Vietnamdefence.com

 

Hạm đội Nam Hải - Lực lượng then chốt tung sức mạnh hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

VietnamDefence - Tháng 12/2015, hải quân Trung Quốc đưa vào biên chế tàu khu trục tên lửa Hợp Phì (số 174), chiếc thứ ba thuộc lớp Type 052D.

Đây là tàu chiến mặt nước tiên tiến nhất cho đến nay của hải quân Trung Quốc, có thể sánh với những tàu chiến tốt nhất thế giới. Tàu này được trang bị các tên lửa tầm xa uy lực mạnh như tên lửa phòng không HHQ-9, tên lửa chống hạm YJ-18 và tên lửa tấn công mặt đất CJ-10. [Ii] Điều này có vẻ khó tin khi ta biết rằng, chỉ một thập kỷ trước, hải quân Trung Quốc thậm chí vẫn chưa có một hệ thống tên lửa phòng không trên hạm đáng tin cậy, chứ chưa nói đến khả năng tấn công mặt đất.
Tàu khu trục Côn Minh (số 172), tàu đầu tiên của lớp Type 052D, đang di chuyển trên biển sau khi được nhận vào biên chế vào tháng 3/2015 (Jeff Head)

Đáng chú ý là cả tàu lớp Type 052D đều được biên chế cho Hạm đội Nam Hải của hải quân Trung Quốc. [Iii] Đây là một trong những chỉ dấu mới nhất cho thấy sự phát triển và sức mạnh đang gia tăng của hạm đội này. Hạm đội Nam Hải đang nhanh chóng trở thành ‘tay kiếm’ của hải quân Trung Quốc. Hạm đội này đang nhanh chóng tích lũy khả năng tung sức mạnh đường xa với những tác động địa-chính trị và an ninh lớn không chỉ đối với các nước láng giềng trên biển trực tiếp của Trung Quốc ở Biển Đông, mà cả các nước vùng ven biển khu vực Ấn Độ Dương (IOR). Bài viết này cố gắng phân biệt các xu hướng do sự gia tăng sức mạnh hải quân của Trung Quốc trong những thập kỷ gần đây và những tác động đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương [iv].

Khoảng năm 1995-2005: Tập trung vào Hạm đội Đông Hải

Cho đến những năm 1980, hải quân Trung Quốc chỉ đơn thuần là một lực lượng ‘nước nâu’, ven biển. Bắt đầu từ giữa thập kỷ 1990, sức mạnh hải quân Trung Quốc đã chứng kiến một bước đại nhảy vọt chớp nhoáng với việc mua sắm các tàu ngầm lớp Kilo và các tàu khu trục lớp Sovremenny của Nga. Các tàu ngầm Kilo được coi là những tàu ngầm chạy êm nhất thế giới, trong khi các tàu khu trục Sovremenny được trang bị các tên lửa chống hạm uy lực khủng khiếp 3M80E Moskit (SS-N-22 Sunburn) vốn được mệnh danh là ‘sát thủ đối với tàu sân bay’ vì tốc độ siêu âm của nó khiến cho tàu chiến đối phương còn rất ít thời gian để phản ứng tự vệ.
Địa bàn trách nhiệm của ba hạm đội hải quân Trung Quốc (India Strategic)

Toàn bộ 4 tàu khu trục lớp Sovremenny [v] và 8 tàu ngầm lớp Kilo [vi] đã được bổ sung cho Hạm đội Đông Hải. Hiện tại, trọng tâm chiến lược của Trung Quốc đã hướng về bờ biển phía đông, chủ yếu là chuẩn bị cho bất kỳ tình huống bất lợi nào phát sinh liên quan đến Đài Loan (giống như cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan 1995-1996). Năm 1999, Trung Quốc bắt đầu tự phát triển tàu ngầm thông thường lớp Song. Chiếc đầu tiên trong số các tàu ngầm thế hệ mới này đã được đưa vào biên chế vào giai đoạn 2001-2004 và cũng được trang bị cho Hạm đội Đông Hải. [vii]

