Vietnamdefence.com

 

Hệ thống tên lửa phòng không cải tiến S-125-2D của Ukraine

VietnamDefence - Cùng với các hệ thống của Tập đoàn phòng không Almaz-Antei (Pechora-2А, S-125-2М), công ty “Oboronitelnye systemy” (Pechora-2ТМ) và các nhà thiết kế Ba Lan, Ukraine cũng đang mời chào phương án hiện đại hóa hệ thống tên lửa phòng không S-125 của mình.

S-125 Pechora-M phóng đạn
Công ty Aerotekhnika-MLT (làng Makarov, tỉnh Kiev) đã phát triển biến thể cải tiến của hệ thống S-125 có từ thời Liên Xô, nhưng được đánh giá là có tiềm năng hiện đại hóa lớn. Biến thể của Ukraine có tên S-125-2D (xem Ukraine tham gia thị trường cải tiến tên lửa phòng không S-125).

Aerotekhnika-MLT bắt đầu tự đầu tư phát triển S-125-2D gần 3 năm trước. Lý do để chọn hệ thống tên lửa phòng không S-125 Pechora để hiện đại hóa thật đơn giản. Mặc dù phòng không Ukraine thực tế không sử dụng S-125, nhưng thời Liên Xô S-125 đã được cung cấp cho 36 khách hàng nước ngoài. Hơn 30 nước trong số đó đang tiếp tục sử dụng các biến thể S-125 thích hợp để nâng cấp.

Trong một thời gian ngắn, Aerotekhnika-MLT đã phát triển được buồng điều khiển số UNK-2D, thay thế bộ thu-phát bằng bộ hiện đại, hiện đại hóa bệ phóng, cũng như thực hiện một số công việc khác. Họ cũng đã thay thế radar, các hệ thống điều khiển chế tạo từ thời Liên Xô, qua đó cho phép nâng cao được hiệu quả thực hiện nhiệm vụ và giảm một nửa kíp trắc thủ.

Trong thành phần của S-125-2D gồm có: đài điều khiển UNK-2D, đài anten UNV-2D, các bệ phóng 5P73-2D, cũng như các phương tiện kỹ thuật bảo đảm.

Nhờ hiện đại hóa đài điều khiển UNK-2D lắp trên khung gầm ô tô KrAZ, kíp trắc thủ đã giảm từ 6 xuống còn 3-4 người, gồm kíp trưởng, sĩ quan điều khiển và 1-2 trắc thủ radar. Các thiết bị analog chế tạo trong thập kỷ 1950 ở Liên Xô đã được thay thế bằng các hệ thống số điều khiển nhờ sử dụng các màn hình từ buồng điều khiển UNK-2D có lắp hệ thống điều hòa.

Đài điều khiển được kết nối với radar và các bệ phóng bố trí ở khoảng cách đến 5 km bằng giao diện không dây.

Tất cả các bộ phận linh kiện bên trong lắp trên khung gầm đài anten ten xe kéo UNV-2, ngoại trừ magnetron, đã được thay bằng các bộ phận hiện đại, gọn, nhẹ và hiệu quả. Độ nhạy của radar đã lên lên đến 120 dB. Nền tảng linh kiện mới đã cho phép nâng cao khả năng chống nhiễu và tăng 20% tầm phát hiện.

Bệ phóng 5P73 cũng được nâng cấp. Việc cải tiến không đụng chạm đến các loại tên lửa sử dụng là 5V25 và5V27, nhưng khả năng của Pechora phát hiện và bám mục tiêu, độ nhanh chóng và tin cậy bắt mục tiêu được cải thiện đáng kể. Trong quá trình cải tiến, hãng cải tiến đã giải quyết các vấn đề nâng cao độ tin cậy, tính cơ động, khả năng sống còn, khả năng chống nhiễu vô tuyến điện tử, tuổi thọ sử dụng của hệ thống tăng lên thêm 15 năm.

Một giai đoạn kiểm tra quan trọng các công việc hiện đại hóa là việc bắn thử nghiệm vào ngày 24.9.2010 tại trường bắn Chauda mà theo các chuyên gia hiện đại hóa là đã thành công. Họ đã bắn thử 6 tên lửa ở các chế độ khác nhau. Hiện nay, trung tâm nghiên cứu của trường bắn đang đánh giá chi tiết kết quả thử nghiệm.

Theo thông tin không chính thức, S-125-2D có tầm phát hiện mục tiêu dạng máy bay chiến đấu ở độ cao 7 km là không dưới 100 km, độ cao diệt mục tiêu tối thiểu/tối đa là 20 m/21 km, tham số hướng tối đa của mục tiêu là 24 km, tầm bắn tối đa theo phương ngang là 27 km, tầm bắn nghiêng tối đa 37 km (±5 km).

Các quan chức công ty Aerotekhnika cho biết, họ đang tiến hành công việc theo đơn đặt hàng của một khách hàng nước ngoài.

Theo Jane’s Defence Weekly, Aerotekhnika đã ký 2 hợp đồng cung cấp các hệ thống S-125-2D cho các khách hàng ở châu Phi. Hiện họ đang chuẩn bị giao hàng cho khách hàng đầu tiên.

Aerotekhnika ký hợp đồng cung cấp 4 hệ thống S-125-2D cho một quốc gia châu Phi không nêu tên vào năm 2008 thông qua hãng Ukroboronservis. Hệ thống bao gồm 1 radar, 1 buồng điều khiển và 4 bệ phóng, mỗi bệ lắp 4 đạn tên lửa ở trạng thái sẵn sàng phóng (cơ số đạn gồm 16 tên lửa sẵn sàng chiến đấu và 32 quả để nạp đạn lại). Theo Jane’s, các hệ thống này sẽ được cung cấp cho Uganda. Hệ thống đầu tiên sẽ được bàn giao vào cuối năm nay, 3 hệ thống còn lại dự kiến bàn giao năm 2011. Dự kiến, các hệ thống này sẽ được các chuyên gia Ukraine cải tiến ngay tại lãnh thổ khách hàng.

Hợp đồng thứ hai được Aerotekhnika ký trong triển lãm Africa Aerospace and Defence 2010 diễn ra tháng 9.2010 tại Capetown, Nam Phi. Số hệ thống S-125 đặt hàng cải tiến chưa rõ. Khách hàng có thể là Angola.
Aerotekhnika cũng mời chào phương án hiện đại hóa S-125 với quân đội Ukraine, tuy vậy, rõ ràng là Bộ Quốc phòng Ukraine không có tiền để làm việc này. Aerotekhnika cho biết không ngại sự cạnh tranh trên thị trường và có ý định tiếp tục hoàn thiện hệ thống. Chẳng hạn, ở giai đoạn đầu, biên chế tiểu đoàn S-125-2D có thể gồm 4 bệ phóng với 16 tên lửa.

Dự định, vào năm 2012, số lượng bệ phóng sẽ tùy thuộc vào ý muốn của khách hàng. Ngoài ra, công ty dự định sử dụng radar anten mạng pha để phát hiện mục tiêu, và tiến hành cải tiến hiện đại hóa tên lửa.
Aerotekhnika được thành lập trong thập kỷ 1990 để hiện đại hóa và phát triển radar và các hệ thống điều khiển không lưu dân sự. Từ đó, công ty đã phục hồi và hiện đại hóa nhiều trang bị radar quân sự do Liên Xô sản xuất.

  • Nguồn: Armstrade, 10.11.2010.

Print Print E-mail Print