/1786), tình hình Bắc Hà đã trải qua những biến động dồn dập. Những biến động đó càng chứng tỏ sự bất lực, sụp đổ không gì cứu vãn nổi của các thế lực phong kiến cũ và càng làm cho nhân dân Bắc Hà hướng về Tây Sơn. Diễn biến lịch sử đó cũng đã ảnh hưởng quyết định đến chí hướng và hành động của một số sĩ phu tiến bộ, thức thời ở Bắc Hà, trong đó có Đặng Tiến Đông. Ông đã sớm tìm thấy ở phong trào Tây Sơn và sự nghiệp của người anh hùng Nguyễn Huệ, một niềm tin và một phương hướng mới của cuộc đời.
Khoảng nửa đầu năm 1787, Đặng Tiến Đông lặn lội vào tận Quảng Nam, tìm đến quân doanh yết kiến Nguyễn Huệ khi Nguyễn Huệ đang đóng quân ở đây. Có hai văn bản và di vật gốc đời Tây Sơn xác nhận sự kiện này. Đó là bài văn bia đề là Tông Đức thế tự bi do Phan Huy Ích soạn, Ngô Thì Nhậm nhuận sắc và đạo sắc do Nguyễn Huệ phong chức tước cho Đặng Tiến Đông.
Bài văn bia được khắc vào một tấm bia đá dựng trước Chùa Thủy Lâm, thôn Lương Xá (nay thuộc xã Lam Điền, Chương Mỹ, Hà Nội). Bia cao 1,72 m, bề ngang 0,85 m, dày 0,34 m. Nội dung bài văn bia, ngoài phần nói về thế phả họ Đặng, có một đoạn ngắn, nhưng rất quan trọng, tóm lược công lao, sự nghiệp của Đặng Tiến Đông kể từ khi theo Tây Sơn cho đến khi lập chiến công trong cuộc kháng chiến chống Thanh. Bài văn bia khắc vào ngày 15 tháng 6 năm Đinh Tỵ, niên hiệu Cảnh Thịnh thứ năm (tức ngày 9/7/1797). Cuối bia ghi rõ ngày tháng và niên hiệu:
“Hoàng triều đệ nhị đế...(hai chữ Cảnh Thịnh bị đục), vạn vạn niên chi ngũ tuế, tại Đinh Tỵ lục nguyệt thập ngũ nhật”.
Cùng chức tước, họ tên người soạn và nhuận sắc bài văn bia là:
“Đương triều dực vận công thần, sắc thụ Đặc Tiến Vinh Lộc Thượng Đại phu, Thị trung Ngự sử, Khâm sai Khánh Hạ sứ, Thụy Nham hầu Phan Huy Ích, Chi Dụ phủ, kính soạn”.
“Đương triều dực vận công thần, sắc thụ Đặc Tiến Vinh Lộc Thượng Đại phu, Thị trung Đại Học sĩ, kiêm Binh bộ Thượng thư, quản lĩnh Bí thư thự, Tình Phái hầu Ngô Thì Nhậm, Hy Doãn phủ, kính nhuận”.
Phan Huy Ích quê ở Sài Sơn, huyện Quốc Oai (Hà Nội). Ngô Thì Nhậm quê ở làng Tả Thanh Oai (Hà Nội). Hai người đỗ Tiến sĩ, đã từng làm quan cho họ Trịnh và tháng 5 năm 1788, khi Nguyễn Huệ tiến ra Thăng Long lần thứ hai, đều theo Tây Sơn. Đối với Đặng Tiến Đông, Phan Huy Ích và Ngô Thì Nhậm là những người bạn thân thiết cùng quê, cùng triều và cùng chí hướng.
Về việc Đặng Tiến Đông tìm vào Quảng Nam theo Nguyễn Huệ, bài văn bia ghi rõ: “Thái Tổ Vũ Hoàng Đế của hoàng triều, nghĩa thanh vang dội, đóng quân ở Quảng Nam, ông (tức Đặng Tiến Đông - Phan Huy Lê) đến cửa quân xin yết kiến, được đón tiếp và đãi ngộ riêng, rồi được tin yêu ban cho ấn kiếm, giao cho thống lĩnh việc quân...”
Đạo sắc phong chức tước cho Đặng Tiến Đông đề ngày 3 tháng 7 năm Thái Đức thứ mười (tức ngày 15/8/1787). Văn bản viết trên giấy sắc, khổ 138 × 50 cm, hiện do chi trưởng của dòng họ Đặng ở Lương Xá giữ và đặt thờ trên bàn thờ của chi họ này. Đây là nguyên bản sắc phong chức tước đời Tây Sơn còn giữ được đến nay. Trên tờ sắc có dấu son hình vuông, khổ 7,8 × 7,8 cm đóng trên dòng chữ đề niên hiệu Thái Đức thập niên và hai dấu kiềm hình bầu dục thắt eo ở giữa, khổ 8,4 × 2,5 cm đóng trên dòng chữ ghi họ tên và chức tước của Đặng Tiến Đông.
