VietnamDefence -
“Ông là người độ lượng, nhân hậu và nhã nhặn, ít nói, ít cười, từng theo vua Thái Tổ đi đánh dẹp, lập được nhiều công lao” - Đại Nam Nhất thống chí (Tỉnh Thanh Hóa - Tập hạ - mục Nhân vật)
Lê Khôi người Lam Sơn (nay thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Ông là con trai của Lê Trừ, mà Lê Trừ là người anh thứ hai của Lê Lợi (Về gia đình và dòng họ của Lê Khôi, tham khảo thêm mục I - Thuở hàn vi trong phần viết về Lê Lợi). Nói khác hơn, Lê Khôi là cháu gọi Lê Lợi bằng chú ruột. Hiện vẫn chưa rõ Lê Khôi chào đời vào năm nào, chỉ biết là đến năm 1418, khi Lê Lợi phát lệnh khởi nghĩa, ông đã là một người trưởng thành và được Lê Lợi nhận làm nghĩa sĩ.
|
Tượng thờ Chiêu Trưng Đại Vương Lê Khôi - Đền Lê Khôi Thạch Hà, Hà Tĩnh̀ |
|
Từ năm 1418 trở đi, Lê Khôi luôn sát cánh bên cạnh Lê Lợi, cùng chia ngọt xẻ bùi, một lòng một dạ chiến đấu vì nghĩa cả thiêng liêng là lật nhào ách đô hộ của quân Minh, giành lại độc lập và chủ quyền cho đất nước. Cuộc đời và sự nghiệp của Lê Khôi được ghi nhận chủ yếu qua mấy sự kiện nổi bật sau đây:
-
Năm 1424: Lam Sơn cho quân ồ ạt tấn công vào Nghệ An, mở đầu một thời kỳ quyết tâm xoay chuyển tình thế bằng cách mở rộng địa bàn hoạt động, tìm “đất đứng chân” ở ngay giữa vùng đồng bằng. Bấy giờ, Lê Khôi chỉ mới là một vị tướng nhỏ, nhưng tư thế lại rất hiên ngang: “Mình đeo bên trái một túi tên, bên phải cũng một túi tên, theo Vua ra trận” (Phan Huy Chú. Lịch triều hiến chương loại chí, Nhân vật chí). Trong trận đánh lớn ở Khả Lưu, Lê Khôi được lệnh cầm một đội quân nhỏ, đặt dưới quyền chỉ huy chung của Lê Sát và nhiều tướng lĩnh cao cấp khác, quyết trừng trị đích đáng lực lượng to lớn và hung hãn của giặc đang cả gan tràn lên đánh vào Lam Sơn ở Trà Lân. Và, Lê Khôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, góp phần xứng đáng vào chiến công chung của tướng sĩ Lam Sơn tại Khả Lưu:
“Trong trận Khả Lưu, ông cùng bọn Lê Sát xông lên trước, vây đánh và phá tan quân Minh, bắt sống được Đô đốc giặc là Chu Kiệt, chém tướng tiên phong của giặc là Hoàng Thành, lại còn bắt được sĩ tốt của chúng nhiều không kể hết” (Phan Huy Chú. Lịch triều hiến chương loại chí, Nhân vật chí).
Sau trận Khả Lưu, tên tuổi của Lê Khôi bắt đầu trở nên nổi bật, được Bộ chỉ huy Lam Sơn tin cậy và được các binh sĩ dưới quyền yêu quý.
-
Năm 1427: Bộ chỉ huy Lam Sơn quyết định đánh trận quyết chiến chiến lược cuối cùng với quân Minh tại Chi Lăng-Xương Giang. Lúc này, sau nhiều năm dày dạn kinh nghiệm trận mạc, Lê Khôi đã được cùng với Phạm Vấn, chỉ huy một đơn vị đông tới hơn hai ngàn người. Và một lần nữa, ông được lệnh làm tướng trợ thủ cho Lê Sát. Với hơn hai ngàn quân trong tay, Phạm Vấn và Lê Khôi đã khiến cho những viên tướng.khét tiếng của nhà Minh như Đô đốc Thôi Tụ và Thượng thư Hoàng Phúc phải khiếp đảm. Lê Khôi đã góp phần rất đáng kể vào thắng lợi chung của quân Lam Sơn trong trận bao vây tiêu diệt cuối cùng tại Xương Giang:
“Ông cùng Phạm Vấn đem hơn hai ngàn quân đi trợ chiến cho Lê Sát, đánh tan và bắt sống bọn tướng giặc là Thôi Tụ và Hoàng Phúc cùng mấy vạn tên giặc, quét sạch quân Ngô và khôi phục Đông Đô“ (Phan Huy Chú. Lịch triều hiến chương loại chí, Nhân vật chí)
Nhờ những công lao nói trên, năm 1428, khi Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, Lê Khôi được ban chức Kỳ Lân Hổ vệ Thượng tướng quân, quyền Hành quân Tổng quản, hàm Nhập nội Thiếu úy, sau thăng lên hàm Tư mã, được đem Kim Phù.
