VietnamDefence -
Đưa đường lưỡi bò vào bản đồ trực tuyến "Map World" khi lời cam kết của Trung Quốc cùng ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) chưa kịp lắng xuống khiến công luận một lần nữa phải lấy làm khó hiểu. Phải chăng, có một khoảng cách giữa những mỹ từ và hành động thực chất của cường quốc đang trỗi dậy này?
Hôm 26.1.2011, Việt Nam đã một lần nữa lên tiếng phản đối Trung Quốc cung cấp dịch vụ bản đồ trực tuyến “Map World”, trong đó tiếp tục thể hiện đường yêu sách 9 đoạn trên Biển Đông, và yêu cầu Trung Quốc gỡ đường yêu sách 9 đoạn khỏi bản đồ.
Phản ứng trước việc ngày 18.1, Cục Đo đạc bản đồ quốc gia Trung Quốc cung cấp dịch vụ bản đồ trực tuyến “Map World”, trong đó vẫn tiếp tục thể hiện đường yêu sách 9 đoạn trên Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga ngày 26.1.2011 nói việc Cục Đo đạc Bản đồ quốc gia Trung Quốc chính thức cung cấp dịch vụ bản đồ trực tuyến “Map World”, trong đó thể hiện đường yêu sách 9 đoạn ở Biển Đông là “vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và của các nước ven Biển Đông, hoàn toàn trái với các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”.
“Việt Nam phản đối việc làm này của Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc gỡ bỏ ngay những nội dung sai trái trong các bản đồ nói trên”, người phát ngôn nêu rõ.
|
Đường yêu sách vô lý
Đường "lưỡi bò", "chữ U" hay "đứt đoạn"... là những cách gọi khác nhau mà các học giả trên thế giới dùng để chỉ yêu sách của Trung Quốc đối với 80% diện tích của Biển Đông, được vẽ sát vào bờ của các quốc gia ven Biển Đông như Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Brunei, Philippines.
Đường yêu sách này ban đầu có 11 đoạn, do chính quyền Trung Quốc (Quốc dân Đảng) vẽ ra vào năm 1947 và sau đó được CHND Trung Hoa tiếp tục sử dụng nhưng có sửa đổi (bỏ bớt hai đoạn trong vịnh Bắc Bộ nên chỉ còn lại 9 đoạn).
Công hàm của Trung Quốc đệ trình lên Ủy ban Liên hợp quốc về thềm lục địa mở rộng ngày 7/5/2009 có lẽ là văn bản đầu tiên trong hơn 60 năm qua, thể hiện quan điểm chính thức của Trung Quốc về ý nghĩa pháp lý quốc tế của đường yêu sách 9 đoạn và cũng là lần đầu tiên mà Trung Quốc chính thức công bố sơ đồ đường yêu sách này với thế giới.
Ngoại trừ các học giả Trung Quốc, tất cả các học giả nước ngoài đều chỉ rõ, đường lưỡi bò của Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở pháp lý, lịch sử và thực tiễn.
|
Hải quân Việt Nam trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Hoàng Long)
|
Vùng nước trong "đường lưỡi bò" chiếm 80% diện tích Biển Ðông mà Trung Quốc cho là "vùng nước lịch sử" là không thể chấp nhận được. Cộng đồng quốc tế chưa bao giờ ghi nhận một yêu sách như vậy và sẽ không chấp nhận một vùng biển lớn nhất nhì thế giới thuộc về quyền tài phán của một nước.
Thậm chí, Indonesia, một nước không hề dính líu đến tranh chấp Biển Đông cũng phải chính thức gửi công hàm phản đối "đường lưỡi bò", cho rằng bản đồ đường đứt khúc 9 đoạn của Trung Quốc là "rõ ràng không có căn cứ pháp lý quốc tế và đi ngược lại với các quy định của Công ước Luật biển 1982".
Thế giới sẽ nghĩ gì về hành động vừa qua của Trung Quốc trong khi mới tháng 10/2010, nước này cùng ASEAN đã long trọng "cam kết triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hướng tới thông qua bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trên cơ sở đồng thuận, qua đó góp phần vào hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực"?
Đáng nói hơn, động thái này xảy ra chỉ vài ngày trước khi cuộc họp cấp ngoại trưởng Trung Quốc - ASEAN để kỷ niệm 20 năm hợp tác.
Khoảng cách giữa mỹ từ và hành động thực tế
Đây không phải là lần đầu tiên, cường quốc đang lên tại khu vực "nói vậy mà không làm vậy".
Nhiều năm qua, sự trỗi dậy Trung Quốc đi liền với mối lo ngại về cái gọi là "mối đe dọa Trung Quốc" trong cộng đồng quốc tế. Cho rằng thế giới đang hiểu nhầm mình, Trung Quốc bằng nhiều cách thức, khi lặng lẽ, lúc ồn ào, cố gắng làm an lòng phần còn lại của thế giới về một chiến lược phát triển hòa bình của nước này.
Tranh thủ mọi cơ hội, mọi diễn dàn, khu vực và quốc tế, người Trung Quốc đang tỏ ra muốn "minh bạch hóa" chiến lược phát triển, nhất là các chính sách an ninh gắn với sự đầu tư ngày càng lớn cho quân sự.
Những cụm từ "phát triển hài hòa", "phát triển chung", "an ninh chung", "hợp tác", "đối tác bình đẳng", "tin cậy lẫn nhau", "đối tác có trách nhiệm"... thường xuyên xuất hiện trên cửa miệng của giới lãnh đạo Trung Quốc.
