Vietnamdefence.com

 

Nga củng cố vị thế trên thị trường tàu ngầm thông thường đến năm 2014-2015

VietnamDefence - Trung tâm Phân tích mua bán vũ khí quốc tế TsAMTO (Nga) dự báo, vào năm 2014-2015, Nga sẽ củng cố vị thế trên thị trường tàu ngầm thông thường.

Tàu ngầm B-871 Alrosa Projekt 877В Kilo, ngày 20.1.2007 (forums.airbase.ru)

Tuy vậy, theo bài báo do Rosfinkom đăng dẫn nguồn của hãng INFOline lại cho rằng, đến giai đoạn đó, Nga sẽ bị chèn ép khỏi thị trường tàu ngầm thông thường thế giới.

Theo tài liệu của Rosfinkom, “các nhà đóng tàu Pháp đã đóng và chuyển giao cho khách hàng 4 tàu ngầm (2 cho Chile và 2 cho Malaysia) và đang đóng thêm 10 tàu, trong đó có 4 tàu dành cho Brazil, 6 - cho Ấn Độ, quốc gia thường mua tàu ngầm của Liên Xô và Nga. Tàu ngầm Đức mặc dù bị những chê trách nặng nề của Hải quân Hy Lạp thậm chí lại còn phổ dụng hơn. Hy Lạp đã đặt mua 4 tàu (mặc dù sau đó từ bỏ 1 chiếc), Hàn Quốc đã nhận 3 tàu ngầm và đang đóng thêm 6 chiếc, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đặt đóng 6 tàu, còn Bồ Đào Nha đang thử nghiệm 2 tàu”.

Như vậy, theo INFOline, “trên thị trường vũ khí thế giới, sản phẩm của Nga ở dạng tàu ngầm thế hệ 3 trong mấy năm nữa sẽ bị đẩy khỏi thị trường bởi sản phẩm nước ngoài dưới dạng tàu ngầm thế hệ 4”.

Các cuộc thử nghiệm quốc gia đối với tàu ngầm thông thường thế hệ 4 Sankt Petersburg, tàu đầu tiên của lớp Projekt 677 Lada, đóng tại hãng Admiralteiskye verfi theo đơn đặt hàng của Hải quân Nga đã diễn ra vào tháng 4.2010. Lễ ký kết biên bản giao nhận tàu ngầm này đã diễn ra vào ngày 22.4.2010.

Tháng 5.2010, tàu ngầm Sankt Petersburg đã gia nhập biên chế Hạm đội Baltic. 2 tàu khác lớp Lada là Kronshtadt và Sevastopol đang ở các giai đoạn đóng khác nhau tại Admiralteiskye verfi.

Xét về tất cả các tính năng kỹ-chiến thuật chính, các tàu ngầm thông thường thế hệ 4 của Nga ít nhất không thua kém, mà về nhiều tính năng còn hơn hẳn các loại tương tự của phương Tây. Trong khi đó, tiềm năng xuất khẩu tàu ngầm thông thường lớp Projekt 636 Kilo còn chưa hết.

Theo số liệu của TsAMTO, trong 4 năm tới (2010-2013), Nga sẽ nâng thị phần của mình trên thị trường tàu ngầm thông thường thế giới. Trong chỉ 8 năm, từ 2006-2013, trên thế giới sẽ bán ra không dưới 38 tàu ngầm thông thường trị giá 13,87 tỷ USD.

Giai đoạn 2006-2009,  khối lượng bán tàu ngầm mới là 16 chiếc trị giá 4,618 tỷ USD. Giai đoạn 2010-2013 sẽ có sự tăng trưởng mạnh với 22 tàu ngầm thông thường trị giá 9,253 tỷ USD hay 137,5% về số lượng (200,4% về giá trị). Đồng thời, thị phần của Đức sẽ giảm xuống, của Nga sẽ tăng, mặc dù Đức vẫn giữ được vị trí quán quân trong bảng xếp hạng chung.