Thái Đức là niên hiệu của Hoàng Đế Nguyễn Nhạc, nhưng tờ sắc phong này không phải do Nguyễn Nhạc mà do Nguyễn Huệ phong chức tước cho Đặng Tiến Đông. Lúc đó, Nguyễn Huệ còn là Bắc Bình Vương, chưa lên ngôi Hoàng Đế, đặt niên hiệu riêng nên tờ sắc phong còn dùng niên hiệu Thái Đức của Nguyễn Nhạc.
Tờ sắc có đoạn biểu dương Đặng Tiến Đông là người có “khí khái của trượng phu, tấm lòng của nam tử, đường làm quan gặp gỡ, dựng nên công lớn vua tôi, trước sau báo đền, không quên điều hiểu biết của kẻ sĩ trong nước, trải qua mùa đông mà không chịu khuất như cây tùng lúc giá rét”. Đặng Tiến Đông được Nguyễn Huệ đón tiếp niềm nở, tin cẩn và lập tức được ban ấn kiếm, phong chức tước. Theo tờ sắc, Nguyễn Huệ phong cho Đặng Tiến Đông làm Đô đốc Đồng tri, tước Đông Lĩnh hầu và sai giữ chức Trấn thủ xứ Thanh Hoa. Từ đó, Đặng Tiến Đông trở thành một tướng soái cao cấp của quân đội Tây Sơn dưới quyền thống lĩnh của Nguyễn Huệ.
Hiện nay, gia phả họ Đặng và những tư liệu có liên quan chưa cho biết rõ, trước khi theo Nguyễn Huệ, Đặng Tiến Đông đã đỗ đạt như thế nào, đã giữ những chức tước gì trong chính quyền họ Trịnh, rồi rời Bắc Hà vào Quảng Nam vào lúc nào? Điều chắc chắn là Đặng Tiến Đông đã tìm đến yết kiến Nguyễn Huệ trước ngày 15/8/1787. Và chính cuộc tri ngộ đó đã đánh dấu một bước ngoặt căn bản trong cuộc đời và sự nghiệp của Đặng Tiến Đông. Như vậy, trong số quan lại, sĩ phu tiến bộ ở Bắc Hà đi theo Tây Sơn, phải kể Đặng Tiến Đông là người đầu tiên. So với Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích... theo Tây Sơn vào giữa năm 1788, hành động của Đặng Tiến Đông sớm hơn gần một năm. Hơn nữa, Đặng Tiến Đông lại tự mình tìm vào Quảng Nam xin yết kiến Nguyễn Huệ, thể hiện một thái độ thức thời, kiên quyết và mạnh dạn.
Theo tờ sắc phong chức tước thì từ ngày 15/8/1787, Đặng Tiến Đông đã được phong làm Đô đốc Đồng tri, tước Đông Lĩnh hầu, giữ chức Trấn thủ xứ Thanh Hoa. Nhưng thực ra, lúc đó quân Tây Sơn chỉ kiểm soát trấn Nghệ An trở vào, còn trấn Thanh Hoa vẫn thuộc phạm vi cai quản của nhà Lê. Cuối năm 1787, khi Vũ Văn Nhậm theo lệnh Nguyễn Huệ chỉ huy quân Tây Sơn tiến ra Bắc diệt Nguyễn Hữu Chỉnh thì tướng Trấn thủ Thanh Hoa là Nguyễn Duật (Đại Nam chính biên liệt truyện, Sơ tập, q.30 chép là Lê Duật. Hoàng Lê nhất thống chí có chỗ chép là Nguyễn Duật (Ngô gia văn phái. Hoàng Lê nhất thống chí. Bản dịch.-H.: Văn học Hà Nội, 1964.-Tr.246), có chỗ chép là Lê Duật (Tr.225, 265). Việt sử thông giám cương mục chép thống nhất là Nguyễn Duật và chú thích rõ là người Nộn Liễu, huyện Nam Đường (Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Việt sử thông giám cương mục. Bản dịch.-H.: Sử học, 1960.-T.XX.-Tr.38), Duật là bộ tướng thân cận của Nguyễn Hữu Chỉnh, được Chỉnh cử vào làm Trấn thủ Thanh Hoa trước đó mấy tháng. Trước thế mạnh của quân Tây Sơn, Nguyễn Duật không dám chống cự, rút quân về giữ Trinh Giang (Hoằng Hóa, Thanh Hóa). Vũ Văn Nhậm sai Ngô Văn Sở đem quân đánh úp mặt sau, giết chết Nguyễn Duật. Từ dó, xứ Thanh Hoa mới thuộc quyền kiểm soát của quân Tây Sơn. Theo Đại Nam chính biên liệt truyện, Sơ tập, quyển 30 và đặc biệt là bài ký khắc trên gỗ ở đền Đồng Cổ (làng Đan Nê, Yên Định, Thanh Hóa) do Tuyên công Nguyễn Quang Bàn làm và khắc vào đầu mùa hè năm Bảo Hưng thứ hai (năm 1802) thì từ mùa xuân năm 1790-1802, Nguyễn Quang Bàn giữ chức Đốc trấn trấn Thanh Hoa (Trần Văn Giáp, Nguyễn Duy Hinh. Một bài văn bia đời Tây Sơn khắc trên biển gỗ ở miếu thờ thần núi Đồng Cổ (Thanh Hóa) nói về trống đồng // Tạp chí Khảo cổ học.-Số 5-6, tháng 6-1970.-Tr. 168-175). Vậy Đặng Tiến Đông chỉ có thể làm Trấn thủ xứ Thanh Hoa trong khoảng thời gian từ cuối năm 1787 đến đầu năm 1790.
