Vietnamdefence.com

 

Hạm đội Nhật hồi sinh

VietnamDefence - Hạm đội Nhật Bản đã có không chỉ các tàu khu trục, frigate và tàu ngầm, mà cả các tàu sân bay.

Hạm đội Nhật Bản đang hồi sinh

Hải quân Nhật Bản (Hải quân Phòng vệ) là quân chủng độc lập của lực lượng vũ trang Nhật (Lực lượng Phòng vệ), được giao thực hiện các nhiệm vụ chính sau: tác chiến chống các lực lượng tàu và không quân đối phương nhằm giành ưu thế trên vùng biển và đại dương giáp ranh bờ biển quần đảo Nhật Bản, phong tỏa các khu vực eo biển của biển Okhotsk, biển Nhật Bản và biển Hoa Đông, tiến hành các chiến dịch đổ bộ đường biển, bảo vệ các tuyến đường biển, các căn cứ hải quân, hải cảng và bờ biển, chi viện cho lục quân khi tiến hành các chiến dịch trên các hướng duyên hải.

Tokyo muốn gì?


Thời bình, Hải quân Nhật còn kiểm soát các vùng biển chủ quyền của Nhật Bản, duy trì cục diện hoạt động thuận lợi trong vùng biển 1.000 hải lý và tiến hành cảnh giới phối hợp với các đơn vị của Cục Bảo vệ biển.

Triển vọng dài hạn xây dựng Hải quân Nhật Bản được xác định bởi Chương trình Quốc phòng được thông qua từ năm 1995. Để thực hiện các yêu cầu của các nước đồng minh trong việc bảo vệ các tuyến đường biển trong vùng biển 1.000 hải lý, cũng như mở rộng sau đó vùng hoạt động của Hải quân Nhật, người ta đang soạn thảo các kế hoạch tiếp tục nâng cao sức mạnh chiến đấu của hải quân.

Theo các tuyên bố chính thức, Nhật Bản tập trung chú trọng phát triển lực lượng hộ tống. Nhưng theo nhiều chuyên gia phương Tây, trên thực tế, Tokyo đang bắt đầu hồi sinh hạm đội tàu sân bay.

Đến cuối năm 2011, họ đã đưa vào biên chế chiến đấu của hải quân 2 tàu khu trục chở trực thăng mà trên thực tế là các tàu sân bay hạng nhẹ lớp Hyuga, trên đó dự kiến sẽ triển khai các tiêm kích đa năng cất cánh đường băng ngắn/hạ cánh thẳng đứng F-35.

Cũng trong năm 2011, Nhật Bản đã bắt đầu đóng các tàu sân bay hạng nhẹ lớn hơn.

Về mặt kỹ thuật, Nhật Bản đã sẵn sàng các tàu sân bay hạng trung thật sự hay thậm chí tàu sân bay hạng nặng, nhưng tất cả phụ thuộc vào quyết định chính trị của ban lãnh đạo nước này bởi vì Hiến pháp Nhật cấm việc này.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, do hải quân Trung Quốc đang gia tăng sức mạnh, bộ luật cơ bản của đất nước mặt trời mọc sắp tới đây sẽ được sửa đổi. Dù sao thì trong hai loại công nghệ đóng tàu quân sự cao nhất (tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân), Nhật Bản đã bắt tay vào khôi phục loại công nghệ đầu tiên.

Các kế hoạch phát triển Hải quân Nhật Bản cho thấy, Tokyo đang muốn hoàn thiện hải quân về chất, nâng cao khả năng chiến đấu và khả năng sẵn sàng thực hiện tổ hợp các nhiệm vụ theo hiệp định hợp tác quân sự mới với Mỹ và các lợi ích quốc gia của nước này không được nói đến nhiều tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Các chương trình đóng tàu quân sự

Nhật Bản đang đổi mới có hệ thống lực lượng hạm tàu của hải quân bằng các chương trình đóng tàu quân sự nhịp nhàng.

Lực lượng tàu của Hải quân Nhật thường xuyên được duy trì ở mức 115-120 tàu chiến.

Lực lượng tàu ngầm

Tàu ngầm thông thường. Hiện nay, hạm đội tàu ngầm Nhật Bản có 17 tàu ngầm chiến đấu thông thường (3 tàu tối tân lớp Souryu, 11 tàu lớp Oyashio, 3 tàu lớp Harushio) và 1 tàu ngầm huấn luyện chiến đấu (lớp Harushio).

Hạm đội tàu ngầm Nhật rất mới vì các tàu ngầm chưa cũ lắm mà thâm niên phục vụ thường là dưới 20 năm đang được rút khỏi biên chế.

