Vietnamdefence.com

 

Đọ xe tăng, máy bay chiến đấu Trung - Nhật (III)

VietnamDefence - Những thông tin dưới đây cho biết Trung Quốc và Nhật hiện đang sử dụng những loại xe tăng, máy bay chiến đấu nào và sức mạnh của từng loại vũ khí của Trung Quốc so với Nhật ra sao.

>> Quân đội Nhật Bản mạnh thế nào?
>> So sánh sức mạnh vũ khí Nhật - Trung
 

Xe tăng

Trung Quốc

Type 99: Được đưa vào sử dụng từ năm 2001, Type 99 là xe tăng chiến đấu chủ lực, hiện đại nhất của Trung Quốc. Tuy nhiên, tăng này được cho là sẽ không được sử dụng rộng rãi do giá thành cao. Được bảo vệ vỏ giáp phức hợp gốm và thép, các phần tử giáp phản ứng nổ, xe tăng 57 tấn này còn được trang bị pháo nòng trơn 125 mm. Biến thể mới nhất của loại tăng này là Type 99G có thể được lắp pháo 155 mm. Type 99 được cho là có tính năng tương đương với tăng Type 90 của Nhật.

Type 96: Đây là xe tăng chủ lực chính của quân đội Trung Quốc. Ra đời vào năm 1997, Type 96 thực sự là bản nâng cấp thành công nhất của tăng Type 85. Xe tăng 43 tấn này được thường được trang bị giáp phản ứng nổ, pháo 125 mm. Type 96 được cho là có bộ cảm biến hiện đại đầy đủ nhất. Động cơ diesel 1.000hp cho phép xe tăng di chuyển với tốc độ tối đa 45 km/h.

Type 88/85: Những chiếc xe tăng này là kết quả của sự kết hợp công nghệ phương Tây nhập khẩu với những cải tiến của Trung Quốc với mẫu xe tăng trước đó là Type 79/69. Được chế tạo vào cuối thập kỷ 1980 và giữa thập kỷ 1990, hai loại xe tăng trên dùng hệ thống điều khiển hỏa lực của Anh, động cơ của Đức và pháo 105 mm của Áo. Xe tăng 38 tấn này lắp động cơ diesel 730 mã lực, có thể chạy với tốc độ 60 km/h, cự ly hành trình 430 km.

Type 79/69: Những xe tăng này là biến thể nâng cấp của T-54 của Liên Xô. Sau nhiều năm, xe tăng 38 tấn này đã có động cơ mạnh hơn, được lắp đặt thiết bị điện tử và máy đo xa laser. Biến thể mới nhất của xe tăng này có hệ thống điện tử của Anh, pháo 105 mm của phương Tây, động cơ diesel 580 mã lực.

Type 63/63A: Type 63 được Trung Quốc sản xuất dựa trên PT-76 của Liên Xô, được chế tạo từ những năm 1960. Đây là xe tăng lội nước hạng nhẹ, có vỏ giáp mỏng (10 mm) và một pháo 85 mm. Trong những năm 1990, quân đội Trung Quốc thấy rằng, Type 63 là chưa đủ mạnh nên đã phát triển Type 63A. Dễ nhận biết với lớp vỏ góc cạnh, Type 63A có động cơ mạnh hơn, khả năng lội nước tốt hơn và có pháo 105 mm của phương Tây. Nhật không có loại xe tăng nào tương đương với Type 63/63A của Trung Quốc.
 
Type 62: Được chế tạo dựa trên T-54 của Liên Xô, tuy nhiên, Trung Quốc giảm bớt vỏ giáp bên ngoài xe tăng và lắp pháo nhỏ hơn, cỡ 85 mm. Nặng 21 tấn, được trang bị động cơ 430 mã lực, xe tăng này có thể chạy tới tốc độ 60 km/h. Được sản xuất từ những năm 1960 song hiện giờ xe tăng này vẫn đang được sử dụng và là xe tăng hạng nhẹ chính của quân đội Trung Quốc.

