Vietnamdefence.com

 

Triển vọng thị trường tiêm kích thế hệ 5

VietnamDefence - Từ năm 2025 trở đi, PAK FA và F-35 sẽ là các sản phẩm không thể thay thế trên thị trường tiêm kích đa năng thế giới, đánh giá của Trung tâm Phân tích mua bán vũ khí thế giới TsAMTO (Nga).

Đến lúc đó, tuyệt đại đa số các nước trên thế giới, những nước chú ý thích đáng đến việc phát triển không quân chiến đấu, sẽ thỏa mãn hoàn toàn nhu cầu mua sắm các tiêm kích thế hệ 4, 4+ và 4++, và đặt ra trước họ sẽ là vấn đề mua sắm máy bay thế hệ 5 để thay thế cá máy bay lạc hậu thế hệ 4 những đời đầu, được chuyển giao trong thập niên 1990.

F-22 Raptor hiện đại, đắt tiền, song không được phép xuất khẩu

F-22 Raptor là máy bay tiêm kích thế hệ 5 đầu tiên được nhận vào trang bị sau gần 20 năm phát triển. Chiếc F-22A đầu tiên được Không quân Mỹ (USAF) đưa vào trang bị vào năm 2004. Ban đầu, USAF định mua 381 chiếc F-22. Tháng 12.2004, theo quyết định của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, số lượng này giảm xuống còn 180 chiếc. Năm 2005, USAF đã xin tăng được lên 183 chiếc. Bất chấp những nỗ lực của lãnh đạo USAF nhằm tiếp tục mua sắm F-22, Bộ Quốc phòng Mỹ tháng 4.2009 đã quyết định dừng chương trình mua sắm F-22. Cuối năm 2009, sau cuộc thảo luận kéo dài ở Quốc hội Mỹ, chương trình mua sắm tiếp F-22 đã bị hủy bỏ do giá cao. Theo các hợp đồng đã ký trước đó, việc sản xuất F-22 sẽ kéo dài đến đầu năm 2012, sau đó, dây chuyền lắp ráp F-22 tại các nhà máy của Lockheed Martin sẽ bị đóng cửa.

Tuy nhiên, vẫn có cơ hội nhỏ để được phép xuất khẩu F-22 và giữ lại dây chuyền lắp ráp máy bay. Lúc đó, các khách hàng mua F-22 trước hết có thể là Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc, Saudi Arabia. Tuy nhiên, phương án này xem ra cực kỳ khó xảy ra.

F-35 Lightning II sẽ là một trong hai loại tiêm kích thế hệ 5 thống trị thị trường thế giới sau năm 2025

F-35 Lightning II thay cho F-22 Raptor

Vì thế, sự cạnh tranh chủ yếu sau 2025 sẽ diễn ra giữa PAK FA của Nga và F-35 Lightning II của Mỹ.
Ưu thế của F-35 là xuất hiện trên thị trường sớm hơn máy bay Nga từ 5-7 năm. Mặt khác, ưu thế này lại mất giá trị khi mà nhiều nước hiện có lực lượng không quân tiêm kích đông đảo trong giai đoạn đến năm 2025 vẫn tiếp tục mua tiêm kích thế hệ 4+ và 4++, mà việc cung cấp F-35 trong giai đoạn đến năm 2025 vẫn chỉ bó hẹp cho những nước là thành viên tham gia chương trình F-35. Hơn nữa, không phải tất cả những quốc gia này sau đó sẽ mua F-35 hay sẽ mua F-35 ở số lượng được công bố ban đầu. Đó là vì chương trình bị đội giá lên, cũng như bị chậm nhiều so với tiến độ.

Tổng thầu chương trình F-35 là Lockheed Martin, ngoài ra còn hai nhà thầu phụ là Northrop Grumman và BAe Systems.  Các đối tác của Mỹ trong chương trình F-35 ở giai đoạn phát triển và trình diễn hệ thống là 8 nước Anh, Hà Lan, Italia, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada, Đan Mạch, Nauy và Australia. Singapore và Israel tham gia chương trình với tư cách thành viên không chia sẻ rủi ro.

