VietnamDefence -
Theo GS Carl Thayer, cách tốt nhất để ngăn chặn những va chạm và căng thẳng trở thành vũ lực là đưa tất cả hải quân liên quan đàm phán một hiệp định về các sự cố trên biển.
Hiệp định có thể đi liền với các cơ chế có thể được áp dụng nếu xảy ra vũ lực: đường dây nóng, ủy ban kiểm soát khủng hoảng...
Biển Đông trong tổng thể chiến lược của Trung Quốc
Đặt trong chiến lược tổng thể của Trung Quốc, những hành động mang tính quyết đoán của Trung Quốc ở vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam và Philippines nên nhìn nhận như thế nào, thưa ông?
GS Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia: Trung Quốc muốn giành vị thế là một cường quốc ở châu Á-Thái Bình Dương. Trung Quốc đặt ưu tiên trong việc thống nhất Đài Loan và đạt được sự thừa nhận về "chủ quyền không thể tranh cãi" của Trung Quốc với Biển Đông.
Sức mạnh quốc gia tổng hợp của Trung Quốc dựa trên sức mạnh kinh tế. Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào các nguồn năng lượng nhập khẩu, dầu và khí.
Các quan chức Trung Quốc thường xuyên đưa ra các dự đoán về trữ lượng dầu khí ở Biển Đông lớn hơn nhiều so với tính toán của các công ty dầu khí và chính phủ phương Tây. Do đó, Trung Quốc muốn kiểm soát nguồn tài nguyên này, bởi vì nó phong phú và gần nhà hơn rất nhiều so với dầu từ Trung Đông.
Hải quân Trung Quốc cũng có thể bảo vệ đường biển mà dầu từ Biển Đông sẽ được vận chuyển.
Nói cách khác, Biển Đông chỉ là một phần trong nỗ lực lớn hơn của Trung Quốc nhằm đảm bảo nguồn cung cho an ninh năng lượng trên thế giới nhằm phục vụ nhu cầu tăng trưởng kinh tế cao.
Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông dựa trên bản đồ 9 đoạn hình chữ U. Đường chữ U này cắt vào vùng đặc quyền kinh tế mà Philippines và Việt Nam tuyên bố. Trung Quốc không thừa nhận chủ quyền của các quốc gia khác, nơi mà có sự chồng lấn với tuyên bố của Trung Quốc.
Trung Quốc cũng xem việc khai thác và sản xuất dầu và khí của Philippines và Việt Nam là hành động đánh cắp tài nguyên thiên nhiên của Trung Quốc và vi phạm chủ quyền của nước này.
Nhiều người đánh giá các hành động vừa qua của Trung Quốc là phép thử của nước này đối với ASEAN, Mỹ và các thể chế quốc tế. Quan điểm của ông?
Trung Quốc muốn chia rẽ các quốc gia thành viên ASEAN bằng việc xem Biển Đông là vấn đề song phương.
Trung Quốc muốn kéo dài các cuộc thảo luận về việc hướng dẫn thi hành DOC cũng như COC để tăng cường sức mạnh của mình.
Trung Quốc muốn xây dựng khu vực an ninh Đông Á không có Mỹ. Phương tiện chính để đạt được điều đó là thông qua tiến trình ASEAN+3. ASEAN đã đáp trả bằng việc mở rộng thành viên của Cấp cao Đông Á gồm cả Mỹ và Nga.
Bài toán với ASEAN là duy trì vai trò trung tâm của nó trong cấu trúc an ninh khu vực.
Trung Quốc đang thử Mỹ, đặc biệt là Hiệp định An ninh Song phương với Philippines. Hiệp định được kí năm 1954, hai năm trước khi Philippines tuyên bố chủ quyền với cụm đảo mà họ gọi là Kalayaan. Mỹ nói rằng Hiệp định an ninh song phương không bao phủ vùng đất sau năm 1954. Nhưng Mỹ nói nếu các tàu quân sự của Philippines bị tấn công, Mỹ sẽ tới để hỗ trợ Philippines.
