Vietnamdefence.com

 

Nguyễn Văn Lộc (? - ?)

VietnamDefence - “Báo quốc nhất thân đô thị đảm / Giao tình thiên tải chỉ luận tâm” (Báo đáp Tổ quốc, một tấm thân luôn dũng cảm, / Giao tình với ngàn năm, chỉ luận về chữ tâm mà thôi) - Nguyễn Bá Huân (Lời đề tựa cho Tây Sơn lương tướng ngoại truyện của Nguyễn Trọng Trì)

DANH TƯỚNG TÂY SƠN

Trong lịch sử Việt Nam, có lẽ không mấy ai phải chịu sự thiệt thòi lớn lao như các danh tướng Tây Sơn. Họ có cả một đời xông pha oanh liệt với hàng loạt những võ công kiệt xuất, nhưng, sử sách ghi chép về họ lại quá ít ỏi. Họ đã anh dũng chiến đấu quên mình vì nghĩa cả là cứu nước và cứu dân, nhưng ngay sau đó sự nghiệp phi thường của họ đã bị quá nhiều những cây bút thù nghịch tìm cách xuyên tạc. Chẳng phải là ngẫu nhiên mà tác giả của Tây Sơn lương tướng ngoại truyện là Nguyễn Trọng Trì đã có những lời cảm vịnh vừa hùng tráng lại vừa man mác một nỗi buồn không nguôi:

“Tướng quân chiến mã kim hà tại?
Dã thảo nhàn hoa mãn địa sầu”.

(Chiến mã của tướng quân giờ ở nơi đâu?
Cỏ hoa đồng nội đất đầy sầu).

Nguyễn Văn Lộc người làng Kỳ Sơn, huyện Tuy Viễn (nay thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Hiện chưa rõ Nguyễn Văn Lộc sinh và mất năm nào.

Truyền thuyết dân gian kể rằng, Nguyễn Văn Lộc sinh ra trong một gia đình rất nghèo, vì thế mà lúc nhỏ, ông từng phải đi ở chăn trâu cho nhà giàu. Có bậc dị nhân thấy ông tướng mạo và cốt cách đẹp đẽ hơn hẳn những đứa trẻ chăn trâu cùng trang lứa, bèn bí mật truyền dạy võ nghệ cho. Nhờ may mắn này, ngay từ nhỏ võ nghệ của Nguyễn Văn Lộc đã rất cao cường, nhưng ông không hề tỏ cho ai biết điều này cả, chỉ khi nào gặp nguy khốn, cực bất đắc dĩ lắm mới đem ra dùng mà thôi.

Khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ, Nguyễn Văn Lộc là một trong số những người hăng hái tham gia hưởng ứng đầu tiên và cũng ngay từ đầu, Nguyễn Văn Lộc đã liên tiếp lập được nhiều công lớn.

Năm 1775, quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ làm tổng chỉ huy đã ồ ạt tấn công vào lực lượng quân Chúa Nguyễn do tướng Tống Phúc Hiệp cầm đầu tại Phú Yên. Đây là cuộc tấn công có ý nghĩa rất quan trọng, bởi lẽ, Tống Phúc Hiệp có trong tay đến hơn 2 vạn quân, nếu không đập tan được lực lượng của Tống Phúc Hiệp thì chẳng những kế hoạch tiêu diệt tập đoàn họ Nguyễn đang ẩn náu tại Gia Định bị chặn đứng mà khả năng bị thu hẹp vùng chiếm đóng của Tây Sơn cũng rất có thể sẽ xảy ra. Và trong trận đánh không cân sức này, Nguyễn Huệ đã thắng. Tống Phúc Hiệp phải bỏ chạy thục mạng. Tướng dưới quyền của Tống Phúc Hiệp là Nguyễn Văn Hiển bị giết tại trận, một viên tướng khác của Tống Phúc Hiệp là Nguyễn Khoa Kiên bị bắt sống. Trong chiến thắng vang dội này, Nguyễn Văn Lộc có đóng góp rất quan trọng.

Năm 1786, quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy đã vượt đèo Hải Vân, đánh thẳng vào lực lượng quân Trịnh đang đóng tại Phú Xuân. Bấy giờ, tổng chỉ huy quân Trịnh là Tạo Quận công Phạm Ngô Cầu và Tạo sĩ Hoàng Đình Thể. Chỉ trong một thời gian ngắn, toàn bộ quân Trịnh ở đây bị tiêu diệt. Hoàng Đình Thể cùng với 2 con trai (cũng là tướng cao cấp) và tướng Võ Tá Kiên bị giết tại trận, còn Phạm Ngô Cầu thì bị bắt và sau đó cũng bị giết. Trong chiến công chung rất vang dội này, đóng góp của Nguyễn Văn Lộc là rất lớn lao, vì vậy mà sau đó không bao lâu, khi Tây Sơn đã làm chủ được Bắc Hà, ông được trao chức Phòng ngự sứ ở Thanh Hóa.

