VietnamDefence -
Sau khi Peru trả lại 5 xe tăng MBT-2000 và dừng kế hoạch mua xe tăng này, Trung Quốc cay cú đang tìm cách đổ lỗi cho Nga ghen ăn tức ở, "không ăn được thì đạp đổ". Lý lẽ của hai bên thế nào?
|
Lãnh đạo 'bắt tay', thương vụ vẫn bất thành!
|
Như P2 đã đưa tin vào tháng 4.2010, chính phủ Peru đã đưa ra quyết định bất ngờ dừng việc mua xe tăng MBT-2000 do công ty NORINCO (Trung Quốc) sản xuất được thông báo vào năm 2009. Tạp chí Trung Quốc “Xe tăng và xe thiết giáp” (do NORINCO và Viện nghiên cứu tăng-thiết giáp Hoa Bắc thành lập) trong số mới tháng 9.2010 đã có bài sâu về scandal xe tăng Trung Quốc-Peru này - Peru từ chối mua MBT-2000, loại tăng trước đó đã giành thắng lợi tại cuộc thầu xe tăng của Trung Quốc.
Điều gì đã xảy ra ở Peru
Ngày 11.7.2010, Tổng tham mưu trưởng quân đội Peru trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình địa phương Chanel N đã tuyên bố rằng, 5 xe tăng Trung Quốc MBT-2000 tham gia cuộc duyệt binh ngày 8.12.2009 đã được trả lại cho nhà sản xuất Trung Quốc.
Ông nhấn mạnh rằng, các xe tăng này chỉ là các mẫu trình diễn, được chuyển cho quân đội Peru để thử nghiệm khả năng cơ động và sức mạnh hỏa lực. Không nên qua việc trình diễn xe tăng tại cuộc duyệt binh để đưa ra kết luận sai lầm rằng, quân đội Peru đã quyết định mua các xe tăng này. Ông cũng từ chối xác nhận là các xe tăng Trung Quốc đã mất quyền tiếp tục tham gia vào cuộc thầu mua xe tăng của Peru.
Theo chương trình hiện đại hóa lục quân, Peru đã quyết định mua 80-140 xe tăng với tổng trị giá có thể lên tới nhiều trăm triệu đô la.
Theo báo chí Peru, việc trả lại xe tăng Trung Quốc có liên quan đến sự can thiệp của Ukraine, nhà cung cấp động cơ diesel cho các xe tăng Trung Quốc xuất khẩu.
Tháng 3.2010, công ty xuất khẩu vũ khí Ukrspetsexport thuộc Bộ Quốc phòng Ukraine đã thông báo cho Bộ Quốc phòng Peru rằng, việc Trung Quốc bán MBT-2000 là vi phạm các thỏa thuận đã đạt được giữa Trung Quốc và các công ty Ukraine. Vì thế, Ukraine sẽ không cung cấp khoang động cơ-truyền động cho các xe tăng do Trung Quốc bán cho Peru.
Nhận được cảnh báo của Ukraine, Ủy ban quốc phòng Peru đã hủy bỏ kế hoạch mua xe tăng Trung Quốc MBT-2000. Trong bối cảnh không thể chắc chắn phía Trung Quốc nhận được giấy phép xuất khẩu động cơ Ukraine của nhà sản xuất cuối cùng, Peru đã quyết định trả lại 5 xe tăng đã nhận.
Ngoài việc dẫn lại chi tiết (chủ yếu dựa vào báo chí Nga) những sự kiện đã biết liên quan đến việc Ukraine từ chối chung cấp động cơ 6TD-2E, tạp chí đưa ra giả thiết của mình về nguyên nhân thất bại của thương vụ với Peru.
Đồng thời, tạp chí cũng bắt đầu từ những bình luận của các chuyên gia Nga đăng tải trên báo chí Nga. Vô số những trích dẫn theo lời các chuyên gia và báo chí Nga mà nguồn chính xác luôn không thể xác định cho phép tác giả bài báo trong một số trường hợp không phát biểu với tư cách cá nhân mình.