Nhưng tại sao trong sắc phong chức tước đề ngày 3 tháng 7 năm Thái Đức thứ mười (ngày 15/8/1787), Nguyễn Huệ đã cử Đặng Tiến Đông làm Trấn thủ xứ Thanh Hoa? Nguyên văn lời trong đạo sắc là: “Khả gia Đô đốc Đồng tri chức, Đông Lĩnh hầu, nhưng sai Thanh Hoa xứ Trấn Thủ”, nghĩa là: “Nên gia phong chức Đô đốc Đồng tri, (tước) Đông Lĩnh hầu, vẫn sai làm Trấn Thủ xứ Thanh Hoa”. Theo lời văn của đạo sắc, thì có thể trước đây Đặng Tiến Đông đã từng làm Trấn thủ Thanh Hoa và nay Nguyễn Huệ lại giao cho ông chức vụ đó. Nhưng phải đến cuối năm đó, khi trấn Thanh Hoa thuộc về quân Tây Sơn thì Đặng Tiến Đông mới có thể thực hiện chức vụ Trấn thủ của mình.
Cuối năm 1788, quân Tây Sơn ở Bắc Hà phải tạm rút lui về giữ phòng tuyến Tam Điệp-Biện Sơn. Trong cuộc kháng chiến chống Thanh, xứ Thanh Hoa (Từ thời Lê Trung hưng, xứ hay trấn Thanh Hoa gồm Thanh Hoa Nội là tỉnh Thanh Hóa ngày nay và Thanh Hoa ngoại là tỉnh Ninh Bình ngày nay. Thời Tây Sơn, Thanh Hoa Ngoại thống thuộc vào Bắc Thành) giữ vai trò một địa bàn chiến lược quan trọng. Đó là vùng đất nằm ngay sau phòng tuyến của Tây Sơn, tiếp giáp với vùng kiểm soát của quân địch (từ phía bắc phủ Trường Yên trở ra). Đó cũng là vùng cực Bắc hậu phương an toàn của quân Tây Sơn và là nơi tập kết các đạo quân chủ lực của Tây Sơn trước khi xuất phát bước vào cuộc phản công chiến lược đập tan cuộc xâm lược của quân Thanh. Với cương vị là Trấn thủ xứ Thanh Hoa, hẳn Đô đốc Đặng Tiến Đông có góp phần cùng với Ngô Văn Sở xây dựng, bảo vệ phòng tuyến Tam Điệp-Biện Sơn vốn thuộc địa phận và hải phận xứ Thanh Hoa, và nhất là chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để đất Thanh Hoa có thể trở thành khu vực tập kết và bàn đạp phản công của đại quân Tây Sơn do Quang Trung Nguyễn Huệ trực tiếp chỉ huy. Tiếc rằng chính sử cũng như gia phả họ Đặng và các tư liệu thu tập được không ghi chép gì về những hoạt động của Trấn thủ Đặng Tiến Đông trong khoảng cuối năm 1788.