Điểm yếu rõ ràng của chương trình F-35 là tất cả các nước muốn mua F-35 sẽ chỉ có thể mua máy bay thông qua cơ chế bán vũ khí cho nước ngoài theo chương trình FMS (Foreign Military Sales), vốn không có quy định về các hợp đồng đền bù hay huy động nền công nghiệp sở tại, điều này là cực kỳ bất lợi cho những nước đặt trọng tâm phát triển công nghiệp hàng không nội địa.

Người ta đưa ra tính toán ban đầu dựa trên việc các nước đối tác có thể mua 722 máy bay: Australia - đến 100 chiếc, Canada - 60, Đan Mạch - 48, Italia - 131, Hà Lan - 85, Nauy - 48, Thổ Nhĩ Kỳ - 100 và Anh - 150 (90 cho không quân và 60 cho hải quân). Nhu cầu của hai nước đối tác không chia sẻ rủi ro Singapore và Israel tương ứng là 100 và 75 chiếc. Tổng cộng là 897 chiếc, cộng với đơn đặt hàng của UsaF, Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ là 3.340 chiếc.

Cộng với số lượng F-35 có thể bán cho các khách hàng khác, đến năm 2045-2050, tổng số F-35 sản xuất ra dự đoán là 4.500 chiếc. Tuy nhiên, ngay bây giờ, do giá cả tăng lên, lượng F-35 mua sắm đã bị điều chỉnh mạnh theo hướng giảm đi, trước hết là từ phía Mỹ.

Trong số các khách hàng tiềm năng không phải là thành viên chương trình F-35, cần lưu ý đến Tây Ban Nha, nước này đã bày tỏ ý định mua F-35B. Đài Loan cũng tỏ ra muốn mua F-35B trong tương lai.
Máy bay tiêm kích F-35 được xem như ứng viên tiềm năng giành thắng lợi trong các cuộc thầu của Không quân Nhật (đến 100 chiếc) và Hàn Quốc (60 chiếc).

Hiện tại, đó là toàn bộ danh sách các khách hàng có khả năng “dễ thấy nhất” mua F-35, mặc dù Lockheed Martin cũng đang đàm phán với nhiều nước khác, kể cả ở châu Á và Cận Đông.

F-15SE Silent Eagle và Su-35 - giải pháp thay thế tạm thời

Xét tới những vấn đề khó khăn có thể nảy sinh ở nhiều khách hàng tiềm năng của F-35, hãng Boeing đã phát triển mẫu chế thử tiêm kích F-15SE  Silent Eagle có sử dụng các công nghệ của máy bay thế hệ 5, trong đó có lớp phủ làm giảm độ bộc lộ radar, bố trí thích ứng các hệ thống vũ khí, thiết bị avionics số, những như cánh đứng đuôi hình chữ V.

Boeing dự kiến thị trường tiềm năng của F-15SE là 190 chiếc. Máy bay đầu tiên có thể bàn giao cho khách hàng nước ngoài vào năm 2012.

F-15SE trước hết là dành cho thị trường xuất khẩu. Boeing dự định chào bán F-15SE cho không quân Nhật, Hàn Quốc, Singapore, Israel và Saudi Arabia, vốn là những nước hiện đang sử dụng F-15. Boeing cũng hy vọng rằng, không quân các nước đã dự định mua F-35 Lightning II, cũng sẽ quan tâm đến việc mua F-15SE do giá cả F-35 tăng quá cao nên không thể mua tiêm kích thế hệ 5 này.

