Vietnamdefence.com

 

Trung Quốc sẽ dùng Su-35 khống chế Biển Đông?

VietnamDefence - Việc mua sắm tiêm kích tiên tiến Su-35 sẽ mang lại cho Trung Quốc một số năng lực đáng kể mới.

Su-35 cho phép không quân hải quân Trung Quốc mở rộng tuần tra ở Trường Sa

Một nhà quản lý cao cấp tại công ty xuất khẩu vũ khí nhà nước Rosoboronoexport của Nga đã nói rằng, Nga sẽ ký hợp đồng bán cho Trung Quốc tiêm kích phản lực tiên tiến Su-35 vào năm 2014, đồng thời khẳng định thương vụ này không thể hoàn thành trong năm 2013. Đây xem ra chưa phải là thông tin dứt khoát về vấn đề này - các cuộc đàm phán đã kéo dài từ năm 2010 và từng là chủ đề của những thông báo quá sớm và mâu thuẫn trước đây - nhưng nó là một dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy Nga vẫn còn quan tâm đến việc bán máy bay.

Hiện tại, sự quan tâm của Trung Quốc đối với tiêm kích thế hệ mới đáng để nghiên cứu vì nó tiết lộ sự tiến bộ của công nghệ quân sự nội địa và chiến lược của Trung Quốc nhằm quản lý những tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Nếu thành công, việc mua sắm có thể có tác động tức thì đối với các tranh chấp này. Ngoài việc tăng cường sức mạnh của Trung Quốc trong một cuộc xung đột có thể xảy ra, tầm bay và dự trữ nhiên liệu của Su-35 sẽ cho phép không quân hải quân Trung Quốc thực hiện các cuộc tuần tra mở rộng tại các khu vực tranh chấp, theo kiểu đã được sử dụng để gây áp lực với Nhật Bản trên quần đảo Senkaku.

Su-35 không phải là máy bay chiến đấu Sukhoi đầu tiên thu hút sự quan tâm của quân đội Trung Quốc. Trước đó, các tiêm kích Sukoi -30MKK và bản sao chép của nó do Trung Quốc thực hiện là J-16 đã được quân đội Trung Quốc coi như phương tiện cho phép họ tung sức mạnh vào sâu khu vực Biển Đông.

Những tin tức trước đó trên báo chí Trung Quốc và Nga trong tháng 6/2013 cho biết, hai bên đã đạt được thỏa thuận bán tiêm kích đa năng Su-35, nhưng không được xem là thông tin chính thức, vì hơn một năm trước, cũng đã có những thông tin trái ngược trên báo chí Trung Quốc và Nga. Có lúc, các nguồn tin Nga khẳng định, hai bên đã đạt được thỏa thuận, chỉ để ngay sau đó bị Bộ Quốc phòng Trung Quốc kiên quyết bác bỏ. Tuy nhiên, trong tháng 1/2013, cả hai chính phủ đã mở đường cho một hợp đồng cuối cùng bằng cách ký một thỏa thuận nguyên tắc rằng, Nga sẽ bán Su-35 cho Trung Quốc.

Vẫn còn một câu hỏi lớn là số lượng máy bay mà Trung Quốc sẽ mua. Tờ Hoàn cầu của Trung Quốc đưa tin vào mùa hè năm 2013 rằng, một nhóm đại diện Trung Quốc đã có mặt ở Moskva để đánh giá Su-35 và sẽ mua “một số lượng đáng kể” các máy bay phản lực tiên tiến. Chưa rõ điều đó có nghĩa là Trung Quốc sẽ mua hơn 48 như các báo chí đã đề cập hơn một năm trước hay không. Bằng chứng của việc tiếp tục đàm phán mua bán Su-35 cho thấy, quân đội Trung Quốc rất khát khao mua sắm các tiêm kích Sukhoi.

