Vietnamdefence.com

 

USS John McCain thăm Đà Nẵng - tín hiệu mang tính lịch sử và đầy hy vọng

VietnamDefence - Thượng nghị sĩ John McCain nói chuyến thăm của khu trục hạm mang tên cha ông tới Việt Nam là tín hiệu "lịch sử và đầy hy vọng" cho quan hệ giữa hai nước cựu thù.

Washington và Hà Nội kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Hạm trưởng Jeffrey Kim trả lời báo chí khi khu trục hạm John S. McCain cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng.


Trong khi đó báo Trung Quốc lên tiếng cảnh báo các nước láng giềng đang có ý định xích lại gần Mỹ.

Ông McCain ra thông cáo nhân việc tàu John S. McCain cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng: "Chuyến thăm của khu trục hạm USS John McCain tới Việt Nam là một sự kiện mang tính lịch sử và đầy hy vọng".

"Việt Nam đang trở thành một trong các đối tác quan trọng và hứa hẹn nhất của nước Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương".

Thượng nghị sĩ đảng  Cộng hòa từng thua cuộc trước ông Barack Obama trong cuộc bầu cử 2008 từng phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Ông cũng từng phải ngồi tù ở Bắc Việt Nam tới sáu năm và được trả tự do năm 1973.

Khu trục hạm John S. McCain với thủy thủ đoàn 270 người tới Đà Nẵng trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang gia tăng căng thẳng.

Ông McCain viết trong thông cáo: "Chuyến thăm hôm nay mang ý nghĩa lịch sử to lớn, đặc biệt đối với tôi và gia đình tôi. Thế nhưng tầm quan trọng thực sự của chuyến thăm này cần được đánh giá bằng tín hiệu mà nó đưa ra về tương lai quan hệ Việt-Mỹ".

"Mối quan hệ này đã tiến một bước dài, nhưng tiềm năng mới thật là to lớn. Và tôi tin tưởng rằng, dần dần hai quốc gia chúng ta cùng với nhau sẽ đóng góp cho an ninh, sự phồn thịnh; và một ngày nào đó, cho sự tự do của tất cả các nước và các dân tộc Đông Nam Á".

Cái giá phải trả

Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc lên tiếng cảnh báo về 'cái giá phải trả' về mặt kinh tế khi các nước láng giềng ngả về phía Mỹ.

Tờ Hoàn cầu Thời báo, một tờ báo tiếng Anh của nhà nước Trung Quốc xuất bản tại Bắc Kinh, nhận định rằng, "ý định của Hoa Kỳ thật đã rõ ràng: khuấy động tâm lý chống Trung Quốc tại các nước trong khu vực".

Tờ này chỉ ra động thái gây quan ngại là mới đây Mỹ-Việt đã thảo luận hiệp ước về năng lượng hạt nhân, trong đó có thể cho phép Việt Nam làm giàu uranium, bước quan trọng tiến tới sản xuất vũ khí nguyên tử.

"Mỹ đang tìm cách củng cố ảnh hưởng rải rác khắp nơi trong khu vực. Trong chừng mực nào đó, Mỹ có thể làm như vậy."

Hoàn cầu Thời báo cho rằng, Mỹ đang lợi dụng việc các nước láng giềng của Trung Quốc e dè trước sự lớn mạnh của Bắc Kinh.

Theo báo Trung Quốc, "ngay sau khi Mỹ tuyên bố Biển Đông nằm trong mối quan tâm quốc gia của mình, Việt Nam bắt đầu tăng cường phản đối các hoạt động hợp pháp của Trung Quốc" ở đây.

Trung Quốc vừa kết thúc cuộc tập trận 'Tiền Vệ' ở tỉnh Hà Nam

Câu hỏi đặt ra là: liệu liên minh Mỹ-Việt có đơm hoa kết trái hay không?

Câu trả lời là: "khó có khả năng, vì nó cũng giống như liên minh chết yểu giữa Liên Xô và Việt Nam những năm 1970".

Tờ Hoàn cầ̀u chỉ ra rằng, tổ chức Hiệp ước Phòng thủ Tập thể Đông Nam Á mà Mỹ khởi xướng thời kỳ chiến tranh lạnh nhằm đối chọi với Trung Quốc đã phải giải tán năm 1976 vì bất đồng nội bộ và chính sách không nhất quán.

Trong khi đó, "quyền lực kinh tế của Trung Quốc đã mang lợi ích lại cho các nướ́c nhỏ hơn trong khu vực và lập nên mô hình phát triển để các nước này noi theo".

Trung Quốc là cường quốc trung tâm, có ảnh hưởng văn hóa và sản xuất tiên tiến.

Báo Trung Quốc khẳng định: "Bất cứ ý đồ nào muốn đối chọi Trung Quốc bằng cách dựa vào ngoại giao và quân sự Mỹ đều sẽ phải trả giá bằng kinh tế". "Các nước trong khu vực phải nhìn thấy điều này."

Tờ báo khuyến khích Bắc Kinh tiếp tục giành ảnh hưởng thông qua việc cấp viện trợ kinh tế và ổn định khu vực, nhất là tăng quan hệ với các nước không có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.

  • Nguồn: Bình luận về chuyến thăm của tàu chiến Mỹ // BBC, 11.8.2010.

Print Print E-mail Print