-
Năm 1430: Lê Khôi được trao chức Trấn thủ Hóa Châu. Bấy giờ Hóa Châu là vùng giáp giới với Chiêm Thành, tình hình chung chưa thực sự được yên ổn, cho nên chức Trấn thủ vùng này phải trao cho một người thật tin cẩn, đủ uy và đủ đức:
“Vua thấy nước nhà mới định, người Man chưa hoàn toàn thuận theo, mà đất Hóa Châu lại giáp với Chiêm Thành, cho nên, muốn sai một chức quan lớn đi làm Trấn thủ. Ông đến nơi, bãi bỏ trạm gác và sự xét hỏi nghiêm ngặt, chỉ lo đi chiêu mộ dân lưu tán về làm ăn, khuyên bảo dân chăm làm ruộng, trồng dâu, huấn luyện sĩ tốt để giữ yên bờ cõi. Ông xử việc nghiêm trang và giữ chữ tín nên được dân rất yêu kính (Phan Huy Chú. Lịch triều hiến chương loại chí, Nhân vật chí).
Cũng trong năm 1430, vùng Thái Nguyên có cuộc nổi loạn của Bế Khắc Thiệu. Nhà vua vừa thân đem quân đi đánh, vừa triệu ông từ Hóa Châu gấp đem quân ra tiếp ứng. Ông đã có mặt kịp thời và đã lập công xuất sắc, được Vua trọng thưởng.
Năm 1437, vua Lê Thái Tông phong cho ông làm Nhập nội Tư mã, Tham tri Chính sự, kiêm quản các việc ở Tây Đạo. Năm 1440, ông được thăng làm Nhập nội Đô đốc. Sau đó chưa rõ vì lý do gì, ông bị cách chức, về quê vui thú ruộng vườn một thời gian.
|
Đền Chiêu Trưng Đại Vương Lê Khôi - Thạch Hà, Hà Tĩnh |
|
Năm 1443, triều đình khôi phục chức tước cho ông, cho ông được làm Nhập nội Thiếu úy và sai đi Trấn thủ Nghệ An. Sử cũ chép chuyện ông đi nhận chức ở Nghệ An rất cảm động như sau:
“Lúc mới đến (Nghệ An), sĩ phu và dân chúng vùng này đứng chật hai bên đường chào đón, đưa hai tay lên ngang trán mừng reo và nói rằng:
- Chúng tôi mong ông đã lâu, sao nay trời mới giáng phúc ban ơn cho chúng tôi” (Phan Huy Chú. Lịch triều hiến chương loại chí, Nhân vật chí).
|
Lăng mộ Chiêu Trưng Đại Vương Lê Khôi |
|
Năm 1445, nhà Lê sai một loạt tướng lĩnh đem quân đi đánh Chiêm Thành, Lê Khôi được lệnh đem quân Nghệ An đi tiếp ứng. Sử cũ chép:
“Ông đem quân xông lên phía trước, phá tan trại giặc ở cửa ải, băng qua Ly Giang mà đến Thị Nại rồi tiến sâu vào đất Chiêm Thành. Tướng giặc biết là quân của ông, bèn bắc loa hỏi:
- Có phải ông Tư mã (chỉ Lê Khôi NKT) đó không?
Ông liền cởi bỏ mũ trận ra cho chúng thấy mặt. Giặc nhận ra, liền xuống ngựa mà sụp lạy, mang sản vật đến để biếu tặng cho ông, không dám đánh quân ông nữa” (Phan Huy Chú. Lịch triều hiến chương loại chí, Nhân vật chí; Đại Nam nhất thống chí (tỉnh Thanh Hóa, mục Nhân vật)).
Sau trận đánh Chiêm Thành, ông trở về, dọc đường thì lâm bệnh nặng mà mất tại khu vực núi Nam Giới (gần cửa Sót, Hà Tĩnh). Triều đình thương xót, truy tặng ông làm Nhập nội Đại Hành khiển, đồng thời, sai quan vào tận nơi ông mất để làm lễ an táng và cúng tế.
|
Hằng năm người dân lại về xã Thạch Bàn, Thạch Ha, Hà Tĩnh tham gia Lễ hội Đền Lê Khô |
|
Nguồn: Danh tướng Việt Nam - Tập 2: Danh tướng Lam Sơn / Nguyễn Khắc Thuần.-H.: Giáo dục, 1996.