Vietnamdefence.com

 

Chiến dịch Mãn Châu (9.8-2.9.1945)

VietnamDefence - Chiến dịch chiến lược tiến công của QĐ LX-Mông Cổ trong chiến tranh Xô-Nhật (1945) nhằm diệt đạo quân Quan Đông Nhật, giải phóng Đông Bắc TQ (Mãn Châu) và Bắc Triều Tiên, đập tan căn cứ kinh tế quân sự-bàn đạp chiến tranh của Nhật trên lục địa, góp phần kết thúc CTTG-II ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tổng số quân Nhật ở Đông Bắc TQ và Bắc Triều Tiên trên 1.000.000, gồm đạo quân Quan Đông (các phương diện quân 1 và 3, Tập đoàn quân 4 độc lập, Tập đoàn quân không quân 2, Hải đoàn sông Tùng Hoa; từ ngày 10.8 được phối thuộc thêm Phương diện quân 17 và Tập đoàn quân không quân 5 đóng ở Triều Tiên) với 1.155 xe tăng, 5.360 pháo, cối, 1.800 máy bay, 25 tàu chiến; ngoài ra, còn một lực lượng lớn cảnh sát, lính đường sắt và quân của quận vương Đê Van ở Mãn Châu và Nội Mông.

Quân Nhật chủ trương dựa vào các tuyến phòng ngự vững chắc và các dãy núi lớn để cố thủ, chặn cuộc tiến công của QĐ LX (Liên Xô) và Mông Cổ; đã xây dựng 17 khu vực phòng thủ dài 1.000km với trên 8.000 cứ điểm hoả lực lâu bền tại những miền giáp giới LX và Mông Cổ.

QĐ LX-Mông Cổ lập ra Bộ tổng tư lệnh ở Viễn Đông dưới sự chỉ huy chung của nguyên soái LX A.M Vasilevsky, trong biên chế có 1.500.000 người, gồm 3 phương diện quân: Zabaikal, Viễn Đông 1, Viễn Đông 2, các đơn vị QĐND Cách mạng Mông Cổ, Hạm đội Thái Bình Dương và Hải đoàn Cờ Đỏ sông Amur, với 26.000 pháo, cối, 5.300 xe tăng và pháo tự hành, 5.200 máy bay, 93 tàu chiến.

  • Ngày 9.8, các cụm đột kích của các phương diện quân LX chuyển sang tiến công trên 3 hướng: Phương diện quân Zabaikal từ Mông Cổ và Zabaikal tiến công theo hướng Đại Hưng-An Sơn; Phương diện quân Viễn Đông 2 từ sông Amua theo hướng sông Tùng Hoa; Phương diện quân Viễn Đông 1 từ biển theo hướng Cáp Nhĩ Tân.
    Không quân ném bom dồn dập vào các mục tiêu quân sự ở Cáp Nhĩ Tân, Trường Xuân, Cát Lâm…; hạm đội đánh phá các căn cứ hải quân Nhật ở Bắc Triều Tiên.
  • Đến ngày 20.8, Phương diện quân Zabaikal đã vượt qua các thảo nguyên, sa mạc Gobi, dãy Đại Hưng An, diệt các cụm quân Nhật ở Cangan, Xôlun, Khaila, tiến vào An Sơn và Trường Xuân.
    Kỵ binh và bộ binh LX-Mông Cổ tiến đến Trương Gia Khẩu, Thừa Đắc, cắt đứt liên lạc giữa đạo quân Quan Đông với lực lượng Nhật ở Bắc TQ. Phương diện quân Viễn Đông 1 vượt qua tuyến phòng ngự của Nhật đến Cát Lâm; hiệp đồng với các lực lượng đổ bộ của hạm đội Thái Bình Dương, đánh chiếm các căn cứ hải quân và giải phóng toàn bộ Bắc Triều Tiên đến vĩ tuyến 38.
    Phương diện quân Viễn Đông 2 hiệp đồng với Hải đoàn Cờ Đỏ sông Amur vượt sông thắng lợi ở khu vực Ussuri, chọc thủng tuyến phòng ngự của Nhật ở Sakhalin, Phục Tân, hợp quân cùng bộ đội Phương diện quân Viễn Đông 1 đánh vào Cáp Nhĩ Tân.  
  • Từ ngày 19.8, quân Nhật hầu như tan rã, bắt đầu ra hàng ở nhiều nơi.
  • Từ ngày 18-27.8, để đẩy nhanh quá trình tan rã của quân Nhật, QĐ LX tập trung lực lượng đổ bộ đường không và sử dụng các cụm quân cơ động đánh chiếm các thành phố lớn: Cáp Nhĩ Tân, An Sơn, Trường Xuân, Cát Lâm, Đại Liên, Bình Nhưỡng, cảng Lữ Thuận… phá vỡ ý định cố thủ rồi chuyển dần sang phản công của bộ chỉ huy Nhật.

Kết quả: Đạo quân Quan Đông-đạo quân tinh nhuệ và thiện chiến nhất của Nhật bị đập tan (bị chết tới 70.000, bị bắt làm tù binh gần 600.000, có 148 tướng); Mãn Châu được giải phóng, tạo thuận lợi trực tiếp cho cách mạng TQ và Triều Tiên. Đặc trưng của CDMC là đột kích thọc sâu mạnh từ nhiều hướng, chủ yếu là từ hai hướng Đông tây, vượt qua nhiều địa hình hiểm trở, thực hiện bao vây, chia cắt, tiêu diệt và dập tan ý đồ đối phó của đối phương. CDMC giữ vai trò quyết định trong việc đánh tan ý đồ đối phó của đối phương. CDMC giữ vai trò quyết định trong việc đánh tan quân Nhật ở Viễn Đông, buộc Nhật phải chấp thuận các điều kiện của hội nghị Postdam (17.7-2.8.1945), ngày 2.9 ký văn bản đầu hàng không điều kiện (xt văn kiện đầu hàng của phát xít Nhật, 1945), kết thúc CTTG-II (MH1008-1009).

  • Nguồn: TĐBKQS / Trung tâm TĐBKQS - BQP.-H.: QĐND, 2004.

Print Print E-mail Print