Vietnamdefence.com

 

Võ Văn Dũng (? - ?)

VietnamDefence - “Võ công dũng quán quân, / Bách chiến khởi Tây thùy” (Võ công anh dũng vào hàng bậc nhất. / Trăm trận bắt đầu từ biên thùy phía Tây) - Nguyễn Trọng Trì (Vịnh Võ Đô Đốc - Tây Sơn lương tướng ngoại truyện)

DANH TƯỚNG TÂY SƠN

Trong lịch sử Việt Nam, có lẽ không mấy ai phải chịu sự thiệt thòi lớn lao như các danh tướng Tây Sơn. Họ có cả một đời xông pha oanh liệt với hàng loạt những võ công kiệt xuất, nhưng, sử sách ghi chép về họ lại quá ít ỏi. Họ đã anh dũng chiến đấu quên mình vì nghĩa cả là cứu nước và cứu dân, nhưng ngay sau đó sự nghiệp phi thường của họ đã bị quá nhiều những cây bút thù nghịch tìm cách xuyên tạc. Chẳng phải là ngẫu nhiên mà tác giả của Tây Sơn lương tướng ngoại truyện là Nguyễn Trọng Trì đã có những lời cảm vịnh vừa hùng tráng lại vừa man mác một nỗi buồn không nguôi:

“Tướng quân chiến mã kim hà tại?
Dã thảo nhàn hoa mãn địa sầu”.

(Chiến mã của tướng quân giờ ở nơi đâu?
Cỏ hoa đồng nội đất đầy sầu).

Võ Văn Dũng người làng Phú Phong, huyện Tuy Viễn (nay thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Hiện vẫn chưa rõ ông sinh và mất năm nào. Theo truyền thuyết của nhân dân địa phương vùng quê ông thì Võ Văn Dũng là bạn của Nguyễn Nhạc, tuổi tác đại để cũng xấp xỉ Nguyễn Nhạc.

Năm 1771, khi Nguyễn Nhạc cùng Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ phát động khởi nghĩa ở quê nhà Tây Sơn, Võ Văn Dũng là một trong số những người hăng hái tham gia hưởng ứng đầu tiên. Vốn có võ nghệ cao cường lại rất giàu mưu lược, Võ Văn Dũng nhanh chóng trở thành một trong những tướng lĩnh cao cấp của Tây Sơn. Khi Nguyễn Huệ còn là Bắc Bình Vương, Võ Văn Dũng đã được phong làm Tư khấu và sau đó không bao lâu, ông được thăng làm Đô đốc, tước Chiêu Viễn hầu (tức Hám Hổ hầu).

Năm 1788, khi Quang Trung Nguyễn Huệ vạch kế hoạch cho trận quyết chiến với quân Mãn Thanh, Võ Văn Dũng được tin cậy, trao phó trọng trách cùng với Quang Trung Nguyễn Huệ và các tướng lĩnh cao cấp khác như Đại Tư mã Ngô Văn Sở, Nội hầu Phan Văn Lân... chỉ huy đạo quân thứ nhất là đạo quân chủ lực của trận đánh lịch sử này. Và Võ Văn Dũng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này, góp phần vinh quang to lớn vào trận đại thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (Tết Kỷ Dậu, 1789). Bởi công lao này, Võ Văn Dũng được Quang Trung Nguyễn Huệ gia phong làm Đại Đô đốc, Đại Tư đồ, tước Võ Quốc công.

Dưới thời Quang Trung, Võ Văn Dũng từng được cử làm sứ giả sang Trung Quốc và ông cũng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nặng nề mà mới mẻ này. Khi Quang Trung Nguyễn Huệ qua đời, Võ Văn Dũng vẫn tiếp tục được tin dùng và được giao nhiều chức vụ quan trọng. Tuy nhiên, cũng kể từ khi Quang Trung Nguyễn Huệ qua đời, nội bộ Tây Sơn mất đoàn kết ngày một nghiêm trọng. Bấy giờ, nhân vật lộng quyền bị lên án nhiều nhất là Thái sư Bùi Đắc Tuyên. Năm 1795, nhân lòng căm phẫn của đồng liêu, lại nhân có lời bàn của văn thần đang bị Bùi Đắc Tuyên bắt đưa đi đày là Trần Văn Kỷ, Võ Văn Dũng đã bắt và giết Bùi Đắc Tuyên, sau đó còn sai người bắt giết thêm một số thân nhân của Bùi Đắc Tuyên nữa. Chính quyền của Quang Toản nhờ đó mà tạm được củng cố.

Tượng thờ Võ Văn Dũng - Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt, Bình Định
Trong cuộc chiến đấu cam go chống tập đoàn Nguyễn Ánh, Võ Văn Dũng là một trong những tướng lĩnh có nhiều công lao. Từ giữa năm 1799 đến đầu năm 1802, ông và tướng Trần Quang Diệu đã chỉ huy nhiều trận đánh lớn với quân của Nguyễn Ánh tại vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định ngày nay. Thành công của trận vây hãm thành Quy Nhơn liên tục trong 14 tháng trời, khiến cho cuối cùng, tướng cao cấp và văn thần cao cấp của Nguyễn Ánh là Võ Tánh và Ngô Tùng Châu phải tự tử, là thành công gắn liền với tên tuổi của Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng.

Tháng 3 năm 1802, thấy tình hình Tây Sơn ở vùng Trấn Ninh (phía Tây Nghệ An và Thanh Hóa ngày nay) ngày một nguy cấp bởi những trận tấn công ào ạt của Nguyễn Ánh, Võ Văn Dũng đã cùng với Trần Quang Diệu đem quân đi cứu. Rất tiếc là cuộc hành quân này của ông và tướng Trần Quang Diệu không thành công. Trần Quang Diệu bị bắt và bị xử tử một cách rất tàn khốc, còn ông, sử chép vừa không rõ ràng lại vừa không đồng nhất.

Sử sách của nhà Nguyễn chép rằng, ngày 2/11/1802, Võ Văn Dũng bị giết cùng với nhiều bậc cựu cận thần của Quang Trung. Tuy nhiên, một số tài liệu khác lại nói rằng, Võ Văn Dũng đã thoát được. Sau ông quay về vùng An Khê (nay thuộc Gia Lai), rồi sống ở đó cho đến năm 90 tuổi mới mất. Năm 1907, con cháu ông đem hài cốt của ông về cải táng tại quê nhà là làng Phú Phong, huyện Tuy Viễn.

Nguồn: Danh tướng Việt Nam - Tập 3 / Nguyễn Khắc Thuần.-H.: Giáo dục, 2005.

Print Print E-mail Print