Vietnamdefence.com

 

Trần Quang Diệu (? - 1802)

VietnamDefence - “Vô đoan hữu lục anh hùng phổ, / Túy mặc lâm ly bất tự cầm” (Nào phải vô cớ mà chép chuyện anh hùng, / Mực say lâm ly không thể ngăn lại được đó thôi) - Nguyễn Bá Huân (Lời đề tựa cho Tây Sơn lương tướng ngoại truyện của Nguyễn Trọng Trì).

Các tài liệu xưa nay đều nói rằng, Trần Quang Diệu sinh trưởng tại làng Ân Tín, huyện Hoài Ân (nay thuộc tỉnh Bình Định). Tuy nhiên, trong một dịp đi khảo sát tại Đà Nẵng (vào cuối năm 1997), chúng tôi lại tìm thấy một ngôi mộ cổ và một bản phổ ý. Ngôi mộ cổ ấy là mộ của mẹ Trần Quang Diệu (nằm ở ngoại vi thành phố Đà Nẵng) và bản phổ ý ấy là phổ ý của dòng họ Trần Quang Diệu. Cả hai tư liệu này đều nói Trần Quang Diệu là người Quảng Nam. Đó là hai tư liệu quý nhưng, bản thân hai tư liệu đó vẫn chưa đủ để có thể khẳng định một cái gì khác hẳn trước đây. Trong lúc chờ đợi kết quả phân tích giá trị văn bản của bản phổ ý và chờ đợi thêm kết quả của những đợt khảo sát mới, chúng tôi chỉ xin sơ bộ giới thiệu qua như trên mà thôi.

DANH TƯỚNG TÂY SƠN

Trong lịch sử Việt Nam, có lẽ không mấy ai phải chịu sự thiệt thòi lớn lao như các danh tướng Tây Sơn. Họ có cả một đời xông pha oanh liệt với hàng loạt những võ công kiệt xuất, nhưng, sử sách ghi chép về họ lại quá ít ỏi. Họ đã anh dũng chiến đấu quên mình vì nghĩa cả là cứu nước và cứu dân, nhưng ngay sau đó sự nghiệp phi thường của họ đã bị quá nhiều những cây bút thù nghịch tìm cách xuyên tạc. Chẳng phải là ngẫu nhiên mà tác giả của Tây Sơn lương tướng ngoại truyện là Nguyễn Trọng Trì đã có những lời cảm vịnh vừa hùng tráng lại vừa man mác một nỗi buồn không nguôi:

“Tướng quân chiến mã kim hà tại?
Dã thảo nhàn hoa mãn địa sầu”.

(Chiến mã của tướng quân giờ ở nơi đâu?
Cỏ hoa đồng nội đất đầy sầu).

Trần Quang Diệu sinh năm nào chưa rõ. Một số chuyện kể dân gian nói rằng, trước khi trở thành một trong những vị hổ tướng của Tây Sơn, Trần Quang Diệu từng có mối quan hệ khá thân tình với Nguyễn Nhạc, và như vậy, cũng có thể đoán định là tuổi tác của Nguyễn Nhạc với Trần Quang Diệu, bằng hoặc giả là chênh lệch nhau không bao nhiêu. Khi Nguyễn Nhạc dựng cờ xướng nghĩa ở Tây Sơn, Trần Quang Diệu là một trong số những người nhiệt liệt hưởng ứng sớm nhất. Ông (và vợ là Bùi Thị Xuân) được Bộ chỉ huy Tây Sơn tin cậy trao phó những chức vụ ngày càng lớn.

Năm 1788, Trần Quang Diệu đã sát cánh với Quang Trung Nguyễn Huệ trong cuộc hành quân thần tốc ra Bắc để chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược với quân Mãn Thanh. Và trong trận Ngọc Hồi-Đống Đa (Tết Kỷ Dậu, 1789), Trần Quang Diệu là một trong những vị tướng đã lập công xuất sắc. Bấy giờ, nếu các Đô đốc như Đặng Xuân Bảo, Nguyễn Văn Lộc, Nguyễn Văn Tuyết, Đặng Tiến Đông (?) được trao quyền chỉ huy những đạo quân riêng, thì các tướng lĩnh cao cấp khác như Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân, Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu,... lại cùng với Quang Trung Nguyễn Huệ, chỉ huy đạo quân chủ lực, đánh thẳng vào Hạ Hồi và Ngọc Hồi. Thắng lợi vang dội ở Hạ Hồi và đặc biệt là Ngọc Hồi đã chứng tỏ biệt tài cầm quân của Quang Trung Nguyễn Huệ và các vị tướng lĩnh Tây Sơn, trong đó có Trần Quang Diệu.

Nhờ công lao trong cả quá trình tham gia khởi nghĩa, năm 1790, Trần Quang Diệu được Quang Trung Nguyễn Huệ bổ làm Đốc trấn Nghệ An. Với chức vụ đó, Trần Quang Diệu đã cùng với Trấn thủ Nguyễn Văn Thận, nhanh chóng ổn định xã hội, tạo điều kiện cho nhân dân trấn Nghệ An có thể yên tâm làm ăn sinh sống.

Cũng trong thời gian làm Đốc trấn Nghệ An, cùng với Trấn thủ Nguyễn Văn Thận, Trần Quang Diệu đã có công tổ chức thực hiện việc xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô. Thực tế cho thấy, Trần Quang Diệu là một trong những người rất có tài năng trong lĩnh vực đặc biệt này.

Tượng thờ thái phó Trần Quang Diệu trong Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt (Bảo tàng Quang Trung, Bình Định)
Dưới thời Quang Toản, Trần Quang Diệu được phong tới Thiếu phó, vì thế, dã sử xưa vẫn thường gọi ông là quan Thiếu phó. Trong cuộc đối đầu quyết liệt với Nguyễn Ánh, Trần Quang Diệu là người lập được rất nhiều công lao. Ông đã nhiều phen đánh cho quân của Nguyễn Ánh phải thất điên bát đảo. Trận đánh lớn nhất của Trần Quang Diệu đối với quân Nguyễn Ánh là trận Quy Nhơn (1801). Bấy giờ, quân Nguyễn Ánh trong thành này do viên tướng khét tiếng là Võ Tánh cầm đầu. Sát cánh với Võ Tánh còn có một văn thần cao cấp là Ngô Tùng Châu. Sau 14 tháng trời liên tục vây hãm, cuối cùng, Trần Quang Diệu đã hạ được thành Quy Nhơn (tức thành Bình Định). Võ Tánh và Ngô Tùng Châu đều phải tự tử.

Sau khi chiếm được thành Quy Nhơn, Trần Quang Diệu đã có một việc làm được người đời khen là tướng nhân đức. Việc làm đó là chôn cất Võ Tánh và Ngô Tùng Châu rất tử tế, đồng thời, tha mạng cho tất cả tướng sĩ của Nguyễn Ánh còn sót lại ở trong thành. Cũng sau chiến thắng Quy Nhơn, Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng cầm quân đóng tại thành này.

Năm 1802, trong một trận ác chiến với quân Nguyễn Ánh ở Nghệ An, Trần Quang Diệu cùng vợ là Bùi Thị Xuân bị bắt. Sau nhiều lần tìm cách chiêu hàng mà không được, Nguyễn Ánh đã xử tử cả gia đình ông một cách vô cùng dã man. Ông bị lột da còn vợ con ông thì bị voi giày.

Nguồn: Danh tướng Việt Nam - Tập 3 / Nguyễn Khắc Thuần.-H.: Giáo dục, 2005.

Print Print E-mail Print