Vietnamdefence.com

 

Nguy cơ Trung Quốc đối với Viễn Đông của Nga

VietnamDefence - Trong trường hợp nổ ra xung đột, Moskva có nguy cơ mất khu vực có tầm quan trọng chiến lược.


Các hệ thống tên lửa chống hạm Bal (trên ảnh) và Bastion sẽ bảo vệ bờ biển của Nga (www.mil.ru)

Nước Nga có 2 khu vực khó khăn về quân sự là Crimea và tỉnh Kaliningrad. Ngoài ra, còn có khu vực rất khó khăn về mọi mặt là Bắc Kavkaz. Tuy nhiên, Nga sẽ khó khăn nhất trong việc phòng thủ vùng lãnh thổ cực Đông của mình.

Hai bán đảo lớn ở Viễn Đông là Chukotka và Kamchatka, từ góc độ địa lý, là các bộ phận của lục địa Âu-Á và lãnh thổ chính của Nga. Tuy nhiên, chúng không có hề có đường giao thông mặt đất kết nối với Đất Lớn và trong tương lai gần cũng sẽ không có. Đi xe trên đất liền từ lục địa đến Chukotka và Kamchatka cũng có thể được, nhưng việc đó được liệt vào lĩnh vực thể thao cực đoan. Từ giác độ giao thông vận tải thường xuyên, hai bán đảo này là những hòn đảo mà đến đó chỉ có thể đi bằng đường biển và đường không.

Còn Sakhalin và quần đảo Kuril thì đó là những hòn đảo nhìn từ bất kỳ góc độ nào (hơn nữa, điều lạ thường là với Sakhalin may ra còn có cơ hội chờ đón một cây cầu hay đường hầm đi từ lục địa ra đảo, rất hy vọng điều đó sẽ biến thành sự thật và càng nhanh càng tốt). Bằng đường không ra các hòn đảo chỉ có thể chở người, còn hàng hóa thì cả dân dụng lẫn quân sự đều hoàn toàn bằng đường biển (ít nhất là ở số lượng lớn). Thời bình, đây chỉ là khó khăn về mặt chi phí vật chất. Thời chiến, việc tiếp vận cho các hòn đảo chỉ có thể làm được khi có ưu thế trên biển và trên không. Điều đó đáng tiếc là hoàn toàn không được đảm bảo, nhất là trên biển.

Tình thế này nghiêm trọng thêm nhiều vì bản thân “Đất Lớn” (tức là phần lục địa của Viễn Đông) có những khó khăn to lớn về việc liên hệ vời phần Tây nước Nga, nơi tập trung những nguồn lực con người và tiềm lực công nghiệp chủ yếu. Cả khu vực này phụ thuộc mong manh vào mỗi một tuyến đường xuyên Siberia Transib vốn sau thành phố Chita lại chạy gần biên giới một cách nguy hiểm, còn sau thành phố Khabarovsk lại chạy gần cả biển nữa.

Cuối cùng, một khó khăn nữa là quần đảo Nam Kuril (Kunashir, Iturup, Shikotan và nhóm đảo Habomai) - phần lãnh thổ duy nhất của nước Nga hiện đại (không tính bán đảo Crimea) đang bị một quốc gia khác là Nhật Bản công khai và chính thức yêu sách chủ quyền. Nhìn chung, quân đội Nhật diex nhiên là yếu hơn nhiều quân đội Nga, nhưng tại khu vực Viễn Đông, tương quan lực lượng kém thuận lợi hơn nhiều đối với Nga.

Xuất phát từ tình thế đó, trên các đảo và bán đảo ở Viễn Đông, Nga cần có các cụm quân rất mạnh ngay trong thời bình để khi nổ ra chiến tranh, các cụm quân này sẽ có thể chiến đấu trong thời gian càng dài càng tốt trong hoàn cảnh bị cô lập hoàn toàn, không được sự tiếp vận từ bên ngoài.

