VietnamDefence -
Việc duy trì một con đường không khoa học, không khách quan, không phù hợp luật pháp quốc tế làm xấu đi hình ảnh một đất nước Trung Quốc trỗi dậy hòa bình.
Ngày 26.1.2011, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga đã ra tuyên bố phản đối việc Cục Đo đạc bản đồ quốc gia Trung Quốc từ ngày 18.1.2011 cung cấp dịch vụ bản đồ trực tuyến "Map World", trong đó vẫn tiếp tục thể hiện đường yêu sách 9 đoạn trên Biển Đông. Hành động này diễn ra ngay khi Trung Quốc - ASEAN đang có cuộc họp về DOC (Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông) tại Côn Minh (Trung Quốc), chứng tỏ Trung Quốc vẫn cố tình đi ngược lại những chuẩn mực chung của luật biển quốc tế.
|
Ảnh: Hoàng Long
|
Sau công hàm ngày 7.5.2009 của Phái đoàn thường trực CHND Trung Hoa tại Liên hợp quốc lần đầu tiên thông báo yêu sách đường lưỡi bò với cộng đồng quốc tế, tháng 4.2010, các quan chức Trung Quốc lại tuyên bố trong một cuộc gặp với quan chức Mỹ về quyền lợi cốt lõi của Trung Quốc ở Biển Đông, không nhượng bộ trong việc đòi chủ quyền theo đường lưỡi bò, tương tự như Đài Loan và Tây Tạng.
Đồng thời với việc tăng cường các hoạt động trên biển, các học giả Trung Quốc và Đài Loan phối hợp tìm nhiều cách giải thích khác nhau để bảo vệ cái gọi là sự đúng đắn của đường lưỡi bò trên diễn đàn hàng loạt các hội nghị quốc tế về an ninh khu vực.
Anfred Hu, Đại học Quốc gia Cheng Kung, Đài Loan cho rằng, quan điểm của Trung Quốc về đường chữ U đứt khúc 9 đoạn là nhất quán và đã được quốc tế công nhận rộng rãi. Đường này trước kia gồm 11 đoạn đã được Vụ lãnh thổ và biên giới thuộc Bộ Nội vụ Trung Hoa dân quốc thể hiện trên bản đồ từ năm 1946 và không có nước nào phản đối. Điều này thể hiện sự sử dụng lâu đời và danh nghĩa lịch sử của con đường.
Ji Guaxing, GS Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh bổ sung, đường biên giới truyền thống trong biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) xuất hiện từ những năm đầu của thế kỷ XX cho đến năm 1947 trong các bản đồ tư nhân. Vào nửa năm đầu 1947, Bộ Nội vụ Trung Hoa Dân quốc mới chính thức vẽ đường chữ U. Tháng 2.1948, Bộ Nội vụ cho biết đã in bản đồ hành chính Trung Quốc chính thức yêu sách chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc trong phạm vi đường chữ U. Trước những năm 1960 và 1970, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và các nước Đông Nam Á khác đều không đưa ra phản đối đường chữ U này. Điều đó chứng tỏ họ đã công nhận và mặc nhiên chuẩn y đường chữ U cũng như tính chất lịch sử của nó. Điều đó cũng chứng tỏ họ đã công nhận cả bốn quần đảo (Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa) thuộc chủ quyền Trung Quốc.
Ông ta cho rằng, các nước đã có sự hiểu nhầm khi áp dụng Công ước Luật biển của Liên hợp quốc năm 1982. Không có điều khoản nào trong Công ước cho phép các quốc gia ven biển mở rộng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình lại đòi hỏi chủ quyền các đảo nằm trong các vùng biển đó nhưng thuộc quốc gia khác. Hơn nữa, Công ước Luật biển lại công nhận và bảo vệ danh nghĩa lịch sử. Vì vậy, không thể dùng Công ước Luật biển làm cơ sở xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo và vùng nước phụ cận. Biển Đông có diện tích 3,5 triệu km2 trong khi đường chữ U chỉ chiếm 55% diện tích đó chứ không phải 80% như các nước tuyên truyền.
Tuy nhiên, ông thấy khó xử khi Luật vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Trung Quốc năm 1992 lại không có ngoại lệ cho Biển Đông, nghĩa là sẽ có một vùng nước lịch sử nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, mặc dù điều 14 của luật này có nói quy định này không ảnh hưởng đến quyền lịch sử của CHND Trung Hoa.
Ông ta tìm cách xoa dịu dư luận bằng lập luận đường chữ U không phải là đường vùng nước lịch sử mà là đường vùng nước lịch sử đặc biệt, nghĩa là Trung Quốc có một số quyền lịch sử xác định trong đường đó như một số ưu tiên về hàng hải, đánh cá và khai thác tài nguyên. Vùng chồng lấn giữa đường vùng nước lịch sử đặc biệt này của Trung Quốc với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước khác sẽ tạo ra các vùng tranh chấp khác nhau. Mô hình "gác tranh chấp cùng khai thác" có thể áp dụng phía bên trong đường chữ U với 50/50 phân chia lợi tức giữa Trung Quốc và các nước. Công thức phân chia 40/60 mà Trung Quốc hưởng phần ít hơn sẽ áp dụng cho các vùng nước nằm ngoài đường chữ U.
