Vietnamdefence.com

 

Răn đe và tranh hùng. Vũ hội chết chóc có tên Bal-E

VietnamDefence - Phóng đi 32 tên lửa trong vòng 96 giây, hệ thống tên lửa bờ biển Bal (Bal-E) là thiên hạ vô địch thủ ở tầm bắn 7-120 km.

Các hệ thống tên lửa đất-đối-hạm hiện đại có uy lực lớn và tầm bắn xa, không chỉ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia, mà còn là công cụ răn đe chiến lược, thậm chí tranh hùng, tranh bá trên biển. 

>>> Bài 1: Răn đe và tranh hùng. Vũ hội chết chóc có tên Bal-E
>>> Bài 2: Siêu âm song sát Bastion - BrahMos
>>> Bài 3: Club ám ảnh Hải quân Mỹ
>>> Bài 4: Đông Phong thổi bạt ngôi bá chủ?
>>> Bài 5: Cũ nhiều, mới ít, song đáng nể
>>> Bài 6: Công thủ toàn diện

Bộ ba khủng khiếp

Thời chiến tranh lạnh, học thuyết quân sự Liên Xô rất chú trọng nghiên cứu chế tạo các tên lửa chống hạm nói chung và tên lửa đất-đối-hạm (hệ thống tên lửa bờ biển) nói riêng để đối phó với ưu thế hải quân của Mỹ và phương Tây. Đặc biệt, Các hệ thống tên lửa bờ biển Liên Xô sử dụng cả các tên lửa chống hạm chiến thuật và tên lửa chiến dịch-chiến thuật có tầm bắn trên 200 km. Và cũng từ đó, Liên Xô/Nga luôn là nước tiên phong và dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực tên lửa bờ biển.

Trong thập niên 1980, Liên Xô bắt đầu phát triển các hệ thống tên lửa bờ biển thế hệ mới là Bal, Bastion và Kalibr-M (Club-M) để thay thế các hệ thống Redut và Rubezh. Tuy nhiên, do Liên Xô sụp đổ, mãi gần đây các hãng Nga mới hoàn thành và đang chào bán các hệ thống này.

Đó là Bal-E (mỗi xe bệ phóng mang 8 tên lửa chống hạm dưới âm), Club-M và Bastion (mỗi xe bệ phóng mang tương ứng 3 tên lửa chống hạm siêu âm 3М-54E và 3М-55; 3M-55 cũng là cơ sở để chế tạo tên lửa BrahMos), cũng như Moskit-Е (mỗi xe bệ phóng mang 2 tên lửa chống hạm siêu âm 3М-80Е).

Bộ ba khủng khiếp này đang làm đau đầu hải quân Mỹ, phương Tây và Israel khi chúng bắt đầu mở rộng sự có mặt ở các điểm nóng trên thế giới như Đông Nam Á, Trung Cận Đông, Nam Mỹ...

Vô đối thủ

Hệ thống tên lửa bờ biển cơ động Bal (biến thể xuất khẩu là Bal-E, NATO gọi là SSC-6 Stooge) do Viện KBM thuộc Tập đoàn Vũ khí tên lửa chiến thuật KTRV phối hợp với hơn 10 xí nghiệp khác phát triển theo đơn đặt hàng của Hải quân Nga. Đây là hệ thống tên lửa bờ biển thế hệ mới, dùng để thay thế hệ thống Rubezh cũng do KBM phát triển mà Hải quân Nga và nhiều nước sử dụng hơn 20 năm nay. Bal-E với tên lửa hành trình chống hạm dưới âm Kh-35E (3M-24E) là biến thể giành cho xuất khẩu. Hệ thống Bal trang bị cho quân đội Nga có một số tính năng cao hơn và vẫn được giữ bí mật.

Hệ thống tên lửa bờ biển chiến thuật cơ động Bal-E tấn công mục tiêu (ktrv.ru)

Hệ thống tên lửa đất-đối-hạm Bal-E dùng để bảo vệ các căn cứ hải quân, các mục tiêu và hạ tầng trên bờ, bảo vệ bờ biển trên những hướng đối phương có thể đổ bộ bằng cách kiểm soát vùng biển chủ quyền và eo biển, phát hiện và tiêu diệt tàu mặt nước ở tầm đến 120 km (Với Bal là 130 km), khi chúng đang tiếp cận bờ, tại các eo biển, các vùng đảo, đảo ngầm.. Nó là không thể thay thế khi làm các nhiệm vụ như ngăn chặn các chiến dịch đổ bộ, phong tỏa các vùng biển hẹp, tiêu diệt các phương tiện vi phạm biên giới trên biển...

