Vietnamdefence.com

 

Lực lượng tác chiến không gian mạng Estonia - nhỏ nhưng có võ

VietnamDefence - Lực lượng tác chiến không gian mạng ra đời ở Estonia với quân số chỉ tương đương 1 tiểu đoàn. Lực lượng này sẽ giao chiến như thế nào và với ai?


(Rick Wilking / Reuters)

Trong bối cảnh những vụ scandal liên quan đến tin tặc Nga được cho là liên tục can thiệp vào các cuộc bầu cử và các chiến dịch khác, Estonia đã thông báo sự ra đời của lực lượng tác chiến không gian mạng Cyber Command. Lực lượng này có quân số chỉ 300 người, nhưng vị Tư lệnh là Đại tá Andres Hairk đã tuyên bố quyết tâm chống lại kẻ địch không gian mạng hùng mạnh hơn. Hãy tìm hiểu các chiến binh mạng Estonia định giao chiến bằng cái gì, với ai và như thế nào.

Canh giữ các hệ thống mạng 

Trong Bảng xếp hạng toàn cầu về an ninh mạng 2017, Estonia chiếm vị trí cao nhất ở châu Âu và thứ 5 trên thế giới. Người Estonia đã bắt đầu xây dựng “pháo đài không gian mạng” của mình từ 10 năm trước. Nguyên cớ của việc này là sự kiện “Đêm người lính đồng” vào tháng 4/2007, khi mà việc di chuyển tượng đài người lính Soviet từ trung tâm ra ngoại ô thủ đô Tallin đã diễn ra cùng với các hoạt động phản đối dữ dội của đông đảo người Nga. Hồi đó, các cơ quan nhà nước Estonia đã hứng chịu vô số cuộc tấn công mạng mà tình báo Estonia cho là có bàn tay của Điện Kremlin.

Không lâu sau đó, vào tháng 5/2008, ở Tallin đã khai trương Trung tâm Phòng thủ mạng của NATO CCDCOE với sự tham gia của Estonia và các nước NATO khác như Czech, Pháp, Đức, Hungary, Italia, Latvia, Litva, Hà Lan, Ba Lan, Slovakia, Tây Ban Nha, Anh, Mỹ, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Bỉ, Bồ Đào Nha, cũng như một số nước không thuộc NATO như Áo, Thụy Điển và Phần Lan.

Sự hợp tác diễn ra rất thành công và tháng 11/2013, tại Estonia đã tổ chức cuộc diễn tập phòng thủ mạng lớn nhất tại thời điểm đó Cyber Сoalition-2013. Tham gia diễn tập có gần 500 người: hơn 100 nhân viên của Trung tâm Phòng thủ mạng của NATO ở Tallin và hơn 300 sĩ quan từ 32 nước (thành viên và đối tác của NATO). Kịch bản cuộc diễn tập không gian mạng tháng 11/2013 bao gồm việc đẩy lùi các cuộc tấn công mạng vào Estonia từ phía quốc gia xâm lược láng giềng tưởng định Botnia, tập dượt bảo vệ các nước NATO trước cuộc tấn công mạng quy mô lớn của đối phương.

Với sự trùng hợp kỳ lạ mà chưa đầy một tháng trước cuộc diễn tập này, các tài nguyên thông tin của Ukraine, Nga, Ba Lan và các nước Baltic đã hứng chịu những cuộc tấn công mạng giống như thật, chứ không phải tấn công tập. Ngay cả website của Bộ Quốc phòng Estonia cũng đã dừng hoạt động trong mấy giờ.
Trung tâm Phòng thủ mạng của NATO (CCDCOE)

Sau đó, một nhóm chuyên gia NATO làm việc tại Trung tâm ở Tallion đã viết cuốn sách hướng dẫn cho trường hợp chiến tranh mạng The Tallinn Manual, trong đó có cả thông tin về cách thức bảo vệ các bệnh viện, nhân vật dân sự và các quốc gia trung lập trước các cuộc tấn công mạng. Mới đây, đã xuất bản phiên bản cập nhật của tài liệu này là The Tallinn Manual 2.0.