Tuy nhiên, triển vọng của F-15SE bị hạn chế về mặt thời gian. Nó có thể cạnh tranh với các nhà sản xuất khác chỉ trong giai đoạn quá độ, tức là đến năm 2025, khi mà đa số các nước đã thỏa mãn hoàn toàn nhu cầu về tiêm kích thế hệ 4.

Ở giai đoạn quá độ này, công ty Sukhoi của Nga, theo chiến lược dài hạn đã hoạch định, chủ yếu trông cậy vào việc xúc tiến tiêm kích Su-35.

Su-35  là máy bay tiêm kích đa năng, siêu cơ động, hiện đại hóa sâu thế hệ 4++, có sử dụng các công nghệ của thế hệ 5, bảo đảm có ưu thế đối với các tiêm kích cùng loại.

Trong khi vẫn giữ diện mạo khí động đặc trưng cho họ máy bay Su-27/30,  tiêm kích Su-35 là một máy bay mới về chất. Cụ thể, nó có độ bộc lộ radar thấp, hệ thống avionics mới dựa trên hệ thống thông tin-điều khiển, radar trên khoang mới với anten mạng pha có thể bám và bắn đồng thời nhiều mục tiêu hơn và phát hiện mục tiêu ở cự ly xa hơn.

Su-35 lắp động cơ 117S có điều khiển vector lực đẩy. Động cơ này được chế tạo trên cơ sở hiện đại hóa sâu động cơ AL-31F và có lực đẩy 14,5 tấn, lớn hơn 2 tấn so với động cơ cơ sở. Động cơ 117S là mẫu chế thử của động cơ máy bay thế hệ 5.

Su-35 là sự trông cậy của Sukhoi trong tương lai gần trên thị trường tiêm kích thế giới. Máy bay này sẽ chiếm lĩnh vị trí giữa tiêm kích đa năng Su-30МК và PAK FA thế hệ 5.

Su-35 sẽ cho phép Sukhoi duy trì khả năng cạnh tranh cho đến khi tiêm kích thế hệ 5 PAK FA ra thị trường. Lượng Su-35 xuất khẩu chủ yếu sẽ thực hiện trong giai đoạn 2012-2022. 

Từ góc độ xúc tiến ra thị trường thì một yếu không kém phần quan trọng là khả năng cải tạo thích ứng Su-35 để sử dụng vũ khí phương Tây.

Su-35 dự kiến được xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á, châu Phi, Cận Đông và Nam Mỹ. Trong số các khách hàng tiềm năng của Su-35 có Venezuela, Brazil, Sirya, Ai Cập và có thể cả Trung Quốc. Ngoài ra, bất chấp lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hiệp Quốc đối với Libya, chiến dịch quân sự của NATO chống Tripoli, sự thay đổi lãnh đạo Libya sau đó đi kèm với việc thay đổi ưu tiên đối ngoại, hay thậm chí khả năng chia cắt nước này thành hai nhà nước thì Libya trong tương lai trung hạn vẫn nằm trong số các khách hàng tiềm năng mua máy bay Nga.

Không quân Nga dự định thành lập 2-3 trung đoàn Su-35. Chương trình Su-35 dự kiến có tổng sản lượng 200 chiếc, trong đó gần 140 chiếc là để xuất khẩu.

Đồng thời với việc dừng cung cấp Su-35 thì PAK FA bắt đầu xuất hiện trên thị trường (dự kiến từ năm 2020).

PAK FA T-50 sẽ quyết định vị thế cường quốc chế tạo máy bay chiến đấu của Nga

PAK FA T-50 đối thủ chủ yếu của F-35 Lightning II

Các tính năng kỹ thuật công bố của PAK FA tương đương với tiêm kích tối tân nhất hiện nay là F-22 có nhiệm vụ giành ưu thế trên không của Mỹ.

Biên dạng máy bay sẽ bảo đảm khả năng tàng hình của nó. Ngoài ra, việc sử dụng các lớp phủ đặc biệt và vật liệu hấp thụ chứ không phản xạ tín hiệu radar sẽ làm cho máy bay hầu như vô hình trước radar đối phương.

