Vietnamdefence.com

 

Tên lửa chống hạm trong cuộc xung đột Ấn Độ-Pakistan năm 1971

VietnamDefence - Hai trận đánh đẹp của Hải quân Ấn Độ trong cuộc xung đột với Pakistan năm 1971.

VietnamDefence: Trong loạt bài về tác chiến hải quân trong chiến tranh hiện đại, xin trích giới thiệu phần nói về sử dụng tên lửa hành trình chống hạm trong tài liệu "Tên lửa hành trình chống hạm trong chiến tranh cục bộ".

Tàu tên lửa K83 lớp Vidyut của Ấn Độ phóng tên lửa

Cuộc xung đột quân sự giữa Ấn Độ và Pakistan bùng nổ ngày 21/11/1971 và kết thúc sau 2 tuần bằng thất bại hoàn toàn của Pakistan. Hải quân Ấn Độ với biên chế gồm 72 tàu xuồng, có ưu thế số lượng so với hạm đội Pakistan vốn chỉ có gần 30 đơn vị chiến đấu (tàu).

Trong cuộc xung đột, các lực lượng đối kháng đã thực hiện các nhiệm vụ khác nhau:

Nhiệm vụ chủ yếu của Hải quân Ấn Độ là phong tỏa các hải cảng của đối phương, ngăn chặn vận chuyển vũ khí, đạn dược và các hàng hóa quân sự khác bằng đường biển, cô lập khu vực Đông Pakistan với Tây Pakistan, ngăn cản các lực lượng tàu mặt nước đối phương ra khơi để tấn công các tàu và căn cứ của Hải quân Ấn Độ.

Việc thực hiện các nhiệm vụ quy mô chiến dịch-chiến lược đã đòi hỏi phải tiến hành các hành động tiến công trên biển, bao gồm các cuộc tấn công vào các mục tiêu quân sự của Pakistan ở vùng ven biển bằng các lực lượng không quân hải quân và pháo tàu, tiêu diệt các hạm tàu và tàu vận tải của đối phương ở biển Arab và vịnh Bengal, bảo đảm an toàn cho các tuyến đường biển của mình, phòng thủ các căn cứ hải quân và hải cảng, chi viện cho lục quân trên hướng ven biển.

Nhiệm vụ chủ yếu của Hải quân Pakistan - Hạm đội Pakistan được giao vai trò phụ trợ. Nó có nhiệm vụ bảo vệ bờ biển nước này chống đối phương đổ bộ đường biển, án ngữ các đường tiếp cận đến các căn cứ hải quân, hải cảng, phòng thủ chúng chống các cuộc tiến công của tàu chiến Ấn Độ, bảo vệ các tuyến đường biển của mình, yểm trợ hệ thống phòng không chung khi đánh trả các cuộc tiến công của không quân đối phương vào các căn cứ hải quân.

Ngày 4/12/1971, sau khi chính thức áp đặt phong tỏa đường biển đối với Pakistan, Bộ chỉ huy Hải quân Ấn Độ đã tiến hành 2 chiến dịch tập kích chống căn cứ hải quân hải quân ở Karachi bằng các cụm tàu mặt nước đột kích hỗn hợp.

Cụm tàu đầu tiên trong các cụm tàu đó được thành lập với biên chế 2 tàu hộ vệ và 3 tàu (xuồng) tên lửa. Các tàu tên lửa có nhiệm vụ tấn công các tàu Pakistan bằng tên lửa. Nhiệm vụ bảo vệ từ hướng biển và tấn công bằng pháo vào các mục tiêu bờ được giao cho các tàu hộ vệ. Kế hoạch chiến dịch có trù tính sự phối hợp với máy bay của lực lượng không quân.

Tàu hộ vệ lớp Petya II của Ấn Độ

Với tư cách các biện pháp chuẩn bị sơ bộ, các máy bay Ấn Độ đã tiến công các sân bay Pakistan ở khu vực Karachi có nhiệm vụ bảo vệ căn cứ và cảng. Vài giờ sau cuộc oanh tạc, cụm tàu mặt nước đột kích giữ chế độ im lặng vô tuyến, tiến vào vị trí xuất phát. Ở cự ly cách bờ gần 20 hải lý, các tàu hộ vệ Ấn Độ dừng chạy và thả trôi, còn các tàu tên lửa tiếp tục chạy chậm đánh lạc hướng các đài quan sát trên bờ.