Công nghiệp hàng không Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều mặt vào Nga. Báo chí tập trung chú ý vào các chương trình phát triển nội địa của Trung Quốc, trong đó có các máy bay tiêm kích-bom tàng hình và trực thăng. Sự tiến bộ của năng lực hàng không Trung Quốc bây giờ là một chủ đề quen thuộc khi mỗi tháng dường như lại có những tiết lộ mới về các chương trình của mình. Trong khi khả năng sản xuất và thực hiện công việc thiết kế trong các dự án này cho thấy có sự tiến bộ đáng kể, nhưng trong ruột các máy bay này vẫn thường là các động cơ Nga. Trung Quốc tiếp tục cố gắng sao chép hoặc ăn cắp công nghệ động cơ máy bay của Nga vì đây là ưu tiên hàng đầu cho các dự án máy bay mới của họ.

Trên thực tế, mua sắm Su-35 không phản ánh một sự thay đổi trong những ưu tiên của lãnh đạo quân đội Trung Quốc. Mua Su-35 phản ánh vị trí tế nhị mà Trung Quốc đang có là vừa là người mua lẫn người sản xuất các vũ khí cơ bản là kiểu Nga. Mặc dù tự chủ luôn là quan trọng đối với Trung Quốc, nhưng nó đã bị gác lại bởi nhu cầu chiến lược mua sắm thật nhanh các hệ thống vũ khí tiên tiến. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), kể từ năm 1991, Trung Quốc bắt đầu mua tiêm kích phản lực tầm xa Su-27 (chính là mẫu cơ sở để chế tạo Su-35).

Điều dễ hiểu là Nga cực kỳ tức tối khi mặt hàng xuất khẩu chủ lực của họ biến thành tiêm kích J-11 sản xuất tại Trung Quốc mà không có giấy phép của Nga. Báo chí Nga trước đó đã đưa tin rằng, Nga đã quyết định không bán Su-35 vì lo ngại nó sẽ lại bị sao chép và biến thành một mặt hàng xuất khẩu nữa của Trung Quốc, tiếp tục gây thiệt hại cho hoạt động buôn bán vũ khí rất quan trọng về mặt kinh tế của Nga. Có vẻ như bây giờ Nga đang cố cân bằng sự lo sợ hãi bị Trung Quốc sao chép vũ khí với mong muốn (hoặc nhu cầu) bán vũ khí.

Đặt việc mua sắm Su-35 dưới lăng kính nhu cầu chiến lược của Trung Quốc và các sự kiện như những tranh chấp lãnh thổ gần đây với các nước láng giềng cung cấp một cái nhìn hữu ích về lý do tại sao Trung Quốc nôn nóng đến thế để có được các máy bay phản lực Sukhoi.
Điều Trung Quốc quan tâm nhất ở Su-35 là tốc độ và tầm bay

Chỉ cần biết rằng, Su-35 là tiêm kích không tàng hình tốt nhất thế giới hiện nay. Mặc dù tàng hình đã thống trị thiết kế máy bay phương Tây, nhưng xét về nhu cầu của Trung Quốc, thì các yếu tố khác được ưu tiên hơn. Thậm chí đáng ngạc nhiên hơn là ưu thế trong tác chiến không đối không không phải là lợi điểm bán hàng chính của Su-35. Trong khi Su-35 tạo ra ưu thế cho quân đội Trung Quốc trước các tiêm kích F-15 và các máy bay khác của các nước láng giềng như Nhật Bản, loại tiêm kích tiên tiến Su-35 của Nga không mang lại thêm những năng lực mới, đáng kể cho các khu vực xung đột như eo biển Đài Loan. Số lượng lớn các máy bay đánh chặn và máy bay phản lực đa năng như J-10 có thể dễ dàng được triển khai trên bầu trời eo biển này hoặc đến các khu vực gần Nhật Bản như quần đảo Senkaku. Lợi thế của Su-35 nằm ở tốc độ và các thùng nhiên liệu lớn của nó. Giống như Su-27, Su-35 được thiết kế để tuần tra không phận rất lớn của Nga và để có thể chặn đánh các mối đe dọa ở xa các khu đô thị chính của Nga. Không quân Trung Quốc cũng đang đối mặt với các vấn đề tương tự.

