Vietnamdefence.com

 

Chương trình Ám kiếm của Trung Quốc

VietnamDefence - Trung Quốc đã có bước nhảy vọt về chất trong 10-15 năm qua trong xây dựng hạ tầng khoa học và công nghệ UAV. Các loại UAV mới của Trung Quốc hiện có tính năng ngang bằng, thậm chí ở một số khía cạnh còn ưu việt hơn các loại tương đương của Mỹ. Các loại UAV này có giá cạnh tranh và do đó, có tiềm năng xuất khẩu cao.


Hoạt động phát triển máy bay không người lái (UAV) của Trung Quốc nói chung phù hợp với các xu hướng toàn cầu. Mặc dù do sự lạc hậu về công nghệ tồn tại cho đến gần đây, Bắc Kinh đã nhấn mạnh vào việc sao chép các UAV của Mỹ và Israel.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã có bước nhảy vọt về chất trong 10-15 năm qua trong xây dựng hạ tầng khoa học và công nghệ UAV. Các loại UAV mới của Trung Quốc hiện có tính năng ngang bằng, thậm chí ở một số khía cạnh còn ưu việt hơn các loại tương đương của Mỹ. Các loại UAV này có giá cạnh tranh và do đó, có tiềm năng xuất khẩu cao. Ví dụ điển hình là UAV trinh sát CH-5 (Caihong-5, Cầu vồng-5).

Các UAV của quân đội Trung Quốc có các nhiệm vụ giống như các UAV của quân đội Mỹ. Các nhiệm vụ chính là: 
  • Trinh sát; 

  • Chỉ thị mục tiêu; 

  • Tấn công mục tiêu mặt đất bằng tên lửa; 

  • Tác chiến điện tử;

    CH-5
Ngày nay, UAV chủ yếu được dùng trong các chiến dịch chống lại các kẻ địch phi đối xứng và thường là trang bị kém hơn về công nghệ như các quốc gia nhỏ, các địa bàn tranh chấp thông qua chiến tranh gián tiếp bằng các lực lượng ủy nhiệm, khủng bố/nổi dậy... Đồng thời, với trình độ công nghệ hiện nay, thật khó tưởng tượng một cuộc xung đột giữa các nước lớn mà không có việc sử dụng ồ ạt UAV.

Khác với Mỹ, Trung Quốc không có nhiều kinh nghiệm sử dụng UAV trong tác chiến, song một số người cho rằng, các UAV Trung Quốc được sử dụng chẳng hạn ở Myanmar và Lào là do các nhân viên Trung Quốc vận hành. Quân đội Trung Quốc đang tích cực sử dụng UAV để giám sát biển và biên giới trên bộ, và chống cướp biển.

UAV đang có vai trò lớn trong các hoạt động của quân đội Trung Quốc nhằm theo đuổi các lợi ích khu vực và toàn cầu của Trung Quốc. Bắc Kinh đang tìm cách xây dựng năng lực quân sự cho phép họ hành động hiệu quả cả trong xung đột gián tiếp và trực tiếp với kẻ địch tiên tiến về công nghệ, mà đầu tiên và trước hết là Mỹ. Do đó, các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự Trung Quốc đang theo đuổi việc phát triển các loại vũ khí mới, trong đó có các UAV siêu âm và siêu vượt âm.

Một trong những con đường phát triển các UAV tương lai đó là chương trình AVIC 601-S. Nó đã dẫn đến việc chế tạo các mẫu thử nghiệm như Thiên nỗ (Tian-Nu hay Tiannu, Sky Crossbow), Phong nhận (Fengren hay Wind Blade, Vân cung (Yungong hay Cloud Bow), Chiến ưng (Zhanying hay  Warrior Eagle), Lợi kiếm (Lijian hay Sharp Sword) và Ám kiếm (Anjian hay Dark Sword). 

Các nhà khoa học Trung Quốc đang ráo riết thử nghiệm các kiểu thiết kế UAV khác nhau (cánh bay, cánh hình tên ngược...) và các công nghệ mới nhằm có được những giải pháp tối ưu cho UAV để tăng tốc độ, khả năng cơ động và tính năng tàng hình của chúng.