Cần thấy rằng các tác giả trên quá tự tin khi khẳng định rằng đường chữ U đã được cộng đồng quốc tế công nhận và các quốc gia liên quan không có sự phản đối.
Trước hết, thời điểm xuất hiện của đường lưỡi bò còn chưa được các tác giả thống nhất.
Thứ hai, nguồn gốc đường này chỉ là một dạng xuất bản tư nhân.
Thứ ba, một đường lúc thì 11 đoạn, lúc thì 9 đoạn, vẽ tùy tiện, không tọa độ, không rõ ràng làm sao có khả năng thể hiện một đường yêu sách biên giới rõ ràng theo đúng các quy định của luật quốc tế để các quốc gia khác phải bận tâm.
Thứ tư, vào thời điểm đường lưỡi bò đang được Bộ Nội vụ Trung Hoa in trên bản đồ, Pháp đã đưa tàu và quân ra đóng giữ đảo Hoàng Sa, Trường Sa, tiếp tục duy trì danh nghĩa chủ quyền kế thừa từ Nhà nước phong kiến An Nam và hoạt động chiếm hữu theo luật quốc tế của Pháp năm 1933. Hoạt động thực tiễn này chẳng phải là sự phản đối hùng hồn ý định yêu sách hai quần đảo bằng cách vẽ đường chữ U từ phía nước láng giềng phương Bắc đó sao?
Thứ năm, Hiệp ước hòa bình San Francisco 1951 không đả động chút gì tới đường chữ U. Ngay cả Tuyên bố của Thủ tướng Chu Ân Lai năm 1951 về dự thảo Hiệp ước San Francisco cũng đâu có nhắc gì đến đường chữ U. Vì vậy không thể nói đã có sự công nhận quốc tế.
Thứ sáu, thực tế tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như đòi hỏi của Philippines, Malaysia đối với hầu như toàn bộ hoặc một bộ phận của quần đảo Trường Sa cho thấy không thể nói đường chữ U trên Biển Đông mà Trung Quốc vạch ra đã được các nước khác công nhận.
Thứ bảy, ngay cả những nước không liên quan gì đến tranh chấp cũng thể hiện quan điểm không đồng tình. Mỹ không công nhận bất kỳ vùng biển nào không gắn với đất liền và đảo. Indonesia cho lưu chuyển tại Liên hợp quốc ngày 8/7/2010 Công hàm không chấp nhận đường lưỡi bò của Trung Quốc.
Lập luận đường chữ U là đường vùng nước lịch sử đã không thể thuyết phục được cộng đồng quốc tế vì ngay cả trong tài liệu chuẩn bị cho Hội nghị của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1958 trong danh sách các vùng nước lịch sử của thế giới không có tên một vùng nước nào trong Biển Đông.
Công ước Luật biển năm 1982 đâu có chấp nhận một vùng nước lịch sử nào. Điều 15 của Công ước mà các tác giả Trung Quốc viện dẫn chỉ quy định trường hợp phân chia lãnh hải rộng 12 hải lý theo đường cách đều hoặc trung tuyến trừ khi có danh nghĩa lịch sử hoặc hoàn cảnh đặc biệt.
Không có bất kỳ một quy định nào viện dẫn danh nghĩa lịch sử cho vùng biển rộng hơn 12 hải lý chứ đừng nói cách bờ vài trăm hải lý như đường chữ U. Cho nên không thể nói Công ước luật biển công nhận và bảo vệ cho danh nghĩa lịch sử. Các tác giả Trung Quốc đành đưa ra một khái niệm mới đường chữ U là đường vùng nước lịch sử đặc biệt. Thế nhưng việc vach một đường yêu sách vùng biển rồi đòi chủ quyền trên các đảo nằm trong phạm vi đường đó không chỉ không phù hợp với Công ước luật biển năm 1982 mà còn đi ngược lại với nguyên tắc cơ bản mang tính lịch sử của luật biển quốc tế là Đất thống trị biển. Phải có chủ quyền trên đất liền và các đảo mới có quyền đòi hỏi mở rộng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton đã phát biểu rất đúng tại Hội nghị ARF 17 tại Hà Nội tháng 7/2010 rằng: “Phù hợp với luật tập quán quốc tế, yêu sách hợp pháp vùng biển trong Biển Đông cần phải được bắt nguồn chỉ từ các yêu sách hợp pháp với đất liền và đảo”. Và khó có thể tưởng tượng được một vùng nước lịch sử đặc biệt lại nằm trong cùng một vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Việc tìm cách giảm số liệu vùng biển trong phạm vi đường chữ U từ 80% xuống 55% không che đậy được thực chất của vấn đề là ý đồ độc chiếm Biển Đông. Vì ngay trong đề nghị tiếp sau, Ji Gouxing đã đưa ra công thức 50/50 cùng khai thác trong phạm vi đường chữ U và 40/60 ngoài phạm vi đường chữ U nghĩa là công thức gác tranh chấp cùng khai thác được áp dụng trên toàn bộ Biển Đông chứ đâu dừng ở con số 80%.
Việc duy trì một con đường không khoa học, không khách quan, không phù hợp luật pháp quốc tế làm xấu đi hình ảnh của một đất nước Trung Quốc trỗi dậy hòa bình, đồng tác giả của năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình và là trở ngại chính cho mọi giải pháp giải quyết tranh chấp trong Biển Đông bằng biện pháp hòa bình.