Hệ thống có thể tác chiến suốt ngày đêm, trong mọi điều kiện thời tiết với khả năng độc lập dẫn đường cho tên lửa sau khi phóng trong điều kiện có đối kháng hỏa lực và vô tuyến điện tử của đối phương. Bal-E có thể hoạt động như một đơn vị chiến đấu độc lập hoặc nằm trong thành phần một hệ thống phòng thủ tập trung hóa.

Bal-E có thể tác chiến trên địa hình có nhiễm chất độc hóa học và nhiễm xạ và có thể vận chuyển bằng đường sắt, đường thủy và đường không, nên dễ dàng và nhanh chóng đưa tới bất kỳ chiến trường nào.

Bal-E có thể triển khai thực hiện nhiệm vụ bí mật, bất ngờ, đảm bảo khả năng sống còn cao. Hệ thống có khả năng nhanh chóng chuẩn bị chiến đấu, tấn công, rồi rút khỏi trận địa để cơ động đến khu vực tác chiến mới. Thời gian triển khai chiến đấu từ trạng thái hành quân của hệ thống tại trận địa mới là 10 phút.

Các xe bệ phóng và xe tiếp đạn có thể triển khai tại các trận địa bí mật nằm sâu sau đường bờ biển. Xe bệ phóng có thể bố trí ở địa hình có vật cản tự nhiên và nhân tạo che khuất hướng bắn mà vẫn có thể tác chiến bình thường, đồng thời sẽ khó bị địch tấn công từ biển và từ trên không. Xe bệ phóng có thể đậu sát vật cản cao, và nhờ tên lửa được phóng nghiêng nên có thể ngụy trang cẩn thận xe bệ phóng từ bên trên.

Ngoài ra, Bal-E còn có thể phóng đạn tấn công từ các trận địa không được chuẩn bị trước. Công nghệ truyền thông tin, dữ liệu số hóa, có bảo mật, các kênh radar phát hiện chủ động và thụ động bảo đảm tính linh hoạt và bí mật sử dụng cho hệ thống.

Một hệ thống (1 tiểu đoàn) Bal-E gồm các xe sử dụng khung gầm xe MAZ-7930: các xe điều khiển và thông tin (SKPUS, đến 2 xe), các xe bệ phóng (SPU, đến 4 xe), các tên lửa chống hạm Kh-35E (3М-24E) để trong thùng phóng kín (TPK), các xe tiếp đạn (TPM, đến 4 xe) chở đạn cho loạt bắn thứ hai, 1 xe thông tin. Ở cấu hình chuẩn, mỗi xe bệ phóng và xe tiếp đạn chở 8 thùng phóng chứa 8 tên lửa, tức tổng cơ số đạn là 64 quả.

Bal-E có khả năng cơ động cao, hỏa lực mạnh và độ chính xác cao, có thể tác chiến với nhiều loại phương tiện tiến công đường biển.

Bal-E theo các chuyên gia Nga là hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biến chiến thuật có tính năng tổng hợp vô đối thủ trong dải tầm bắn 7-120 km tính từ đường bờ biển. Một hệ thống có thể bảo vệ hiệu quả một khu vực bờ biển trải dài 400 km.

Bal-E có sức tấn công vô song mà không hệ thống tương tự nào trên thế giới sánh được khi bắn được tới 32 quả tên lửa trong một loạt bắn từ 4 xe bệ phóng. Chỉ bằng một loạt 32 tên lửa, hệ thống có thể tiêu diệt một cụm tàu sân bay, một cụm tàu tấn công gồm 3 tàu frigate hay binh đoàn tàu đổ bộ ở cách bờ từ 7-120 km.

Một loạt phóng như vậy có thể buộc cả một cụm tàu tấn công lớn, một đội tàu đổ bộ hay đoàn tàu vận tải đối phương từ bỏ nhiệm vụ đặt ra. Sau 30-40 phút, hệ thống lại có thể phóng tiếp loạt 32 tên lửa thứ hai.

Do tên lửa 3М-24E khó bị phát hiện, nên hệ thống phòng thủ tên lửa của phần lớn tàu chiến không có khả năng đối phó với một cuộc tấn công vũ bão như vậy. Một loạt bắn của một bệ phóng Bal-E phóng đi các phần chiến đấu có tổng trọng lượng cao gấp gần 2 lần loạt bắn của một bệ phóng BrahMos (1.150 kg so với 600 kg).

Tùy theo chủng loại và số lượng mục tiêu, Bal-E có thể phóng từng quả hay cả loạt tên lửa từ bất kỳ bệ phóng nào. Khi tác chiến chống tàu nhỏ, có thể bắn từng quả tên lửa, còn khi chống tàu lớn (tàu khu trục...), có thể phóng loạt 32 tên lửa với nhịp phóng không quá 3 s/quả.

