Vietnamdefence.com

 

Đỗ Bí (? - ?)

VietnamDefence - Ông người Nông Cống (nay thuộc Thanh Hóa). Nhưng cũng tương tự như Bùi Bị, hiện vẫn chưa ai rõ Đỗ Bí sinh và mất vào năm nào. Ông tham gia khởi nghĩa Lam Sơn ngay từ những ngày đầu chuẩn bị gian khổ nhất. Và cũng từ đó, sự nghiệp của ông dần dần đi vào sử sách.

Ông người Nông Cống (nay thuộc Thanh Hóa). Nhưng cũng tương tự như Bùi Bị, hiện vẫn chưa ai rõ Đỗ Bí sinh và mất vào năm nào. Ông tham gia khởi nghĩa Lam Sơn ngay từ những ngày đầu chuẩn bị gian khổ nhất. Và cũng từ đó, sự nghiệp của ông dần dần đi vào sử sách.

Đỗ Bí đến với Lê Lợi từ rất sớm, nhưng có lẽ ông cũng bắt đầu sự nghiệp của mình từ vi trí của một nghĩa sĩ bình thường. Sử cũ nhắc đến tên của Đỗ Bí lần đầu tiên vào tháng 4 năm Mậu Tuất (1418):

“Vua (chỉ Lê Lợi - NKT) bèn thu quân, cùng với Lê Lễ (tức Đinh Lễ - NKT), Phạm Vấn, Đỗ Bí, Nguyễn Xí và Lê Đạp tạm náu ở Linh Sơn. Hơn ba tháng trời chỉ dùng măng tre và rễ cỏ để ăn cho qua bữa” (Đại Việt thông sử, Đế kỷ, đệ nhất).

Nhưng, từ khi Lam Sơn bắt đầu tấn công ồ ạt vào Nghệ An, tên tuổi của Đỗ Bí lại nhanh chóng nổi lên. Ông thực sự là một vị tướng có tài. Binh nghiệp của ông được hi nhận chủ yếu qua mấy sự kiện lớn sau đây:

  • Tham gia chỉ huy trận Khả Lưu (1424)

Bấy giờ, quân Lam Sơn đã chiếm được Trà Lân - mộ vị trí hết sức quan trọng, nằm án ngữ ngay trên mạch lưu thông phía Tây của Nghệ An. Giặc tức tối điều quân lên Trà Lân, quyết bóp nát lực lượng chủ lực của Lam Sơn tại đấy. Muốn đến Trà Lân, giặc phải đi qua ải Khả Lưu, mà Khả Lưu là một vùng đất hiểm, chiếm được Khả Lưu là chiếm được lợi thế, từ đó, có thể khống chế và dễ dàng vào Trà Lân.

Nhạy bén trước thực tế này, Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn đã quyết định điều quân đến chiếm giữ trước ở vùng Khả Lưu, bám lấy đất hiểm để chặn đứng cuộc hành quân đàn áp nguy hiểm này.  Hơn một chục tướng lĩnh được huy động đến để phối hợp cầm quân đánh giặc ở Khả Lưu, trong số đó có Đỗ Bí. Và tất cả các tướng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trận Khả Lưu (Chi tiết của Trận Khả Lưu, tham khảo thêm phần viết về Lưu Nhân Chú và Lê Ngân) là một trong những trận thắng vang dội nhất của nghĩa quân Lam Sơn tại Nghệ An. Từ trận thắng này, tình hình ngày càng thay đổi theo chiều hướng có lợi cho Lam Sơn.

  • Một trong những vị tướng chỉ huy xuất sắc đạo quân thứ nhất của Lam Sơn ở vùng ngoại vi Đông Quan

Tháng 9 năm 1426, Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn quyết định cho hơn 1 vạn quân táo bạo luồn sâu vào vùng còn  bị quân Minh tạm chiếm, vừa tấn công quân Minh ở vùng đồng bằng, vừa phối hợp uy hiếp thành Đông Quan (Quân số và nhiệm vụ của từng dạo quân, tham khảo thêm phần viết về Phạm Văn Xảo).