Các tàu này không thể bán cho các nước khác vì tất cả đều được trang bị các biến thể hệ thống thủy âm tối tân nhất của Mỹ. Ví dụ, hệ thống ZQQ-5B được chế tạo dựa trên các công nghệ của hệ thống thủy âm AN/BQQ-5 mà Hải quân Mỹ sử dụng.

Trong hoạt động đóng tàu ngầm, sau khi bàn giao tàu ngầm thông thường thứ 11 của lớp Oyashio, Nhật sẽ chuyển hướng chú ý chính sang đóng tàu ngầm thông thường theo thiết kế cải tiến lớp Improved Oyashio (tàu đầu tiên được đặt tên là Souryu). Hiện nay, còn 3 tàu ngầm khác thuộc lớp này đang được đóng ở các giai đoạn khác nhau.

Công ty Kockums (các hãng phụ thầu là Volvo và FFV) bắt đầu phát triển động cơ Stirling trong thập kỷ 1960 và đã chế tạo được động cơ công suất 75 kW (động cơ Stirling V4-275R) sử dụng helium làm môi trường làm việc, còn các phương tiện tiêu hao là nhiên liệu diesel và oxy lỏng (mức tiêu thụ đơn vị oxy là 0,85-0,95 kg/kWh).

Một máy phát Stirling có trọng lượng 4 tấn. Nhờ có áp lực cao ở cửa xả, việc loại bỏ các sản phẩm cháy được thực hiện trực tiếp từ động cơ. Việc thử nghiệm tàu ngầm thông thường lớp A-14 với động cơ AIP đã hoàn tất tốt đẹp vào năm 1989. Sau khi lắp đặt động cơ mới, thời gian lặn của tàu đã tăng từ mấy ngày đêm lên đến 2 tuần lễ.

Chúng được trang bị hệ thống động lực không cần không khí (AIP) trên cơ sở động cơ Stirling và dùng để thay thế các tàu ngầm lớp Harushio. Năm 2001, tàu ngầm Asashio lớp Harushio đã được cải tạo để lắp động cơ AIP kiểu Stirling để thí nghiệm. Nước đầu tiên làm chủ công nghệ động cơ AIP Stirling là Thụy Điển.

Việc thử nghiệm cũng cho thấy rằng, tàu ngầm có thể chạy với động cơ Stirling đến 90% thời gian hoạt động ngoài biển và chỉ chạy bằng động cơ diesel trong 10% thời gian, việc các sản phẩm cháy được hòa tan hoàn toàn trong nước trên thực tế đã được khẳng định. Hiện tại, công suất ra của mỗi máy phát Stirling chỉ là 75 kW (công suất danh định là 65 kW).

Có lẽ, Nhật Bản, như thường lệ đã mua giấy phép sản xuất các động cơ này. Trên tàu ngầm Souryu lắp đặt 4 động cơ Striling.

Lực lượng tàu sân bay

Tàu sân bay. Tháng 9/2007, tàu sân bay đầu tiên từ thời Thế chiến II lớp 16DDH của Nhật Bản, có lượng giãn nước đầy đủ 18.000 tấn được đưa khỏi âu tàu. Một số chuyên gia cho rằng, chỉ số này bị hạ thấp: xét theo kích thước được công bố, lượng giãn nước của tàu phải là trên 20.000 tấn.

Tàu sân bay đầu tiên của lớp này có tên Hyuga để tưởng niệm chủ lực hạm của hạm đội Nhật Bản từng tham chiến tích cực trong Thế chiến II. Một tàu khác, cũng chính là tàu cuối cùng của lớp này là Ise đã được đưa vào biên chế của hạm đội Nhật vào năm 2011.

Theo phân loại chính thức, các tàu này được liệt vào tàu khu trục chở trực thăng. Nguyên nhân ở đây chỉ là chính trị thuần túy vì hiến pháp Nhật không cho phép chế tạo loại vũ khí này. Nhưng các chuyên gia đã lưu ý rằng, hệ thống pháo phòng không cỡ nòng nhỏ ở mũi tàu không được bố trí ở giữa mà bị dịch chuyển sang mạn phải (như ở tàu sân bay hạng nhẹ của Anh). Điều đó đã lập tức cho phép sử dụng các máy bay cất cánh đường băng ngắn/hạ cánh thẳng đứng cất cánh với đoạn chạy đà ngắn.

Ngoài ra, khi muốn đã có thể lắp đặt cả cầu bật. Cuối cùng, vào năm 2007, người Nhật Bản bí ẩn lại thông báo, họ quan tâm đến máy bay cất cánh đường băng ngắn/hạ cánh thẳng đứng F-35B và tại một site trên Internet đã xuất hiện các hình ảnh tàu sân bay 16DDH với các tiêm kích đa năng này.