Các máy bay F-16C/E, F-15C/E và F/A-18A-F sẽ không thể đối kháng PAK FA. Còn F-35 thì ngay hiện thời đã gặp khó khăn trong đối kháng với Su-35 với bề mặt tán xạ hiệu dụng thấp của nó. Khi tính tàng hình tiếp tục tăng lên ở PAK FA thì F-35 sẽ còn gặp khó khăn nhiều hơn nữa.

Theo dự báo, trong khuôn khổ chương trình sản xuất tính toán cho toàn bộ chu trình sản xuất, tức là đến khoảng năm 2055, sẽ sản xuất không dưới 1.000 chiếc PAK FA. Lượng đặt hàng dự kiến của Không quân Nga sẽ là 200-250 máy bay.

Hiện tại, các quốc gia tham gia chương trình PAK FA là Nga và Ấn Độ. Đơn đặt hàng Ấn Độ ở giai đoạn đầu ước tính là 250 chiếc. Sau đó, chắc chắn đơn đặt hàng sẽ tăng lên ít nhất 1,5 lần. Chương trình mua sắm dự kiến sẽ kéo dài từ năm 2018-2045.

Số lượng PAK FA các nước khác dự kiến mua sắm như sau:

Quốc gia   Số lượng dự kiến mua, chiếc Thời gian chuyển giao dự kiến
Algeria  24-36 2025-2030
Syria   12-24 2025-2030
Libya  12-24  2025-2030
Kazakhstan  12-24 2025-2035
Trung Quốc Gần 100 2025-2035
Venezuela 24-36 2027-2032
Indonesia 6-12  2028-2032
Việt Nam 12-24 2030-2035
Brazil 24-36 2030-2035
Iran  36-48 2035-2040
Malaysia  12-24 2035-2040
Argentina  12-24 2040-2045
Ai Cập 12-24 2040-2045
Tổng cộng  300-435

Lôi kéo Pháp tham gia chương trình PAK FA

Phạm vi địa lý xuất khẩu PAK FA có thể rộng hơn nhiều so với dự kiến ở trên nhờ sự tham gia của các nước SNG. Cũng không loại trừ khả năng, nhiều nước Tây Âu, trước hết là Pháp trong tương lai cũng sẽ mua PAK FA được cải tạo thích ứng theo yêu cầu của các nước phương Tây.

Xét tới yếu tố Pháp là nhà thầu phụ lớn nhất của công ty Sukhoi và RSK MiG trong việc trang bị các loại trang thiết bị cho các tiêm kích Su-30МК và MiG-29 xuất khẩu, trình độ hợp tác của hai nước trong lĩnh vực máy bay quân sự là rất cao. Điều đó cho phép xem Pháp như một ứng viên chính ở Tây Âu mua PAK FA.

Sự tham gia của Pháp vào chương trình phát triển tiêm kích thế hệ 5 của Nga là có thể xảy ra. Hơn nữa, hiện tại, phương án này tại thời điểm hiện tại là khả năng duy nhất để Pháp giữ được vị thế của mình trên thị trường máy bay quân sự thế giới sau năm 2020.

Pháp có thể tham gia chương trình giống như Ấn Độ với tư cách đối tác chia sẻ rủi ro trong việc phát triển biến thể PAK FA theo yêu cầu của Không quân Pháp dựa trên mẫu PAK FA cơ sở.

Pháp luôn có quan điểm “đặc biệt” khi hoàn toàn định hướng vào khả năng của công nghiệp hàng không của mình. Pháp không phải là khách hàng mua Eurofighter Typhoon của châu Âu lẫn F-35 của Mỹ. Hiện tại, Pháp chủ yếu dựa vào tiêm kích Rafale. Nhưng công try Dassault Aviation không có khả năng tự lực phát triển tiêm kích thế hệ 5.

