Vietnamdefence.com

 

Hệ thống tên lửa chống tăng tầm xa ALAS

VietnamDefence - ALAS là hệ thống tên lửa tấn công đa năng, có thể ứng dụng làm tên lửa chống hạm tầm gần lợi hại.

Ngày 17/2/2013, tại triển lãm IDEX-2013 ở Abu Dhabi, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) ,công ty quốc doanh Emirates Advanced Research and Technology Holding (EARTH) của UAE và công ty quốc doanh Yugoimport-SDPR của Serbia đã ký hợp đồng hợp tác phát triển và sản xuất hệ thống tên lửa chống tăng (thực tế là đa nhiệm) tầm xa ALAS dẫn bằng sợi quang.

Hợp đồng do Giám đốc hãng Emirates Advanced Research and Technology Holding (EARTH)  là ông Salem al Abri và Giám đốc hãng Yugoimport-SDPR, ông Jugoslav Petkovic ký kết.

Tổng đầu tư của UAE cho dự án có thể vượt quá 200 triệu USD.

Tên lửa của hệ thống tên lửa tiên tiến ALAS của Serbia tại triển lãm IDEX-2013, Abu Dhabi, 17. 2.2013 (с) TANJUG

Hợp đồng được ký là sự phát triển của biên bản ghi nhớ ký tháng 10/2012 giữa UAE và Serbia về các dự án hợp tác kỹ thuật quân sự, trong đó có hệ thống ALAS.

Hệ thống ALAS (Advanced Light Attack System) được Serbia phát triển từ năm 1990 với sự tham gia chủ yếu của công ty tư nhân EDePro (Engine Development and Production), vốn được thành lập trên cơ sở Phòng thí nghiệm chuyển động phản lực của Đại học tổng hợp Belgrade và hoạt động trong lĩnh vực vũ khí phản lực và động cơ tên lửa. Dự án được Yugoimport-SDPR tài trợ.

Tên lửa của hệ thống tên lửa tiên tiến ALAS của Serbia tại triển lãm IDEX-2013, Abu Dhabi, 17. 2.2013 (с) TANJUG

Ở dạng hiện tại, tên lửa có trọng lượng 50-55 kg, trọng lượng phần chiến đấu 10 kg, chiều dài 2.040 mm, đường kính 175 mm, sải cánh của cánh hình chữ thập gấp được là 1.450 mm.

Tên lửa sử dụng hệ dẫn lệnh, bao gồm đầu tự dẫn truyền hình-ảnh nhiệt với hình ảnh và lệnh điều khiển được truyền theo cáp sợi quang.

Tên lửa được trang bị 1 động cơ turbine phản lực tiểu hình ТММ-404 lực đẩy gần 40 kg (kết hợp với 1 động cơ khởi tốc nhiên liệu rắn) do EDePro phát triển. ALAS có tầm bắn đến 25 km ở tốc độ hành trình 180 m/s, nhưng hãng phát triển cho biết có thể tăng tầm bắn tên lửa lên đến 60 km.

Ngoài ra, còn có biến thể nhẹ hơn và rẻ tiền hơn của ALAS, có tên là LORANA chỉ được trang bị 1 động cơ nhiên liệu rắn và có tầm bắn tối đa giảm xuống còn 9 km. Việc phát triển ALAS tiến triển rất chậm do thiếu kinh phí. Hiện nay, mới chỉ chế tạo được các mẫu trình diễn công nghệ.

Tuy nhiên, đến nay, việc thiếu kinh phía đã ngăn cản việc hoàn thiện ALAS. Hỗ trợ tài chính của UAE sẽ cho phép đẩy nhanh đáng kể chương trình.

Tên lửa chống tăng có điều khiển ALAS là một tên lửa đa năng hạng nặng, dùng để tiêu diệt các mục tiêu mặt đất như xe tăng (chức năng chính), các sở chỉ huy, cơ sở công nghiệp, cũng như tàu xuồng nhỏ, trực thăng bay thấp, bộ binh. Để tiêu diệt lô cốt, công sự và các mục tiêu điểm khác, đầu đạn lõm được thay bằng đầu đạn nhiệt áp.

