Vietnamdefence.com

 

Bùi Bị (? - ?)

VietnamDefence - Vào đầu thế kỷ thứ XV, ở xã Hào Lương, huyện Lương Giang (nay thuộc huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) có hai nhân vật đặc biệt. Một là Đỗ Phú - tên phản dân, hại nước. Hai là Bùi Bị - vị anh hùng trong sự nghiệp cứu nước, cứu dân, vị danh tướng của lịch sử dân tộc.

Hiện vẫn chưa rõ Bùi Bị sinh và mất năm nào. Lý lịch cuộc đời của Bùi Bị chỉ bắt đầu được biết tới kể từ khi ông tham gia khởi nghĩa Lam Sơn. Ông không có tên trong danh sách những người tham dự Hội thề Lũng Nhai, cũng không có tên trong số các vị tướng lĩnh thường được nhắc tới nhiều trong những ngày đầu gian khổ nhất.

Có lẽ sự nghiệp của Bùi Bị bắt đầu từ vị trí khiêm nhượng của một nghĩa sĩ Lam Sơn. Chí lớn và lòng dũng cảm của bản thân, cộng với kinh nghiệm thực tiễn sôi động của cuộc chiến đấu đương thời đã nâng Bùi Bị lên hàng các bậc danh tướng. Công lao và tài năng của Bùi Bị được ghi nhận chủ yếu qua mấy trận đánh tiêu biểu sau đây:

  • Cùng Trịnh Khả, dùng mưu lừa giặc để giành lại hài cất của tổ tiên Lê Lợi (1418)

Ngay khi Lê Lợi vừa làm lễ tế cờ xuất trận, mở đầu cuộc chiến đấu một mất một còn với quân Minh đô hộ, giặc đã dồn sức tổ chức những cuộc tấn công đàn áp rất khốc liệt vào lực lượng của Lam Sơn. Mặc dù tương quan thế và lực hết sức chênh lệch, Lam Sơn cũng đã dũng cảm chiến đau, gây cho địch những tổn thất khá lớn, trong đó, đặc biệt hơn cả là trận mai phục ở Lạc Thủy (xem thêm phần viết về Nguyễn Lý).

Sau trận Lạc Thủy, giặc hèn hạ trả thù bằng cách khai quật mồ mả và lấy hài cốt của tổ tiên Lê Lợi, đặt trên thuyền và neo thuyền ở giữa sông, hòng buộc Lê Lợi phải ra hàng. Trước tình huống phức tạp này, tướng Trịnh Khả được lệnh cùng với Bùi Bị dùng mưu giành lại bộ hài cốt ấy. Và hai ông đã bí mật đội cỏ lội sông, rồi nhân lúc giặc ngủ say, nhẹ nhàng lên thuyền, lấy hài cốt của tổ tiên Lê Lợi mang về (Tham khảo thêm phàn viết về Trịnh Khả). Chiến công của Trịnh Khả và Bùi Bị đã có tác dụng rất to lớn trong việc củng cố niềm tin của nhân dân và binh sĩ lúc bấy giờ đối với tương lai tất thắng của Lam Sơn. Bùi Bị và Trịnh Khả được Lê Lợi trọng thưởng.

  • Trận Mỹ Canh (1418)

Ngày 17 tháng Giêng năm Mật Tuất (1418), nhờ có tên Việt gian là Ái (chưa rõ họ) dẫn đường, quân Minh lại ồ ạt tấn công vào Lam Sơn. “Chúng bắt được gia thuộc của Vua (tức Lê Lợi - NKT) cùng vợ con rất đông” (Lam Sơn thực lục, quyển 1). Lê Lợi cùng với các tướng lớn nhỏ và lực lượng nghĩa sĩ còn lại (trong đó có Bùi Bị), rút lên ẩn náu trên Linh Sơn, chờ giặc lui quân mới về đắp lũy ở quê cũ là Lam Sơn” (Lam Sơn thực lục, quyển 1. Tham khảo thêm phần viết về Nguyễn Lý).

