VietnamDefence -
Sự căng thẳng quan hệ Nga-Nhật liên quan đến những phát biểu của phía Nhật chỉ trích chuyến thăm quần đảo Kuril dự định của TT Nga Dmitry Medvedev trùng về thời gian với việc Bộ Quốc phòng Nhật đệ trình dự thảo ngân sách quốc phòng năm 2011.
|
Dự thảo ngân sách quốc phòng tài khóa 2011 của Nhật Bản ở mức 4,71 ngàn tỷ Yen (55,8 tỷ USD), tăng 0,6% so với năm 2010.
Nếu dự thảo ngân sách được nghị viện thông qua thì đây là lần tăng chi phí quốc phòng đầu tiên trong 10 năm gần đây.
Bộ Quốc phòng Nhật tuyên bố kiên quyết bảo vệ dự thảo ngân sách đệ trình.
Theo bản phân tích công bố tháng 9.2009 của Bộ Quốc phòng Nhật, việc cắt giảm chi phí quân sự trong 10 năm gần đây đã khiến các công ty nhỏ và vừa rút khỏi khu vực công nghiệp quốc phòng.
Ngoài ra, trong giai đoạn từ 2003-2010, 13 công ty sản xuất thiết bị, linh kiện cho tăng-thiết giáp đã bị phá sản, 35 công ty rút khỏi khu vực quốc phòng hoặc chấm dứt hoạt động. 20 nhà thầu phụ sản xuất thiết bị, linh kiện cho máy bay tiêm kích công bố ý định sắp tới rút khỏi thị trường máy bay quân sự.
Nhật Bản trong 10 năm gần đâu liên tục cắt giảm chi phí quân sự. Chi phí quân sự trong giai đoạn này đã giảm từ 1,3% xuống còn 1% GDP. Theo lãnh đạo Bộ Quốc phòng Nhật, việc tiếp tục cắt giảm chi phí quân sự sẽ làm suy thoái ngành công nghiệp quốc phòng và tổn hại khả năng quốc phòng của nước này.
Theo thông tin hiện có, Bộ Quốc phòng Nhật dự định mời thầu cung cấp 40-50 tiêm kích thế hệ mới theo chương trình F-X đến cuối năm nay hoặc đầu năm 2011. Yếu tố quyết định trong quá trình lựa chọn là chương trình hợp tác công nghiệp. Trong số các ứng cử viên thắng thầu có nhóm Eurofighter (châu Âu) với tiêm kích EF-2000 Typhoon, Boeing với các máy bay F-15FX và F/A-18E/F Super Hornet, cũng như Lockheed Martin với tiêm kích thế hệ 5 F-35 Lightning II.
Theo Bộ Quốc phòng Nhật, việc đánh giá các ứng viên tiềm năng cung cấp máy bay theo dự án F-X trị giá 800 triệu Yen vẫn đang tiếp tục.
Nhận được các công nghệ hàng không tiên tiến là cực kỳ cần thiết với Nhật Bản, quốc gia đang tiếp tục chương trình phát triển tiêm kích tàng hình nội địa. Dự án tiêm kích F-XX ShinShin do Viện nghiên cứu và phát triển TRDI của Bộ Quốc phòng Nhật (TRDI) và công ty Mitsubishi Heavy Industries (MHI) tiến hành. Chuyến bay đầu của F-XX ShinShin dự kiến vào năm 2013.
Để duy trì khả năng chiến đấu của Không quân phòng vệ, Bộ Quốc phòng Nhật đã chi kinh phí để hiện đại hóa các máy bay hiện có. Trong tài khóa 2011, họ dự định chi 30 tỷ Yen để nâng cấp 10 tiêm kích F-15 và hơn 50 F-2 của MHI. Kế hoạch mua thêm lô tiêm kích F-2 không được ủng hộ.
Trong số các chương trình lớn mà dự thảo ngân sách dự kiến cấp kinh phí có việc tiếp tục dự án phát triển máy bay tuần tra biển P-1 của Kawasaki Heavy Industries. Kinh phí chi cho dự án này là 55,1 tỷ Yen. Theo tiến độ, 80 máy bay mới Р-1 sẽ từng bước thay thế đội máy bay P-3C Orion kể từ năm 2012. Bộ Quốc phòng Nhật cũng đã chi 55,7 tỷ Yen để mua thêm 1 tàu ngầm lớp Soryu.
Dự thảo ngân sách quân sự còn dự chi 23,3 tỷ Yen để mua thêm 4 trực thăng tuần biển SH-60K Seahawk đang được các công ty Sikorsky (Mỹ) và MHI hợp tác chế tạo; 13,2 tỷ Yen để mua 2 trực thăng đa năng MCH-101 (biến thể của EH-101) của các công ty Kawasaki Heavy Industries và Agusta/Westland; 38,4 tỷ Yen để mua 2 máy bay vận tải quân sự/máy bay đa năng hạng trung XC-2 của Kawasaki Heavy Industries; 16,3 tỷ Yen để mua thêm 1 tàu quét lôi lớp Hirashima.