Vietnamdefence.com

 

Nga tức giận với hàng nhái Su-33 của Trung Quốc

VietnamDefence - Công nghiệp quốc phòng Nga đã có hình dung đầy đủ về việc Trung Quốc làm nhái tiêm kích trên hạm của Nga Su-33 (J-15) và tiến hành thử nghiệm bay loại hàng giả này, tạp chí Kanwa Asian Defence số tháng 11.2010 cho hay.

Tiêm kích trên hạm Su-33 của Nga

Ngày 1.7.2010, tại cuộc họp báo của công ty Rosoboronoexport ở Moskva, trưởng đoàn Nga A. Emelyanov đã trả lời câu hỏi của phóng viên Kanwa về J-15 như sau: “Chúng tôi đã chú ý tới quá trình phát triển máy bay này. Chúng tôi bất bình với sự việc này và chúng tôi phản đối cách làm đó. Nhưng chúng tôi có thể làm gì?”

Trước đó, khi trả lời câu hỏi này, quan chức Nga cao cấp nhận xét thẳng thừng, rằng “đồ rởm luôn kém hơn đồ thật”.

Ông А. Emelyanov tiếp tục: “Các đại diện công nghiệp quốc phòng nước ngoài cũng thường xuyên nêu lên vấn đề Trung Quốc làm nhái vũ khí Nga. Họ cũng lưu ý tiến độ lan rộng của việc này, nhưng câu trả lời của chúng ta vẫn không thay đổi. Xin mời, hãy chỉ dùng hàng thật”.

Một chuyên gia hàng không của công ty Rosoboronoexport cho biết, ông đã bị sốc khi biết Trung Quốc đã sao chép được Su-33 trong một thời gian ngắn như thế. Ông thực lòng thừa nhận rằng, “chúng tôi đã xử lý rất kém vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của chúng tôi. Hiệp định Nga-Trung về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ký tháng 12.2008 đã tỏ ra không hiệu quả. Bởi vậy, chúng tôi đã đưa hiệp định này sang hàng thứ yếu. Hiện tại, hiệp định chỉ có vài trang, và các điều khoản nó có tính chung chung. Chúng tôi đang tính cách cụ thể hóa các điều khoản liên quan đến sở hữu trí tuệ của chúng tôi và những bước đi hiệu quả nào cần thực hiện để kiểm soát tình hình”.

Dường như Nga lại sẵn sàng nêu ra vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của họ. “Phía Trung Quốc không bao giờ trao đổi với chúng tôi về vấn đề J-15 và không bao giờ giải thích chuyện đang diễn ra. Không lần nào”. Ông cũng thừa nhận một cách im lặng rằng, việc bán vũ khí Nga cho Trung Quốc ở giai đoạn này đang gần chấm dứt.

Hàng rởm J-15 của Trung Quốc

Cũng tại cuộc họp báo, ông А. Emelyanov cũng nêu ra rằng, “Công ty Rosoboronoexport đã không thảo luận với phía Trung Quốc về tiêm kích J-15, và việc đó cũng không thuộc thẩm quyền của công ty. Chúng tôi chịu trách nhiệm cung cấp thông tin cho các cơ quan liên bang hữu quan về những sự kiện mới nhất và sự tiến triển tình hình, còn vấn đề cần phải được giải quyết ở cấp chính phủ phù hợp của hai nước”.

Trao đổi với Kanwa Asian Defence về tình hình xung quanh J-15, tất cả các chuyên gia vũ khí Nga đều bày tỏ sự thất vọng và bất bình. Theo họ, “khác với câu chuyện tiêm kích J-11B, việc sao chép J-15 lại xảy ra ngay sau khi ký kết hiệp định bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ”.

