VietnamDefence -
“Lê Lai là người có dung mạo khác thường, tính cương trực, chí khí cao cả lẫm liệt. Ông lo việc hầu cận cho vua Lê Thái Tổ thật chu đáo, công trạng thật rõ ràng” - Đại Việt thông sử (Chư Thần truyện)
Lê Lai là con trai của Lê Kiều, người làng Dựng Tú, sách Đức Giang, huyện Lương Giang (nay là xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lạc, tỉnh Thanh Hóa). Hiện vẫn chưa rõ ông sinh vào năm nào.
|
Đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai ở quê nhà làng Tép, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa |
Lê Lai là người đã có mặt bên cạnh Lê Lợi ngay trong những ngày đầu tiên của quá trình chuẩn bị gian nan cho cuộc khởi nghĩa này. Lê Lai là một trong số 19 người tham dự Hội thề Lũng Nhai tổ chức vào mùa xuân năm 1416. Ở hội thề này, tên của Lê Lai xếp ngay sau tên của Lê Lợi (Danh sách 19 người này, theo gia phả một số dòng họ hiện còn lưu giữ được thì gồm có: Lê Lợi, Lê Lai, Lê Thận, Lê Văn An, Lê Văn Linh, Trịnh Khả, Trương Lôi, Lê Liễu, Bùi Quốc Hưng, Lê Ninh, Lê Hiểm, Vũ Uy, Nguyễn Trãi, Đinh Liệt, Lưu Nhân Chú, Lê Bồi, Nguyễn Lý, Đinh Lan và Trương Chiến).
Bấy giờ, gần như cả gia đình Lê Lai đều là tướng sĩ của Lam Sơn. Ngoài Lê Lai và đến Lam Sơn cùng lúc với Lê Lai còn có anh trai của Lê Lai là Lê Lạn và ba người con của Lê Lai là Lê Lư, Lê Lộ và Lê Lâm. Thực chất, Hội thề Lũng Nhai chính là buổi lễ ra mắt dưới dạng thật đặc biệt và cũng rất độc đáo của Bộ chỉ huy Lam Sơn. Từ đây công cuộc chuẩn bị cho khởi nghĩa Lam Sơn được tiến hành có tổ chức chặt chẽ hơn hẳn thời là trước đó.
Đầu năm 1418, cờ nghĩa cứu nước cứu dân đã phất phới tung bay ở Lam Sơn. Bấy giờ, Lê Lợi xưng là Bình Định Vương và tất cả các tướng trong Bộ chỉ huy Lam Sơn đều được trao chức tước. Lê Lai được phong tước Quan Nội Hầu, chức Tổng quản trong phủ Đô Tổng quản. Quan Nội Hầu là tước vị cao nhất mà Lê Lợi đã phong cho các tướng dưới quyền. Tổng quản là chức đứng đầu, còn phủ Đô Tổng quản là cơ quan trực thuộc Bộ chỉ huy, chịu trách nhiệm về hậu cần, xây dựng đại bản doanh và bảo vệ Bình Định Vương Lê Lợi cùng các tướng trong Bộ chỉ huy. Sử cũ chép rằng Lê Lai luôn hầu cận Bình Định Vương Lê Lợi là vì vậy.
Ngay khi khởi nghĩa Lam Sơn vừa bùng nổ, quân Minh đã lập tức dốc lực lượng đến đàn áp. Từ thành Tây Đô (Thanh Hóa), chúng đánh thẳng vào Lam Sơn. Lê Lợi dành phải rút lui về Mường Một. Từ Lam Sơn, giặc ồ ạt đánh vào Mường Một với hy vọng là sẽ tiêu diệt hết lực lượng của Lê Lợi tại đây. Lê Lợi buộc phải lui về Lạc Thủy và bố trí một trận mai phục ở vùng này. Vì bất ngờ, giặc đã bị đại bại, phải rút khỏi Lạc Thủy. Chúng tìm cách trả thù Lê lợi bằng cách đào mồ mả của tổ tiên Lê Lợi lên. Nhưng các tướng Trịnh Khả và Bùi Bị đã dùng mưu lấy lại được hài cốt của tổ tiên Lê Lợi đem về Lam Sơn.