Đầu năm 1789, khi từ Tam Điệp-Biện Sơn mở cuộc tập kích chiến lược giải phóng kinh thành Thăng Long, Quang Trung giao cho Đô đốc Đặng Tiến Đông chỉ huy một đạo quân tiên phong tiến ra bất ngờ tập kích tiêu diệt đồn Đống Đa, (Hà Nội). Bài văn bia của Phan Huy Ích tóm tắt vũ công của Đô đốc Đông như sau: “Năm Mậu Thân (năm 1788 - Phan Huy Lê), đầu đời Quang Trung (hai chữ Quang Trung bị đục - Phan Huy Lê), quân Bắc xâm chiếm nước Nam, ông (tức Đặng Tiến Đông - Phan Huy Lê) phụng chiếu cầm đạo quân tiên phong, tiến đánh làm cho quân Bắc tan vỡ, ông một mình một ngựa tiến lên trước, dẹp yên nơi cung cấm”. Con cháu nhiều chi họ Đặng ở Chương Mỹ (Hà Nội) còn ghi nhớ và truyền tụng công lao của “Quan Đô” tức Đô đốc Đông, theo cách gọi phổ biến của các cụ già họ Đặng, là đã vâng mệnh vua Quang Trung đánh thắng trận Đống Đa, tiêu diệt hàng vạn quân Thanh.
Như vậy là mờ sáng ngày mồng 5 tháng giêng Tết Kỷ Dậu (ngày 31/1/1789), khi Quang Trung chỉ huy đạo quân chủ lực tiến đánh đồn Ngọc Hồi ở phía Nam Thăng Long, thì Đô đốc Đông, theo kế hoạch của Quang Trung, chỉ huy một đạo quân Tây Sơn khác tiến đánh đồn Đống Đa.
Từ Tam Điệp, đạo quân của Đô đốc Đông đi theo con đường “thượng đạo” qua Phố Cát, ra Thiên Quan (Nho Quan, Ninh Bình) rồi xuyên qua Chương Đức (Chương Mỹ, Hà Nội) là quê hương của Đặng Tiến Đông, tiến lên Đống Đa. Đó là một con đường giao thông đã có từ lâu đời nhưng đến thế kỷ thứ XVIII, như Lê Quý Đôn nhận xét: “Đường núi đã bế tắc không đi được nữa” (Lê Quý Đôn. Kiến văn tiểu lục. Bản dịch.-H.: Sử học, 1962.-Tr.341). Hành quân theo con đường núi đã bế tắc như vậy, quân Tây Sơn phải mở lấy đường đi, khắc phục nhiều trở ngại của núi rừng. Điều đó đòi hỏi tướng chỉ huy không những phải có năng lực tổ chức mà còn phải am hiểu cặn kẽ địa hình trong vùng. Đặng Tiến Đông sinh trưởng ở vùng Chương Mỹ nằm trên con đường giao thông ấy hẳn đáp ứng được những yêu cầu trên.
Khoảng canh tư ngày mồng 5 Tết Kỷ Dậu, vào lúc trời còn tối, quân Tây Sơn áp sát đồn Đống Đa rồi bất ngờ tiến công vào doanh trại giặc. Một sự kiện đặc biệt cần chú ý là vừa lúc đó nhân dân 9 xã xung quanh đem những con cúi bện bằng rơm rạ, tẩm dầu, đốt lửa bao vây đồn giặc, tạo thành một hàng rào lửa dày đặc, đó là “trận rồng lửa” (hỏa long trận) mà nhà thơ Ngô Ngọc Du còn ghi lại trong bài thơ Long thành quang phục kỷ thực. “Trận rồng lửa” đã phát huy tác dụng to lớn của nó, góp phần bao vây, uy hiếp quân địch, tạo điều kiện cho quân Tây Sơn nhanh chóng tiêu diệt đồn giặc. Hành động đó chứng tỏ lòng yêu nước, tinh thần mưu trí và sự tham gia tự nguyện của nhân dân, nhưng mặt khác cũng đòi hỏi sự vận động và tổ chức trước của quân Tây Sơn. Theo lời kể của con cháu họ Đặng thì “Quan Đô” đã “bày ra mưu kế diệt đồn Đống Đa”. Phải chăng, “trận rồng lửa” nằm trong mưu kế của Đô Đốc Đông? Vốn là người quê ở Chương Mỹ, có nhiều bạn bè, bà con thân thuộc và có ảnh hưởng rộng lớn trong vùng, Đặng Tiến Đông có nhiều điều kiện thuận lợi để vận động và chuẩn bị một kế hoạch phối hợp với nhân dân địa phương như vậy.
Trận Đống Đa là một trận đánh tiêu diệt chớp nhoáng. Trận đánh bắt đầu lúc canh tư và kết thúc lúc trời chưa sáng. Sau khi tiêu diệt đồn Đống Đa, Đô đốc Đông đưa đạo quân tiên phong vượt qua cửa Ô Thịnh Quang, tràn vào thành Thăng Long. Rồi như một mũi dao nhọn, Đô đốc Đông dẫn đầu đoàn quân lao thẳng về phía cung Tây Long, tạo nên mối uy hiếp hết sức bất ngờ đối với đại bản doanh của chủ soái quân Thanh. Phan Huy Ích còn ghi lại trong bài văn bia, mũi tiến công thọc sâu lợi hại đó qua hình ảnh: “Ông một mình một ngựa tiến lên trước, dẹp yên nơi cung cấm”.