Biển Đông chính là một vấn đề như vậy. Một khu vực rộng lớn 1,4 triệu dặm vuông (2,25 triệu kilômet vuông) mà Trung Quốc yêu sách theo cái gọi là “đường chín đoạn” đặt ra những thách thức đối với các tiêm kích hiện nay của quân đội Trung Quốc. Hiện nay, các máy bay tiêm kích triển khai trên đất liền của không quân hải quân Trung Quốc có thể tiến hành tuần tra giới hạn các khu vực trên Biển Đông, nhưng dự trữ nhiên liệu của chúng hạn chế nghiêm trọng thời gian bay tuần tra. Để hỗ trợ bằng sức mạnh cho yêu sách lãnh thổ ở xa Trung Quốc đại lục trong thời gian khủng hoảng đòi hỏi phải có loại máy bay có tầm bay và tốc độ như Su-35. Su-35 có thể được cho là có thể giúp thực thi các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc, răn đe mạnh hơn các bên tranh chấp trong khu vực và tạo thêm các tầng bảo vệ trong trường hợp xung đột leo thang. Yếu tố then chốt cho điều đó là nhiên liệu.

Một cải tiến quan trọng của Su-35 so với Su-27/J-11B là khả năng mang các thùng dầu phụ bên ngoài vốn là yếu tố chính hạn chế Su-27 không có khả năng tiếp nhiên liệu trên không. Khả năng mang thùng dầu phụ này bổ sung các ưu điểm khác của Su-35 là có dự trữ nhiên liệu nhiều hơn 20% so với Su-27 và khả năng tiếp dầu trên không. Khả năng tiếp dầu cũng là một phần quan trọng của chiến lược kéo dài thời gian và tầm bay của tuần tra Trung Quốc. Thời gian bay tuần tra là thời gian máy bay có thể bay trong vùng lân cận mục tiêu, trái ngược với việc bay đến khu vực và trở về căn cứ. Thường có 3 cách để tăng thời gian bay tuần. Các máy bay nhỏ hơn và bay chậm hơn như các máy bay không người lái Predator hoặc Global Hawk của Mỹ bay liên tục trên không trong nhiều giờ vì có cánh dài và không có người lái. Hai lựa chọn khác là sử dụng các thùng nhiên liệu lớn hơn hoặc có khả năng tiếp dầu trên không. Chương trình tiếp dầu trên không còn non trẻ của Trung Quốc chưa được chứng minh đầy đủ và hiện chưa được thực hiện với bất kỳ máy bay hải quân nào, và ước đoán chỉ có thể hoạt động hiệu quả vào năm 2015-2020.

Su-35 dù chỉ sử dụng nhiên liệu trong máy bay cũng có lợi thế lớn so với Su-27 khi khả năng của Su-27 chỉ giới hạn ở việc nhanh chóng bay qua các vị trí xung đột như khu vực Reed Bank hoặc bãi cạn Scarborough. Việc Su-35 có mặt tại hiện trường lâu hơn là rất quan trọng đối với ý đồ của Trung Quốc muốn răn đe các hành động của Philippines hoặc các nước khác trong khu vực. Một máy bay tầm xa như vậy sẽ có thể phô trương sức mạnh lâu hơn, hoặc nhanh chóng đánh chặn máy bay của Philippines trong khu vực. Trong trường hợp Su-35, nó sẽ có tầm bay và tầm bắn xa hơn bất kỳ máy bay nào của Philippines hay Việt Nam (hoặc tàu mặt nước), làm cho việc tranh giành chủ quyền trở nên rất bất lợi đối với các nước này.