Giả thiết của Trung Quốc: Trăm sự tại quỷ kế của Nga
Các tác giả bài báo giải thích sự thất bại của thương vụ xe tăng Trung Quốc-Peru là do sự can thiệp của Nga, nước đang sử dụng sự ảnh hưởng đang tăng lên đối với Ukraine để đẩy Trung Quốc khỏi các thị trường vũ khí triển vọng.
Cụ thể, bài báo dẫn lời chuyên gia quân sự Nga Vladimir Yevseyev cho rằng, vụ đổ vỡ hợp đồng xe tăng Trung Quốc-Peru ở mức độ nhất định có liên quan đến quan hệ Nga-Ukraine được cải thiện. Dường như, Nga đã làm tổn hại Trung Quốc (và giúp đỡ Ukraine) khi giành thị phần của Trung Quốc trên thị trường vũ khí thế giới và đồng thời khôi phục hợp tác quân sự Nga-Ukraine, ông Yevseyv nhận định.
Báo chí Nga viết rằng, Bộ trưởng Quốc phòng mới của Ukraine Mikhail Ezhel rất chú ý đến vấn đề buôn bán vũ khí và “đã bố trí những người tin cậy vào vị trí béo bở như công ty Ukrspetsexport”. Ezhel cũng sử dụng vụ scandal xe tăng này làm cớ để đẩy những người thân cận với cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Aleksandr Kuzmuk khỏi Ukrspetsexport.
Báo chí cũng khẳng định, bản thân sự hợp tác giữa Ukraine và Trung Quốc trong việc cung cấp động cơ 6TD-2E cho xe tăng Trung Quốc đã được thỏa thuận khi Kuzmuk còn đương chức.
Bài báo nêu rõ rằng, trong thỏa thuận Trung Quốc-Ukraine hợp tác trong dự án MBT-2000 (được sản xuất tại Pakistan theo giấy phép với tên gọi Al Khalid) không hàm chứa dưới hình thức rõ ràng việc cấm xuất khẩu động cơ Ukraine sang các nước khác trừ Pakistan.
Tuy vậy, khi MBT-2000 của Trung Quốc chứ không phải Oplot-M của Ukraine giành thắng lợi trong cuộc thầu xe tăng của Peru, điều này đã làm bùng nổ giận dữ của Ukraine. Ezhel đã tiến hành cải tổ Ukrspetsexport và áu đó Ukraine bắt đầu gây áp lực với Peru để bản Oplot-M.
Trong khi đó, Nga cũng khoanh tay đứng ngó. Dường như Tổng giám đốc công ty Rosoboronoexport Anatoly Isaikin đã nhiều lần liên lạc với phía Ukraine qua đường dây nóng và nói rằng, Nga không dự định tham gia cuộc thầu của Peru và cạnh tranh với Ukraine ở đây.
Hơn nữa, theo khẳng định của tạp chí Trung Quốc, Isaikin đã thông báo với phía Ukraine rằng, Nga dự định hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu quốc phòng của Ukraine tại Mỹ Latinh (???) và sẽ mua các động cơ turbine khí của Ukraine cho các trực thăng Mi-17 bán cho Venezuela.
Nga và Trung Quốc trong cuộc đấu tranh giành giật Ukraine
Dẫn lời Tổng biên tập tạp chí “Xuất khẩu vũ khí” của Nga Dmitry Vasiliev nói rằng, Nga và Trung Quốc đã đang trở thành các đối thủ cạnh tranh trên thị trường vũ khí bởi vì Trung Quốc đã “luộc lại” được nhiều công nghệ nhận từ Nga. Mà nguồn cung cấp những công nghệ này hầu như toàn là Ukraine, nước đã chuyển cho Trung Quốc khá nhiều tài liệu kỹ thuật thời Liên Xô.
Trên thực tế, tạp chí Trung Quốc nhận định, Nga muốn hợp nhất nỗ lực với Ukraine để không cho Trung Quốc giành được thị phần lớn hơn trên thị trường vũ khí thế giới. Ở đây có nhấn mạnh rằng, không lâu sau khi đóng băng việc bán động cơ xe tăng Ukraine cho Trung Quốc, Rosoboronoexport đã đe dọa không cung cấp lô tiếp theo động cơ RD-93 cho Trung Quốc vì máy bay FC-1 lắp RD-93 đang đe dọa triển vọng xuất khẩu MiG-29 của Nga.
