Vietnamdefence.com

 
Tags: UAV , UCAV , bom , Mỹ

Bom mới cho MQ-9 Reaper

VietnamDefence - Không quân Mỹ (USAF) thử nghiệm bom mới GBU-38 dẫn bằng GPS dùng cho máy bay không người lái tiến công (UCAV) MQ-9 Reaper.

MQ-9 Reaper
USAF đã lần đầu tiên sử dụng bom điều khiển bằng GPS GBU-38 từ UCAV chủ lực MQ-9 Reaper. Kho vũ khí mới sẽ cho phép Reaper tiêu diệt các mục tiêu theo tọa độ GPS trong mọi thời tiết bằng các loại bom đạn tương đối rẻ tiền.

Tại trường thử của căn cứ không quân Nellis, bang Nevada, một chiếc MQ-9 Reaper đã thả một quả bom GBU-38 kiểu JDAM (Joint Direct Attack Munition, bộ thiết bị sử dụng công nghệ GPS dùng để cải hoán các bom không điều khiển hiện có thành bom có điều khiển, mọi thời tiết). Như vậy, USAF đã thực hiện được một bước đi lịch sử, mở rộng mạnh mẽ kho vũ khí của Reaper và nâng cao khả năng tiến công của nó.

Ra đời để thay thế MQ-1 Predator lừng danh, MQ-9 Reaper đã trở thành UAV chủ lực của USAF, dùng cả cho nhiệm vụ trinh sát, lẫn tấn công chính xác. Nay thì kho vũ khí hiện có của MQ-9 gồm các tên lửa có điều khiển AGM-114 Hellfire, bom 500 bảng điều khiển bằng laser GBU-12 Paveway II có thêm loại bom GBU-38 rẻ tiền hơn nhiều, nhưng khá chính xác.

“Các loại bom kiểu JDAM mang lại cho máy bay những khả năng hoàn toàn mới liên quan đến hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu”, thông báo chính thức của USAF nêu rõ.

Bom GBU-38 (227 kg) gồm bộ thiết bị dẫn đường JDAM và bom không điều khiển Мk82, bắt đầu được phát triển vào năm 2002, sản xuất loạt từ tháng 12/2004. Mùa thu năm 2004, các máy bay F-16 và F/A-18 đã lần đầu tiên sử dụng trong thực chiến ở Iraq khi thả 2 quả bom GBU-38. Chúng đã tiêu diệt chính xác một tòa nhà 2 tầng, gây tổn thất phụ (thương vong cho dân thường và phá hủy không cần thiết đối với hạ tầng) tối thiểu.

Công nghệ JDAM cho phép sử dụng các loại bom này trong mọi thời tiết và với độ chính xác rất cao, chuyên gia sử dụng vũ khí của Lầu Năm góc, đại úy Scott giải thích. 

Việc sử dụng bom JDAM bắt đầu từ việc nạp nhiệm vụ chiến đấu vào các hệ thống của máy bay mang. Trong nhiệm vụ chiến đấu xác định rõ dải sử dụng, tọa độ mục tiêu và các thông số tự dẫn. Ngay sau khi bật nguồn cấp điện trên máy bay mang, các hệ thống của bom JDAM bắt đầu khởi động. Trong quá trình này, việc tự chẩn đoán và chỉnh khớp hệ dẫn quán tính của bom với hệ thống ngắm-dẫn đường của máy bay mang được thực hiện.

Ngay trước khi thả bom, hệ dẫn nhận được thông tin tọa độ hiện thời của máy bay mạng, tốc độ bay và tọa độ mục tiêu từ máy bay mang. Sau khi thả bom, hệ thống tự dẫn lái bom đến mục tiêu theo tọa độ đã nhận từ máy bay mang để điều khiển theo dữ liệu của hệ thống GPS. Sai số vòng tròn xác suất của bom là dưới 10 m so với mục tiêu.

“Ở chế độ chính xác nhất, hệ thống JDAM sẽ bảo đảm sai số dẫn vũ khí là 5 m hay thậm chí nhỏ hơn”, thông báo của USAF nêu rõ.

Tọa độ mục tiêu có thể nạp lên máy bay trước khi cất cánh, cũng có thể thay đổi bằng tay trước khi thả bom. Bom JDAM có thể sử dụng từ mọi độ cao, từ cực nhỏ đến tầng bình lưu. Nếu bom được lắp cánh thì tầm sử dụng sẽ tăng mạnh. Cánh bom bung ra sẽ giúp tăng tầm sử dụng bom từ 16-24 lên đến 64-96 km.

Tầm bay tối đa của bom, theo các tính toán có thể lên đế 75 km (khi thả ở độ cao khoảng 12.000 m và tốc độ 0,9М).

Tháng 4/2000, 2 quả bom có điều khiển thả từ tiêm kích F-16 từ độ cao 6.000 và 7.600 m ở tốc độ 0,8М đã rơi trúng điểm ngắm đã định. Tầm bay của chúng tương ứng là 43,2 và 65 km.
MQ-9 Reaper
Công nghiệp quốc phòng Mỹ và USAF đã bỏ ra mấy năm để tăng cường kho vũ khí cho MQ-9, các quan chức USAF cho hay. Từ năm 2015, Trung tướng Arnold Bunch, Phó Chánh văn phòng Thứ trưởng Không quân Mỹ về mua sắm vũ khí đã nói rằng, Bộ Không quân Mỹ đã bắt đầu quá trình mở rộng kho vũ khí cho MQ-9 khi phát triển giao diện vũ khí vạn năng.

“Chúng tôi đang xem xét vũ khí nào phải tích hợp vào UAV. Với mục tiêu đó, chúng tôi đang xem xét các phương án bất kỳ, kể cả bom đường kính nhỏ. Chúng tôi đang làm để có được giao diện vũ khí vạn năng với cấu trúc hệ thống mở”, Tướng Bunch nói.

Bom đường kính nhỏ SDB (Small Diameter Bomb) của Mỹ hiện có 2 biến thể chính là GBU-39 và GBU-40. Các bom có điều khiển này được trang bị cho quân đội Mỹ từ tháng 9/2006 và có khả năng tiêu diệt các hăng-ga và boong-ke bằng bê tông cốt thép bằng cách xuyên thủng tường của chúng. Thiết kế của bom cũng có các cánh xòe ra trong khi bay. Một tiêm kích thế hệ 5 F-22A Raptor có thể chứa trong các khoang bom 8 bom SDB.

Hiện nay, đang xem xét khả năng trang bị cho MQ-9 Reaper các bom GBU-39B, tầm sử dụng bom SDB có thể lên đến 75 km. Kích thước nhỏ của bom giúp làm giam tổn thất phụ và tạo cho MQ-9 khả năng tiêu diệt mấy mục tiêu trong một phi vụ chiến đấu.

Trong tương lai, giao diện vạn năng sẽ cho phép MQ-9 tích hợp các vũ khí áp dụng công nghệ mới gần như ngay sau khi vũ khí đó xuất hiện. Ngoài ra, không loại trừ một lúc nào đó trong tương lai, MQ-9 sẽ được trang bị tên lửa không đối không.

USAF hiện có 104 MQ-9 Reaper. Mới đây, các UAV này đã bắt đầu được lắp thêm thùng nhiên liệu để tăng tầm bay. Biến thể MQ-9 này có thêm ký hiệu ER (Extended Range, tăng tầm). UAV này cất cánh với 1,8 tấn nhiên liệu, cho phép đạt tầm bay 1.850 km. Thời gian bay liên tục đã tăng từ 16 lên 22 giờ.

Nguồn: gazeta, 11.5.2017.

Print Print E-mail Print