Giặc tức tối đánh vào Lam Sơn lần thứ hai và lần này, lực lượng của Lê Lợi bi tiêu hao không nhỏ. Vợ con và nhiều người khác trong gia tộc của Lê Lợi bị bắt. Nghĩa quân Lam Sơn đành phải rút lui lên núi Chí Linh (tức Linh Sơn). Quân Minh quyết bao vây núi Chí Linh, chặn hết mọi ngả tiếp tế cho Chí Linh. Sau hơn hai tháng giằng co, giặc đã rút khỏi núi Chí Linh và nghĩa quân của Lê Lợi thì trở về Lam Sơn. Chỉ một thời gian ngắn sau khi về lại Lam Sơn, tinh thần cũng như sức mạnh chiến đấu của nghĩa quân được phục hồi.
Để khích lệ quân sĩ, Lê Lợi đã quyết định tổ chức hai trận đánh ở Mường Một và Mường Nanh. Cả hai trận ấy, Lam Sơn đều giành được thắng lợi. Quân Minh giận dữ dốc lực lượng, tổ chức một cuộc đàn áp có quy mô rất lớn. Lam Sơn đã chống trả rất quyết liệt, nhưng do cả thế lẫn lực đều không cân xứng nên một lần nữa, đành phải rút lui lên núi Chí Linh. Lần này, giặc khép chặt vòng vây nghiệt ngã hơn trước rất nhiều. Đói khát và bệnh tật cũng hoành hành dữ dội hơn trước. Càng ngày, lực lượng của Lam Sơn càng tiến gần đến nguy cơ bị tuyệt diệt. Trước tình thế đó, con đường sống duy nhất của Lam Sơn chỉ có thể là tìm cách đánh lạc hướng sự chú ý của giặc để rồi rút khỏi núi Chí Linh một cách an toàn mà thôi. Đây là việc rất khó khăn, bởi lẽ, muốn đánh lạc hướng thành công, Lam Sơn phải chấp nhận một tổn thất nhất định. Và ai sẽ là người chấp nhận hi sinh để mở lối thoát an toàn cho Lê Lợi và cho toàn bộ lực lượng của Lam Sơn?
Sách Lam Sơn thực lục chép rằng:
“Bây giờ, quân ta chỉ mới thắng được vài trận nhỏ mà thế bao vây của giặc lại đang hăng. Vua (chỉ Lê Lợi - NKT) liền bàn với các tướng rằng:
- Ai có thể thay ta, mặc áo hoàng bào này, đem 500 quân và hai thớt voi, nói phao là đi đánh Tây Đô, hễ gặp giặc tới đánh thì xưng rằng: “Ta là chúa Lam Sơn đây” rồi để cho giặc bắt, khiến ta có thể nhân đó mà ẩn náu nghỉ binh, thu nhặt sĩ tốt để cử sự sau này?
Các tướng không ai dám nhận lời. Chỉ có Lê Lai nói:
- Thần nguyện khoác hoàng bào của bệ hạ. Ngày sau bệ hạ có làm nên đế nghiệp, thu được thiên hạ trong tay, thì xin hãy nhớ đến công lao của thần mà cho con cháu muôn đời của thần được hưởng ơn vua lộc nước. Đó là điều mong ước của thần.
Vua liền vái trời và khấn rằng: Lê Lai có công khoác áo (hoàng bào), sau này trẫm cùng con cháu của trẫm và tất cả các tướng lĩnh công thần cũng như con cháu của họ, nếu ai không nhớ đến công này, thì xin cho cung điện hóa thành rừng núi, ấn báu hóa thành đồng rỉ, gươm thần hóa thành con dao thường.
|
Lê Lai đổi áo cứu Lê Lợi |
Vua khấn xong, Lê Lai liền đem quân đến trại giặc khiêu chiến. Giặc cậy quân đông, xông ra đánh ngay. Lê Lai cưỡi ngựa phi thẳng vào trận giặc, nói rằng:
- Ta là chúa Lam Sơn đây!