Bal-E sử dụng loại tên lửa chống hạm nổi tiếng Kh-35E (3M-24E), được giới thiệu công khai lần đầu năm 1992 và hiện là một trong những tên lửa chống hạm chủ lực của quân đội Nga, Ấn Độ, Việt Nam và Algeria. 

Hệ thống Uran-E sử dụng tên lửa Kh-35E trên tàu hộ vệ tên lửa HQ-012 Lý Thái Tổ (QĐND)

Kh-35E được thiết kế để tiêu diệt chiến hạm nổi có lượng giãn nước đến 5.000 tấn và tàu vận tải biển và có thể phòng từ máy bay, trực thăng, tàu chiến và hệ thống tên lửa bờ biển. Tên lửa có thể tác chiến trong mọi thời tiết, cả ngày lẫn đêm, khi có sự đối kháng hỏa lực và điện tử của đối phương.

Kh-35E có nhiều ưu thế lớn như độ bộc lộ rất thấp do có kích thước nhỏ, độ cao bay cực nhỏ (bay ở độ cao 5-10 m, tấn công mục tiêu ở độ cao 3-5 m) ở tốc độ cận âm cao và sử dụng thuật toán dẫn đặc biệt, bảo đảm độ bí mật tối đa cho hoạt động của đầu tự dẫn trên tên lửa, tên lửa được dẫn hoàn toàn tự hoạt sau khi phóng, nên phòng không tàu địch rất khó phát hiện, chặn đánh. 

Phần chiến đấu dạng xuyên (phá-mảnh-cháy) của Kh-35E nặng 145 kg. Khi tấn công tàu địch, tên lửa xuyên hoàn toàn vào thân tàu (tức 3-4 m) rồi mới phát nổ nên sức công phá rất mạnh. Để loại khỏi vòng chiến một tàu khu trục cần 2 tên lửa, một tàu tên lửa nhỏ cần 1 quả.

Tên lửa chống hạm Kh-35E (wikipedia)

Nhờ Bal-E có nhịp phóng nhanh nên các tên lửa Kh-35E gần như cùng lúc tiếp cận binh đoàn tàu địch khiến đối phương khó bề chống trả. Là tên lửa dưới âm, Kh-35E đối phó các mục tiêu nhỏ, nhanh và cơ động cao tốt hơn so với tên lửa siêu âm hạng nặng.

Tên lửa có thiết khí động thông thường với cánh gấp hình chữ thập, cánh đuôi dài, một bộ hút khí hình thang ở dưới thân và động cơ khởi tốc nhiên liệu rắn, lắp nối tiếp với động cơ hành trình (động cơ turbine phản lực cỡ nhỏ dùng xăng máy bay).

Tên lửa được trang bị hệ dẫn kết hợp (quán tính ở giai đoạn đầu và radar chủ động giai đoạn cuối). Đầu tự dẫn radar ARGS-35 cho phép phát hiện và lựa chọn mục tiêu mặt nước, xác định tọa độ (phương vị, góc tà, cự ly) của mục tiêu, tốc độ tiếp cận mục tiêu, cũng như cung cấp thông tin cần thiết đến hệ dẫn tên lửa. Có tin Kh-35E cũng có biến thể lắp đầu tự dẫn ảnh hồng ngoại.

Các tên lửa được chứa trong các contenơ vận chuyển kiêm ống phóng kín, bảo đảm độ tin cậy cao trong điều kiện khí hậu phức tạp và giảm thiểu công sức bảo dưỡng kỹ thuật.  

Việc kiểm soát tình trạng tên lửa, chuẩn bị phóng, tiếp nhận, xử lý và nạp thông tin chỉ thị mục tiêu trước khi bắn do hệ thống điều khiển tự động hóa thực hiện. Việc chuẩn bị phóng cho tên lửa được tự động hóa, thời gian chuẩn bị phóng từ trạng thái lạnh không quá 60 s.

Vươn xa với Super Uran

Sắp tới, Kh-35E sẽ được thay bằng biến thể hiện đại hơn là Kh-35UE có tính năng chính hơn nhiều Kh-35E, nhất là khi đối phương chống trả bằng hỏa lực và vô tuyến điện tử. Xét về giá thành/hiệu quả đây là tên lửa chống hạm không có đối thủ.