Nhật

Type 90: Lần đầu tiên được đưa vào sử dụng vào năm 1989, đây là xe tăng hạng nặng , tương đương với M-1 của Mỹ hoặc Leopard 2 của Đức. Được bảo vệ bằng vỏ giáp thép và gốm, Type 90 được vũ trang bằng súng nòng trơn Rheinmetall 120 mm. Động cơ diesel 1.500 hp cho phép chiếc xe tăng 50 tấn này di chuyển với tốc độ 70km/h.

Xe tăng loại Type 90 là loại tương đương nhất đối với loại Type 96 của Trung Quốc. Tuy nhiên, so với loại Type 99 của Trung Quốc thì Type 99 nặng hơn và được bảo vệ tốt hơn, song Type 90 của Nhật lại nặng hơn loại Type 96 của Trung Quốc. Nhìn chung, xe tăng Nhật cơ động hơn và có súng gắn trên xe tăng tốt hơn, cũng như có cảm biến và hệ thống điện tử tốt hơn.

Type 74: Xe tăng này lần đầu tiên được giới thiệu vào năm 1975. Nặng 38 tấn và được bọc thép, sử dụng súng có nòng xẻ rãnh xoắn L-7 105mm. Type 74 dùng động cơ 750hp, có khả năng đẩy xe tới 53 km/h.
Nhật không có các loại xe tăng tương ứng với loại Type 79/69, Type 63/63A và Type 62 của Trung Quốc.

Máy bay chiến đấu

Trung Quốc

Su-30: Máy bay hai động cơ Su-30 là biến thể nâng cấp của Su-27 với nhiều cải tiến vì thế nó được coi là máy bay thế hệ 4,5. Chiến đấu cơ hai chỗ ngồi này được cả không quân và hải quân Trung Quốc sử dụng. Với thùng nhiên liệu dung tích lớn hơn, Su-30 của Trung Quốc có thể bay 3.000 km và nhận tiếp dầu trên không. Máy bay được trang bị 1 pháo 30 mm, các tên lửa không đối không tầm ngắn và tầm trung của Nga, rocket và bom không điều khiển.

Su-27/J-11: Quân đội Trung Quốc sử dụng cả Su-27 do Nga sản xuất lẫn biến thể do Trung Quốc sản xuất là J-11. Su-27SK nguyên bản là máy bay chiến đấu hai động cơ, có tầm bay 3.530 km. Vũ khí trên máy bay gồm 1 pháo 30 mm có 6 điểm treo có thể đem theo phần lớn các loại tên lửa và bom của Nga, trừ tên lửa không đối không tầm trung R-77 (tương đương AIM-120 AMRAAM của Mỹ). J-11 cũng có tính năng tương tự, song sử dụng hệ thống điện tử hàng không do Trung Quốc sản xuất.

Nhật

F-15J: Nhật là quốc gia duy nhất trên thế giới có giấy phép sản xuất F-15 của Mỹ, một trong những chiến đấu cơ tốt nhất trên thế giới. Việc sản xuất F-15J bắt đầu tại Nhật vào đầu những năm 1980. Máy bay của Nhật về cơ bản là loại F-15C có radar của Nhật và tháo gỡ bộ phận có khả năng đem theo vũ khí hạt nhân.

Máy bay chiến đấu 2 động cơ này có tầm bay 5.500 km và có khả năng tiếp dầu trên không. Vũ khí trên máy bay gồm 1 pháo 20 mm, nhiều loại vũ khí có điều khiển chính xác, các tên lửa không đối không AIM-9M, AIM-120 AMRAAM. 

F-15J của Nhật có tính năng gần nhất với Su-27/J-11 của Trung Quốc.

Nguồn: Hoài Linh (Theo CJO) // VNN, 7.8.2012.

Print Print E-mail Print