Khoảng năm 2005-2010: Tập trung vào Hạm đội Nam Hải

Khoảng một thập kỷ sau cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan, trọng tâm chiến lược của Trung Quốc bắt đầu dịch chuyển từ Đài Loan sang các yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông. Chưa rõ lý do của sự thay đổi. Đó có thể là do thành công của ‘chính sách Đài Loan’ của Bắc Kinh đã làm giảm xác suất xảy ra xung đột quân sự ở eo biển Đài Loan. Cũng có thể là Bắc Kinh đã luôn coi Biển Đông là ưu tiên của họ, nhưng đã phải ‘chờ thời cơ’ do nhiều hạn chế về địa-chính trị và năng lực. Dù sao thì ý đồ của Trung Quốc đã trở nên rõ ràng thông qua ‘những khả năng’ đang gia tăng được tập trung cho Hạm đội Nam Hải, chẳng hạn như:

• Năm 2004-05: Hạm đội Nam Hải đưa vào biên chế 2 tàu khu trục lớp Type 052B và 2 tàu khu trục lớp Type 052C, là những thiết kế tàu chiến nội địa đầu tiên đạt đẳng cấp thế giới [viii].

• Năm 2005: Trung Quốc bắt đầu tân trang tàu sân bay cũ Varyag của Liên Xô cho nhiệm vụ tung sức mạnh ở Biển Đông (sau này, tàu sân bay này với tên gọi Liêu Ninh đã gia nhập Hạm đội Nam Hải).

• Năm 2006-07: Hạm đội Nam Hải nhận vào trang bị 4 tàu ngầm lớp Kilo mua thêm từ Nga.

• Cuối năm 2007: Hạm đội Nam Hải đưa vào trang bị tàu đốc đổ bộ đầu tiên lớp Type 071 Yuzhao, đem lại cho khả năng Trung Quốc khả năng vận tải đổ bộ đường biển tầm xa [ix].

• Giữa năm 2008: Các bức ảnh vệ tinh chụp căn cứ mới ở vịnh Á Long, phía nam đảo Hải Nam, cho thấy lối vào khu trú ẩn của tàu ngầm dưới lòng đất và 1 tàu ngầm mang tên lửa đường đạn thế hệ mới lớp Tấn (Type 094).

• Năm 2007-08: Đường băng trên đảo Phú Lâm (trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) được kéo dài lên đến 8.100 ft (2.468,88 m). Đường băng này hiện này đã cho phép vận hành các máy bay nặng hơn như máy bay ném bom, máy bay vận tải và máy bay tiếp dầu. [xi]

Hầu hết những tiến triển này đã được tác giả phân tích và một vài nhà phân tích khác như James Bussert vào năm 2008-2009. Tuy nhiên, những bài viết này ít được chú ý. Điều thú vị là ‘các ý đồ’ của Trung Quốc đã trở nên rõ ràng trong vài năm khi Bắc Kinh tuyên bố vào năm 2010 rằng, Biển Đông là ‘lợi ích cốt lõi’ về chủ quyền của mình. Hai năm sau, năm 2012, Trung Quốc đã nâng cấp thành phố Tam Sa trên đảo Phú Lâm từ thành phố cấp huyện đến thành phố cấp quận [xv] để thuận lợi cho việc quản lý tất cả các quần đảo ở Biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Họ cũng lập bộ chỉ huy quân sự thành phố Tam Sa trực thuộc Chi khu quân sự tỉnh Hải Nam trong thành phần bộ chỉ huy quân sự Quảng Châu. Tuy những biện pháp chính sách này phần lớn vẫn mang tính ‘hành chính’ và ‘phòng thủ’, chúng đã củng cố ý đồ của Trung Quốc liên quan đến "lợi ích cốt lõi".