Theo các cuộc thầu mà kết quả chưa được công bố, trong giai đoạn 2010-2013, nếu tuân thủ thời hạn công bố ban đầu, sẽ có 2 tàu ngầm thông thường trị giá gần 600 triệu USD được xuất khẩu. Đa số áp đảo tàu ngầm được cung cấp theo các cuộc thầu đang tiến hành hay đã công bố mở thầu sẽ thực hiện trong giai đoạn từ năm 2014 trở đi.

Hiện tại, đứng đầu danh sách các nhà cung cấp tàu ngầm mới là Đức (20 chiếc trị giá 7,007 tỷ USD) với lượng đơn đặt hàng khá ổn định: giai đoạn 2006-2009, đã xuất khẩu 11 tàu ngầm thông thường trị giá 3,181 tỷ USD, lượng đơn đặt hàng giai đoạn 2010-2013 là 9 tàu ngầm thông thường mới trị giá 3,826 tỷ USD.

Đứng vị trí thứ hai là Nga (9 tàu trị giá 3,350 tỷ USD). Những năm 2006-2009, Nga đã xuất khẩu 2 tàu ngầm thông thường trị giá 500 triệu USD, năm 2010-2013, lượng bán sẽ tăng mạnh và là 6 tàu ngầm thông thường mới trị giá 2,850 tỷ USD.

Đứng cuối trong top 3 nhà xuất khẩu tàu ngầm hàng đầu là Pháp (7 tàu ngầm thông thường trị giá 2,914 tỷ USD). Năm 2006-2009, Pháp đã xuất khẩu 3 tàu ngầm thông thường trị giá 937 triệu USD, năm 2010-2013, sẽ xuất khẩu 4 tàu ngầm thông thường mới trị giá 1,977 tỷ USD.

Trong tài liệu của Rosfinkom có liệt kê hầu như tất cả các đơn đặt hàng hiện có của Pháp và Đức, trong đó có những đơn đặt hàng có thời hạn chuyển giao vào năm 2014 và sau đó. Trong khi đó, số liệu về các hợp đồng xuất khẩu tương lai của Nga không được nêu lên.

Bên cạnh đó, trong năm nay, Nga đã chuyển giao cho Algeria 2 tàu ngầm thông thường Projekt 636 Kilo. Cuối năm 2009, Nga đã ký với Việt Nam hợp đồng bán 6 tàu cùng loại trị giá gần 2 tỷ USD.

Hải quân Ấn Độ đã gửi thư mời thầu cung cấp 6 tàu ngầm thông thường mới. Trong cuộc thầu này, Nga có vị thế mạnh. Do chương trình đóng theo giấy phép 6 tàu ngầm thông thường Scorpene đang bị chậm tiến độ rất dài và chi phí tăng mạnh so với dự toán, Pháp khó lòng trông đợi vào thành công trong cuộc thầu này.

Trong tương lai, nếu tình hình xung quanh Iran được giải quyết, Nga có cơ hội tốt để tiếp tục bán tàu ngầm thông thường cho Tehran.

Venezuela sau những cuộc thương lượng dài chắc chắn sẽ quyết định mua tàu ngầm thông thường của Nga (đến 6 chiếc).

Ai Cập đang đàm phán với Nga về khả năng mua đến 4 tàu ngầm thông thường Projekt 636 Kilo trị giá gần 1,2 tỷ USD. Libya đang xem xét khả năng mua 1-2 tàu ngầm thông thường của Nga. Nga cũng đang đàm phán bán cho Syria 2 tàu ngầm thông thường Amur-1650.

Không loại trừ Trung Quốc sẽ ký hợp đồng mua thêm 6 tàu ngầm thông thường của Nga.

Nga và Hàn Quốc đang được xem là những đối thủ chính có khả năng giành chiến thắng trong cuộc thầu cung cấp 2 tàu ngầm thông thường cho Hải quân Indonesia.

Danh sách nêu trên còn chưa đầy đủ, tuy nhiên, trênm cơ sở các số liệu đó, có thể khẳng định, Nga trong tương lai gần sẽ chiếm vị trí dẫn đầu trên thị trường tàu ngầm thông thường thế giới.
  • Nguồn: Armstrade, 9.9.2010.

Print Print E-mail Print