Việc Trung Quốc tiếp tục sao chép tiêm kích trên hạm Su-33 cũng thu hút sự chú ý của công nghiệp quốc phòng Mỹ và châu Âu. Trả lời câu hỏi của Kanwa, một chuyên gia của công ty Mỹ Raytheon nhận xét: “Làm cách nào mà Trung Quốc sao chép được Su-33 trong một thời gian ngắn như thế? Ngay cả Mỹ, với trình độ giáo dục cao, tinh thần đổi mới, kinh nghiệm thiết kế và nền sản xuất hiện đại nhất thì việc sao chép Su-33 cũng không phải là việc dễ dàng. Chuyện là như thế bởi vì công nghiệp quốc phòng Mỹ và châu Âu dựa trên các dự án đổi mới, chứ không dựa trên việc sao chép”.

Sự lo ngại gia tăng của các công ty quốc phòng châu Âu đối với việc Trung Quốc làm nhái J-15 là tín hiệu rõ ràng cho thấy họ đã bắt tay nghiên cứu vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các vũ khí của họ. Châu Âu đang trì hoãn việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc. Một trong những yếu tố then chốt cho việc đó là các công ty quốc phòng châu Âu không khả năng vận động mạnh. Một chuyên gia kỹ thuật của Raytheon đặt ra nhiều câu hỏi về J-15 hơn cả các đại diện các công ty quốc phòng Nga.

[…] Sự bất bình của Nga với việc sao chép Su-33 không chỉ dừng ở các tuyên bố. Trước đó Kanwa đưa tin, công nghiệp quốc phòng Nga đang xem xét khả năng đóng băng hoặc thậm chí chấm dứt hoàn toàn hiệu lực của hiệp định chuyển giao công nghệ tiêm kích J-11 (Su-27) cho Trung Quốc. Cho đến tháng 7.2010, hiệp định vẫn còn có hiệu lực và theo các điều khoản của nó, Nga phải cung cấp cho Trung Quốc một số bộ phận, linh kiện, trong đó có các động cơ AL-31F và các hệ thống khác cho máy bay tiêm kích Su-27SK, J-11 và J-11A. Đề nghị “đóng băng hiệu lực của hiệp định” có nghĩa là Nga có thể áp đặt các hạn chế mới đối với việc xuất khẩu các động cơ AL-31F. Nói cách khác, Nga có thể giảm số lượng động cơ AL-31F xuất sang Trung Quốc hoặc đơn giản là ngừng bán.

Theo một nguồn thạo tin trong công nghiệp quốc phòng Nga, “chúng tôi đang xem xét các hình thức có thể thể hiện lập trường của chúng tôi. Chúng tôi biết rằng, theo hiệp định, một số lượng đáng kể động cơ AL-31F mà Trung Quốc mua đã không được sử dụng cho các máy bay được quy định. Thay vào đó, chúng đã được lắp cho các tiêm kích J-11B và cho J-15 tương lai”. Nga đã bắt đầu thi hành các biện pháp trả đũa. Tháng 7.2010, trên một bài báo đăng trên tờ Độc lập (Nga), chủ tịch các công ty Sukhoi và MiG M. Pogosyan đã đề nghị chính phủ Nga đóng băng hợp đồng năm 2005 cung cấp 100 động cơ RD-93 cho Trung Quốc, theo đó đến năm 2010, Nga phải cung cấp 57 động cơ RD-93 cho Trung Quốc.

Một nguồn tin tại công ty Rosoboronoexport nói với Kanwa rằng, việc đình chỉ hợp đồng sẽ không đụng chạm đến các động cơ đã chuyển giao. Logic của bài báo của ông M. Pogosyan là để tránh sự cạnh tranh giữa MiG-29SMT của Nga và JF-17 của Trung Quốc trên các thị trường quốc tế. Ngay khi hiệp định bị đình chỉ, việc xuất khẩu JF-17 sang các nước như Pakistan sẽ cực kỳ khó khăn.

Vì sao phải đóng băng hợp đồng bán RD-93? Trong các bài báo trước đó, Kanwa đã chỉ ra rằng, đó là vì xuất khẩu MiG-29. Nhưng nay Kanwa cho rằng, đó là nỗ lực của công nghiệp quốc phòng Nga bày tỏ sự tức giận của họ đối với J-11B và J-15, hoặc thậm chí là một sự cảnh cáo đối với người Trung Quốc.

  • Nguồn: P2, 19.1.2011. 

Print Print E-mail Print