Vietnamdefence.com

 

Mỹ, Anh: Trung Quốc là kẻ thù chính

VietnamDefence - Mỹ và Anh đã coi Trung Quốc là mối đe dọa chủ yếu do tiềm năng quân sự của nước này gia tăng.

Trung Quốc đã trở thành mối đe dọa thực sự đến vị trí thống trị thế giới của bộ đôi Mỹ-Anh trong lĩnh vực quân sự.

Lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, lực lượng hạt nhân răn đe chiến lược triển khai trên biển (tàu ngầm) của nước này sẽ tiến gần đến mốc đạt được khả năng tác chiến ban đầu, báo cáo về Trung Quốc sắp tới của một ủy ban Quốc hội Mỹ viết. Cuối năm 2013, dự kiến Trung Quốc sẽ triển khai hoạt động các tên lửa đường đạn nhiên liệu rắn phóng từ tàu ngầm JL-2 tầm bắn 4.000 hải lý (7.400 km), chúng sẽ cho phép Trung Quốc thực hiện các cuộc tiến công hạt nhân vào lục địa nước Mỹ.

Các tên lửa sẽ được triển khai trên 2 trong 3 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn lớp Tấn, Type 094. Đến năm 2020, hải quân Trung Quốc có thể đưa vào trang bị thêm 2 tàu ngầm chiến lược lớp này nữa. Trung Quốc cũng triển khai 2 lớp tàu ngầm hạt nhân mới là tàu ngầm đa nhiệm lớp Type 095 và tàu ngầm chiến lược Type 096. Hiện nay, các mục tiêu quân sự Mỹ trên đảo Guam đã nằm trong tầm với của các tên lửa thông thường Trung Quốc.

Tháng 6/2013, không quân Trung Quốc đã nhận vào biên chế 15 máy bay ném bom mới H-6K có tầm bay xa hơn, có khả năng mang tên lửa hành trình tầm xa. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang nghiên cứu tăng tầm bắn cho các tên lửa đường đạn chống hạm DF-21D từ 810 hải lý (1.500 km) lên đến 1.600 hải lý (3.000 km). Các tên lửa này có thể đe dọa các tàu chiến Mỹ trên khắp vùng biển tây Thái Bình Dương.

Trung Quốc đã tiến hành thành công cho tiêm kích trên hạm J-15 cất và hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh.  Tháng 11/2012, họ đã hoàn thành đào tạo tốp phi công tiêm kích trên hạm đầu tiên. Dự kiến, trung đoàn J-15 đầu tiên sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2015-2016.

Báo cáo cũng nêu ra “các thành tựu ấn tượng” khác của Trung Quốc trong lĩnh vực đóng tàu chiến mặt nước. Năm 2012, họ đã hạ thủy 2 lớp tàu chiến mới là khu trục tên lửa lớp Type 052D Lư Dương III và các corvette lớp Type 056 Giang Đảo. Họ cũng đang đóng các tàu khu trục tên lửa lớp Type 052С Lư Dương II và các frigate tên lửa lớp Type 054А Giang Khải II.

Có lẽ đến năm 2015, Trung Quốc sẽ chiếm giữ vững chắc vị trí số 2 trên thế giới về số lượng tàu chiến đã đóng và hạ thủy chúng đưa vào sử dụng sau Thế chiến II. Đến năm 2020, nếu Mỹ không đẩy nhanh chương trình hải quân của mình, Trung Quốc có thể giành vị trí số 1 thế giới về đóng tàu ngầm, tàu nổi và xuồng.

Học viện khoa học xã hội Trung Quốc (Chinese Academy of Social Sciences - CASS) đã công bố một báo cáo, theo đó sức mạnh quân sự Trung Quốc, từ góc độ tổng chi phí quốc phòng, quân số và vũ khí trang bị, sẽ đứng thứ hai thế giới. Nghiên cứu này gây ra nhiều câu hỏi từ phía các nhà khoa học và công luận, nhưng CASS nhấn mạnh rằng, các đánh giá được đưa ra trên cơ sở các yếu tố riêng rẽ và không định tìm cách đánh giá tổng thể tiềm lực quân sự của các nước trên thế giới.

Các đánh giá được đưa ra trên cơ sở so sánh 5 yếu tố cơ bản là lãnh thổ và tài nguyên, dân số, kinh tế, tiềm lực quân sự, khoa học và công nghệ, và 4 yếu tố phi vật chất là trình độ phát triển xã hội, sự bền vững của nhà nước, an ninh và chính sách đối nội, mức độ đóng góp tài chính quốc tế. Từ góc độ “sức mạnh tổng thể quốc gia”, Mỹ, Nhật bản và Đức đang là 3 quốc gia dẫn đầu, Trung Quốc đứng thứ 7.

Báo cáo cũng đưa ra đánh giá đối với 11 quốc gia, trong đó có 7 nước phương Tây và 4 nước BRIC là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Điều đáng ngạc nhiên là sức mạnh quân sự Trung Quốc đứng thứ hai với 33,3 điểm, chỉ đứng sau Mỹ (90,08 điểm) và đứng trước Nga (31,08 điểm). Việc tiềm lực quân sự Trung Quốc được đánh giá cao xuất phát trước hết từ quân số và số lượng vũ khí trang bị, báo cáo cho biết. Quân đội Trung Quốc hiện có 2,25 triệu quân, còn quân đội Mỹ có 1,5 triệu quân.

Nguồn: Cn-news, 22.11.2013.

Print Print E-mail Print