Vietnamdefence.com

 

Đinh Lễ (? - 1427)

VietnamDefence - Ông là cháu ngoại, gọi vua Lê Thái Tổ bằng cậu, tính cương nghị và quả cảm giàu mưu lược và có võ nghệ rất cao cường” - Đại Việt thông sử (Chư thần truyện)

Đinh Lễ người sách Thúy Cối (Lam Sơn, Thanh Hóa), hiện chưa rõ ông sinh vào năm nào. Khi Lê Lợi bắt đầu chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, ba anh em Đinh Lễ (Ba anh em của Đinh Lễ là: Đinh Lễ, Đinh Bồ và Đinh Liệt. Tuy nhiên, sách Đại Nam Nhất thống chí thì chỉ chép có hai người là Đinh Lễ và Đinh Liệt mà thôi) là những người hăng hái hưởng ứng đầu tiên. Em út của ông là Đinh Liệt từng có tên trong danh sách 19 người tham dự Hội thề Lũng Nhai.
 
Là người quả cảm lại có võ nghệ cao cường, công việc đầu tiên mà Đinh Liệt được giao là luôn đi hộ vệ và hầu cận Lê Lợi. Trải nhiều năm vào sinh ra tử, Đinh Lễ được phong dần tới chức Tư không.  Ông là một trong những vị tướng dày dạn kinh nghiệm trận mạc và liên tiếp lập được nhiều công lao.

Sử cũ chép về ông như sau:

“Năm Giáp Thìn (1424), Vua đánh nhau với quân Minh ở Khả Lưu, ông cùng tướng Lê Sát xông tới kìm hãm trận địa giặc, tạo điều kiện cho quân sĩ ào ạt tràn lên. Giặc thua to. Ta bắt được tướng giặc là Chu Kiệt, chém được tướng giặc là Hoàng Thành, đuổi cho Trần Trí và Sơn Thọ phải chạy dài. Ta bắt sống được sĩ tốt của giặc không biết bao nhiêu mà kể. Nhờ công ấy, ông được phong là Tư không. 

Mùa xuân năm Ất Tị (1425), Vua cho quân bao vây bọn Lý An và Phương Chính ở thành Nghệ An. Tháng 5 của năm này, ông được sai đi tuần ở Diễn Châu. Khi ấy, ông cho quân mai phục ở phía ngoài thành. Giặc không hề hay biết. Thế rồi viên Đô ty của nhà Minh là Trương Hùng, dẫn hơn 300 chiếc thuyền chở lương từ thành Đông Quan tới. Quân giặc trong thành (Diễn Châu) mừng rỡ, liền mở cửa ra để đón. Bất ngờ, Đinh Lễ cho quân mai phục trỗi dậy đánh quyết liệt.

Ta chém được viên Thiên hộ họ Tưởng và hơn 300 quân lính của giặc. Trương Hùng phải bỏ chạy. Ông thu được hết thuyền lương và nhân đà thắng lợi, đuổi dài bọn chúng đến tận Tây Đô. Vua nghe tin, sai các tướng Lê Sát và Lý Triện đem quân gấp rút theo đường tắt đến tiếp ứng. Ta chém thêm được hơn 500 tên, khiến giặc phải hốt hoảng mà chạy vào thành.

Ông phủ dụ dân cư, đồng thời, thu nạp những người khỏe mạnh để vây thành (Tây Đô)” (Đại Việt thông sử, Chư thần truyện). 

Tháng 9 năm 1426, khi Lê Lợi cho ba đạo quân luồn sâu vào vùng tạm bị quân Minh chiếm đóng, tìm cách khuấy động khu vực chung quanh thành Đông Quan, nhằm chuẩn bị cho những cuộc tấn công của Lam Sơn, Đinh Lễ và Nguyễn Xí được Lê Lợi sai cầm quân tinh nhuệ đi sau để sẵn sàng tiếp ứng. Và Đinh Lễ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.

Tháng 11 năm 1426, Lam Sơn đã đánh trận quyết chiến chiến lược tuyệt vời với quân Minh tại Tốt Động-Chúc Động. Tướng Đinh Lễ đã có vinh dự tham gia và đã góp công lớn. Bấy giờ, Đinh Lễ cùng với Trương Chiến và Nguyễn Xí đem quân mai phục sẵn ở Thanh Đàm để bí mật đón đánh Vương Thông khi hắn dẫn đại binh đến đấy. Tại đây, chính ông là một trong những người đã bắt được khá nhiều quân do thám và nhờ khéo khai thác, ông đã nắm được toàn bộ mưu đồ của Vương Thông. Kế hoạch tác chiến của quân Lam Sơn trong trận đánh lịch sử này chủ yếu dựa trên những thông tin vô giá mà ông lấy được, đồng thời cũng là dựa trên những ý kiến xuất sắc của ông.