Chỉ một thời gian ngắn sau khi trở lại Lam Sơn, Lê lợi đã “phủ dụ” sĩ tốt, ước thúc (nghĩa là ép quân sĩ dưới quyền phải theo lệnh mà làm cho đến nơi đến chốn) đội ngũ, chỉnh đốn khí giới, khiến cho tinh thần quân sĩ lại hăng, thề không đội trời chung với giặc. Vua biết quân sĩ đã có thể dùng được, liền cho người n khiêu chiến. Giặc cậy mạnh, vào hết nơi đất hiểm để đánh Vua. Vua đặt phục binh ở xứ Mường Một, dùng tên có tẩm thuốc độc, từ hai bên bắn ra, giặc phải tan chạy. Vua tiến quân đến xứ “Mương Nanh, đêm ngày đánh nhau với giặc không nghỉ. Giặc lại thua, phải lui về Nga Lạc Thượng. Vua đánh sách Hà Đả, ngày ngày khiêu chiến mà giặc không ra. Hôm sau, giặc đánh nhau với Vua ở xứ Mỹ Canh. Ta bắt được tướng giặc là Nguyễn Sao, chém được hơn một ngàn tên nữa” (Lam Sơn thực lục, quyển l). 

Trong các trận liên tiếp ở Mường Một, Mường Nanh, Nga Lạc Thượng, Hà Đả và Mỹ Canh, thì Mỹ Canh là trận tương đối lớn. Lần đầu tiên, tướng giặc bị bắt sống và cũng lần đầu tiên, số quân giặc bị tiêu hao khá nhiều. Một trong những người có công lớn tại trận Mỹ Canh chính là Bùi Bị. Từ đấy, Bùi Bị trở thành một trong những bề tôi thân cận của Bình Định Vương Lê Lợi.

  • Cầm quân thẳng tiến ra Tây Đô

Đầu năm 1425, Lam Sơn đã giải phóng được toàn bộ đất đồng bằng Nghệ An, tạo được chỗ đứng vững chắc để có thể đối đầu với quân Minh trên một tư thế hoàn toàn mới. Lúc này, Bùi Bị đã là một trong những vị tướng giàu uy tín và năng lực của Lam Sơn. 

Tháng 4 năm 1425, sau khi đánh tan đạo viện binh của giặc do Lý An chỉ huy từ Tây Đô tiến vào cứu nguy cho thành Nghệ An, Lê Lợi chủ trương cho quân bất ngờ tấn công thẳng ra Tây Đô. Các tướng Đinh Lễ, Lê Sát, Bùi Bị, Lý Triện và Lưu Nhân Chú được lệnh đem hai ngàn tinh binh và hai thớt voi, gấp rút đi thực hiện nhiệm vụ này. Chỉ ba ngày sau khi nhận lệnh, các tướng đã sắp đặt đội ngũ chỉnh tề.

Với một cuộc hành quân kiên quyết, táo bạo và cấp tốc, Bùi Bị và các tướng nói trên đã giải phóng được hầu hết đất Thanh Hóa, buộc giặc phải co về cố thủ trong hành Tây Đô. Từ đây, miền đất rộng lớn và liên hoàn từ Thanh Hóa trở vào Nam thuộc về Lam Sơn. Chiến công này của Bùi Bị cùng các tướng Đinh Lễ, Lê Sát, Lý Triện và Lưu Nhân Chú, có ý nghĩa rất lớn lao đối với toàn bộ quá trình phát triển và những thắng lợi rất vang dội của Lam Sơn sau đó. Cơ hội để đưa Lam Sơn từ một cuộc khởi nghĩa vũ trang phát triển thành một cuộc chiến tranh giải phóng có quy mô cả nước đã bắt đầu mở ra.