Mũi tiến công như vũ bão của đạo quân chủ lực do Quang Trung đích thân chỉ huy ở mặt nam Thăng Long cùng với mũi vu hồi thọc sâu bất ngờ sắc bén của Đô Đốc Đông ở mặt Tây Nam, đã giáng những đòn quyết định, nghiền nát cuộc xâm lược của quân Thanh, buộc Tôn Sĩ Nghị và bọn tàn quân phải tháo chạy thảm hại.
TIỂU DẪN |
Ngọc Hồi - Đống Đa là một trong những trận quyết chiến chiến lược lừng lẫy vào hàng bậc nhất của lịch sử dân tộc. Người trực tiếp vạch kế hoạch, cũng là vị Tổng chỉ huy thiên tài của trận đánh lịch sử này là Quang Trung Nguyễn Huệ. Tuy nhiên, bên cạnh Quang Trung Nguyễn Huệ và sát cánh chỉ huy chiến đấu đầy hiệu quả với Quang Trung Nguyễn Huệ còn có một loạt các tướng lĩnh xuất sắc khác, trong đó có vị Đô đốc được nhiều tài liệu thư tịch cổ chép là Đô đốc Long, thi thoảng cũng có tài liệu chép là Đô đốc Mưu.
TrongTrong Tây Sơn lương tướng ngoại truyện, Nguyễn Trọng Trì (1854-1922) có chép chuyện Đô đốc Long và cho biết đầy đủ cả họ lẫn tên của vị Đô đốc này là Đặng Văn Long (người huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn, nay thuộc huyện Tây sơn, tỉnh Bình Định). Tuy nhiên, phân tích kỹ tài liệu này thì thấy Đô đốc Đặng Văn Long là một tướng trong đạo quân chủ lực do Quang Trung Nguyễn Huệ trực tiếp chỉ huy chứ không phải là vị Đô đốc chỉ huy 1 trong 5 đạo quân tham gia trận Ngọc Hồi-Đống Đa. Đặng Văn Long có vẻ như là một tướng tiên phong của Quang Trung Nguyễn Huệ chứ không phải là Đô đốc chỉ huy một đạo quân riêng. Cũng trong Tây Sơn lương tướng ngoại truyện, Đô đốc Đặng Văn Long chừng như chỉ tham gia chiến đấu ở trận Hạ Hồi và Ngọc Hồi chứ không hề đánh trận Đống Đa.
Vậy người chỉ huy 1 trong 5 đạo quân của Tây Sơn từ Tam Điệp, tiến thẳng ra Đại Áng rồi tấn công vào Đống Đa là ai? Xưa nay, nhiều người vẫn theo sử cũ mà chép lại là Đô đốc Long và không dám chú thích gì thêm, đành tạm cho vào hàng “khuyết truyện”.
Gần đây, khi bắt tay soạn thảo bộ DANH TƯỚNG VIỆT NAM, chúng tôi cũng có may mắn nhận thêm được một số tài liệu về Đô đốc Long. Nhưng phân tích các tài liệu mới nhận được, một lần nữa, chúng tôi lại thấy chừng như có một vị Đô đốc là Đặng Văn Long trong quân đội Tây Sơn, chỉ tiếc rằng, Đô đốc Đặng Văn Long trong tất cả các tài liệu mới nhận được không phải là vị Đô đốc chỉ huy 1 trong 5 đạo quân tham gia trận Ngọc Hồi - Đống Đa. Trong điều kiện khó khăn hiện tại, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu nguyên văn bài viết của GS Phan Huy Lê trên tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 154 (1-1974). Kể ra bài báo được viết cũng đã khá lâu, nhưng giá trị khoa học thì càng ngày càng được khẳng định. Hiện nay, ở thủ đô Hà Nội, có một đường phố mang tên Đặng Tiến Đông chạy từ phố Tây Sơn (mé Tây gò Đống Đa) đến phố Láng Hạ, thuộc quận Đống Đa. Sau, năm mất của Đặng Tiến Đông được xác định là 1801, tuy nhiên, chúng tôi vẫn theo bài viết của GS Phan Huy Lê mà để khuyết năm mất. Dưới đây là nguyên văn bài viết của GS Phan Huy Lê trên tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử số 154 (1-1974).
|
Sáng ngày mồng 5 Tết, đạo quân của Đô đốc Đông tiến vào thành Thăng Long trước tiên. Trưa ngày hôm đó, Quang Trung cùng với đại quân tiến vào kinh thành giữa sự đón chào của Đô đốc Đông và sự hoan nghênh của nhân dân các phố phường Thăng Long. Bài văn bia của Phan Huy Ích còn ghi rõ công trạng của Đô đốc Đông và sự ban thưởng của Quang Trung đối với ông: “Vũ Hoàng Đế vào Thăng Long, tiến hành khen thưởng, ban riêng cho ông xã quê hương là Lương Xá làm thực ấp vĩnh viễn, phàm các khoản binh phân, hộ phân, sưu sai đều cho miễn trừ”.