Vào tháng 3, hai tàu chở dầu của Trung Quốc yêu cầu một tàu thăm dò địa chấn của Philippines rời khỏi vùng biển xung quanh Reed Bank. Tàu của Trung Quốc không phải là tàu chiến và không một viên đạn nào được bắn ra, do đó Philippines không thể kêu gọi hỗ trợ của Mỹ.
Lập ủy ban kiểm soát khủng hoảng?
Liệu cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc ảnh hưởng như thế nào tới vấn đề Biển Đông?
Cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ chủ yếu tập trung vào vai trò của mỗi bên ở Châu Á - Thái Bình Dương. Trung Quốc xem Mỹ là một cường quốc bên ngoài. Trung Quốc đặc biệt quan ngại về vị trí vượt trội của hải quân Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, đặc biệt là việc Mỹ ủng hộ Đài Loan.
Hai bên cũng khác biệt trong quan điểm về việc luật quốc tế áp dụng như thế nào đối với vùng đặc quyền kinh tế EEZ. Mỹ cho rằng Công ước Luật biển cho phép tàu quân sự được đi qua và tiến hành các thăm dò. Trung Quốc thì khăng khăng rằng luật của nước này hạn chế các hoạt động như vậy là tuân thủ luật quốc tế. Mỹ vẫn tiếp tục tiến hành các nhiệm vụ hải giám tại EEZ của Trung Quốc và Trung Quốc đáp trả bằng rất nhiều hình thức đe dọa khác nhau.
Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Một nước có biên giới biển có thể tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý. Quốc gia ven biển có chủ quyền đối với tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế. Mỹ bác bỏ bất kì tuyên bố biên giới biển nào không dựa trên đất liền. Và do đó, Mỹ phủ nhận cơ sở tuyên bố "chủ quyền không thể chối cãi" của Trung Quốc.
Mỹ quan tâm đến an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông. Trung Quốc không trực tiếp đe dọa đến những lợi ích này.
|
|
Mỹ có lợi ích trong việc ngăn chặn bất kì quốc gia nào, mà Trung Quốc là ví dụ, thực hiện bá quyền ở Biển Đông
|
|
Mỹ có lợi ích trong việc ngăn chặn bất kì quốc gia nào, mà Trung Quốc là ví dụ, thực hiện bá quyền ở Biển Đông. Do đó, sự đối đầu Mỹ - Trung ảnh hưởng tới mỗi quốc gia ở Đông Nam Á và quan hệ của họ với các nước lớn.
Trung Quốc muốn làm xói mòn quan hệ đồng minh của Mỹ với Philippines và Thái Lan. Trung Quốc cũng muốn làm xói mòn ảnh hưởng chính trị của Mỹ.
Mỹ muốn ngăn chặn sự xói mòn ảnh hưởng chính trị của mình.
Liệu những căng thẳng có leo thang thành xung đột vũ trang trên Biển Đông? Ngăn chặn cách nào?
Khả năng về các sự cố vũ trang giữa các tàu hải quân hai nước luôn có thể xảy ra. Nhưng không có vẻ gì nó sẽ leo thang trở thành xung đột vũ trang. Các sự cố trên biển dễ ngăn chặn hơn là trên biên giới đất liền bởi vì nó cô lập hơn và liên quan ít lực lượng hơn.
Cách tốt nhất để ngăn chặn những va chạm và căng thẳng trở thành vũ lực là đưa tất cả hải quân liên quan đàm phán một hiệp định về các sự cố trên biển. Nó có thể trở thành một bộ quy tắc quy định cách thức hành xử của các tàu chiến khi đối đầu.
Một hiệp định như vậy có thể đi liền với các cơ chế có thể được áp dụng nếu xảy ra vũ lực: đường dây nóng, ủy ban kiểm soát khủng hoảng...
ASEAN đoàn kết để kìm Trung Quốc
Vai trò của ASEAN, mỗi thành viên ASEAN, của Mỹ và Trung Quốc trong xung đột ở Biển Đông?