  • Một trong những vị tướng chỉ huy xuất sắc đạo quân thứ hai của Lam Sơn ở vùng ngoại vi Đông Quan

Tháng 9 năm 1426, Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn quyết định đưa hơn 1 vạn quân, luồn sâu vào vùng còn tạm bị quân Minh chiếm đóng, tiến ra khu vực ngoại vi của thành Đông Quan, vừa ráo riết hoạt động, vừa trực tiếp uy hiếp sào huyệt lớn nhất của chúng là thành Đông Quan. Hơn 1 vạn quân này được chia làm ba đạo khác nhau và được giao cho một loạt tướng lĩnh xuất sắc của Lam Sơn chỉ huy. Bấy giờ, Bùi Bị có vinh dự được cùng với các tướng Lưu Nhân Chú, Lê Trương và Lê Ninh chỉ huy đạo quân thứ hai (Về các đạo quân, tham khảo thêm phần viết về Phạm Văn Xảo).

Nhiệm vụ của đạo quân này là: (+) Băng qua đất Nam Hà ngày nay, tiến xuống vùng Thái Bình và Hải Hưng ngày nay, giải phóng vùng hạ lưu sông Hồng, hỗ trợ đắc lực cho đạo quân thứ nhất và đạo quân thứ ba hoạt động. (+) Sẵn sàng đợi đánh lực lượng của giặc, nhất định sẽ từ Nghệ An và Tây Đô tháo chạy ra.

Bùi Bị và các tướng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng vùng hạ lưu sông Hồng. Nhiệm vụ thứ hai tuy đã hết sức cố gắng, nhưng Bùi Bị và các tướng cũng không sao hoàn thành nổi. Hai vạn quân Minh từ Nghệ An và Tây Đô vào và hội quân được với lực lượng của chúng ở Đông Quan.

Khi đạo quân thứ hai đang tích cực hoạt động ở vùng hạ lưu sông Hồng, thì từ Thanh Hóa, Lê Lợi quyết định đưa quân ra thêm. Bùi Bị cùng Lưu Nhân Chú được lệnh đem hơn hai ngàn quân và hai thớt voi tiến sang dành phá vùng Đông và Đông Bắc thành Đông Quan, đồng thời, sẵn sàng đánh chặn viện binh của giặc rất có thể sẽ từ Khâu Ôn (Trung Quốc) tràn sang.

Hoạt động của lực lượng Lam Sơn do Bùi Bị chỉ huy đã có tác dụng làm cho quân Minh bị lúng túng vì phải phân tán để đối phó với nhiều hướng khác nhau. Đây chính là cơ hội thuận tiện để các tướng chỉ huy đạo quân thứ nhất có thể thắng liên tiếp ở Ninh Kiều, Nhân Mục và Xa Lộc, để rồi sau đó là thắng vang dội ở Tốt Động-Chúc Động.

Sau trận Tốt Động-Chúc Động, Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn đã chuyển đại bản doanh từ Thanh Hóa ra Bắc. Nơi đặt đại bản doanh đầu tiên là Tây Phù Liệt (nay thuộc Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội). Tại đây, Lê Lợi quyết định đánh trận phủ đầu, uy hiếp mạnh mẽ đối với thành Đông Quan. Hai tướng Bùi Bị và Trần Nguyên Hãn được lệnh đem hơn một trăm chiến thuyền, đánh mạnh vào khu vực Hát Môn. Đây là cuộc tấn công khiến cho Tổng binh Vương Thông của giặc hết sức hốt hoảng. Tất cả lực lượng của chúng buộc phải co về cố thủ trong thành Đông Quan.

Cuộc vây hãm Đông Quan bắt đầu. Lê lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn bố trí lực lượng như sau: 

- Vây hãm cửa Bắc: Các tướng Lý Triện và Lê Văn An. 

- Vây hãm cửa Tây: Các tướng Bùi Bị, Lê Nguyễn và Lê Chửng. 

- Vây hãm cửa Nam: Các tướng Đinh Lễ, Lê Sát, Nguyễn Lý và Nguyễn Chích.

- Vây hãm cửa Đông: Tướng Phạm Vấn.

Cuộc vây hãm này đã khiến cho Vương Thông lâm vào thế ngày một cùng quẫn. Hy vọng mong manh và duy nhất của hắn chỉ là chờ đợi viện binh.

