Vietnamdefence.com

 

Hạm đội tàu ngầm Trung Quốc thúc đẩy chạy đua tàu ngầm ở Đông Nam Á

VietnamDefence - Việc Trung Quốc tăng cường hạm đội tàu ngầm sẽ hâm nóng thị trường tàu ngầm thông thường ở khu vực Đông Nam Á.

Tàu ngầm Trung Quốc diễu võ giương oai

Ngày 9.9.2010, tại xưởng đóng tàu của công ty China Shipbuilding Industry Corp. (CSIC) ở Vũ Hán đã diễn ra lễ hạ thủy tàu ngầm thông thường loại mới, Jane’s Navy International dẫn các nguồn tin Trung Quốc.

Đây đã là thiết kế tàu ngầm thứ ba được Trung Quốc phát triển từ năm 1994. Theo các chuyên gia phương Tây, sự tăng cường nhanh chóng hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc sẽ dẫn tới vòng chạy đua vũ trang mới ở phân khúc tàu ngầm thông thường tại khu vực Đông Nam Á.

Những hình ảnh đầu tiên lờ mờ chụp 1 tàu ngầm thiết kế mới đã lần đầu tiên xuất hiện trên website CALF phổ biến ở Trung Quốc ngày 10.9.2010. Lúc đó, các chuyên gia cho rằng, đó lại là một trò tưởng tượng trên Internet mới, tuy nhiên 2 ngày sau, những bức ảnh rõ nét hơn đã được đăng tải, khẳng định sự tồn tại của thiết kế tàu ngầm này.

Tàu ngầm thông thường mới không lớn hơn kích thước của lớp tàu ngầm lớp Nguyên 041 3.000-4.000 tấn, có nét giống với các thiết kế của Nga, trong đó có thân lớn hơn với phần đuôi giống tàu ngầm Projekt 667 Lada, đài chỉ huy thuôn dài và các cánh lái thò/thụt lắp trên thân tàu.

Tính năng của tàu ngầm không được tiết lộ. Có phỏng đoán cho rằng, trong đài chỉ huy thuôn dài có thể bố trí các tên lửa hành trình, các hệ thống phòng không hoặc buồng cáp-xun thoát hiểm cho thủy thủ đoàn.

Đi kèm các bức ảnh loại tàu ngầm diesel-điện mới của Trung Quốc là những phỏng đoán cho đây là loại cải tiến cảu tàu ngầm Type 39В, hoặc là thiết kế hoàn toàn mới. Các đặc điểm của tàu ngầm này có thể là trạm thủy âm mới, các hệ thống quan sát tình hình trên không mới (kính tiềm vọng, radar) và hệ thống vũ khí mới sử dụng các bệ phóng thẳng đứng trang bị tên lửa chống hạm tầm xa.

Năm 2008, tại triển lãm hàng không Chu Hải, tập đoàn CASIC của Trung Quốc đã giới thiệu biến thể mới nhỏ hơn của tên lửa hành trình C-705, mà căn cứ theo kích thước có thể bố trí trong đài chỉ huy của tàu ngầm mới. Ngoài ra, tàu ngầm mới chắc chắn có thiết kế thân 2 vỏ mới bảo đảm khả năng sống còn cao hơn.

Theo các thông tin hiện có, trên một số tàu ngầm thông thường lớp Nguyên đang sử dụng hệ thống động cơ không cần không khí (AIP - air-independent propulsion).

Ngoài ra, được biết, Trung Quốc đang thiết kế các loại pin nhiên liệu và hệ thống tuần hoàn kín khí xả giống như các loại đang sử dụng trong hệ thống động cơ không cần không khí MESMA (Module d'Energie Sous-Marine Autonome) của Pháp.

Như vậy, hoàn toàn có khả năng là loại tàu ngầm thông thường mới này của Trung Quốc cũng được trang bị động cơ AIP.

Trong giai đoạn 1994-2006, Hải quân Trung Quốc đã mua của Nga 8 tàu ngầm Projekt 636 và 4 tàu Projekt 877EKM.

Ngoài việc mua tàu ngầm thông thường của Nga, Trung Quốc cũng đã nhận vào trang bị 13 tàu ngầm thông thường tự thiết kế lớp Song [Tống] 039 trong những năm 1994-2004. Theo đánh giá của Bộ Quốc phòng Mỹ, Hải quân Trung Quốc sẽ đóng thêm đến 15 tàu ngầm lớp Nguyên. Việc đóng 5 tàu đã bắt đầu vào giữa năm 2010. Sự gia tăng nhanh chóng như vậy của hạm đội tàu ngầm Trung Quốc đã gây ra phản ứng đáp lại ở các nước Đông Nam Á.

Tháng 7.2010, có tin Nhật Bản sẽ xem xét lại các kế hoạch phát triển hải quân nhằm tăng số lượng tàu ngầm từ 16 lên 20 chiếc. Các chuyên gia cho rằng, việc kéo dài hạn sử dụng cho các tàu ngầm thông thường sẽ cho phép khi cần tăng số lượng tàu ngầm lên tới 25 chiếc.

Ngoài 9 tàu ngầm thông thường Type 209/1200 đóng theo giấy phép của Đức, Hàn Quốc dự định đến năm 2020 đóng 9 tàu ngầm thông thường Type 214 trong khuôn khổ dự án KSS-2, sau đó dự định nhận vào trang bị đến 6 tàu ngầm thông thường trong khuôn khổ dự án KSS-3.

Cuối năm 2009, Việt Nam đã ký hợp đồng mua của Nga 6 tàu ngầm thông thường Projekt 636, dự định chuyển giao từ 2013-2019.

Trong khuôn khổ chương trình Sea 1000 đang thực hiện, Hải quân Australia sẽ nhận được 12 tàu ngầm thông thường loại mới để thay thế 6 tàu ngầm lớp Collins.

Năm 2005, Singapore đã mua của Thụy Điển 2 tàu ngầm thông thường lớp Archer.

Trong năm nay, hải quân Malaysia đã nhận được tàu ngầm thứ hai lớp Scorpene.

Indonesia dự kiến đến cuối thập kỷ này mua một số tàu ngầm.

Hải quân Thái Lan dự định mua 2 tàu ngầm cũ ở thị trường cấp hai.

Việc thực hiện ý định mua của Mỹ 8 tàu ngầm thông thường đang là một dấu hỏi. Vấn đề là ở chỗ, Mỹ từ lâu không còn đóng tàu ngầm sử dụng động cơ thông thường, còn các nước châu Âu thì không chịu bán cho Đài Loan tàu ngầm thông thường của họ vì lo ngại rắc rối trong quan hệ với Trung Quốc.

  • Nguồn: Armstrade, 23.9.2010, china-defense.blogspot.com. 

Print Print E-mail Print