Theo tạp chí này, đang diễn ra “sự lạnh nhạt trong hợp tác quân sự Trung Quốc-Ukraine”. “Sau khi gặp phải những thay đổi trong sự hợp tác kỹ thuật quân sự Trung Quốc-Ukraine, nhiều chuyên gia của chúng ta vẫn hy vọng rằng, “mây sẽ tan và trời lại sáng”, bài báo viết.
Các chuyên gia chỉ ra rằng, trong nhiều năm, Trung Quốc không chỉ là đối tác thương mại-kinh tế quan trọng của Ukraine, mà còn là khách hàng chính mua hàng quân sự của Ukraine. Nhiều chương trình sản xuất các loại vũ khí mới của Ukraine đã chỉ có thể thực hiện được nhờ các khoản đầu tư của Trung Quốc.
Một cán bộ có trọng trách tại Viện nghiên cứu Kvant nói rằng, nếu không có đầu tư của Trung Quốc, viện này đã không thể đưa vào sản xuất hệ thống laser chống tên lửa Kashtan-M. Hơn nữa, thị trường xuất khẩu chính của hệ thống này là Trung Quốc, trong thời gian tiến hành Thế vận hội Olympics ở Bắc Kinh, hệ thống này được bố trí gần các tất cả công trình lớn để bảo vệ chống các cuộc tấn công khủng bố.
Theo bài báo, trong ngành công nghiệp xe tăng Ukraine, không phải tất cả đều hài lòng với quyết định của Ukrspetsexport liên quan đến việc bán MBT-2000 cho Peru. Điều đó thể hiện rõ nhất với Viện thiết kế Luch của Ukraine.
Từ năm 1996, Viện thiết kế Luch đã có quan hệ mật thiết với nhiều công ty công nghiệp quốc phòng Trung Quốc, trong đó có NORINCO, để cùng xúc tiến sản phẩm của mình ra thị trường bên ngoài. Thành công lớn nhất là việc hợp tác hiện đại hóa các xe tăng Type 59 của Trung Quốc được cung cấp trước đây cho các nước thế giới thứ ba.
Trong dự án này, công ty Ukraine đã cung cấp cho xe tăng cải tiến này tên lửa chống tăng có điều khiển phóng từ pháo tăng 3UBK10-1 Bastion cỡ 100 hoặc 105 mm (tùy thuộc vào việc có thay pháo tăng hay không).
Dẫn nguồn báo “Người đưa tin công nghiệp quốc phòng” (VPK, Nga), tạp chí Trung Quốc khẳng định rằng, sự hợp tác này mang lại cho Viện Luch những khoản lợi nhuận lớn và nâng cao uy tín của viện khi cho phép phá vỡ thế độc quyền của Viện thiết kế KBP Tula của Nga trong lĩnh vực tên lửa có điều khiển phóng bằng pháo tăng.
Theo lời công trình sư trưởng Viện Luch Oleg Korostylev, các xe tăng MBT-2000 dành cho Peru chắc chắn được trang bị tên lửa có điều khiển 125 mm Kombat phóng từ pháo tăng do Viện Luch sản xuất, và trong quá trình đấu tranh giành đơn đặt hàng này, các đối tác Trung Quốc đã hỗ trợ Viện Luch rất nhiều. Theo đơn đặt hàng của Trung Quốc, Kombat đã được hiện đại hóa lên tiêu chuẩn NATO để thỏa mãn các yêu cầu của phía Peru.
Trên thực tế, tác giả bài báo khẳng định, công nghiệp quốc phòng Ukraine đang phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc, đồng thời việc hợp tác với Trung Quốc đã cho phép công nghiệp quốc phòng Ukraine tránh được sự phụ thuộc quá lớn vào các đơn hàng của Nga.
Theo số liệu của Viện SIPRI, đến cuối tháng 10.2008, Ukraine đã cung cấp cho 19 nước 1.118 đơn vị vũ khí và phương tiện kỹ thuật quân sự, gấp hơn 2 lần năm 2007, khối lượng xuất khẩu vượt 1,7 tỷ USD. 1/3 hàng quân sự và dịch vụ xuất khẩu của Ukraine là sang Trung Quốc, trong khi đó, Nga đang cố tình cắt giảm khối lượng xuất khẩu của mình.