Không nghi ngờ gì nữa, Đô đốc Đặng Tiến Đông có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Thanh và là một vị tướng chỉ huy quân Tây Sơn đánh thắng trận Đống Đa lịch sử. Ở đây có vấn đề đặt ra là Đô đốc Đông có phải là Đô đốc Long hay Đô đốc Mưu được ghi chép trong sử cũ hay không? Hiện nay, chưa tìm thấy tài liệu nào nói rõ Đô đốc Đông là Đô đốc Long hay Đô đốc Mưu. Nhưng phân tích và đối chiếu các tư liệu các sự kiện có liên quan thì theo tôi: có nhiều khả năng Đặng Tiến Đông là tên thật của Đô đốc Long hay Đô đốc Mưu. Nhận định đó dựa trên những cơ sở sau đây:
-
So sánh các tài liệu thì những sự việc mà sử sách trước đây chép là của Đô đốc Long (hay Mưu), theo những tư liệu mới phát hiện và thu tập được lại là của Đô đốc Đông. Ví dụ, tướng Tây Sơn được Quang Trung giao cho chỉ huy đạo quân diệt đồn Đống Đa (hay trại Khương Thượng), theo Hoàng Lê nhất thống chí là Đô đốc Long, theo Đại Nam chính biên liệt truyện là Đô đốc Mưu, theo những tư liệu mới trình bày ở trên lại là Đô đốc Đông. Đội quân Tây Sơn đầu tiên tiến vào thành Thăng Long, theo Hoàng Lê nhất thống chí và Minh đô sử là đội quân của Đô đốc Long, theo bài văn bia do Phan Huy Ích soạn lại là Đô đốc Đông. Hoàng Lê nhất thống chí chép: “Sáng hôm ấy, Long đã đánh tên Thái thú Điền Châu ở trại Khương Thượng thuộc huyện Quảng Đức. Quân Thanh tan vỡ bỏ chạy, Long liền tiến trước vào thành” (Ngô gia văn phái. Hoàng Lê nhất thống chí. Bản dịch.-H.: Văn học Hà Nội, 1964.-Tr.364). Ngay cả hình ảnh Đô đốc cưỡi ngựa chỉ huy quân sĩ đánh giặc mà Phan Huy Ích ghi lại trong văn bia cũng phù hợp với một đoạn văn của Minh đô sử mô tả Đô đốc Long phi ngựa ra đón tiếp Quang Trung. Những điều trùng hợp đó chứng tỏ Đô đốc Long, Đô đốc Mưu, Đô đốc Đông chỉ là một người. Đó là những tên ghi chép khác nhau về vị Đô đốc đã chỉ huy quân Tây Sơn đánh thắng trận Đống Đa và tiến vào thành Thăng Long đầu tiên.
-
Toàn bộ quân đội Tây Sơn huy động vào cuộc phản công chiến lược có trên 10 vạn, chia làm 5 doanh (hay 5 quân): Tiền, Trung, Hậu, Tả, Hữu. Như vậy, mỗi doanh ước chừng trên dưới 2 vạn quân. Đạo quân chủ lực do Quang Trung trực tiếp thống lĩnh tập trung đến 3 doanh: Tiền quân do Nội hầu Phan Văn Lân chỉ huy, Trung quân do Đại Tư mã Ngô Văn Sở chỉ huy và Hậu quân do Hám Hổ hầu chỉ huy. Tả quân do Đại Đô đốc Lộc và Đô đốc Tuyết chỉ huy đảm nhiệm mũi tấn công vào Hải Dương và mũi bao vây vu hồi chặn đường rút lui của tàn quân địch. Hữu quân, theo Hoàng Lê nhất thống chí, do Đại Đô đốc Bảo và Đô đốc Long chỉ huy, chia làm 2 đạo: một đạo tiến ra Đại Áng phối hợp với đạo quân chủ lực tiêu diệt đồn Ngọc Hồi, một đạo tiến ra Nhân Mục tiêu diệt đồn Đống Đa. Đạo quân đánh đồn Đống Đa là một bộ phận của Hữu quân. Mũi tiến công đó rất quan trọng, nhưng về binh lực thì không nhiều lắm. Đứng về tổ chức và phiên chế, chỉ huy một đạo quân như vậy là một Đô đốc, không có lý do gì phải giao cho 2 hay 3 Đô đốc (Thời Quang Trung, Đô đốc là một chức võ quan cao cấp và trong cuộc kháng chiến chống Thanh được giao quyền chỉ huy các đạo quân phụ trách các hướng tiến công phối hợp. Sang thời Quang Toản, chính quyền Tây Sơn suy yếu dần, tệ mua bán chức tước phát triển và từ đó mới có nạn “Đô đốc tam thiên Đô đốc, chỉ huy bát vạn chỉ huy). Ngoài đạo quân chủ lực, 3 đạo quân kia, mỗi đạo cũng chỉ do một Đô đốc chỉ huy (Đô đốc Bảo, Đô đốc Lộc, Đô đốc Tuyết). Đô đốc Long hay Đô đốc Mưu hay Đô đốc Đông chỉ là một người.