Khẩu hiệu hòa bình và chống bá quyền được giới chức Trung Quốc tận dụng mọi cơ hội phô diễn.
Khi Biển Đông nóng lên, những phát ngôn mang tính trấn an như thế của lãnh đạo Trung Quốc càng xuất hiện với tần suất dày đặc, nhất là tại các diễn đàn khu vực, nơi các nước láng giềng chia sẻ mối lo về an ninh khu vực.
Còn nhớ, năm ngoái, nhân vật thứ 3 của giới quốc phòng Trung Quốc, trung tướng Mã Hiểu Thiên, phó tổng tham mưu trưởng quân đội đã hai lần trấn an đại diện các quốc gia Đông Nam Á và nước lớn, rằng "quân đội Trung Quốc không đe dọa an ninh nước nào".
"Sự phát triển năng lực của quân đội quốc gia Trung Quốc không nhằm thách thức, đe dọa hay xâm lược quốc gia nào mà trước hết và trên hết là để đảm bảo an ninh của Trung Quốc", ông Mã Hiểu Thiên nói. "Duy trì an ninh trong khu vực là lợi ích và bổn phận của Trung Quốc"... "Trung Quốc không bao giờ nhắm tới bá quyền, ngay cả khi mạnh hơn".
Cố gắng thuyết phục thế giới hiểu đúng về Trung Quốc và tham vọng phát triển của nước này, nhấn mạnh xây dựng quan hệ đối tác thực sự dựa trên sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, thế nhưng, hành động của Trung Quốc, nhất là liên quan đến Biển Đông lại buộc thế giới đặt những dấu hỏi nghi ngờ.
Những lời trấn an của lãnh đạo Trung Quốc không thể an lòng thế giới, nhất là khu vực, khi những hành động của giới chức nước này lại "một mình một lối".
Từ đường ranh giới chữ U đòi chủ quyền trên Biển Đông tham lam "lờ đi những giới hạn luật pháp được quy định bởi Công ước Luật biển Quốc tế 1982" (nhận xét của PGS Peter A. Dutton, Viện Nghiên cứu Hàng hải, trường Cao đẳng Hải chiến Hoa Kỳ) đến những hoạt động thực tế mang tính hiếu chiến trên Biển Đông, Trung Quốc đã phá vỡ cam kết "giữ nguyên trạng", "không làm căng thẳng tình hình" mà nước này đã ký năm 2002 với các quốc gia ASEAN trong Tuyên bố về các nguyên tắc ứng xử trên Biển Đông (DOC).
Kể từ giữa năm 2009, Trung Quốc liên tục "gây chuyện", với từng nước riêng rẽ liên quan đến tranh chấp, trực tiếp và gián tiếp, và với cả khu vực. Xây dựng đơn vị hành chính, đơn phương cấm đánh bắt cá, bắt giữ và đòi tiền chuộc với các tàu cá của các quốc gia Đông Nam Á, va chạm với tàu Mỹ, xây dựng cơ sở hải quân khổng lồ ở đảo Hải Nam, tổ chức tàu tuần tra, tập trận không quân và hải quân trong khu vực tranh chấp... là những bước leo thang của Trung Quốc trong việc làm căng thẳng tình hình Biển Đông.
Vậy mà, trong cuộc họp báo trước hội nghị Côn Minh, Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN Đồng Hiểu Linh còn cảnh báo: Việc làm nóng lên và phức tạp hóa vấn đề Biển Đông sẽ ảnh hưởng xấu đến quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN!
Có vẻ như, cái gọi là "cam kết", "hợp tác", "không đe dọa"... đã được Trung Quốc tự định chuẩn theo cách hiểu của riêng mình. "Phương cách đơn phương Trung Quốc" không chỉ được áp dụng trong giải thích luật biển quốc tế, mà trong những thuật ngữ hoa mỹ nước này dùng để dựng hình tượng về mình cũng như mô tả về quan hệ tốt đẹp với láng giềng.
Thay vì dùng lời nói thuyết phục thế giới và khu vực "hiểu đúng" về Trung Quốc với tư cách "cổ đông có trách nhiệm" trong cộng đồng quốc tế, có lẽ, đến lúc Trung Quốc dựng hình tượng ấy bằng hành động cụ thể, trước hết và trên hết bằng việc minh bạch hóa vấn đề an ninh Biển Đông với hành động thiện chí và xây dựng thực sự.
Và thay vì sử dụng phương cách Trung Quốc để rồi trách thế giới hiểu nhầm mình, Trung Quốc cần thực sự áp dụng phương cách và chuẩn mực quốc tế trong hành xử, để làm thế giới tin.
Việc Cục Đo đạc và Bản đồ Trung Quốc đưa đường lưỡi bò vào bản đồ trực tuyến vào lúc này chỉ làm cho tình hình trên Biển Đông thêm phức tạp, đi ngược lại xu thế và nỗ lực của các nước trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế muốn tìm kiếm một giải pháp ổn định lâu dài cho những tranh chấp Biển Đông. Các vấn đề trên Biển Đông cần được các nước trong khu vực, trên tinh thần tôn trọng chủ quyền và lợi ích chính đáng của nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế, tìm ra một giải pháp công bằng mà các bên có thể chấp nhận được.
Trường Minh - Hoàng Phương