Những năm gần đây, Nga đã không cho các doanh nghiệp Ukraine tham gia các hợp đồng xuất khẩu của mình như xuất khẩu Su-30 và Mi-17/26, cũng như nhiều loại vũ khí trang bị khác. Trong hoàn cảnh đó, các doanh nghiệp Ukraine đã vấp phải những khó khăn và các đơn hàng của Trung Quốc chính là phao cứu sinh cho họ.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Yurri Yekhanurov từng tuyên bố rằng, Trung Quốc là người bạn tin cậy và Ukraine muốn đóng vai trò tích cực trong việc hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc. Ông cũng bày tỏ hy vọng làm sâu sắc thêm hoạt động hợp tác quân sự giữa hai nước (Hết lược trích bài báo).
"Thắng lợi" kỳ quặc của Trung Quốc
P2 thấy cần nói rõ thêm là việc gắn thất bại của NORINCO trong cuộc thầu xe tăng ở Peru hoàn toàn với sự chống đối của Nga (và ban lãnh đạo mới của Ukraine) là không thật công bằng.
Phải nhớ rằng, vào tháng 12.2009, ngay sau cuộc duyệt binh, nơi mà tất cả đều có thể nhìn thấy 5 xe tăng Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Peru Rafael Rey đã tuyên bố thẳng thắn và dứt khoát với báo chí Peru như sau:
- Xe tăng Trung Quốc đã phải khó khăn mới đáp ứng những yêu cầu của cuộc thầu và chỉ ở lần thứ ba (tháng 4, tháng 7, tháng 11.2009, hơn nữa ở lần thứ hai, Trung Quốc đã mời chào Peru “không phải biến thể xuất khẩu mà là biến thể [cho quân đội] Trung Quốc”). P2 đã đề cập đến việc Bộ Quốc phòng và ban lãnh đạo quân đội Peru sát cánh với nhau như thế nào khi lựa chọn sản phẩm cho quân đội, vì vậy chẳng cần Ukraine và Nga ngáng chân, mọi thứ cũng vẫn không thể ổn được;
- Trong số các xe tăng thắng thầu chỉ có MBT-2000 và Т-90S của Nga. Xe tăng Trung Quốc được chọn do có giá rẻ;
- Ngoài ra, quyết định mua xe tăng Trung Quốc đã là quyết định có tính chính trị;
- Khi nghị viện triệu Bộ trưởng Quốc phòng và Tư lệnh quân đội đến để giải trình lý do chọn xe tăng Trung Quốc, ông Rey thông báo rằng, việc bảo dưỡng xe tăng Trung Quốc không được đảm bảo bởi vì tiền chi cho việc này vì lý do nào đó mà không được dự trù trong ngân sách (và chắc là có sự thống nhất với NORINCO).
Đáng lưu ý là vào tháng 12.2009, Bộ trưởng Quốc phòng Rey và Tổng thống Garcia đã mâu thuẫn nhau: Tổng thống tuyên bố rằng, khi gặp Hồ Cẩm Đào tại cuộc gặp thượng đỉnh tại Singapore ngày 13.11.2009, phía Trung Quốc đã điều chỉnh phương án chào thầu của mình cho có lợi hơn cho Peru, điều này đã tạo điều kiện đưa ra lựa chọn có lợi cho MBT-2000, còn hôm sau, Bộ trưởng Rey thì cam đoan rằng, Peru đã đạt được thỏa thuận với Trung Quốc từ trước khi nguyên thủ 2 nước gặp nhau và 2 nguyên thủ chỉ đơn thuần là thảo luận nó thôiо.
Dĩ nhiên, Rosoboronoexport không có lý do để khoanh tay đứng ngó việc xe tăng Trung Quốc xuất hiện tại cuộc diễu binh diễn ra mà không có sự thông báo cho những bên dự thầu kết quả cuộc thầu, vì điều này mà ông Rey đã phải thanh minh. Có cảm giác là không hẳn là Nga giở trò âm mưu chống Trung Quốc mà chủ yếu là Trung Quốc cố hậu thuẫn phương án chào thầu của mình bằng mọi giá.
