Vietnamdefence.com

 

Công nghệ tàng hình hóa tiêm kích MiG và Su

VietnamDefence - Các nhà khoa học Nga phát triển công nghệ tác chiến điện tử có tính đột phá, cho phép biến các tiêm kích MiG và Su thông thường thành máy bay tàng hình.

Trạm gây nhiễu MSP-418K tại triển lãm MAKS-2011

Doanh nghiệp nhà nước liên bang một thành viên (FGUP) “Viện Nghiên cứu kỹ thuật vô tuyến điện (TsNIRTI) mang tên viện sĩ A.I. Berg” thuộc Cơ quan Vũ trụ Nga Roskosmos là cơ quan đầu ngành về phát triển khí tài vô tuyến điện tử cho các phương tiện trinh sát vô tuyến điện tử và tác chiến điện tử triển khai trên máy bay, mặt đất và vũ trụ.

Viện TsNIRTI đang phát triển công nghệ tác chiến điện tử có tính đột phá có tác dụng như công nghệ tàng hình chủ động thích ứng, sẵn sàng biến các tiêm kích MiG và Sukhoi hiện có thành máy bay tàng hình.

Viện đang nghiên cứu ứng dụng các phương pháp xử lý số tín hiệu vô tuyến điện tử vào khí tài tác chiến điện tử cho phép bảo vệ hầu như bất kỳ đối tượng nào trên vũ trụ (vệ tinh), trên không (máy bay), trên mặt đất (hệ thống tên lửa phòng không) và trên biển (hạm tàu) trước tác động của phương tiện tác chiến điện tử.

Dựa vào các công nghệ số, có thể hợp nhất các khí tài tác chiến điện tử của tất cả các đối tượng đồng thời tồn tại trên vũ trụ, trên không, mặt đất và trên biển thành một mạng thống nhất. Điều đó cho phép nhận dạng nhanh chóng chẳng hạn một quả tên lửa của đối phương và tức thì gây nhiễu đối với nó từ nhiều nguồn, chứ không chỉ từ đối tượng bị tấn công.

Để hiện thực hóa khái niệm này, người ta sử dụng các bộ nhớ tần số vô tuyến kỹ thuật số cỡ nhỏ (công nghệ DigitalRadioFrequencyMemory - DRFM) kết hợp với các thiết bị phát nhiễu thể rắn, kể cả thiết bị phát nhiễu trên cơ sở anten mạng pha chủ động, và các thiết bị xử lý tín hiệu vô tuyến điện tử kỹ thuật số siêu nhanh và dải siêu rộng. Hệ thống tự thích ứng với tình hình tín hiệu và tạo tín hiệu giả khiến radar đối phương coi đó là tín hiệu bên mình. Nhưng trong đó có thông tin bị bóp méo về mục tiêu. Kết quả là chắc chắn đối phương để sổng mục tiêu.

Viện TsNIRTI đang hoàn tất việc phát triển trạm gây nhiễu chủ động kích thước nhỏ MSP-418K (dành cho các máy bay MiG) và hệ thống đối phó vô tuyến điện Omul (cho các máy bay Su) để bảo vệ chống tên lửa không đối không và mọi loại phương tiện phòng không. Đặt trong thùng treo, hệ thống này tạo ra các hình ảnh điện tử giả của máy bay, tức là các mục tiêu ảo ở vị trí khác trong không gian nhưng không khác gì hình ảnh radar của chiếc máy bay thật đó.

Viện TsNIRTI còn phát triển được công nghệ độc đáo tạo ra cấu tạo hình ảnh phân bố lập thể, tức là đám mây các ống nano carbon có độ dài khác nhau. Một màn chắn bằng vật liệu độc đáo như vậy có khả năng hấp thụ hoàn toàn bức xạ vô tuyến điện. Kết quả là đối tượng được che giấu bởi đám mây bụi nano sẽ trở nên hoàn toàn vô hình trước radar và khí tài quang-điện tử.

Nguồn: NVO, 9.11.2012.

Print Print E-mail Print