Mỹ bác bỏ bất kì tuyên bố biên giới biển nào không dựa trên đất liền. Và do đó, Mỹ phủ nhận cơ sở tuyên bố "chủ quyền không thể chối cãi" của Trung Quốc.
|
ASEAN từng đưa ra 2 tuyên bố quan ngại đáp trả hành động va chạm do Trung Quốc gây ra. Lần đầu tiên là năm 1992 và lần thứ 2 là năm 1995 sau sự kiện Mischief Reef. Năm 2002, ASEAN cũng đàm phán DOC với Trung Quốc. ASEAN cũng thông qua Hiệp định Thân thiện và hợp tác mà Trung Quốc, Mỹ và các nước lớn khác đều kí. Hiệp định này yêu cầu các bên kí kết không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ.
Vai trò của ASEAN là duy trì quyền tự quản của mình ở ĐNA và vùng biển của mình khỏi sự can thiệp của nước lớn. ASEAN cần thể hiện một mặt trận đoàn kết trước nước lớn như Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
ASEAN cũng đóng vai trò đặc biệt theo Hiến chương LHQ với tư cách một hiệp hội khu vực. Theo Hiến chương, ASEAN có trách nhiệm hành động một khi xung đột nổ ra. ASEAN do đó nên thảo luận trực tiếp về Biển Đông với Trung Quốc và nếu vi phạm vẫn tiếp tục, cần báo cáo lên HĐBA LHQ.
Mỗi thành viên ASEAN có quan hệ song phương khác nhau với Trung Quốc. Nhưng trong vấn đề Biển Đông, chỉ có 4 quốc gia thành viên không nêu vấn đề này tại ARF 17 diễn ra tháng 7/2010: Myanmar, Thái Lan, Lào, và Campuchia. Mỗi nước trong nhóm này có liên kết kinh tế mạnh với Trung Quốc. Trường hợp Brunei thì chưa rõ ràng. Nhưng những quốc gia có lợi ích trực tiếp ở Biển Đông: Indonesia, Philippines, Singapore và Việt Nam đều nêu vấn đề. Các nước muốn Mỹ duy trì can dự để cân bằng với Trung Quốc. Và muốn ASEAN duy trì một mặt trận thống nhất để đối phó với Trung Quốc.
Vai trò của Mỹ là đóng góp vào trật tự khu vực bằng việc duy trì nguyên trạng và cung cấp sự ủng hộ về mặt ngoại giao cho các quốc gia đang chịu sức ép từ Trung Quốc. Mỹ đã đề xuất sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để xây dựng cơ chế đa phương giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Chỗ đứng của Trung Quốc là thuyết phục các nước ĐNA về việc Trung Quốc thay thế Mỹ với tư cách là cường quốc vượt trội ở khu vực và các quốc gia khu vực nên xếp hàng với Bắc Kinh và/hoặc chấm dứt chính sách gây hại đến lợi ích của Trung Quốc.
Lựa chọn chính sách tốt nhất cho Việt Nam?
Việt Nam phải xử lý vấn đề này ở 3 cấp độ: Thứ nhất là, làm mình mạnh lên. Việt Nam cần đưa ra một chiến lược và nguồn lực để xây dựng năng lực quản lý và thực hiện quyền chủ quyền ở vùng đặc quyền kinh tế. Đồng thời, Việt Nam cần duy trì sự đoàn kết trong nước.
Hai là, Việt Nam phải dựa vào ngoại giao cấp cao với Trung Quốc, bao gồm các cuộc gặp thượng đỉnh để thảo luận và đưa ra biện pháp ngăn chặn các sự cố như việc cắt cáp dầu khí của tàu Bình Minh 02 vừa qua. Lãnh đạo hai nước nên chỉ đạo nhóm làm việc chung thông qua một hướng dẫn phù hợp.
Ba là, Việt Nam cần cùng với Indonesia, nước Chủ tịch ASEAN để duy trì thống nhất và cách tiếp cận chung đối với Trung Quốc. Đồng thời, Việt Nam cần vận động hành lang các thành viên khác của ASEAN.