Vietnamdefence.com

 

Cũ nhiều, mới ít, song đáng nể

VietnamDefence - Các hệ thống tên lửa đất-đối hạm của phương Tây đa số là những hệ thống cũ, được nâng cấp, nhưng một số loại trong đó sử dụng các tên lửa đối hạm đã được kiểm nghiệm trong thực tế chiến đấu như Exocet, Harpoon và cũng có hệ thống hoàn toàn mới sử dụng tên lửa thế hệ 5 như NSM.

Hệ thống tên lửa bờ biển NSM-CDS - một trong những hệ thống tối tân nhất hiện nay

>>> Bài 1: Răn đe và tranh hùng. Vũ hội chết chóc có tên Bal-E
>>> Bài 2: Siêu âm song sát Bastion - BrahMos
>>> Bài 3: Club ám ảnh Hải quân Mỹ
>>> Bài 4: Đông Phong thổi bạt ngôi bá chủ?
>>> Bài 5: Cũ nhiều, mới ít, song đáng nể
>>> Bài 6: Công thủ toàn diện

Sự kiện tàu khu trục Eilat của Hải quân Israel bị tàu tên lửa Ai Cập đánh đắm bằng một quả tên lửa chống hạm P-15 Termit (SS-N-2 Styx) của Liên Xô vào năm 1967 đã tạo ra một cú sốc mạnh, khiến phương Tây thức tỉnh trước hiệu quả ghê gớm của loại vũ khí đối hạm mới. Các nước phương Tây (Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Italia, Thụy Điển, Nauy…) lập tức lao vào cuộc đua nghiên cứu chế tạo các loại tên lửa tương tự và cho ra đời nhiều loại tên lửa chống hạm trang bị cho tàu chiến, máy bay, tàu ngầm và các hệ thống tên lửa bờ biển.

Tên cũ nhưng chất mới

Các hệ thống tên lửa đất đối hạm ồ ạt của phương Tây được đưa vào trang bị nhiều nước trên thế giới với các loại tên lửa đối hạm nổi tiếng nhất như Harpoon của Mỹ, Exocet của Pháp, Otomat của Italia/Pháp, RBS 15, RBS-17 của Thụy Điển.

Mặc dù là tên lửa đối hạm nổi tiếng nhất và thuộc loại phổ dụng nhất thế giới với khoảng 6.000 quả các loại được sản xuất và trang bị cho quân đội khoảng 30 nước, Harpoon chỉ được sử dụng với số lượng nhỏ trong các hệ thống tên lửa bờ biển của Đan Mạch, Tây Ban Nha, Ai Cập và Hàn Quốc.

Hệ thống phòng thủ bờ biển sử dụng tên lửa Exocet MM39 đang có trong trang bị của Argentina, Chile, Hy Lạp, Síp, Qatar, Thái Lan, Saudi Arabia, một số nước đã chuyển sang sử dụng biến thể MM40 hiện đại hơn.

Hệ thống phòng thủ bờ biển Otomat có trong trang bị của Ai Cập, Saudi Arabia và Kenia. Lực lượng bảo vệ bờ biển Thụy Điển, Phần Lan, Nauy sở hữu hệ thống đất đối hạm RBS 15. Sau Thụy Điển, Nauy cũng quyết định nhận vào trang bị RBS 17.

Tuy nhiên, dường như ỷ vào ưu thế không quân và hải quân của mình, phương Tây, trừ các nước Bắc Âu như Thụy Điển, Nauy và Phần Lan, không thật sự chú trọng phát triển và trang bị các hệ thống tên lửa đất đối hạm hiện đại, so với Liên Xô/Nga. Bởi vậy, đa số các hệ thống tên lửa đất-đối hạm của phương Tây hiện vẫn là những hệ thống cũ, song được nâng cấp liên tục, đặc biệt là về tên lửa và các phương tiện điều khiển-trinh sát. Vì thế, nhiều hệ thống đã có bước tiến nhảy vọt về chất, đáp ứng yêu cầu tác chiến hiện tại và tương lai.

Điển hình như Exocet ở biến thể đầu chỉ có tầm bắn 40 km thì đến biến thể mới nhất MM40 Block 3 đã có tầm 180 km, Harpoon cải tiến cũng có tầm tăng từ 120 km lên tới 280 km, tầm bắn tối đa của RBS 15 đã tăng từ 100 km lên tới 200 km, tương lai có thể tăng tới 400 km, thậm chí trên 1.000 km… Một số loại trở thành vũ khí đa năng khi có thêm khả năng tấn công mặt đất tầm xa.

Đặc biệt, trong các hệ thống tên lửa bờ biển của phương Tây hiện diện có một số loại tên lửa đối hạm đã thể hiện hiệu quả cao trong chiến đấu thực tế, nổi bật là Exocet và Harpoon.

