Vietnamdefence.com

 

Pháo phòng không Trung Quốc PGZ-07 bó tay với Ka-52 và Mi-28N

VietnamDefence - Với tầm bắn hạn chế, pháo phòng không tự hành tối tân nhất Trung Quốc PGZ-07 không thể đối phó với các trực thăng tiến công hiện đại trang bị tên lửa ngoài tầm của Nga và phương Tây.

PGZ-07

Quân đội Trung Quốc tiếp tục đưa vào trang bị pháo phòng không tự hành tối tân PGZ-07. Pháo này là bước phát triển kế tiếp của pháo tự hành thử nghiệm Type-90-II được nghiên cứu chế tạo vào đầu thập niên 1990.

Xét về cấu tạo PGZ-7 rất giống pháo Gepard hiện có trong trang bị của Lục quân Đức.

Vũ khí chính của Type 90-II là 2 khẩu pháo Type 90 35mm lấy từ hệ thống pháo phòng không xe kéo cùng tên mà Trung Quốc sản xuất theo giấy phép của hãng Oerlikon, Thụy Sĩ.

Type 90-II

Hai khẩu pháo được lắp ở hai bên sườn tháp pháo quay và sử dụng hộp tiếp đạn, được dẫn đồng bộ theo phương đứng. Tốc độ bắn là 550 phát/phút/1 nòng pháo, sơ tốc đạn 1.175 m/s.

Pháo sử dụng các loại đạn mảnh-cháy và bán xuyên giáp-mảnh-cháy-vạch đường nặng 550 g. Một hộp đạn chứa 280 viên đạn.

Tầm bắn nghiêng hiệu quả chống mục tiêu bay là 4.000 m, tầm bắn tối đa (chống mục tiêu mặt đất) đến 12 km.
 
Hệ thống điều khiển hỏa lực bao gồm máy tính đường đạn, máy ngắm quang-điện tử với máy đo xa lase, trạm radar 3 tọa độ phát hiện mục tiêu bay, sóng mm (tầm 8.000 m) và trạm bám mục tiêu.

Khung gầm của Type 90-II tương tự như của pháo tự hành 122 mm Type 89 của Trung Quốc được phát triển trên cơ sở xe bọc thép chở quân lội nước Type 77.


Động cơ diesel 12V150L12 công suất 450 mã lực được bố trí bên phải đầu xe, ngồi bên trái khoang động cơ là lái xe có cửa nắp và các khí tài quan sát. Các thành viên còn lại của kíp xe là trưởng xe, pháo thủ chính và 2 pháo thủ nạp đạn.
 
Mặc dù, Type 90-II chỉ là mẫu pháo thử nghiệm, nhưng kinh nghiệm có được khi chế tạo Type 90-II đã được ứng dụng để phát triển hệ thống pháo phòng không tự hành tối tân nhất của Trung Quốc PGZ-07. Hệ thống này nhiều khả năng được trang bị các pháo 35 mm nâng cấp, cũng như radar và máy ngắm truyền hình với hệ bám mục tiêu tự động cải tiến.

Khung gầm của pháo giống như khung gầm của pháo tự hành xuất khẩu 155 mm PLZ-45.

Do PGZ-7 dùng để trực tiếp bảo vệ các đơn vị tăng chủ lực Type 99А2 có sức cơ động cao nên pháo này cũng có tốc độ hành trình và tốc độ trung bình cao hơn.
 
Mặc dù, PGZ-07 được nhận vào trang bị quân đội Trung Quốc chưa lâu, một số chuyên gia quân sự cho rằng, nó đã lạc hậu vô hình. PGZ-07 có khả năng hạn chế trong tiêu diệt các trực thăng có khả năng dùng vũ khí tên lửa từ ngoài tầm bắn của pháo của PGZ-07 nhưKa-52, Mi-28N của Nga và AH-64 của Mỹ... Bởi vậy, logic hơn là làm nhái hệ thống pháo/tên lửa phòng không tự hành Tunguska của Nga.


Trên mạng internet đã xuất hiện một bức ảnh được cho là chụp biến thể cải tiến của PGZ-07. Trên ảnh thấy rõ ngoài 2 khẩu pháo cỡ nòng nhỏ còn có các ống phóng tên lửa phòng không. Nhưng không thể nói chính xác đây là một xe chiến đấu thực sự hay là sản phẩm của phần mềm Photoshop. Chỉ chắc chắn một điều là quân đội Trung Quốc đang nhận vào trang bị biến thể chỉ được trang bị pháo.

Trước đây, Trung Quốc đã nhiều lần cố nghiên cứu chế tạo pháo phòng không tự hành. Nỗ lực đầu tiên được thực hiện vào đầu thập niên 1980.

Liên Xô từng bán cho Iran pháo phòng không tự hành ZSU-57-2, trang bị 2 pháo 57 mm. Trung Quốc đã dụ được Iran bán lại cho họ một xe ZSU-57-2.

Sau khi học hỏi, các chuyên gia Trung Quốc đã chế tạo pháo tự hành Type 80 của mình dựa trên pháo Liên Xô. Khác với ZSU-57-2, pháo Type 80 có khoan chiến đấu kín (có nóc xe). Tháp pháo được đặt trên khung gầm tăng Type 69-II.

Trên xe này không hề có radar lẫn các khí tài phát hiện, ngắm bắn hiện đại, nên ngay vào đầu thập niên 1980, Type 80 đã bị coi là lạc hậu, may lắm là tương đương trình độ đầu thập niên 1950.

Đương nhiên là quân đội Trung Quốc không cần nó ở hình thức như vậy. Các khách hàng nước ngoài cũng chẳng hề quan tâm đến Type 80.


Các pháo tự hành W-88 và Type 88 của Trung Quốc cũng không gặp may mắn trên thị trường vũ khí quốc tế. Chúng được trang bị pháo 37 mm hai nòng sao chép pháo Liên Xô thời Thế chiến II và cũng lắp trên khung gầm tăng Type 69-II. Nếu như W-88 chỉ có máy ngắm quang học thì Type 88 đã có radar và máy đo xa laser.

Nỗ lực tiếp theo thành công hơn là chế tạo pháo phòng không tự hành Type 95. Trung Quốc với điều kiện đặc thù của mình đã định áp dụng khái niệm của pháo tự hành Liên Xô 2S6 Tunguska. Song pháo tự hành mà họ làm được thua xe Tunguska về tính năng.


Type 95 được trang bị 2 pháo tự động hai nòng 25 mm vốn được chế tạo dựa trên pháo phòng không ZU-23-2 của Liên Xô. Sức mạnh hỏa lực được tăng cường bởi các bệ phóng tên lửa phòng không Tiền Vệ 2 (sao chép hệ thống tên lửa phòng không mang vác Igla-1 của Nga) gắn kèm, có thể tiêu diệt máy bay, trực thăng ở tầm 6 km.

Nhưng các pháo phòng không tự hành vẫn bị quân đội Trung Quốc cho là chưa đủ hiện đại. Vì thế, họ đã tiếp tục phát triển các hệ thống hoàn thiện hơn. Và vào đầu thập niên 1990, Trung Quốc đã chế tạo ra pháo phòng không tự hành thử nghiệm Type 90-II.


Nguồn: otvaga2004.mybb, vestnik-rm, 16.12.11, 20.9.12.

Print Print E-mail Print