-
Hơn nữa, qua đạo sắc phong chức tước và bài văn bia của Phan Huy Ích, thấy rõ Quang Trung rất tin cẩn và ưu đãi Đặng Tiến Đông. Không lẽ Quang Trung lại đặt Đô đốc Đông dưới quyền Đô đốc Long (hay Mưu) nếu đó là hai người. Chính sách dùng người của Quang Trung nói chung và thái độ đối xử đối với những sĩ phu tiến bộ theo Tây Sơn nói riêng, càng chứng tỏ Đô đốc Long chính là Đô đốc Đông.
Nhưng là một người, tại sao có tài liệu chép là Đô đốc Long, có tài liệu chép là Đô đốc Mưu, có tài liệu chép là Đô đốc Đặng Tiến Đông? Cũng chưa có tư liệu nào cho phép giải thích rõ vấn đề này. Điều đáng lưu ý là những sách chép là Đô đốc Long hay Đô đốc Mưu, không có một tài liệu nào ghi chú rõ nguồn gốc của nhân vật, ngay cả họ hàng, quê quán cũng không biết. Còn gia phả họ Đặng, đạo sắc phong chức tước đời Tây Sơn, văn bia của Phan Huy Ích và Ngô Thì Nhậm là những tư liệu có giá trị, ghi chép đầy đủ họ tên, quê quán và phản ánh những nét lớn thân thế, sự nghiệp của Đặng Tiến Đông. Có thể do ghi chép sai lạc, phát âm chệch:
Đặng Tiến Đông vốn tên là Đông, chữ Hán viết tất là sau đổi viết là . Chữ Đông và chữ Long (viết tắt), tự dạng gần giống nhau, rất dễ nhầm.
Về phương diện ngữ âm, những từ có phụ âm đầu là Đ, L rất dễ chuyển hóa lẫn nhau), cũng có thể do một lý do nào đó, Đặng Tiến Đông giấu tên thật của mình và vì vậy, Đô đốc Đông trở thành Đô đốc Long hay Đô đốc Mưu.
Sau khi đánh tan giặc ngoại xâm, Đặng Tiến Đông vẫn giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền Tây Sơn, tiếp tục đóng góp công sức vào công cuộc xây dựng đất nước. Dưới triều Quang Trung (1788-1792), ông giữ chức Vệ quốc Thượng tướng quân, Trấn thủ hai xứ Thanh Hoa và Nghĩa An (thời Tây Sơn gọi trấn Nghệ An là Nghĩa An hay Trung Đô). Có lẽ ông giữ chức vụ đó cho đến năm 1790 là khi Quang Trung cử con là Nguyễn Quang Bàn làm Đốc trấn Thanh Hoa và tướng Trần Quang Diệu làm Đốc trấn Nghĩa An. Theo bài văn bia của Chùa Thủy Lâm do Phan Huy Ích soạn khắc vào năm Cảnh Thịnh thứ năm (1797) và bài minh do Trần Bá Lãm soạn khắc vào chuông Chùa Trăm Gian (thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) vào năm Cảnh Thịnh thứ hai (1794), thì trong thời Quang Toản (1792-1802), ông giữ chức Đại tướng Thống Vũ Thắng Vệ Thiên Hùng Hiệu.
Ngoài việc nước, trong thời gian làm quan trong triều Tây Sơn, Đặng Tiến Đông còn chăm lo tu bổ một số đền chùa ở quê hương. Trải qua nhiều năm biến loạn cuối thời Lê, dân làng Lương Xá có một bộ phận lưu tán đi các nơi. Ông đã chiêu tập dân làng trở về quê hương, khai khẩn đất đai, mở mang thôn xóm. Ông cúng cho làng 600 quan tiền và 17 mẫu ruộng tốt để tu bổ Chùa Thủy Lâm, đền thờ họ Đặng và làm chi phí thờ cúng hàng năm. Ông còn sửa sang lại Chùa Trăm Gian, đúc chuông cho nhà chùa (năm 1794) và cúng 80 quan tiền, 8 mẫu ruộng làm hậu Phật (Đây là một tập tục xưa, nhân dân các địa phương thường tôn những người giàu công đức làm Thần hay Phật và cũng tổ chức tế lễ như đối với Thần, Phật vậy).