Năm 1982, tên lửa đối hạm Exocet trở nên nổi tiếng toàn thế giới khi các máy bay Super Étendard của Hải quân Argentina đã phóng 1 tên lửa Exocet AM39 tiêu diệt tàu khu trục HMS Sheffield của Hải quân Anh ngày 4.5.1982, đánh đắm tàu chở máy bay Atlantic Conveyor của Anh 15.000 tấn bằng 2 quả Exocet vào ngày 25.5.1982.

Một tên lửa MM38 phóng từ bệ phóng mặt đất đã đánh bị thương tàu khu trục HMS Glamorgan của Anh ngày 12.6.1982.

Trong chiến tranh Iran-Iraq, máy bay Iraq bắn khoảng 200 quả Exocet vào các tàu bè của Iran.

Ngày 17.5.1987, một chiếc Mirage F-1 của Iraq đã tấn công, đánh bị thương nặng frigate USS Stark của Mỹ bằng 2 Exocet, giết chết 35 thủy binh và 22 người khác bị thương.

Tên lửa Harpoon của Mỹ cũng lẫy lừng không kém. Thời kỳ chiến tranh Iran-Iraq (1980-1988), các tàu tên lửa Iran sử dụng Harpoon tấn công, đánh chìm 2 tàu tên lửa lớp Osa của Iraq vào tháng 11.1980. Tháng 3.1986, tên lửa Harpoon của Hải quân Mỹ đánh chìm ít nhất 2 tàu tuần tra của Libya ở vịnh Sidra. Năm 1988, các tên lửa Harpoon đánh đắm frigate Sahand của Iran.

Trong chiến dịch Bão táp sa mạc (17.1-1.3.1991), Harpoon đã được sử dụng chống Hải quân Iraq.

Vì vậy, với những thế mạnh kể trên nên dù tồn tại với nhiều cái tên cũ, các hệ thống tên lửa chống hạm, trong đó có các hệ thống đất đối hạm, của phương Tây vẫn là những vũ khí tiên tiến và đáng nể cả trên thị trường và chiến trường.

Ngoài những vũ khí đối hạm tiếng tăm trận mạc, ta cần kể đến những hệ thống tên lửa đất đối hạm độc đáo và mới của phương Tây mà điển hình là hệ thống tên lửa bờ biển chống hạm hạng nhẹ RBS 17 và tên lửa chống hạm tàng hình thế hệ mới NSM.

Độc đáo tên lửa chống hạm mang vác

Một trong các hệ thống tên lửa bờ biển độc đáo nhất phải kể đến RBS 17 (RBS 17KA) của Thụy Điển. Tháng 10.1984, hãng Rockwell (Mỹ) ký với Thụy Điển hợp đồng trị giá 7,7 triệu USD phát triển hệ thống tên lửa đất đối hạm tầm ngắn chuyên dùng để chống tàu đổ bộ và tàu chiến nhỏ trên cơ sở cải tiến tên lửa chống tăng lừng danh Hellfire.

RBS 17 được phát triển dựa trên tên lửa chống tăng AGM-114B Hellfire, được trang bị một bệ phóng mang vác chuyên dụng độc đáo lắp một tên lửa và một quả tên lửa tự dẫn laser bán chủ động Hellfire cải tiến với đầu đạn phá mảnh của Bofors.

RBS 17 trong cuộc tập trận của các đơn vị tên lửa bờ biển của Hải quân Thụy Điển
ngày 27.5.2011 (forsvarsmakten.se)

Một đại đội RBS 17 có 3 trung đội, mỗi trung đội có 3 tiểu đội và mỗi tiểu đội được biên chế 2 bệ phóng. Mỗi tiểu đội được trang bị một thiết bị laser chỉ thị mục tiêu, đặt cách bệ phóng 4-5 km để dẫn tên lửa đến mục tiêu. Người điều khiển có thể dẫn tên lửa đến đúng phần nhất định của tàu địch.

Các đơn vị RBS 17 khi cần có thể cơ động đến khu vực triển khai bằng ô tô, xuồng cao tốc và trực thăng. Tên lửa và bệ phóng có thể mang vác trong các túi chuyên dụng bằng kíp chiến đấu 2 người.

Tuy gọn nhẹ, song RBS 17 có tầm bắn hiệu quả đến 10 km và uy lực chiến đấu khá mạnh. Theo tính toán của các chuyên gia Thụy Điển, một quả RBS 17 có khả năng đánh chìm tàu đổ bộ đệm khí, xuồng đổ bộ hay tàu quét lôi, 2-3 quả có thể đánh chìm tàu đổ bộ có lượng giãn nước 2.000 tấn. RBS 17 được chuyển giao cho Thụy Điển năm 1989-1991, sau đó năm 1997-1998 các hệ thống này cũng được cung cấp cho Nauy.