Một mô hình Ám kiếm

Ám kiếm với các hình ảnh xuất hiện trên truyền thông vào tháng 6/2018 là một UAV khác biệt về chất lượng, theo các đánh giá của các chuyên gia.

Mẫu concept của Ám kiếm được giới thiệu lần đầu với công chúng tại Triển lãm hàng không Chu Hải, tỉnh Quảng Đông vào năm 2006 và tại Triển lãm hàng không quốc tế lần thứ 47 tại Le Bourget vào năm 2007. Các hình ảnh được cho là chụp Ám kiếm đang bay xuất hiện sau đó, vào năm 2011, nhưng tính xác thực của chúng là đáng ngờ.

Ám kiếm đang được Viện thiết kế Máy bay Thẩm Dương phát triển trong khuôn khổ chương trình AVIC 601-S. Chi phí phát triển và sản xuất không được tiết lộ.

Những thông tin ít ỏi trên các nguồn công khai không cho phép đưa ra những kết luận chính xác về tính năng của UAV này, dẫn đến đồn đoán là nó có tốc độ siêu vượt âm. Những kết luận và phỏng đoán cập nhận đã được đưa ra chủ yếu dựa trên một bức ảnh Ám kiếm xuất hiện trên Internet.

Thiết kế của UAV cho thấy, các kỹ sư Trung Quốc muốn đạt được các mục tiêu: 
  • Tốc độ bay cao và bán kính bay lớn; 

  • Khả năng cơ động; 

  • Giảm độ bộc lộ radar;

Theo một số ước tính, Ám kiếm có thể đạt tốc độ 1 M, số khác thì cho là nó có tốc độ 2 M. Phỏng đoán đó được đưa ra dựa trên các tấm lái ở đuôi và cửa hút khí siêu âm, cố định (Diverterless Supersonic Inlet  - DSI). Điều đó cho phép giảm lực cản không khí ở tốc độ cao và độ bộc lộ radar. Các công nghệ tương tự đang được sử dụng trên các tiêm kích tàng hình, thế hệ 5 J-20 và J-31 của Trung Quốc và F-35 Lightning II của Mỹ.

Ám kiếm sẽ có sức cơ động cao nhờ có thiết kể kiểu cánh vịt và các cánh ổn định đứng kép. Đặc tính tàng hình của máy bay được nâng cao nhờ sử dụng vật liệu hấp thụ sóng radar và các cửa hút khí DSI. Người ta cho rằng, Ám kiếm có thể được sản xuất theo 2 biến thể: có người lái và không người lái. Chắc chắn nó sẽ được trang bị các loại tên lửa tiên tiến nhất của Trung Quốc như PL-15 và các biến thể của nó.

Các chuyên gia có quan điểm khác nhau về quá trình phát triển Ám kiếm. Theo tạp chí Military Watch Magazine, Ám kiếm có thể được đưa vào sử dụng trong tương lai gần và qua đó, trở thành tiêm kích thế hệ 6 đầu tiên trên thế giới. Không thể loại trừ điều đó, nhưng đây mới chỉ là một giá thử để thử nghiệm các công nghệ thế hệ mới. Chuyên gia Justin Bronk ở Viện nghiên cứu quốc phòng và an ninh RUSI của Anh nói rằng, “chúng ta chỉ thấy cái mà người Trung Quốc muốn chúng ta thấy”. Do đó, chúng ta không thể đánh giá được tính xác thực của bức ảnh hay phản ánh được những bối cảnh bức ảnh được chụp. Bởi vậy, không rõ liệu có phải Trung Quốc đang thực sự tài trợ cho một dự án sắp đạt đến giai đoạn hoàn tất, hay chỉ là tìm cách khiến các nước khác chi tiền cho những dự án tốn kém tương tự với tương lai bất định.

Nhiều khả năng Ám kiếm và các UAV khác thuộc chương trình AVIC 601-S chủ yếu là các mẫu thử nghiệm. Nhưng nếu Ám kiếm trở thành một vũ khí tác chiến thực sự, nó sẽ có tác động lớn lao đến các cuộc chiến tranh trong tương lai.