Bấy giờ, Đỗ Bí có vinh dự được cùng với các tướng Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả và Lý Triện chỉ huy đạo thứ nhất. Đạo này gồm có trên ba ngàn quân và một thớt voi. Nhiệm vụ cụ thể là uy hiếp mặt Nam của thành Đông Quan và sẵn sàng chặn đánh viện binh của giặc rất có thể sẽ tràn từ hướng Vân Nam (Trung Quốc) sang. Ngay khi vừa tiến ra khu vực phía Nam của thành Đông Quan, đạo quân này đã liên tiếp lập được ba chiến công vang dội, đó là: thắng trận Ninh Kiều (9/1426); thắng trận Nhân Mục (9/1426) và thắng trận Xa Lộc (10/1428).  Trong ba trận lớn này, Đỗ Bí có vinh dự trực tiếp chỉ huy hai trận Ninh Kiều và Nhân Mục.

Tháng 11 năm 1426, nhà Minh sai Vương Thông đem 5 vạn quân sang cứu nguy. Tình hình địch trong thành Đông Quan đã nhanh chóng thay đổi theo chiều hướng bất lợi cho Lam Sơn. Mặc dù quân số ít, Đỗ Bí và các tướng chỉ huy của đạo quân thứ nhất vẫn hạ quyết tâm chủ động đánh giặc. Trận quyết chiến chiến lược Tốt Động-Chúc Động (Chi bết về trận Tốt Động-Chúc Động, tham khảo thêm phần viết về Phạm Văn Xảo và Trịnh Khả) đã được tổ chức trước hết là dựa trên cơ sở của quyết tâm lớn đó. Đỗ Bí đã góp phần hết sức quan trọng vào việc làm thay đổi hẳn mối tương quan thế và lực giữa Lam Sơn với quân Minh. Từ đây tương lai toàn thắng của Lam Sơn đã xuất hiện ngày càng rõ.  Cũng từ đây, Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn bắt đầu dời đại bản doanh ra ngay vùng ngoại vi Đông Quan để trực tiếp chỉ huy mọi hoạt động của Lam Sơn.

  • Tham gia chỉ huy cuộc vây hãm thành Đông Quan

Sau trận đại bại ở Tốt Động-Chúc Động, Vương Thông buộc phải rút quân về cố thủ ở trong thành Đông Quan và ra sức kêu cứu một cách thảm thiết. Ngược lại, phần lớn lực lượng của Lam Sơn đã được điều động đến để vây hãm thành Đông Quan. Đỗ Bí được Lê Lợi điều đến để tăng cường cho lực lượng của các tướng Lý Triện và Lê Văn An ở khu vực cửa Bắc. Ông cùng với Lý Triện đóng quân ở Cảo Động (nay thuộc huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội).

Bị vây hãm nghiêm ngặt, Vương Thông rất lấy làm tức tối và hoang mang. Nhiều binh sĩ và cả tướng lĩnh của giặc đã trốn ra đầu  hàng. Để cứu vãn tình thế, Vương Thông đã lợi dụng mọi cơ hội để đánh trả, hòng lấy thắng lợi nhỏ để kích động tinh thần binh sĩ dưới quyền.

Ngày 7 tháng 2 năm Đinh Mùi (ngày 4/3/1427), Vương Thông bất ngờ cho quân đánh mạnh vào khu vực đóng quân của Đỗ Bí và Lý Triện ở Cảo Động. Trong trận đánh bất ngờ này, danh tướng Lý Triện đã anh dũng hy sinh, còn Đỗ Bí thì bị giặc bắt, mãi đến khi Vương Thông đầu hàng và rút hết quân về nước, ông mới được cứu thoát.

Năm 1428, triều Lê đinh công ban thưởng cho các tướng lĩnh, Đỗ Bí được ban quốc tính là họ Lê, vì thế, sử sách vẫn thường chép họ tên ông là Lê Bí. Ông là một trong số 14 người được ban tước Huyện Hầu.

Mùa xuân năm 1448, Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh và vua Lê Nhân Tông cùng đông đảo quan lại, tướng lĩnh về bái yết Lam Kinh. Đỗ Bí có vinh dự được cùng với Nguyễn Thận ở lại coi giữ kinh thành Thăng Long. Sau, ông mất vào năm nào, không thấy sử chép.

Nguồn: Danh tướng Việt Nam - Tập 2: Danh tướng Lam Sơn / Nguyễn Khắc Thuần.-H.: Giáo dục, 1996.

Print Print E-mail Print