Xét theo kích thước của hăng-ga (khoảng cách giữa các thang máy là hơn 90 m), trên các tàu này có thể bố trí đến 25 máy bay các loại: 8-12 F-35B, 3 SH-3D AEW, 4-10 MCH-101/UH-60J/K. Ở phương án tiến công, đội máy bay trên tàu có thể gồm đến 18 F-35B, 3 SH-3D AEW, 2 MCH-101/UH-60J/K.

Ngoài máy bay và trực thăng, các tàu sân bay hạng nhẹ được trang bị các hệ thống vũ khí mới nhất, trong đó có các bệ phóng thẳng đứng vạn năng Mk41 Mod5 dùng để phóng tên lửa phòng không và tên lửa chống ngầm có điều khiển. Tuy nhiên, theo đa số các chuyên gia, việc nhắc đến tên lửa chống ngầm là còn lại từ các thông tin hỏa mù trước đó và trên tàu này tất nhiên sẽ không có các vũ khí này.

Việc sử dụng các ống phóng lôi 324 mm Type 68 để chống tàu ngầm cũng không có gì phải nghi ngờ, chắc chắn chúng được dùng để phòng thủ chống ngư lôi.

Theo Phó Giám đốc Viện Okazaki, ông Sumihiko Kawamura, Hyuga là một bước tiến lớn, cho thấy khả năng của Nhật Bản đóng được các tàu sân bay xung kích trong tương lai. Chuyện là như vậy, không hơn, không kém.

Nhật Bản dự định đóng tổng cộng 4 tàu sân bay hạng nhẹ thuộc lớp này để thay thế 4 tàu khu trục chở trực thăng. Như vậy, số lượng tàu trong chương trình đã tăng gấp đôi trong hai năm gần đây.

Ngày 15/8/2009, ngân sách tài khóa 2010 đã được thông qua, theo đó 116,6 tỷ yên đã được chi để đóng 1 tàu sân bay mới lớp 22DDH với kích thước lớn hơn cả tàu Hyuga: chiều dài 248 m, chiều rộng 39 m, lượng giãn nước tiêu chuẩn/đầy đủ 19.500 tấn/24.000 tấn.

Các tham số này tương đương với tàu sân bay hạng trung của Pháp (chiều dài chỉ nhỏ hơn 13 m). Cùng với boong bay dày, trên tàu sẽ có một khu thượng tầng dạng “đảo” và 2 thang máy (1 chiếc bên mạn). Số lượng phương tiện bay được thông báo là 14 trực thăng dĩ nhiên là thông tin giả.

Việc Trung Quốc đưa vào biên chế 1 tàu sân bay lớp Projekt 11436 (Varyag), tức tàu Liêu Ninh và đóng các tàu sân bay hạng trung có lẽ sẽ dẫn tới việc loạt tàu sân bay giả dạng tàu khu trục chở trực thăng thứ ba của Nhật Bản sẽ là các tàu có lượng giãn nước xấp chỉ 50.000 tấn và với các máy bay cánh bằng cất/hạ cánh bình thường như F/A-18.

Tàu khu trục chở trực thăng. Trong biên chế chiến đấu của Hải quân Nhật Bản hiện còn 2 tàu khu trục chở trực thăng lớp Shirane, mặc dù đã khá cao tuổi (đóng xong năm 1980-1981). Theo bộ chỉ huy hạm đội Nhật Bản, bất kể tàu nào triển khai được một đội máy bay hạm tàu đều là các đơn vị chiến đấu có giá trị. Nhật dự kiến chỉ thay thế chúng bằng các tàu sân bay hạng nhẹ mới trong giai đoạn đến năm 2015.

Lực lượng tàu đổ bộ


Tàu đổ bộ.
Chủ lực của lực lượng đổ bộ Nhật là 3 tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Osumi. Ngoài ra, đang được đóng còn có 2 tàu đổ bộ lớp Yura và 2 tàu đổ bộ lớp Yusoutei.

Xuồng đổ bộ. Trong biên chế chiến đấu của hạm đội Nhật có 18 xuồng đổ bộ (6 xuồng đổ bộ đệm khí kiểu LCAC, 12 xuồng LCM gồm 2 tàu lớp YF2150, 10 tàu lớp YF2121).

Trong 4 năm gần đây, chỉ đóng hoàn thành 2 xuồng đổ bộ cao tốc lớp YF2150. Theo số liệu chính thức, các tàu này chỉ có tốc độ tối đa 16 hải lý/h. Nhưng với công suất động cơ turbine khí công bố là 3.000 mã lực và với lượng giãn nước đầy đủ là gần 100 tấn, tham số này không thể thấp hơn 25-30 hải lý/h. Nhật chưa có chương trình đóng các xuồng đổ bộ mới khác.

Hiện chưa có các kế hoạch phát triển lực lượng tàu đổ bộ và xuồng đổ bộ.