Ám kiếm có thể sử dụng không chỉ cho nhiệm vụ trinh sát và tấn công mucu tiêu mặt đất trong khuôn khổ học thuyết UAV hiện hữu mà còn đột phá phòng không và tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ đối phương. Nó có thể hoạt động độc lập như một UAV tiến công hoặc như một thành phần của lực lượng hỗ trợ các máy bay có người lái.

Với tầm bay tăng lên, Ám kiếm có thể được sử dụng để tấn công các mục tiêu mặt đất, trên không (kể cả cả UAV khác) và trên biển, chẳng hạn như các cụm tàu sân bay chiến đấu. Ám kiếm có thể được phát triển tiếp để có thể hoạt động từ tàu sân bay.

Ám kiếm sẽ trở thành phương tiện mang các loại vũ khí khác nhau, bao gồm tên lửa tầm xa không đối đất và không đối không, và cả vũ khí laser trong tương lai. Nó cũng có thể mang các hệ thống tác chiến điện tử hiệu quả cao gây nhiễu các hệ thống thông tin liên lạc mặt đất, trên không và trên biển. Cũng cần lưu ý khả năng sử dụng Ám kiếm như một UAV cảm tử, song điều đó ít khả năng xảy ra vì UAV này có giá trị lớn.

Việc huấn luyện nhân viên vận hành UAV sẽ tốn ít thời gian hơn huấn luyện phi công vì trình độ tay nghề của nhân viên vận hành UAV thấp hơn nhiều.
Mô hình Ám kiếm
Các nước khác có thể phản ứng với thách thức từ Trung Quốc theo một số cách thức.

Từ giác độ kỹ thuật, các nước khá sẽ tìm cách chế tạo các UAV tốc độ cao tương tự kết hợp với các hệ thống hiện có. Cách tiếp cận này sẽ đòi hỏi nhiều chi phí và thời gian. Nhiều khả năng Mỹ sẽ tiếp tục phát triển các công nghệ siêu vượt âm của mình.

Một cách tiếp cận khác là cải thiện hệ thống phòng không, tác chiến điện tử và có thể là trang bị vũ khí laser có khả năng đốt cháy thiết bị điện tử trên UAV. Do các UAV phụ thuộc vào các hệ thống liên lạc nên đây có lẽ là cách tiếp cận tối ưu. Vốn tụt hậu trong lĩnh vực phát triển UAV, nước Nga sẽ tìm cách cải tiến các hệ thống tác chiến điện tử của mình vốn là lĩnh vực thế mạnh của công nghiệp quốc phòng Nga. Mỹ cũng sẽ làm điều tương tự.

Từ giác độ hoạch định quân sự, sẽ diễn ra sự tái định hình khái niệm (reconceptualization) và hoàn thiện các cách tiếp cận hiện có. Người ta sẽ đặc biệt nhấn mạnh vào các nỗ lực trinh sát và tình báo để định vị các sở chỉ huy UAV và tấn công chúng bằng tất cả các loại vũ khí hiện có.
Mô hình Ám kiếm
Như vậy, trong mấy thập niên qua, Trung Quốc đã thiết lập được nền tảng công nghiệp để sản xuất UAV của mình. Đây là biểu hiện của chiến lược chính trị của Trung Quốc và được dẫn dắt bởi mong muốn của Bắc Kinh củng cố vị thế của mình như một siêu cường về công nghệ ngang hàng với Mỹ. Với các mẫu UAV đã đưa vào trang bị và các dự án tương lai đang tiến hành (ví dụ tên lửa không đối không cải tiến…), Trung Quốc sẽ cải thiện lớn vị thế của mình cả ở tầm mức khu vực và toàn cầu.

Khả năng và sự sẵn sàng của Trung Quốc thực hiện nhiều loại hoạt động ở các khu vực tiềm ẩn xung đột cao cũng sẽ gia tăng. Đồng thời, các đối thủ cạnh tranh chủ yếu và kẻ thù tiềm tàng của Trung Quốc cũng sẽ tăng cường đối phó với sự trỗi dậy của Bắc Kinh và tiềm ẩn dẫn tới sự leo thang căng thẳng trên toàn cầu.

Nguồn: CHINA’S DARK SWORD UAV PROGRAM, Southfront, 1.9.2018. 

Print Print E-mail Print