Đang làm nhiệm vụ cảnh giới, tàu khu trục PNS Khyber của Pakistan được bộ chỉ huy căn cứ phái đi để nhận dạng các mục tiêu.

Tàu tên lửa Ấn Độ dẫn đầu sau khi phát hiện tàu khu trục Pakistan lập tức tấn công nó bằng 2 quả tên lửa và đánh chìm tàu khu trục này, còn một tàu tên lửa khác thì phát hiện và tiêu diệt tàu quét lôi cảnh giới PNS Muhafiz. Sau đó, các tàu tên lửa tiến đến gần bờ và phóng 2 quả tên lửa vào Karachi. Thay chân các tàu tên lửa, các tàu hộ vệ Ấn Độ chạy hết tốc lực và từ cự ly tối thiểu đã bắn phá các mục tiêu bờ và các tàu Pakistan đang đậu trong căn cứ. Một tàu quét lôi bị thương. Đối phương không hề chống cự. Cụm tàu đột kích Ấn Độ yên lành rút khỏi khu vực ở tốc độ tối đa.

Ngày 9/12, Bộ chỉ huy Hải quân Ấn Độ tổ chức thêm một chiến dịch tập kích bằng 2 cụm tàu đột kích hỗn hợp. Một cụm gồm 2 tàu hộ vệ và 4 tàu tên lửa, cụm kia gồm các tàu trang bị pháo mạnh (1 tàu tuần dương, các tàu khu trục và các tàu hộ vệ).

Cụm tàu đầu tiên thực hiện đòn tấn công bằng pháo và tên lửa vào Karachi khi phóng 4 quả tên lửa vào các kho dầu và bắn phá căn cứ hải quân. Các tàu ở cụm thứ hai thì chạy dọc bờ và pháo kích hàng loạt mục tiêu quân sự đối phương. Kết quả của chiến dịch là 12 trong 34 kho dầu bị thiêu cháy, các mục tiêu bờ, 4 tàu Pakistan và 1 tàu Anh bị tổn hại. Binh đoàn tàu Ấn Độ không bị tổn thất gì.

Sau đó, để bảo đảm hoạt động của các tàu tên lửa, người ta liên tục sử dụng các tàu hộ vệ. Trong biên chế các cụm tàu đột kích hỗn hợp thường bao gồm 2 tàu pháo và 4-5 tàu tên lửa. Các cụm tàu hoạt động ban đêm, giữ chế độ im lặng vô tuyến. Chạy chậm, đóng giả các tàu cá, chúng tiến gần Karachi, sau đó chạy tốc độ cao, tấn công thần tốc các tàu đang ở trong cảng bằng pháo và tên lửa.

Tàu tên lửa Liên Xô lớp Osa I tương tự các tàu tên lửa lớp Vidyut của Ấn Độ đã tấn công Pakistan ngày 4/12/1971
Theo các chuyên gia quân sự nước ngoài, các tàu tên lửa Ấn Độ đã có hiệu quả chiến đấu cao là nhờ:

• Bộ chỉ huy Ấn Độ biết rõ biên chế, tình trạng và khả năng của Hải quân Pakistan và tùy thuộc tình hình thực tế, đã đưa ra được các quyết định có căn cứ và đúng đắn;

• Các tàu tên lửa Ấn Độ đã hiệp đồng chặt chẽ với không quân của mình. Không quân Pakistan đã không thể đối kháng các tàu tên lửa Ấn Độ vì các máy bay Ấn Độ đã oanh kích bằng bom vào các sân bay ở khu vực Karachi và loại khỏi vòng chiến các đường băng cất/hạ cánh;

• Trong quá trình huấn luyện chiến đấu của Hải quân Ấn Độ trước khi bùng nổ xung đột vũ trang, các tàu chiến Ấn Độ đặc biệt chú trọng tập luyện các khoa mục bơi chung và chiến thuật sử dụng tên lửa;

• Các tàu tên lửa Ấn Độ chỉ phải đối phó với các tàu mặt nước lạc hậu, không có phương tiện phòng không hiệu quả của Pakistan.

Đa số các nhà quan sát phương Tây đánh giá, Hải quân Pakistan đã tỏ ra không sẵn sàng đánh trả các cuộc tiến công bằng tên lửa, các phương tiện tác chiến điện tử đã không được sử dụng trong thời gian diễn ra các sự kiện này.

Nguồn: Tên lửa hành trình chống hạm trong chiến tranh cục bộ. Cuộc xung đột Ấn Độ-Pakistan năm 1971 / A.V.  Ryabchikov.

Print Print E-mail Print