Sau trận Tốt Động - Chúc Động, Đinh Lễ liền viết thư báo tin đại thắng cho Lê Lợi, đồng thời, hăng hái cùng các tướng tổ chức bao vây thành Đông Quan.

Khi Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn tiến quân ra Bắc và đóng đại bản doanh tại Bồ Đề (Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội ngày nay), kế hoạch bao vây thành Đông Quan càng được thực hiện một cách ráo riết hơn. Bấy giờ, việc án ngữ cửa Bắc thành Đông Quan được giao cho tướng Lý Triện, còn việc chặn đứng cửa Nam thành Đông Quan thì Lê Lợi giao cho ông. Vòng vây càng xiết chặt, Vương Thông trong thành Đông Quan càng tức tối.

Tháng 3 năm 1427, Vương Thông đem hết quân tinh nhuệ trong thành Đông Quan ra đánh nhau với quân Lam Sơn tại Tây Phù Liệt do Thái giám Lê Nguyễn chỉ huy. Cuộc tấn công bất ngờ này khiến cho Lê Nguyễn rất lúng túng, buộc phải cố thủ để chờ viện binh. Lê Lợi lập tức sai Đinh Lễ và Nguyễn Xí đem 500 quân Thiết Đột tới cứu. Vương Thông thua to. Đinh Lễ và Nguyễn Xí lập tức cho quân truy đuổi. Giặc chạy đến Mỹ Động (nay là đất Hoàng Mai, ngoại thành Hà Nội) thì thấy quân Lam Sơn không nhiều, bèn quay lại dốc sức mà đánh. Đinh Lễ và Nguyễn Xí đã chiến đấu rất dũng cảm, nhưng vì quân ít, voi lại chẳng may bị sa lầy, nên cả hai đều bị bắt. Đinh Lễ bị kẻ thù giết hại, còn Nguyễn Xí thì sau đó trốn thoát được. 

Về cái chết của ông, sử cũ viết:

“Trước đây, mỗi lần ông ra trận, Nhà vua thường căn dặn rằng chớ khinh địch. Khi thắng Tốt Động-Chúc Động, ai ai cũng khen ông giỏi, nhưng Nhà vua vẫn nói:

- Trăm trận trăm thắng chưa hẳn là hay đâu. Nếu cứ cậy nhanh, cậy giỏi quen mãi với chiến thắng, thì thất bại có thể trông thấy ngay đó thôi.

Đến đây, quả nhiên là thế. Người đương thời không ai không thương tiếc ông. Nhà vua vô cùng thương xót, cho em ông là Đinh Liệt làm Nhập nội Thiếu úy, tước Á Hầu. Các vợ lẽ của ông là bọn Hà Ngọc Dung, tất cả năm người đều được làm Tông Cơ (tương đương với Quận Chúa - NKT).

Năm Thuận Thiên thứ nhất (tức năm 1428 - NKT), Vua truy tặng ông hàm Nhập nội Kiểm hiệu Tư đồ. Năm Hồng Đức thứ 15 (tức là năm 1484 - NKT), Vua (Lê Thánh Tông) truy tặng thêm cho ông hàm Thái Sư, tước Bân Quốc Công. Sau, lại được truy phong là Hiển Khánh Vương” (Đại Việt thông sử, Chư thần truyện).

Trong Đại Việt sử ký toàn thư (Bản kỷ, quyển 10, tờ 30-b), Ngô Sĩ Liên có lời bàn thật đáng lưu ý như sau:

“Khuất Hà quen với trận thắng ở Bồ Tao mà đến nỗi bại vong.  Nhưng (quân Khuất Hà) là quân đi cướp nước nhỏ, tàn bạo và bị cô lập (nên mới như thế). Lê Lễ (tức Đinh Lễ, ông được mang quốc tính là họ Lê nên sử mới chép như vậy - NKT) quen với trận thắng ở Tốt Động nên cũng vì thế mà bị bại vong. Nhưng (quân của Lê Lễ) là đội quân khảng khái đánh phục thù. Tuy hai người đều bại vong như nhau, nhưng xem ra ý nghĩa lại mỗi người một khác. Tướng giỏi thời ấy thì Lễ và Triện là những người xứng đáng đứng đầu” (Khuất Hà là tướng của Lỗ Hoàn Công. Khuất Hà từng cầm quân đi dành nước Vân ở Bồ Tao, thắng lớn nên tự cho mình là giỏi. Sau, Khuất Hà lại được đem quân đi đánh nước La là một nước rất nhỏ bé. Chẳng dè, bị quân nước La đánh cho đại  bại, phải tự tử. (Tích lấy từ Sách Tả truyện - NKT).

Nguồn: Danh tướng Việt Nam - Tập 2: Danh tướng Lam Sơn / Nguyễn Khắc Thuần.-H.: Giáo dục, 1996.

Print Print E-mail Print