Cần lưu ý là trong những điều kiện nhất định, không loại trừ cả phương án Đức có thể mua PAK FA. Khả năng Tây Ban Nha tham gia chương trình PAK FA là thấp vì Madrid nghiêng về hướng mua F-35.

Hiện tại, có thể thấy, các nước Tây Âu trong tương lai sẽ đứng trước sự lựa chọn giữa PAK FA và F-35, bởi vì thời gian để phát triển tiêm kích thế hệ 5 của châu Âu đã không còn nữa. Ví dụ, thời gian dành cho chương trình phát triển tiêm kích thế hệ 4 Eurofighter là hơn 20 năm (các nước tham gia là Anh, Đức, Italia và Tây Ban Nha, hai trong số đó là Anh и Italia đồng thời là khách hàng mua F-35).

Việc chương trình F-35 làn “chia rẽ” Tây Âu trong vấn đề xây dựng chương trình chế tạo tiêm kích thế hệ 5 tiêu chuẩn của châu Âu có thể xem như một “thắng lợi” lớn của Mỹ. Hơn nữa, nó còn ảnh hưởng tiêu cực đến giai đoạn 3, giai đoạn cuối của chương trình mua sắm Eurofighter bởi lẽ những nước đã lựa chọn mua F-35 vì lý do tài chính sẽ không thể thực hiện đầy đủ kế hoạch mua sắm Eurofighter, đồng thời phải tài trợ cho các đợt mua sắm F-35 đầu tiên (đó là Anh và Italia). Nghĩa là hiện tại thì khả năng dù là giả định chế tạo tiêm kích thế hệ 5 của Tây Âu đã bị loại bỏ hoàn toàn.

Trong khi đó, Nga sẽ hoàn toàn đủ sức, khi xét tới sự hợp tác đang phát triển trên tất cả các lĩnh vực với Pháp và Đức, tranh giành các thị trường này và thị trường nhiều nước Tây Âu và Đông Âu khác.

Một khi Pháp và Đức bắt tay tham gia chương trình PAK FA với Nga và Ấn Độ thì sẽ tạo ra một liên minh hùng mạnh, có thể bảo đảm một khả năng cạnh tranh xứng đáng với F-35 trên thị trường thế giới cho đến khi các cường quốc hàng đầu thế giới chuyển sang tiêm kích thế hệ 6 vốn sẽ là các loại không người lái vào năm 2060-2070.

Chương trình sản xuất F-35 sẽ kết thúc vào khoảng năm 2045-2050, PAK FA vào khoảng năm 2055. Từ đó cho đến hết thế kỷ ХXI, Mỹ và Nga sẽ tập trung vào việc bảo dưỡng các máy bay đã cung cấp. Đồng thời, trong giai đoạn này sẽ bắt đầu sự chuyển đối sang tiêm kích đa năng thế hệ 6 không người lái.

Tiêm kích thế 6 - Máy bay không người lái

Việc chuyển hoàn toàn sang các hệ thống máy bay không người lái là tất yếu, tuy nhiên nó sẽ chỉ thực sự bắt đầu không trước thập niên 2060 và sẽ chỉ liên quan đến các cường quốc thế giới hàng đầu. Việc chuyển dần sang máy bay không người lái vào nửa cuối thế kỷ XXI được tạo điều kiện bởi sự hoàn thiện kỹ thuật của các hệ thống máy bay, cũng như những hạn chế thuần túy sinh lý học của các phi công trong việc điều khiển máy bay tiêm kích. Ở các nước hàng đầu thế giới, các máy bay có người lái dự kiến sẽ được thay thế bằng máy bay không người lái vào gần cuối thế kỷ XXI, tức là vào thời điểm loại bỏ những tiêm kích thế hệ 5 cuối cùng vốn được chuyển giao vào năm 2050-2055.

  • Nguồn: Armstrade, 19.5.2011.

Print Print E-mail Print