Trong trận đại phá quân xâm lược Mãn Thanh (Tết Kỷ Dậu, 1789), Nguyễn Văn Lộc là Đô đốc, chỉ huy một trong 5 đạo quân Tây Sơn. Theo kế hoạch chung của Quang Trung Nguyễn Huệ, từ Biện Sơn, Đô đốc Nguyễn Văn Lộc chỉ huy một đạo thủy quân, vượt biển tiến ra Hải Dương rồi từ Hải Dương tiến lên Phượng Nhãn và Lạng Giang (vùng Bắc Ninh và Bắc Giang ngày nay), sẵn sàng chặn đánh và truy kích quân Mãn Thanh khi chúng bị đánh bật khỏi Thăng Long và bỏ chạy về Trung Quốc. Tuy nhiên, do bất ngờ gặp bão biển nên đạo quân do Đô đốc Lộc chỉ huy tập kết ở Hải Dương muộn hơn vài ngày so với quy định, không kịp bịt kín mọi đường rút lui của quân Mãn Thanh. Mặc dù vậy, đạo quân của Đô đốc Lộc vẫn đánh được một trận lớn ở Phượng Nhãn, tiêu diệt một bộ phận sinh lực khá lớn của giặc. Tổng chỉ huy quân xâm lược Mãn Thanh là Tôn Sĩ Nghị phải hốt hoảng vất bỏ cả ấn tín, cờ quạt và sắc phong để chạy thoát thân. Theo ghi chép của Trần Nguyên Nhiếp thì chúng phải: “Đói cơm khát nước, không kiếm đâu ra được ăn uống, cứ phải đi suốt bảy ngày bảy đêm mới đến trấn Nam Quan” (Trần Nguyên Nhiếp. An Nam quân doanh kỷ yếu - Phan Huy Lê (chủ biên).- Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc.-H.: QĐND, 1976.-Tr.441). Khi về đến Quảng Tây, theo lời tâu của Tôn Sĩ Nghị, thì tổng số quân Mãn Thanh chỉ còn lại 5000 tên, nghĩa là bọn sống sót chỉ khoảng hơn 1/60 so với tổng số quân tràn sang nước ta ban đầu. Như vậy, đạo quân do Đô đốc Lộc chỉ huy đã có công đánh tan tành quân Mãn Thanh trên đường chúng tháo chạy, góp phần quan trọng vào việc đè bẹp ý chí xâm lăng của chúng.

Trong khoảng vài năm đầu của thời Quang Toản, Đô đốc Nguyễn Văn Lộc vẫn tiếp tục có thêm nhiều cống hiến xuất sắc. Chính ông là người đã tổ chức đánh bại viên tướng khét tiếng của Nguyễn Ánh là Võ Tánh ở ngay trên đất làng Kỳ Sơn quê hương ông, khiến cho Nguyễn Ánh và tướng tá dưới quyền đều rất kiêng nể tài cầm quân của Đô đốc Nguyễn Văn Lộc. Sau trận này Đô đốc Nguyễn Văn Lộc được thăng làm Thần Võ Hữu quân Đô Thống chế.

Sau trận Kỳ Sơn, Nguyễn Văn Lộc có thêm trên 20 lần đụng độ với quân đội của Nguyễn Ánh do các tướng cao cấp nhất là Lê Văn Duyệt và Nguyễn Văn Thành chỉ huy và cả trên 20 lần đụng độ đó, Nguyễn Văn Lộc đều thắng. Uy danh của ông vang dội ở khắp nơi.

Tiếc thay, cũng đúng vào lúc đó thì chính quyền của Quang Toản ngày một suy yếu bởi sự lộng hành của Bùi Đắc Tuyên. Nguyễn Văn Lộc không cùng phe cánh với tên quyền thần ích kỷ và nhỏ nhen này, vì thế ông bị Bùi Đắc Tuyên thu hết binh quyền, giáng xuống làm quan Thị lang ở bộ Lễ. Nguyễn Văn Lộc buồn nản, “từ đó, miệng không nói đến việc binh, ẩn cư ở núi Hoàng Mai huyện Tuy Viễn (nay thuộc tỉnh Bình Định - NKT), thường ngày mang rượu, cưỡi ngựa dong chơi bốn phương” (Nguyễn Trọng Trì. Tây Sơn lương tướng ngoại truyện. Nguyễn Đô Đốc Văn Lộc, ngoại truyện).


Về sau ông mất (không rõ năm nào), được vua Quang Toản ban cho tên thụy là Trung Liệt.

Nguồn: Danh tướng Việt Nam - Tập 3 / Nguyễn Khắc Thuần.-H.: Giáo dục, 2005.

Print Print E-mail Print