Giặc liền vây đánh và bắt được Lê Lai rồi đem ông vào trong thành (Tây Đô) xử bằng cực hình nặng hơn hẳn những hình phạt thường dùng” (Lam Sơn thực lục, Quyển l. Phần đầu của đoạn trích này, sử cũ cũng có chỗ chép hơi khác. Đại để, Lê Lợi tự ví mình với Lưu Bang khi bị Hạng Vũ bao vây ở Huỳnh Dương, tình thế rất nguy cấp. Dũng tướng của Lưu Bang là Kỷ Tín đã cải trang làm Lưu Bang ra hàng khiến cho Hạng Vũ tưởng thật mà giết chết rồi lui quân, Lưu Bang nhờ đó mà thoát nạn. Sau, Lưu Bang dựng nên nhà Hán. Nhắc xong sự tích ấy, Lê Lợi hỏi các tướng rằng, có ai dám làm như Kỷ Tín hay không?).
Giặc cứ tưởng Lê Lai là Lê Lợi nên rất lấy làm hí hửng. Chúng vội rút quân về thành Tây Đô. Nhân cơ hội đó, Lê Lợi cùng tất cả tướng sĩ của mình trở về Lam Sơn. Một cơ hội khôi phục lực lượng lại đến.
Sự hy sinh anh dũng của Lê Lai đã cứu sống Lê Lợi cùng Bộ chỉ huy Lam Sơn và tất cả nghĩa sĩ bị bao vây ở núi Chí Linh. Tấm gương lẫm liệt của Lê Lai đã kích động mạnh mẽ tinh thần chiến đấu ngoan cường của toàn bộ lực lượng Lam Sơn. Lê Lai là biểu tượng của lòng trung nghĩa phi thường, của khí phách hiên ngang, bất khuất.
Năm 1428, ngay sau khi vừa lên ngôi Hoàng đế, Lê Lợi đã truy tặng Lê Lai là Đệ nhất Khai quốc Công thần, hàm Thiếu úy, đồng thời, sai Nguyễn Trãi soạn hai đạo thệ từ (văn thề) để mãi mãi ghi nhớ công lao của Lê Lai, đúng như lời khấn mười năm trước đó. Một là Tiên ước thệ từ và hai là Lai công thệ từ. Cả hai đạo thệ từ nói trên đều được Lê Lợi trân trọng cất vào tủ vàng trong cung điện của mình.
Gia đình Lê Lai có năm người cùng kề vai sát cánh và chiến đấu ngoan cường dưới ngọn cờ của Lê Lợi, thì cả năm người đều anh dũng hy sinh:
-
Lê Lai hy sinh năm 1418 như đã nói ở trên.
-
Lê Lộ, con thứ của Lê Lai, hi sinh trong trận đánh tại Trà Lân vào cuối nam 1424.
-
Lê Lư, con trưởng của Lê Lai, hy sinh tại Nghệ An vào đầu năm 1425.
-
Lê Lạn, anh của Lê Lai, hy sinh ở Nghệ An cũng vào đầu năm 1425.
-
Lê Lâm, con út của Lê Lai, từng lập nhiều công lao, cho nên, năm 1428, được xếp vào hạng thứ ba trong số các Khai quốc Công thần. Nhưng đến năm 1430, Lê Lâm cũng hy sinh trong trận đánh nhau với quân Ai Lao.
Thời Lê sơ, dòng dõi của Lê Lai chi còn có Lê Niệm (con trai của Lê Lâm, cháu gọi Lê Lai bằng ông nội) là nổi danh hơn cả. Ông là võ tướng cao cấp, được vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) rất yêu quý.
Vua thứ tư của triều Nguyễn là Tự Đức (1848 - 1883) có bài thơ vịnh Lê Lai viết bằng chữ Hán (phiên âm) như sau:
Chí Linh sơn hạ tứ sơn u,
Tự trước hoàng bào cuống Sở Hầu.
Tha nhật Đông Đô tân xã tắc,
Khẳng giao Kỷ Tín, độc an Lưu?
Dịch nghĩa:
Dưới núi Chí Linh bốn bề núi thâm u,
Mặc chiếc hoàng bào khiến cho Sở Hầu bị mắc mưu (tức Hạng Vũ)
Ngày sau về Đông Đô, xã tắc đổi mới,
Nào phải chỉ có chuyện Kỷ Tín cứu được Lưu Bang mà thôi đâu ?
Nguồn: Danh tướng Việt Nam - Tập 2: Danh tướng Lam Sơn / Nguyễn Khắc Thuần.-H.: Giáo dục, 1996.