Đây là thứ tình thế kiểu việc đã rồi mà Trung Quốc đã tìm cách tạo ra, ví dụ như với “đẩy đuổi” sự hiện diện của Philippines khỏi bãi cạn Scarborough và cho máy bay bay liên tục trên khu vực tranh chấp ở biển Hoa Đông: một sự hiện diện áp đảo của Trung Quốc xung quan khu vực lãnh thổ tranh chấp khiến đối thủ chỉ còn cách lựa chọn làm gia tăng mạnh những căng thẳng và có khả năng bị thua trong bất kỳ cuộc giao tranh nào hay là chấp nhận sự hiện diện quân sự thường xuyên của Trung Quốc. Với khả năng thực hiện các chuyến bay kéo dài trên khu vực phần lớn hơn của Biển Đông, không quân hải quân Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tăng cường các cuộc tuần tra trên không. Điều này có thể dẫn đến những cuộc đối đầu thường xuyên hơn ở nhiều nơi hơn, tạo ra nhiều nguy cơ hơn xảy ra các cuộc khủng hoảng nhỏ và cho phép Trung Quốc để tạo ra “những thực tế mới trên thực địa” để làm điểm khởi đầu đàm phán cho một giải pháp hòa bình. Khả năng này, kết hợp với các lực lượng tên lửa đường đạn đã khá hùng mạnh và các vũ khí chống tiếp cận khác của Trung Quốc mang lại cho Trung Quốc một con át chủ bài quan trọng và do đó có tác dụng răn đe những thách thức quân sự. Điều này cho phép Trung Quốc tung sức mạnh quân sự trên một phần lớn hơn của Đông Nam Á và trên thực tế là hầu hết các quốc gia ASEAN.

Ngoài răn đe, một máy bay phản lực có tầm xa thì cũng có thời gian bay tuần dài hơn. Các khu vực như Hải Nam rất dễ bị tấn công bởi tên lửa hành trình hoặc các lực lượng triển khai trên tàu sân bay so với các khu vực nằm sau hàng rào gai của các hệ thống phòng không Trung Quốc. Các radar dày đặc, các máy bay đánh chặn tầm ngắn hơn  và các hệ thống tên lửa đất đối không khí mạnh mẽ làm cho việc triển khai các máy bay tại lục địa Trung Quốc trở nên hấp dẫn. Tuy nhiên, với tầm bay xa hơn, Su-35 sẽ chẳng mấy khó khăn khi bay từ khu vực phía sau bờ biển để đến một phần lớn Biển Đông.

Các máy bay tuần tra tầm xa, triển khai trên trên đất liền Su-35 là một trong những cách tốt nhất để đảm bảo rằng, Trung Quốc vẫn có khả năng hạn chế truy cập các quốc gia tranh chấp khác tiếp cận đến các khu vực này. Điều này hiện giờ càng trở nên cấp thiết hơn khi Mỹ đã công bố kế hoạch triển khai F-35 tới khu vực, nhiều khả năng là đến các căn cứ quan trọng ở Hàn Quốc và Nhật Bản.

Trong khi đó, khi Mỹ và các đồng minh phải đối mặt với một khoảng trống tiềm tàng về khả năng giữa những khung thân máy bay đang già cỗi và lúc các máy bay F-35 được chuyển giao, Trung Quốc đang nhanh chóng giảm dần các máy bay cũ, nâng cấp các hệ thống còn lại và cố gắng có được các máy bay mới hơn. Su-35 là một bước tiến quan trọng theo hướng này.

Mặc dù không thể sáng ngang với F-22 của Mỹ, nhưng F-22 chỉ số lượng nhỏ và các nguy cơ của việc triển khai khiến Su-35 có khả năng vượt trội so với bất cứ loại máy bay nào được triển khai sẵn sàng trong khu vực trong một thời gian. Hơn nữa, tuy Su-35 cơ động hơn nhiều so với Su-27, sự tương đồng giữa Su-35 và các máy bay Sukhoi trước đó cho phép không phải đầu tư nhiều cho việc xây dựng một quy trình hậu cần mới và đào tạo lại, nhờ đó Su-35 có thể đạt đến tình trạng sẵn sàng chiến đấu và triển khai nhanh hơn.