Làm nhiệm vụ phòng thủ tỉnh Sakhalin của Nga (tức là đảo Sakhalin và quần đảo Kuril) là Quân đoàn lục quân 68, nòng cốt là Sư đoàn pháo-súng máy 18 - binh đoàn duy nhất kiểu này trong quân đội Nga. Sở chỉ huy sư đoàn đóng tại làng Goryachie Klyuchi trên ddaor Iturup. Đóng tại đây còn có một phân đội trực thăng (1 Mi-8 và 1 Mi-26) và Trung đoàn pháo-súng máy 49. Hai đơn vị khác của Sư đoàn 18 được bố trí trên đảo Kunashir. Đó là đại đội pháo phản lực Smerch (2 xe) và Trung đoàn pháo-súng máy 46.

Tổng cộng trong biên chế của Sư đoàn 18 có 18 xe tăng Т-72B3 (chúng chỉ mới đây thay thế cho những chiếc T-55 cuối cùng trong quân đội Nga), 36 pháo tự hành 152 mm 2S5 Giatsint và pháo kéo Giatsint-B, 15 pháo phản lực Smerch và Grad, gần 30 hệ thống tên lửa phòng không Tor-M2U và Strela-10, cũng như 12 hệ thống pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 Shilka.

Việc phòng thủ bờ biển cho quần đảo Kuril do 2 tiểu đoàn của Lữ đoàn tên lửa 720 thuộc Hạm đội Thái Bình Dương (Tiểu đoàn tên lửa bờ Bastion đóng ở Iturup và Tiểu đoàn tên lửa bờ Bal trên đảo Kunashir) đảm nhiệm.

Bản thân đảo Sakhalin có kích thước lớn được phòng thủ bởi duy nhất Lữ đoàn bộ binh cơ giới 39, được trang bị 41 xe tăng Т-72B, 150 xe bọc thép chở quân và xe MTLB, 36 pháo tự hành 2S5, 18 cối 120 mm 2S12 Sani, 18 pháo phản lực BM-21, 12 hệ thống tên lửa chống tăng tự hành Konkurs, cũng như 6 hệ thống tên lửa phòng không Strela-10 và 6 hệ thống pháo-tên lửa phòng không Tunguska. Lữ đoàn được tăng cường 1 trung đoàn công binh-công trình, 1 tiểu đoàn tên lửa phòng không S-300V của Trung đoàn tên lửa phòng không 1724 (bản thân trung đoàn này đóng ở lục địa, tại Birobidzhan) và Trung đoàn radar 39. Ngoài ra, trên đảo Sakhalin còn có căn cứ cất giữ và sửa chữa binh khí kỹ thuật 230 vốn là một lữ đoàn bộ binh cơ giới bị xóa sổ với các xe tăng Т-72, xe chiến đấu bộ binh BMP-2, pháo tự hành 152 mm 2S3.

Tại Chukotka hiện chỉ có một phân đội máy bay không người lái trinh sát Orlan-10 tại sân bay Ugolnyi ở thị trấn Anadyr. Người ta dự kiến triển khai ở đây một sư đoàn phòng thủ bờ biển, nhưng hoàn toàn không rõ bao giờ điều đó sẽ xảy ra và liệu có thực sự xart ra không. Và sư đoàn này sẽ trực thuộc ai, Quân khu miền Đông hay Bộ chỉ huy chiến lược liên hợp Phương Bắc.

Ở Kamchatka, toàn bộ hoạt động quân sự và gần như toàn bộ hoạt động dân sự tập trung tại Petropavlovsk-Kamchatky và các thành phố vệ tinh của nó là Elyzovo (1 sân bay quân sự và 1 sân bay dân dụng) và Vilyuchinsk (căn cứ tàu ngầm hạt nhân).

Các lực lượng tàu ngầm chủ lực của Hạm đội Thái Bình Dương chính là đóng ở Kamchatka vì chỉ từ đây, chúng mới có thể triển khai ra đại dương mà không phải vượt qua các eo biển không thuộc quyền sở hữu của Nga.