Những tiến triển gần đây: Tập trung tăng cường cho Hạm đội Nam Hải

Những tiến triển gần đây cho thấy rõ ràng Trung Quốc đã kiên trì với ý định quân sự chiến lược hướng Nam của họ. Diễn biến mới nhất là Trung Quốc vào tháng 1/2016 tái triển khai giàn khoan Hải Dương 981 ở Biển Đông. Một báo cáo của CSIS công bố vào tháng 1/2016 ghi nhận “tần suất gia tăng các hoạt động cưỡng chế (của Trung Quốc) và tốc độ xây dựng đảo ở... Biển Đông”. Báo cáo này cho biết thêm, “quân đội Trung Quốc trong tương lai gần sẽ hoạt động vượt ra ngoài chuỗi đảo thứ nhất và vươn vào Ấn Độ Dương”. Nếu dự đoán như vậy là đúng, những yếu tố cụ thể nào bảo đảm khả năng đó?
Một tàu kiểm ngư Việt Nam đang thực thi pháp luật trong khu vực gần giàn khoan dầu Hải Dương 981 mà Trung Quốc triển khai bất hợp pháp trong thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam từ đầu tháng năm 2014 (Độc Lập)

Lực lượng đặc nhiệm tàu sân bay

Năm 2012, Trung Quốc đưa vào biên chê tàu sân bay Varyag tân trang với tên gọi Liêu Ninh và ngay sau khi biển thử nghiệm, nó được triển khai tại Hạm đội Nam Hải. Trung Quốc đang tiến hành đóng một tàu sân bay nội địa mà có thể cũng được biên chế cho Hạm đội Nam Hải để tuần tra ở khu vực Biển Đông đang tranh chấp. Các tàu sân bay này có các tàu chiến hộ tống mạnh. Ngoài các tàu khu trục lớp Type 052D, thì phần lớn các tàu frigate tối tân nhất lớp Giang Khải II của hải quân Trung Quốc cũng được biên chế cho Hạm đội Nam Hải. Các tàu sân bay này cùng với các tàu hộ tống đó sẽ cho phép Hạm đội Nam Hải linh hoạt thực hiện các nhiệm vụ trong khu vực Ấn Độ Dương và Biển Đông trong các loại hình hoạt động như nhiệm vụ cứu trợ nhân đạo và chống cướp biển, phô trương sức mạnh, hỗ trợ các hoạt động hải quân viễn chinh và răn đe quân sự.
Cụm tàu sân bay chiến đấu Liêu Ninh của hải quân Trung Quốc

Đáng chú ý là cả 2 tàu frigate lớp Jiangkai II là Liễu Châu (573) và Tam Á (574) từng tham gia cuộc tập trận hải quân quốc tế International Review-2016 (IFR-16) do Ấn Độ tổ chức tại Visakhapatnam vào đầu tháng 2/2016 đang được triển khai tại SSF. Hai tàu này một phần của Lực lượng đặc nhiệm chống cướp biển số 21 của hải quân Trung Quốc đã có chuyến thăm thiện chí ghé cảng Chittagong và tiến hành tập trận hải quân chung với hải quân Bangladesh trước khi tham gia IFR-16. Trong những năm tới, sự có mặt của tàu sân bay trong lực lượng đặc nhiệm sẽ cho phép hải quân Trung Quốc có nhiều tùy chọn hoạt động hơn, thực hiện được các loại nhiệm vụ khác trong khu vực Ấn Độ Dương.