Siêu tên lửa NSM

Tên lửa chống hạm tàng hình NSM phóng từ bệ phóng trên bờ biển (defpro)

Trong số các hệ thống tên lửa đất đối hạm hoàn toàn mới ít ỏi của phương Tây phải kể đến NSM. Tên lửa đối hạm NSM (Naval Strike Missile) do công ty Kongsberg Defence & Aerospace (Nauy) phát triển, dự định trang bị cho các tiêm kích Eurofighter, Gripen và tiêm kích thế hệ 5 F-35 và hệ thống tên lửa bờ biển.

Năm 2008, Nauy ký với Ba Lan hợp đồng 115 triệu USD cung cấp 1 tiểu đoàn tên lửa bờ biển NSM-CDS cung cấp vào năm 2012. Biên chế đầy đủ của đơn vị gồm 6 bệ phóng và 48 tên lửa. Đây là hợp đồng đầu tiên được biết đến mua bán hệ thống tên lửa bờ biển của Tây Âu trong một thập kỷ gần đây. Tháng 12.2010, Ba Lan ký hợp đồng trị giá 110 triệu USD mua thêm 38 tên lửa NSM. Sau này, Nauy có thể cũng mua biến thể tên lửa bờ biển NSM. 

Cuối năm 2011, có thông tin chính thức xác nhận hợp đồng của Bộ Quốc phòng Ba Lan mua thêm tên lửa NSM (Naval Strike Missile) ký với công ty Kongsberg (Nauy) được công bố ngày 7.12.2010 đã được chấp thuận. Đây là hợp đồng kế tiếp hợp đồng chính ký ngày 30.12.2008. Hợp đồng mới này trị giá 712 triệu Krone Nauy.

NSM sẽ là hệ thống tên lửa bờ biển chủ lực của Hải quân Ba Lan. Hệ thống này đang ở giai đoạn xây dựng vào năm 2012. Về chỉ huy và hệ thống điều khiển hỏa lực, NSM giống với hệ thống phòng không NASAMS của Kongsberg.

Đầu năm 2011, đã tiến hành thử nghiệm tên lửa NSM từ hệ thống tên lửa bờ biển Ba Lan, trong đó NSM đã thể hiện là tên lửa tấn công tiên tiến nhất chống cả mục tiêu mặt đất và mặt nước.

Kongsberg sẽ sử dụng nhiều xí nghiệp Ba Lan làm phụ thầu, tham gia hợp tác chặt chẽ vốn liên quan đến cả chuyển giao công nghệ và quan hệ đối tác lâu dài. Một số bộ phận chính của hệ thống như các hệ thống radar,  liên lạc và xe tải hiện đang được công nghiệp Ba Lan phát triển và cung cấp.

Mỹ, Australia và Canada cũng đang xem xét khả năng mua NSM.

NSM rời bệ phóng (army-news) 

NSM đang bay đến mục tiêu (defenseindustrydaily.com)

Nauy yêu cầu tên lửa NSM phải được tích hợp cho F-35 bán cho Nauy (army-news)

NSM được thiết kế để tác chiến trong môi trường duyên hải phức tạp. NSM là tên lửa ứng dụng công nghệ tàng hình để giảm độ bộc lộ radar và hồng ngoại. Vỏ tên lửa không có những cạnh nhọn, hay khe làm tăng độ phản xạ radar, tên lửa được làm bằng vật liệu composite và hấp thụ radar, và có một thiết bị rất tinh vi để nâng cao xác suất đánh trúng và giảm thiểu tín hiệu bộc lộ của tên lửa.

Tên lửa bay tới mục tiêu ở độ cao cực nhỏ, còn ở giai đoạn cuối, tên lửa thực hành các thao tác cơ động ngẫu nhiên và có thể phát nhiễu gây khó khăn các hệ thống phòng không hạm tàu trong việc đánh chặn tên lửa. Tên lửa hệ dẫn hỗn hợp quán tính, so sánh ảnh địa hình TERCOM, GPS và hồng ngoại thụ động giai đoạn cuối. Hệ dẫn hồng ngoại thụ động có khả năng tự động phát hiện và nhận dạng mục tiêu, lựa chọn mục tiêu ưu tiên trong cụm tàu. Tức là tên lửa có khả năng bắn-quên, kể chí cả khi bắn ở tầm tối đa 185 km.

NSM được coi là vũ khí tấn công chính xác tầm xa thế hệ 5 nhờ có những tính năng cao, trước hết là độ bí mật cao khi bay và khả năng lọc mục tiêu thông minh, loại trừ khả năng bắn nhầm tàu dân sự, nên có thể sử dụng trong điều kiện giao thông hàng hải cường độ cao.

Tên lửa chống hạm tàng hình NSM (army-news)

Print Print E-mail Print