NORINCO đã có kinh nghiệm như thế. Tháng 2.2005, cựu Bộ trưởng Công nghiệp dưới thời Tổng thống Fujimori là Victor Joy Way Rojas đã bị Tòa án Tối cao Peru kết án 8 năm tù vì tội nhận hối lộ của 5 công ty Trung Quốc, trong đó có NORINCO.
Pakistan phản bác
Trong khi đó các nguồn tin Pakistan cho biết, MBT-2000 đã được xuất sang Maroc và Myanmar và chỉ trích chất lượng của động cơ xe tăng do Trung Quốc sản xuất.
Một nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng Pakistan lại nói với tạp chí Kanwa rằng, năm 2009, Trung Quốc đã cung cấp xe tăng MBT-2000 cho Maroc và Myanmar. Đây là các nước thứ hai và thứ ba sử dụng MBT-2000 sau Pakistan (trong quân đội Pakistan, xe tăng này có tên Al-Khalid).
Tạp chí Kanwa tháng 8.2010 cho biết, động cơ Trung Quốc chưa sẵn sàng để thay thế động cơ của Ukraine, còn Peru không có đủ tiền để mua xe tăng Trung Quốc.
Các nguồn tin từ chối nói rõ số lượng xe tăng MBT-2000 đã được chuyển giao cho Maroc và Mynamar, song cho biết, đây là biến thể đơn giản hơn không có thiết bị ảnh nhiệt (do phương Tây hoặc Trung Quốc sản xuất) để tiết kiệm tiền. Tăng Al-Khalid của quân đội Pakistan được trang bị thiết bị ảnh nhiệt của hãng Thales (Pháp). Đây cũng là lần đầu tiên Maroc mua xe tăng Trung Quốc.
Các nguồn tin Pakistan cũng khẳng định, hợp đồng xuất khẩu MBT 2000/Al-Khalid cho Peru dẫu sao vẫn đã được ký kết, còn “những thông tin nói rằng, Ukraine từ chối cung cấp động cơ 6TD-2 cho lô xe tăng này mà một số báo chí đưa tin là không đúng sự thật. Theo các điều kiện hợp đồng của chúng tôi, Pakistan có quyền nhập khẩu một số lượng lớn động cơ. Đây là điều kiện của hợp đồng ban đầu và Ukraine phải tuân thủ nó. Việc xuất khẩu tăng Al-Khalid sang Peru chẳng có liên quan trực tiếp gì đến Ukraine. Hiện nay, khó khăn chủ yếu là vấn đề thanh toán của phía Peru, và việc đàm phán về vấn đề này đang được tiến hành”.
Ukraine chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố công khai nào về vấn đề này.
Nguồn tin thừa nhận rằng, trình độ công nghệ và chất lượng các động cơ xe tăng do Trung Quốc sản xuất còn chưa hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu của thị trường quốc tế, bởi vậy tăng Al-Khalid vẫn trang bị động cơ Ukraine.
Nguồn tin này cũng tiết lộ về biến thể tăng mới cải tiến sâu là Al-Khalid II mà việc nghiên cứu ở Pakistan đã gần hoàn tất. Trong số các thay đổi ở tăng này là việc lắp động cơ 6TD-3 hoặc động cơ diesel của Đức có công suất 1500 mã lực, sử dụng các loại đạn cải tiến, hệ thống trao đổi dữ liệu lắp liền, hệ thống truyền lực hoàn toàn tự động.
Hệ thống truyền lực bán tự động hiện lắp trên tăng Al-Khalid và các hệ thống laser chế áp quang-điện tử được sản xuất bằng các công nghệ do Ukraine chuyển giao. “Tuy vậy, chúng tôi không dự định lắp tên lửa chống tăng có điều khiển phóng từ nòng pháo cho xe tăng vì chúng tôi phát hiện thấy trong các cuộc tập trận là việc sử dụng tên lửa chống tăng có điều khiển có thể ảnh hưởng đến tốc độ bay của các loại đạn khác”.