Những tàu sân bay “không thể đánh chìm” ở Biển Đông

Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục nâng cấp các sân bay ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trên đảo Phú Lâm, hình ảnh vệ tinh cho thấy kể từ 2007-08, Trung Quốc đã bổ sung thêm nhiều cơ sở hạ tầng hàng không cho đường băng chính, bao gồm các nhà chứa máy bay, các tòa nhà kiểm soát không lưu và radar, kho nhiên liệu, chỗ ở cho các phi hành đoàn và các bến bãi cho tàu chiến lớn hơn. Điều này sẽ tạo ra một hiệu ứng nhân bội sức mạnh cho các hoạt động tàu sân bay của hải quân Trung Quốc, cho phép Trung Quốc thực thi hiệu quả việc kiểm soát biển và tung sức mạnh ở Biển Đông. Nó cũng sẽ cho phép Trung Quốc áp đặt khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông nếu Bắc Kinh muốn tuyên bố.

Các tàu ngầm thế hệ mới

Giữa năm 2015, hải quân Trung Quốc đã đưa vào hoạt động 3 tàu ngầm hạt nhân tiến công lớp Thương cải tiến Shang (Type 093A/093G). Giống như các tàu khu trục lớp Type 052D, các tàu này có thể cũng được trang bị tên lửa chống hạm YJ-18 và tên lửa tấn công mặt đất CJ-10 phóng thẳng đứng. Trong vài năm tới, Trung Quốc có khả năng sẽ phát triển tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn lớp Tấn cải tiến (Type 096), tạo ra cho Trung Quốc sức mạnh răn đe hạt nhân và khả năng tấn công trước tiên đáng tin cậy hơn. Mặc dù vịnh Á Long, đảo Hải Nam có thể là căn cứ trú đóng cho các tàu ngầm hạt nhân này, khả năng đi biển dài hầu như không giới hạn của chúng sẽ cho phép hải quân Trung Quốc tung sức mạnh tàu ngầm về phía đông vượt qua chuỗi đảo thứ hai và phía Tây vào sâu khu vực Ấn Độ Dương.

Các tàu ngầm thông thường mới nhất của Trung Quốc thuộc lớp Tống và lớp Nguyên với hệ thống động lực không cần không khí (AIP) cũng trú đóng tại vịnh Á Long. [xxiv] Đáng chú ý là tất cả các tàu ngầm của hải quân Trung Quốc đã triển khai cho đến nay tại khu vực Ấn Độ Dương đều biên chế cho Hạm đội Nam Hải. Lực lượng này bao gồm các tàu ngầm lớp Tống số 329 từng thả neo tại Colombo, Sri Lanka vào tháng 10/2014 [xxv] và lớp Nguyên số 335 từng đậu một tuần ở cảng Karachi vào tháng 5/2015.
Tàu ngầm thông thường lớp Tống của hải quân Trung Quốc

Lực lượng viễn chinh

Năm 2011-12, thêm 2 tàu đốc đổ bộ lớp Type 071 (Tỉnh Cương Sơn và Trường Bạch Sơn) gia nhập cùng tàu đầu tiên cùng lớp là Côn Lôn Sơn được biên chế cho Hạm đội Nam Hải. Giữa năm 2015, Hạm đội Nam Hải nhận vào trang bị tàu đổ bộ kiểu MLP đầu tiên của hải quân Trung Quốc. Dựa trên thiết kế tàu RO-RO của Mỹ, các tàu MLP có khả năng vận chuyển các tàu đổ bộ đệm khí hạng nặng lớp Zubr (Bizon) của hải quân Trung Quốc đến các vùng ven biển xa xôi.

Việc tăng cường khả năng vận tải đường biển đường xa sẽ không chỉ cho phép Hạm đội Nam Hải thực hiện các nhiệm vụ cứu trợ nhân đạo ở Biển Đông và khu vực Ấn Độ Dương mà còn tạo lập cho hạm đội khả năng viễn chinh ban đầu.