Mùa xuân hàng năm, ở Tallin lại tổ chức hội nghị về phòng thủ mạng CyCon tập hợp các chuyên gia từ khắp thế giới. CCDCOE hàng năm cũng tổ chức cuộc diễn tập lớn nhất thế giới Locked Shields. Chẳng hạn, theo kịch bản diễn tập năm 2017, tin tặc của quốc gia thù địch Crimsonia đã tấn công quốc gia tưởng định nhỏ bé Berylia để tìm cách gây tổn hại, ngắt và chiếm quyền kiểm soát các hệ thống cấp điện, cây xăng, hệ thống quan sát từ máy bay không người lái, các dịch vụ thư điện tử và các trang mạng Internet.

Mục tiêu chính của “kẻ địch” là làm tê liệt hoạt động của một căn cứ không quân của Berylia. Nguyên mẫu của quốc gia nhỏ bé nhanh chóng được đoán ra - đó là Estonia với căn cứ không quân Ämari của NATO trên lãnh thổ nước này. Quốc gia xâm lược cũng dễ dàng được đoán ra  vì trước cuộc tấn công của Crimsonia đã diễn ra các cuộc bạo loạn đường phố do cộng đồng thiểu số Crimsonia tổ chức ở Berylia. Theo kịch bản, Đội Xanh trong điều kiện bị Đội Đỏ tấn công mạng phải bảo đảm hoạt động cho các mạng của căn cứ quân sự Berylia.

Năm 2018, cuộc diễn tập Locked Shields đã diễn ra với quy mô không nhỏ hơn. Lực lượng tham gia đã bảo vệ khoảng 4.000 hệ thống ảo chống lại hơn 2.500 cuộc tấn công. Ngoài ra, mỗi đội phải bảo vệ hơn 150 hệ thống công nghệ thông tin phức tạp.

Lần này có mấy đội đối địch với nhau và phần thẳng đã thuộc về đội liên quân NATO. Đứng thứ hai là đội Pháp và thứ ba là đội Đan Mạch. “Các đội giành chiến thắng là những người xuất sắc nhất về tất cả các tiêu chí. Lần đầu tiên trong các cuộc diễn tập như thế này, các đại diện NATO đã thi đấu thành một đội riêng, bao gồm các đại diện giỏi nhất cảu các cơ quan khác khác nhau của NATO”, một trong những nhà tổ chức cuộc diễn tập là Aare Reintam cho biết.
 
(Estonian World)

Điện thoại của tôi đổ chuông...

Đại diện CCDCOE Rain Ottis lưu ý rằng, ngày nay, điện thoại hay đồng hồ thông minh chính là máy tính, còn ô tô là cả một tập hợp những máy tính. “Trong cuộc diễn tập gần đây, chúng tôi đã có tình huống các camera IP và các thiết bị gia dụng thông minh khác đã bị tấn công. Chúng tôi thấy có ngày càng nhiều những thiết bị như thế đang được kết nối với Internet. Lực lượng tác chiến không gian mạng phải sẵn sàng bảo vệ các hệ thống đó”.

Ở Estonia người ta trông chờ từng phút các cuộc tấn công của những tin tặc Nga nham hiểm. Tháng 8/2017, một trường hợp thoạt nhìn thì nhỏ xíu đã gây ra không ít ồn ào: điện thoại thông minh của một lính nghĩa vụ Estonia đang tham gia tập trận trên biên giới với Nga đã bất ngờ bắt đầu chơi bài “nhạc rap nặng của người da đen”. Người lính này rất sửng sốt vì tất cả các ứng dụng trong điện thoại đã bị tắt để giữ pin, còn các file nhạc tải về thì không hề có trong máy điện thoại. Hơn nữa, điện thoại đã được khóa và đặt ở chế độ im lặng.

Sau đó, phía Estonia nói rằng, Nga có khả năng với tay đến những người lính của NATO thông qua các máy điện thoại di động của họ. “Nước Nga đã thử nghiệm thành công kỹ thuật không gian mạng của họ ở Ukraine và Syria”, chuyên gia bảo mật người Anh Keir Giles nói với tờ báo Postimees của Estonia. Hiện nay, theo thông tin của ông ta, người Nga có thể nghe lén các cuộc điện thoại của binh lính NATO, đọc các tin nhắn đi và đến, cũng như theo dõi vị trí của điện thoại.