Quân số nhỏ lực lượng đổ bộ về nguyên tắc khẳng định quan điểm chính thức về quan niệm phòng thủ của Hải quân Nhật Bản, còn vấn đề “các vùng lãnh thổ phía bắc” chẳng qua là yếu tố gây áp lực chính trị-kinh tế đối với Nga, chứ không phải là vấn đề quân sự.

Lực lượng tàu đa nhiệm

Tàu khu trục.
Trong Hải quân Nhật Bản có 40 tàu khu trục. Năm 2008, họ hoàn thành 6 tàu khu trục phòng không lớn nhất lớp Kongo với hệ thống thông tin-chiến đấu Aegis (gồm 4 tàu lô 1 và 2 tàu lô 2 lớp Atago). Các tàu này là biến thể của Nhật Bản của tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Hải quân Mỹ.

Ngoài ra, trong biên chế hạm đội Nhật còn các tàu khu trục phòng không lớp Hatakaze (2 chiếc) và các tàu khu trục chống ngầm lớp Yuugiri (6 chiếc ), lớp Hatsuyuki (10 chiếc).

Nhật đã đóng xong các tàu khu trục chống ngầm lớp Murasame (9 chiếc) và Takanami (5 chiếc).

Tất cả các tàu khu trục chống ngầm của Nhật Bản xét về kích thước đều là tàu frigate. Họ cũng đang tiếp tục chuyển loại các tàu khu trục cũ lớp Asagiri (2 chiếc) thành tàu huấn luyện chiến đấu.

Hiện nay, Nhật đang duy trì phát triển 2 dòng tàu khu trục: tàu khu trục đa nhiệm có phòng không mạnh (tạm gọi là tàu khu trục phòng không) và tàu khu trục chống ngầm. Đồng thời, họ tiếp tục giảm kiểu loại chiến hạm. Chẳng hạn, để thay thế các tàu khu trục chống ngầm lớp Yuugiri và Hatsuyuki, Nhật đang triển khai chương trình đóng tàu khu trục lớp 19DD (đang đóng 4 chiếc, dự kiến đóng loạt tàu gồm tổng cộng 10-16 chiếc).

Frigate. Trong biên chế hạm đội Nhật còn có 6 frigate lớp Abukuma, chiếc cuối cùng trong số đó được bàn giao vào năm 1993. Các frigate Nhật Bản được trang bị vũ khí khá hiện đại, nhưng cơ bản là các tàu thử nghiệm. Nhược điểm lớn của chúng là không có các máy bay. Hiện Nhật không có kế hoạch phát triển các lớp tàu này.

Lực lượng tàu tuần tra

Hải quân Nhật có 7 tốc hạm tên lửa cánh ngầm lớp Sparviero tự đóng (1995) trên cơ sở thiết kế Italia và 6 tàu lớp Hayabusa tự đóng. Dự kiến, loạt tốc hạm tên lửa lớp Hayabusa gồm 9 chiếc sẽ giảm xuống còn 6 chiếc.

Hiện Nhật không có chương trình mới nào phát triển lực lượng tàu tuần tra.

Lực lượng tàu quét lôi

Lực lượng tàu quét lôi của Hải quân Nhật gồm 2 tàu chỉ huy lực lượng quét lôi, 3 tàu quét lôi lớp Yaeyama (sao chép tàu quét lôi Avenger của Mỹ), 24 tàu quét lôi ven bờ (3 tàu lớp Hirashima, 12 tàu lớp Sugashima, 9 tàu lớp Hikoshima) và 2 tàu do Thụy Điển đóng.

Hiện nay, để thay thế các tàu quét lôi ven bờ lớp Hikoshima, Nhật đang đóng các tàu quét lôi ven bờ lớp Hirashima (2 tàu đang đóng và 3 tàu dự kiến đóng). Loạt tàu này có thể lên tới 12 chiếc, tuy nhiên, những năm gần đây, Nhật giảm hẳn sự quan tâm đối với tàu quét lôi.

Nhật Bản có khả năng bất kỳ loại tàu nào, nhưng chủ yếu với các vũ khí và trang bị kỹ thuật của nước ngoài, một số trong số đó được sản xuất theo giấy phép. Chẳng hạn, vũ khí tự phát triển chỉ có ngư lôi 533 mm. Họ hoàn toàn không có cơ sở sản xuất động cơ turbine khí cho tàu, còn động cơ diesel cho tàu từ lâu là các động cơ sao chép của Pháp, Italia, Mỹ và phần nào là của Đức.

Nguồn: Hạm đội đất nước mặt trời mọc đã có các tàu sân bay / GS, TS KHKT Vladislav Nikolsky, PTS KHKT Nikolai Novichkov // VPK, № 32 (449), ngày 15/8/2012.

Print Print E-mail Print