Tên lửa có độ chính xác cao nhờ sử dụng hệ dẫn ảnh nhiệt có truyền dữ liệu theo cáp sợi quang. Theo các nhà thiết kế, ALAS là tên lửa chống tăng có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở tầm đến 25 km khi không thể quan sát trực tiếp.
 
ALAS được phát triển làm vũ khí tấn công có khả năng phóng từ mặt đất (lắp trên xe bánh lốp, bánh xích), mặt biển (lắp trên tàu nhỏ) và trên không (từ trực thăng). Tên lửa được trang bị đầu tự dẫn truyền hình hoặc ảnh hồng ngoại, có thể truyền hình ảnh cho xạ thủ qua kênh liên lạc sợi quang.

Dải tầm 25 km là tối ưu đối với cáp quang, nhưng các nhà thiết kế cho biết, cáp này sẽ bảo đảm khả năng hoạt động của hệ thống cả đến tầm 60 km (đang phát triển biến thể có tầm bắn này).

ALAS được xếp vào chủng loại hệ thống vũ khí chiến thuật trợ chiến bộ binh. ALAS có thể tiêu diệt các mục tiêu không cơ động ở chế độ tự hoạt, mục tiêu chọn trước với sự tham gia điều khiển tích cực của xạ thủ, cũng như ở chế độ tự do sục sạo.

Tính đa năng của hệ thống còn được phản ánh ở khả năng thay đổi nhiệm vụ (theo quyết định của xạ thù trong quá trình thực hiện nhiệm vụ), cơ động trong khu vực tác chiến, thay đổi kiểu loại phần chiến đấu (tùy thuộc nhiệm vụ), cũng như lập trình quỹ đạo bay trên cơ sở dữ liệu về mục tiêu và các tham số đường bay (dữ liệu được nạp vào bộ nhớ máy tính trên khoang trước khi thực hiện nhiệm vụ).

ALAS có thể tích hợp vào các hệ thống lớn hơn và hoạt động phối hợp với các hệ thống mạng trinh sát cung cấp các thông tin cần thiết về mục tiêu.

Sau khi phóng đi bằng động cơ khởi tốc, ALAS tiếp tục bay ở độ cao 300-500 m (tùy thuộc bề mặt địa hình) bằng động cơ turbine phản lực 400N ТММ-40.

Khi tấn công tàu, tên lửa có thể bay ở độ cao mấy mét trên mặt biển. Ở giai đoạn bay hành trình, việc điều khiển bay được thực hiện theo dữ liệu lập trình trước, khi tên lửa bay đến khu vực mục tiêu, xạ thủ giành lấy quyền điều khiển và điều khiển bằng cần điều khiển và màn hình.

Tên lửa có tốc độ tương đối thấp và khả năng thay đổi góc quan sát của đầu tìm tạo ra khả năng hạn chế trong trinh sát chiến trường, tức là sử dụng ALAS như một máy bay không người lái.

Các bộ phận của tên lửa chống tăng hạng nặng ALAS đã được thử nghiệm đầy đủ và tên lửa đã thực hiện một số lần bay thử.
 



Tính năng kỹ-chiến thuật của ALAS:

Đường kính: 175 mm;
Chiều dài: 2040 mm;
Sải cánh: 1040 mm;
Trọng lượng: 50 kg;
Trọng lượng phần chiến đấu: 10 kg;
Tốc độ tối đa: 180 m/s;
Tầm bắn: 5-25 km.

Nguồn: altair.com.pl, edepro.com, dogswar.ru, virtualmarket.ila-berlin.de, janes.com, defencetalk.com; topwar (Piotr Ulyakin), 28.1.2013; bmpd, 19.2.2013; MP, 22.2.2013.

Print Print E-mail Print