Đóng ở đây là 5 tàu ngầm tuần dương tên lửa chiến lược (3 tàu cũ lớp Projekt 667BDR (gồm K-44 Ryazan, K-223 Podolsk và K-433 Georgy Pobedonosets, trong đó 2 tàu K-223 và K-433 sắp tới sẽ bị loại biên và thanh lý loại bỏ) và 2 tàu tối tân lớp Projekt 955 là K-550 Aleksandr Nevsky và K-551 Vladimir Monomakh), 5 tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa hành trình lớp Projekt 949А (K-132 Irkutsk, K-150 Tomsk, K-186 Omsk, K-442 Chelyabinsk, K-456 Tver) và 5 tàu ngầm hạt nhân đa nhiệm lớp Projekt 971 (K-295 Samara, K-322 Kashalot, K-331 Magadan, K-391 Bratsk, K-419 Kuzbass). 

Các tàu nổi của Phân hạm đội Kamchatka thuộc Hạm đội Thái Bình Dương dùng để bảo vệ các lực lượng tàu ngầm ở căn cứ và bảo đảm cho các tàu ngầm ra khơi không bị cản trở. Tại đây trú đóng 2 tàu chống ngầm nhỏ lớp Projekt 1124М (MPK-82, MPK-107), 4 tàu tên lửa nhỏ lớp Projekt 12341 (Inei, Moroz, Razliv, Smerch), 2 tàu quét lôi ngoài khơi lớp Projekt 266М (МТ-264, МТ-265) và tàu quét lôi nhỏ РТ-471 lớp Projekt 1258.

Nòng cốt lực lượng mặt đất ở Kamchatka là Lữ đoàn lính thủy đánh bộ 40, được trang bị 10 xe tăng Т-80BVM, đến 60 xe bọc thép chở quân BTR-80/82А, gần 20 pháo tự hành (120 mm 2S9 Nona-S và 122 mm 2S1 Gvozdika), 6 pháo phản lực BM-21, 6 hệ thống tên lửa phòng không tự hành Strela-10 và 6 hệ thống pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 Shilka.
Làm nhiệm vụ phòng thủ bờ biển cho Petropavlovsk-Kamchatsky là Lữ đoàn tên lửa 520 của Hạm đội Thái Bình Dương. Lữ đoàn được biên chế 1 tiểu đoàn tên lửa bờ cũ Redut (8 bệ phóng) và 1 tiểu đoàn tên lửa bờ hiện đại Bastion (4 bệ phóng). Ngoài ra, tiểu đoàn Redut có thể đã được thay thế bằng tiểu đoàn Bastion thứ hai.

Tại Elyzovo triển khai căn cứ không quân 7060. Căn cứ được biên chế khoảng 10 tiêm kích đánh chặn MiG-31, 3 máy bay chống ngầm Il-38 (trong đó có 1 máy bay cải tiến Il-38N), 1 máy bay sở chỉ huy Il-22, 4 máy bay vận tải An-12, 21 trực thăng chống ngầm Kа-27 và 7 trực thăng đa nhiệm Mi-8. Đóng tại Elyzovo còn có Sư đoàn phòng không 53 được biên chế Trung đoàn radar 60 và Trung đoàn tên lửa phòng không 1532 với 3 tiểu đoàn tên lửa phòng không S-400.

Xét đến mức độ đe dọa từ phía Nhật Bản, Hải quân Mỹ (còn đối với Chukotka còn có thêm cả lực lượng Lục quân và Không quân Mỹ triển khai ở Alaska), cũng như trong tương lai rất gần là từ phía hải quân và không quân Trung Quốc thì lực lượng quân đội Nga triển khai ở biên giới phía Đông nước Nga là hoàn toàn không đủ để phòng thủ khu vực này, nhất là trong điều kiện bị cô lập thiếu tiếp tế từ lục địa dài ngày. Gần đây, Bộ Quốc phòng Nga đang có những nỗ lực củng cố lực lượng quân đội ở Viễn Đông, nhưng hiện thời thì điều đó chẳng làm thay đổi mấy về chất lượng.

Nguồn: Aleksandr Anatolievich Khramchikhin, Phó Giám đốc Viện Phân tích chính trị và quân sự // NVO, 30.11.2018.

Print Print E-mail Print