Hiện chưa có dấu hiệu rõ ràng về việc không quân hay không quân hải quân Trung Quốc sẽ sử dụng Su -35, việc triển khai đến căn cứ không quân Suixi ở Quảng Đông (sân bay Yuexi) của không quân Trung Quốc thuộc sư đoàn 2 đóng tại Trạm Giang, Quảng Đông (đơn vị 95357) sẽ bổ sung cho các máy bay Su-27 khác đã trú đóng ở đó. Căn cứ không quân hải quân Trung Quốc ở Lĩnh Thủy, tỉnh Hải Nam (trở nên nổi tiếng khi chiếc máy bay trinh sát EP-3 của Mỹ phải hạ cánh khẩn cấp xuống đây vào năm 2001) là một lựa chọn triển khai hữu ích. Su-35 có thể thay thế các máy bay đang lạc hậu nhanh chóng J-8B và J-8D hiện đóng ở đó.
Phạm vi không chế Biển Đông của Su-35

Tuy các công nghệ Su-35 sẽ đem lại lợi ích cho công nghiệp hàng không Trung Quốc, nhưng sự đóng góp lớn hơn của nó nằm ở khả năng tham gia hoạt động chấp pháp và răn đe ở Biển Đông. Các lực lượng của Trung Quốc hiện được triển khai ở Biển Đông và các khu vực tranh chấp đã có thể gây tổn thất đáng kể cho các đối thủ tiềm năng như Philippines. Không có lực lượng không quân có sức chiến đấu, còn hải quân thì chủ yếu gồm các tàu chiến cũ kỹ thời những năm 1960 của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ, Philippines có thể không có thách thức hiệu quả yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Dự trữ lượng nhiên liệu lớn hơn và khả năng tiếp dầu trên không của các máy bay phản lực Sukhoi có nghĩa là các máy bay phản lực Trung Quốc có thể có mặt tại hiện trường tranh chấp lâu hơn để thực thi yêu sách của mình bằng cách tiến hành tuần tra và đánh chặn một cách phù hợp hơn. Ngoài ra, sự kết hợp của Su-35, các máy bay tiêm kích tầm ngắn hơn còn lại của Trung Quốc, các tên lửa tiên tiến diện đối không tiên tiến và các tên lửa đạn đạo và hành trình tầm xa có thể tạo ra sức mạnh có chiều sâu, khả năng nhiều lớp để bảo vệ các yêu sách của Trung Quốc và làm cho các nước khác ngại ngần can thiệp nếu Trung Quốc lựa chọn theo đuổi xung đột với các nước láng giềng.

Tầm bay của các loại máy bay Trung Quốc
Loại máy bayTầm bay ước tính (dặm / km)
Su-27/J-11B với nhiên liệu bên trong máy bay1.700 / 2.800
Su-35 với nhiên liệu bên trong máy bay: 2.237 / 3.600 với hai thùng nhiên liệu: 2.800 / 4.500
Các ví dụ khoảng cách giữa các căn cứ không quân chính của Trung Quốc và khu vực quan tâm 
Căn cứ của Trung Quốc
Khu vực mục tiêu
Khoảng cánh ước tính (theo Google Earth), dặm/km
Căn cứ không quân hải quân Lĩnh Thủy, tỉnh Hải Nam 
Reed Bank, Biển Đông660/1.070
 Scarborough Shoal, Biển Đông 560/900
 Căn cứ không quân Basa của Không quân Philippines, Luzon, Philippines730/1.180
Căn cứ không quân Trung Quốc Suixi, tỉnh Quảng Đông Reed Bank, Biển Đông
815/1.312
 Scarborough Shoal, Biển Đông
650/1.050
 Căn cứ không quân Basa của Không quân Philippines, Luzon, Philippines800/1.300

Nguồn: The Diplomat, 27.11.2013.

Print Print E-mail Print