Điều thú vị là lực lượng lính thủy đánh bộ 15.000 quân của Trung Quốc, lực lượng thường được huấn luyện để thực hiện các cuộc đổ bộ thì gần đây đã bắt đầu huấn luyện tại các địa bàn trên bộ ở Mông Cổ và Tân Cương, một chỉ dấu cho thấy ý đồ của Trung Quốc tham gia vào các hoạt động viễn chinh ngoài khu vực.
Tàu đốc đổ bộ lớp Type 071 của hải quân Trung Quốc

Tàu hậu cần

Hải quân Trung Quốc cũng đang phát triển các phương tiện vụ tác chiến biển xa thông qua việc đưa vào trang bị các tàu hậu cần hoạt động dài hạn để tiếp tế trên hành trình (UNREP) cho các tàu chiến chủ lực khi ở xa căn cứ nhà tại Trung Quốc. Từ năm 2005, hải quân Trung Quốc đã đưa vào hoạt động 6 tàu tiếp tế tiên tiến lớp Type 903A (lớp Fuchi) có lượng giãn nước toàn phần 23.000 tấn. Mặc dù các tàu này được chia đều cho cả ba hạm đội của hải quân Trung Quốc, nhưng chu trình ttrú đóng và các tiến triển khác cho thấy sự tập trung dành cho Hạm đội Nam Hải.

Năm 2015, Trung Quốc đã hạ thủy một tàu hậu cần mới lớn hơn nhiều 45.000 tấn lớp Thanh Hải Hồ, tàu này có khả năng cũng sẽ được biên chế cho Hạm đội Nam Hải.
Tàu hậu cần lớp Thanh Hải Hồ của hải quân Trung Quốc

Kết luận

Cùng với sức mạnh tổng thể của Trung Quốc, khả năng của Hạm đội Nam Hải sẽ tiếp tục gia tăng trong những thập kỷ tới mặc dù có sự sa sút thoáng qua về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Tuy nhiên, lợi ích kinh tế mở rộng về địa lý của Trung Quốc vào khu vực Ấn Độ Dương và xa hơn nữa sẽ sớm làm căng mỏng nguồn lực của Trung Quốc. Dường như, Bắc Kinh cũng nhận thức được nguy cơ này nên đang áp dụng các biện pháp cần thiết như một chiến lược bù đắp dài hạn.

Một trong hai vấn đề cấp bách nhất đối với Trung Quốc là hình thành một môi trường an toàn ở vùng biển ngoại vi phía Đông Bắc Trung Quốc. Nhằm mục đích này, tháng 3/2013, Bắc Kinh đã hợp nhất các cơ quan hàng hải khác nhau của nó để thành lập lực lượng Hải cảnh thống nhất trực thuộc Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc.
Có tin Trung Quốc cũng đã rất cố gắng tìm cách giải quyết tranh chấp biên giới biển với Hàn Quốc.

Vấn đề cấp bách thứ hai là duy trì lực lượng hải quân Trung Quốc ở các vùng biển xa tại khu vực Ấn Độ Dương. Nhằm mục đích này, Trung Quốc đang phát triển các cơ sở quân sự tại khu vực Ấn Độ Dương, cùng với việc gia tăng bán vũ khí trang bị Trung Quốc cho các nước trong khu vực.

Thông qua “Sáng kiến con đường tơ lụa trên biển” (2013), Trung Quốc dường như đã làm giảm bớt có hiệu quả luận thuyết “Chuỗi ngọc trai” (String of Pearls) (2005). Djibouti có thể chỉ là sự khởi đầu. Các cơ sở tương tự được bổ sung bằng các phương tiện bảo đảm tầm xa và triển khai trên biển của hải quân Trung Quốc biên chế cho Hạm đội Nam Hải sẽ làm tăng nhiều lần những lựa chọn quân sự chiến lược và chiến dịch của Trung Quốc. Những tiến triển mới nổi đó và những ngoại suy của chúng cần phải được các cơ quan an ninh quốc gia của các nước khu vưc Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tính toán, xem xét.

Nguồn: South Sea Fleet: Emerging Lynchpin of China’s Naval Power Projection in the Indo-Pacific / Gurpreet Singh Khurana // maritimeindia, cimsec, 8.3.2016.

Print Print E-mail Print