|
Tượng Đô đốc Đặng Tiến Đông - Chùa Trăm gian, Hà Nội
|
Chùa Trăm Gian còn giữ được một bức tượng Đặng Tiến Đông mà nhân dân địa phương thường gọi là “tượng quan Đô”. Bài văn bia
Đặng tướng công bi dựng trong chùa và gia phả một số chi họ Đặng cho biết bức tượng tạc vào năm Cảnh Thịnh thứ hai (năm 1794), lúc Đặng Tiến Đông 56 tuổi. Các tài liệu trên chép là “
tượng truyền thần”, tạc vào lúc “
sinh thời” của ông. Các cụ già làng Tiên Lữ tương truyền rằng, tượng giống người đến mức độ khi rước tượng về chùa, tượng đặt trong kiệu đi trước, “quan Đô” ngồi trong kiệu đi sau, người xem không sao phân biệt được người và tượng! Ngày nay, khó mà xác định bức tượng có giống người đến mức độ như thế hay không. Nhưng nghiên cứu bức tượng thì thấy rõ ràng đấy không phải là một bức tượng mang tính chất tượng trưng, ước lệ thường gặp trong các chùa, đền. Bức tượng nhằm diễn tả một con người cụ thể có dáng vóc, phong thái và cá tính riêng.
Tượng bằng gỗ mít, cao 1,30 m không kể bệ, tạc một võ tướng mặc võ phục đơn giản, trong tư thế ngồi, hai tay vòng về phía trước. Tượng thể hiện một người có tuổi, dáng cao lớn, vai rộng, khuôn mặt to, mồm hơi dô, môi dày, râu quai nón... Nét mặt trang nghiêm nhưng có vẻ hiền lành, chất phác.
Bức tượng đã bị mọt đục ruỗng đôi chỗ và đã được sơn lại. Gia phả chi họ Đặng ở thôn Long Châu, xã Phụng Châu (Chương Mỹ, Hà Nội), đề là Đặng gia phả ký cho biết năm Thành Thái thứ 15 (năm 1903), 5 chi họ Đặng đã góp tiền trùng tu bức tượng của tiên tổ ở Chùa Trăm Gian. Đó là một lần trùng tu có thể xác định được. Do những lần trùng tu như vậy nên nước sơn và những trang trí trên áo quần, mũ đai không còn giữ được phong cách đời Tây Sơn. Nhưng tính chất và giá trị chân dung của bức tượng vẫn có thể nhìn nhận và đánh giá được. Đây không phải là một tác phẩm điêu khắc thật đẹp, nhưng là một bức tượng chân dung rất hiếm có của nghệ thuật thời Tây Sơn. Bức tượng cho thấy một hình ảnh cụ thể về Đô đốc Đặng Tiến Đông, vị tướng Tây Sơn đã có công lập nên chiến thắng Đống Đa lịch sử.
Đặng Tiến Đông mất ngày 15 tháng 4, vào một năm khoảng cuối đời Tây Sơn (năm cụ thể chưa xác định được). Mộ ông táng ở xứ Đồng Trê, nay thuộc thôn Đầm Dền, xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
Sử sách không ghi chép một câu nào về Đặng Tiến Đông. Nhưng những tài liệu, di vật mới phát hiện cho phép nêu cao công lao, sự nghiệp của Đô đốc Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến Đông và trả lại cho ông vị trí xứng đáng cùng với cống hiến xuất sắc trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc năm 1788-1789.
Đặng Tiến Đông là một trong những sĩ phu tiến bộ ở Bắc Hà đã sớm tìm ra con đường đi đúng đắn của mình trong tình hình đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc cực kỳ ác liệt và phức tạp cuối thế kỷ XVIII. Ông đã kiên quyết và dũng cảm đi theo phong trào Tây Sơn, đứng về phía nhân dân và dân tộc. Phương hướng đúng đắn đó đã mở ra cho ông một cuộc đời mới, tạo điều kiện cho ông phát huy tài năng của mình, có những cống hiến tích cực đối với lịch sử.
Đặng Tiến Đông đã sớm trở thành một tướng soái tài ba của quân đội Tây Sơn. Dưới sự tổ chức và lãnh đạo tuyệt vời của Quang Trung Nguyễn Huệ, Đô đốc Đông đã chỉ huy quân Tây Sơn đánh thắng trận Đống Đa, góp phần quan trọng tạo nên mùa xuân đại thắng của dân tộc năm Kỷ Dậu 1789.
Nguồn: Danh tướng Việt Nam - Tập 3 / Nguyễn Khắc Thuần.-H.: Giáo dục, 2005.