Vietnamdefence.com

 

Biển nóng lên xung quanh Trung Quốc

VietnamDefence - Bắc Kinh công nhiên thách thức Washington.


Đầu tháng 12/2013, tạp chí Foreign Policy của Mỹ đã cố dự báo 5 vấn đề chính của chính trị thế giới trong năm 2014 sắp tới. Liệu những biến đổi khí hậu có tiếp tục và ảnh hưởng dài hạn của chúng đối với kinh tế thế giới? Liệu đồng euro có sống sót? Liệu bọn khủng bố có sở hữu được vũ khí hủy diệt lớn? Liệu có xuất hiện đại dịch toàn cầu nào không?

Tất cả đều là những câu hỏi thú vị, nhưng vấn đề chủ yếu là tương lai quan hệ Trung-Mỹ. Nhưng vấn đề chính trong vấn đề này là Trung Quốc sẽ chịu đựng sự hiện diện quân sự rộng khắp và mạnh mẽ của Mỹ ở Đông Nam Á được bao lâu nữa? Và liệu Bắc Kinh có thêm những nỗ lực khác để chia rẽ Washington với các đồng minh hiện nay của Mỹ trong khu vực và cuối cùng là đẩy Mỹ ra khởi đây?

Các chuyên gia Mỹ hiểu rằng, tình thế hiện nay từ giác độ lịch sử là hoàn toàn dị thường. Một đại cường có một tập hợp các liên minh chính trị-quân sự và kinh tế ở ngay sát một đại cường khác, duy trì ở đó một lực lượng quân đội và vũ khí trang bị lớn. Trong khi chính “đại cường kia” lại không có sự hiện diện quân sự đáp trả ở gần biên giới đối thủ của mình.

Và cường quốc nào coi mình là đại cường lại muốn ở trong vòng vây của các nước láng giềng có các hiệp định quốc phòng với một đại cường khác, một đối thủ?

Và những cảm giác u ám của các nhà nghiên cứu chính trị Mỹ đã không chậm trễ hiện thực hóa. Chỉ mới đây, ngày 5/12/2013, trên Biển Đông, một tàu hải quân Trung Quốc đã lao mình vào một tàu tuần dương tên lửa Mỹ. Tuyên bố của Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ nói rằng, “trong khi hiện diện hợp pháp ở vùng biển quốc tế ở Biển Đông, tàu chiến USS Cowpens (CG 63) của Hải quân Mỹ và một tàu của hải quân Trung Quốc đã gặp nhau khiến phải cơ động để tránh va chạm”. Các quan chức giấu tên của Bộ Quốc phòng Mỹ tiết lộ với tờ báo Stars and Stripes (Mỹ) rằng, phía Trung Quốc “đã định ngăn cản tàu tuần dương Mỹ”. Tàu USS Cowpens được trang bị các tên lửa hành trình Tomahawk và tên lửa chống hạm Harpoon. Ở một thời điểm nào đó, hai tàu đã trao đổi các thông điệp vô tuyến điện, nhưng các sĩ quan Mỹ “đã không thể hiểu người ta nói gì với họ”. Người Mỹ cũng đã không hiểu là tại sao người Trung Quốc muốn tàu Mỹ dừng lại. Tình thế cuối cùng đã được giải quyết nhờ trao đổi qua vô tuyến điện qua tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc ở cách đó không xa. Việc đấu súng đã không xảy ra.

Theo tờ báo của quân đội Mỹ, sự cố mới đây không phải lần đầu tiên “phía Trung Quốc hành xử gây gổ đối với các tàu của Hải quân Mỹ”. Ví dụ, vào tháng 4/2009, 5 tàu quân sự Trung Quốc đã “bám theo hăm dọa” tàu do thám USNS Impeccable khiến tàu này “đã phải cơ động khẩn cấp để tránh va chạm”.

Sau đó, một quan chức giấu tên của Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo, Washington đã nêu vấn đề này với chính phủ Trung Quốc ở cấp cao. Người ta đã không tìm thấy những thông tin khách quan xác nhận điều này.

Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, Trung Quốc đang từng bước và khá tự tin khẳng định chủ quyền của mình ở vùng biển ven bờ. Cuối tháng 11/2013, Bắc Kinh đã tuyên bố mở rộng vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của họ ở biển Hoa Đông bao trùm cả quần đảo tranh chấp với Nhật Bản Senkaku/Điếu Ngư đảo. Nói đúng ra thì theo quy định của luật pháp hàng không quốc tế, việc tuyên bố lập ADIZ không có nghĩa là một quốc gia tuyên bố chủ quyền đối với đất đai và vùng biển khu vực đó. Nhưng quốc gia đó sử dụng vùng đó để bảo đảm an ninh quốc gia của mình.

Washington lập tức đưa yếu tố quân sự vào câu chuyện rối rắm này. Mỹ ngang nhiên phớt lờ yêu cầu thông báo thông tin nhận dạng và để nhấn mạnh “sự hiện diện thường xuyên của máy bay ném bom Mỹ trong khu vực”, hai máy bay B-52 đã bay vào khu vực mà Trung Quốc tuyên bố là ADIZ của họ. Tuy nhiên, khi các công ty hàng không dân dụng xin ý kiến chính quyền Mỹ, họ lại khuyến nghị các công ty này thực hiện tất cả các yêu cầu của Bắc Kinh. Điều đó thực chất là Mỹ đã coi hành động của Trung Quốc là hợp pháp.

Sau đó, Lầu Năm góc đã triển khai ở Nhật Bản thêm 6 máy bay tuần biển thế hệ mới P-8A Poseidon dùng để săn ngầm. Sau đó, chính quyền Obama đã nêu quan điểm trung lập trong vấn đề tranh chấp Senkaku, nhưng lại khẳng định quần đảo tranh chấp nằm trong phạm vi hiệu lực của các hiệp định quốc phòng Mỹ-Nhật.

Sự nung nóng tình hình ở vùng biển gần bờ biển Trung Quốc là tất yếu. Hoàn toàn có thể tiên lượng là Trung Quốc sẽ chuyển sang những biện pháp ngày càng cứng rắn để khẳng định vị thế lãnh đạo của mình, tạm thời là ở cấp độ khu vực. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không hề có những diễn văn bốc lửa hay học thuyết nào giống như Học thuyết Monroe của Mỹ, không tuyên bố Thái Bình Dương là “sân sau” của họ.

Nhưng bằng mỗi bước đi của mình, Bắc Kinh cho thấy rằng, Trung Quốc là quốc gia mà các yêu sách của nó cần được tôn trọng và Bắc Kinh sẽ không chấp nhận “sự chuyển hướng sang Thái Bình Dương” mà Obama tuyên bố vào tháng 1/2012.

Chi phí quân sự liên tục tăng khẳng định tính nghiêm túc trong ý định của Bắc Kinh. Theo đánh giá của Mỹ, chi phí quân sự của Trung Quốc đã tăng từ 45-60 tỷ USD vào năm 2003 lên đến 115-200 tỷ trong năm 2013.

Nguồn: Svpressa, 17.12.2013.

Print Print E-mail Print