Cuối năm 1427, nhà Minh điều 15 vạn quân sang cứu nguy cho Vương Thông. Đấy là cố gắng cao nhất, cũng là cố gắng cuòí cùng của nhà Minh. Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn quyết định: vừa tiếp tục bao vây và dụ hàng Vương Thông, vừa nhanh chóng điều quân lên biên giới, đập tan hoàn toàn cuồng vọng của quân xâm lăng. Bấy giờ, tướng Bùi Bị được cử ở lại để chỉ huy lực lượng vây hãm Đông Quan. Một lần nữa, ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, không cho phép Vương Thông có thể lợi dụng cơ hội để phản công.

  • Thành viên phái đoàn đại diện của Lam Sơn tại cuộc Hội thề Đông Quan (1427)

Sau khi các đạo viện binh của Liễu Thăng và của Mộc Thạnh lần lượt bị đánh cho tan tành, Vương Thông buộc phải đầu hàng và rút hết quân về nước. Nhưng, thay vì tiến vào Đông Quan tiếp nhận sự đầu hàng vô điều kiện của Vương Thông, để xoa dịu bớt nỗi nhục của quân xâm lăng và cũng là để mở ra cơ hội tốt cho việc thiết lập mối quan hệ bang giao hữu hảo sau này, Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã tổ chức Hội thề Đông Quan, tức là lễ tiếp nhận sự đầu hàng dưới một dạng thức đặc biệt. Vương Thông buộc phải ra tận đại bản doanh của Lê Lợi để thề là sẽ rút quân khỏi nước ta.

Tham dự cuộc Hội thề Đông Quan, về phía Lam Sơn, ngoài Lê Lợi còn có các tướng lĩnh sau đây: Trần Nguyên Hãn, Lưu Nhân Chú, Phạm Vấn, Lê Ngân, Phạm Văn Xảo, Bùi Bị, Trịnh Khả, Nguyễn Chích, Nguyễn Lý, Phạm Bối, Lê Văn An, Bế Khắc Thiệu và Ma Luân.

Về phía quân Minh, ngoài Vương Thông, còn có: Mã Anh, Sơn Thọ, Mã Kỳ, Trần Trí, Lý An, Phương Chính, Trần Tuấn, Trần Hựu, Chu Kỳ Hân, Quách Vĩnh Thanh, Dực Khiêm, Lục Quảng Bình, Hồng Bỉnh Lương, Lục Trinh, Dương Thời Tập và Quách Đoan. 

Cũng như các tướng lĩnh khác, Bùi Bị đã tỏ ra rất xứng đáng với niềm tin cậy lớn lao của Lê Lợi và của Bộ chỉ huy Lam Sơn. Ông vừa tỏ được sự oai phong lẫm liệt của một vị tướng quân dày dạn kinh nghiệm trận mạc, tỏ được tư thế hiên ngang của những người đại diện cho cả một dân tộc bất khuất, lại cũng vừa tỏ được thiện chí thực sự muốn tránh họa binh đao lâu dài cho cả hai nước.

Năm 1428, triều Lê định công ban thưởng cho các tướng lĩnh lập được nhiều công lao. Bùi Bị được ban quốc tính là họ Lê, vì thế, sử vẫn thường chép họ tên ông là Lê Bị. Ông là một trong số các Công thần Khai quốc, được ban tước Huyện Hầu. (Bấy giờ có 14 người được ban tước này và người đứng hàng đầu tiên trong số 14 người này là ông).

Sau, chưa rõ ông mất vào năm nào, chỉ biết năm 1453, triều đình truy tặng tước vị cho một số Công thần Khai quốc, thì ông và Đinh Lễ, Lý Triện cùng được hưởng lệ này. Nói khác hơn, ông phải mất trước năm 1453.

Nguồn: Danh tướng Việt Nam - Tập 2: Danh tướng Lam Sơn / Nguyễn Khắc Thuần.-H.: Giáo dục, 1996.

Print Print E-mail Print