Tên lửa chống hạm Kh-35UE có tính năng cao gấp 2-2,5 lần so với Kh-35E

Điểm nổi bật của Kh-35UE là tầm bắn tăng gấp đôi (260 km) so với Kh-35E trong khi kích thước vẫn giữ nguyên và có hệ thống điều khiển bay tiên tiến hơn, nhờ đó tên lửa có 4 điểm thay đổi đường bay, có khả năng bay vòng tránh các đảo, tấn công mục tiêu trong các lòng lạch hẹp, vịnh hẹp và dải duyên hải. Một ưu điểm khác là sau khi phóng đi, Kh-35UE có thể vòng ngoặt theo phương ngang với góc 130 độ so với 90 độ của Kh-35E.

Kh-35UE là tên lửa kỹ thuật số hoàn toàn, kế thừa được những phẩm chất tốt nhất của Kh-35E và có thể sử dụng cho các phương tiện mang giống như Kh-35E. Tên lửa Kh-35UE được trang bị hệ dẫn kết hợp (hệ dẫn quán tính, khối dẫn đường vệ tinh và đầu tự dẫn radar chủ-thụ động). Nếu như đầu tự dẫn Kh-35E có tầm bắt mục tiêu là 20 km, thì đầu tự dẫn của Kh-35UE đưa tàu địch “vào vòng ngắm” ở khoảng cách đến 50 km. Các chuyên gia đánh giá, Kh-35UE có tính năng cao gấp 2-2,5 lần so với Kh-35E.

Như vậy, nếu xây dựng hệ thống phòng thủ bờ biển trên cơ sở kết hợp các hệ thống tên lửa Bal-E, các hệ thống tên lửa Uran-E trên tàu chiến và các máy bay chiến đấu vốn đều sử dụng tên lửa chống hạm tiêu chuẩn Kh-35E, có thể giải quyết được các nhiệm vụ chiến thuật-chiến dịch với chi phí tối thiểu sử dụng một hệ thống khai thác, sửa chữa tên lửa duy nhất. Đặc biệt, sau này, khi được trang bị tên lửa mới Kh-35UE, uy lực chiến đấu của Bal-E sẽ gia tăng mạnh mẽ, không thua kém các hệ thống tên lửa siêu âm Bastion và Club-M.

Đáng lưu ý là Bal-E sử dụng chung khung gầm với hệ thống tên lửa phòng không S-300P nên các nước trang bị cả hai loại vũ khí này sẽ rất thuận lợi cho công tác bảo đảm kỹ thuật.

Các tính năng kỹ-chiến thuật chính của Bal-E

Tầm bắn, km 7-120
Khoảng cách từ trận địa phóng đến đường bờ biển, km đến 10
Số tên lửa trên mỗi xe bệ phóng và xe tiếp đạn, quả đến 8
Nhịp phóng tên lửa khi phóng loạt, s ≤3
Tốc độ hành quân trên đường nhựa/địa hình chia cắt, km/h 60/20
Trọng lượng phóng của tên lửa, kg : ~620
Trọng lượng phần chiến đấu của tên lửa, kg: 145
Tổng cơ số đạn tên lửa của hệ thống, quả 64
Dự trữ hành trình (không tiếp dầu), km ≥850

Số phận long đong

Hệ thống Bal (Bal-E) hoàn thành thử nghiệm vào tháng 9.2004, đưa vào trang bị năm 2008 (1 tiểu đoàn) và dự kiến nhận vào trang bị cho các đơn vị phòng thủ bờ biển của cả 4 hạm đội Nga. 

Hệ thống Bal-E tại trận địa

Năm 2011, một hệ thống Bal-E đã đưa được biên chế cho tiểu đoàn tên lửa bờ biển của Hải đoàn Caspie, thuộc Quân khu phía Nam của Nga. Việc trang bị này được thực hiện trong khuôn khổ chương trình đặt hàng nhà nước năm 2011 theo chương trình trang bị lại cho Hải đoàn Caspie. Trước đó có tin cho biết, địa điểm triển khai chính của hệ thống Bal-E sẽ là Kaspyisk, các trận địa phụ được xây dựng ở khu vực Izberbazh.

Các nhà sản xuất Nga cho biết, cấu trúc hệ thống và số lượng xe SKPUS, SPU và TPK có thể tùy biến yêu cầu của khách hàng. Bal-E có tiềm năng hiện đại hóa lớn, có thể bổ sung các phương tiện trinh sát (trực thăng mang radar cảnh giới, máy bay không người lái), các hệ thống gây nhiễu tiêu cực để tăng khả năng đối phó với vũ khí có điều khiển của đối phương, thay đổi loại xe bệ phóng khác nhẹ và cơ động hơn như KamAZ…

Tuy có sức mạnh vô đối thủ như vậy, số phận của Bal trong Hải quân Nga vẫn chưa rõ ràng và hệ thống vẫn chưa tìm được khách hàng xuất khẩu. 

Print Print E-mail Print