VietnamDefence -
Công ty Netline Communications Technologies (Israel) đã giới thiệu một loại đạn dược độc đáo - một thiết bị gây nhiễu nhỏ nhất.
Được làm dưới hình dáng một quả lựu đạn, thiết bị gây nhiễu PJP (Portable Jammer Pack) trước hết dùng để phong tỏa hoạt động của các ngòi nổ vô tuyến, trong đó có cả các loại mìn tự tạo,
Trong chiến đấu, người ta có thể nghi ngờ sự an toàn của một tòa nhà, một chiếc ô tô đang đỗ… Khi có PJP, người lính có thể đơn giản là rút chốt an toàn và ném thiết bị gây nhiễu này vào nơi khả nghi.
Trong những trường hợp nhất định, kích thước nhỏ và công suất của thiết bị gây nhiễu thậm chí lại có lợi, chẳng hạn như làm giảm nhiễu đối với các hệ thống thông tin liên lạc và khả năng ném thiết bị gây nhiễu này từ sau góc tường hay vào cửa sổ.
PJP cũng có thể dùng khi tuần tra đi bộ, khi mà mang theo máy gây nhiễu nặng là không hợp lý.
|
PJP - thiết bị gây nhiễu chiến đấu nhỏ nhất
|
Tuy có kích thước nhỏ, PJP không phải là nhẹ (1,1 kg). Tuy nhiên, nó vẫn nhẹ hơn mấy lần so với các thiết bị mang vác cùng chức năng nhẹ nhất.
Các nhà thiết kế đã phải mất khá nhiều công sức để chế tạo loại lựu đạn gây nhiễu này. Họ đã phải ứng dụng các anten vi mạch thể rắn rất nhỏ cho lựu đạn này. Để bảo vệ chống va đập, vỏ lựu đạn được bọc bằng cao su. Vì acquy của PJP cạn kiệt sau 30 phút làm việc liên tục, nên nó có các bộ phận hấp thụ nhiệt đặc biệt để bảo vệ linh kiện điện tử chống quá nhiệt.
Lựu đạn PJP sử dụng thật đơn giản: rút chốt như ở lựu đạn thường và ném về hướng mong muốn. Nhiễu do PJP phát ra có thể chế áp các bộ điều khiển từ xa và các kíp nổ của mìn tự tạo và thiết bị nổ công nghiệp. Ngoài ra, các chuyên gia kỹ thuật có thể lập trình trước cho lựu đạn để nó phong tỏa các tần số nhất định, kể cả các tần số liên lạc vô tuyến của đối phương. Để làm việc đó, có thể kết nối PJP với một máy tính xách tay.
Nhờ hoạt động lặng lẽ và kích thước nhỏ, đối phương rất khó phát hiện lựu đạn gây nhiễu. Hơn nữa, nếu mọi sự thuận lợi, có thể tìm lại lựu đạn, nạp điện và sử dụng lại.
Nguồn: RND, 3.7.12.