Ông Giles cũng cho rằng, người Nga có khả năng gửi tin nhắn, gọi và nhận cuộc gọi, ghi lại cuộc hội thoại mà chủ nhân điện thoại không biết hoặc cắt đứt liên lạc và tùy ý sử dụng máy điện thoại thay vì chủ nhân của nó.

Quý hồ tinh, bất quý hồ đa

Trong số tất cả các nước Baltic, chính Estonia hiện nay có hạ tầng phát triển nhất cho chiến tranh không gian mạng. Bởi vì, ngoài CCDCOE, ở nước này còn có các bộ phận của Trung tâm Công nghệ thông tin của Liên minh Châu Âu (EU). Còn trong lực lượng dân phòng “Liên đoàn Phòng vệ Estonia” (Kaitseliit) của Estonia từ năm 2010 đã có một đơn vị an ninh mạng chuyên trách.

Từ đầu tháng 8/2018, Bộ Chỉ huy Không gian mạng (Cyber Command) đã bắt đầu đi vào hoạt động ở Estonia, phụ trách tất cả các vấn đề an ninh mạng trong lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Bộ Quốc phòng Estonia. Lễ thành lập đơn vị mới đã diễn ra trọng thể tại căn cứ của Tiểu đoàn tham mưu và liên lạc của Lực lượng Quốc phòng Estonia (Eesti Kaitsevägi, quân đội).
 
Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Jüri Luik tại lễ thành lập Bộ Chỉ huy Không gian mạng quân đội Estonia (Bộ Quốc phòng Estonia)

Đơn vị mới có quân số gần 300 người sẽ đạt trạng thái hoàn toàn sẵn sàng chiến đấu vào năm 2023. Chỉ huy đơn vị là Đại tá Andres Hairk, trực thuộc trực tiếp Tư lệnh quân đội Estonia. Bộ trưởng Jüri Luik cho biết, nhiệm vụ chính của đơn vị mới là tiến hành các chiến dịch yểm trợ cho Bộ Quốc phòng và quân đội Estonia khi thực hiện các nhiệm vụ đặt ra, cũng như tiến hành bảo vệ không gian mạng.

Vị Tư lệnh Bộ Chỉ huy Không gian mạng Estonbia không sẵn lòng nói về khả năng tấn công của đơn vị mới. Theo ông Hairk, những khả năng này sẽ được sử dụng để kiểm tra an ninh của chính các hệ thống thông tin-truyền thông của Estonia và tạo môi trường thực tế cho diễn tập. “Chẳng hạn, trong cuộc diễn tập mới đây, chúng tôi đã gửi các thư điện tử phishing (lừa đảo) để kiểm tra xem các thành viên tham gia diễn tập có xử lý được với thư điện tử khả nghi không. Nhưng khi có xung đột vũ trang, chúng tôi sẽ chi viện cho các chiến dịch quân sự của quân đội Estonia trên không gian mạng”, Đại tá Yuri Hairk cho biết.
Tư lệnh Bộ Chỉ huy Không gian mạng Estonia, Đại tá Andres Hairk (đi đầu) (Bộ Quốc phòng Estonia)

Ông Andres Hairk thừa nhận rằng, một trong những khó khăn chủ yếu đối với đơn vị của ông là tìm kiếm cán bộ có trình độ cao. “Tất nhiên, đây là nhiệm vụ khó khăn bởi vì chúng tôi không phải lúc nào cũng cạnh tranh được với khu vực tư nhân. Nguồn nhân lực chính để tìm kiếm nhận sự có trình độ cao là tổ chức tình nguyện “Liên đoàn Phòng vệ Estonia” (Kaitseliit), các cơ quan/đơn vị dự bị và lính nghĩa vụ. Những kiến thức được giảng dạy trong trường học cũng có thể được ứng dụng trong lĩnh vực quốc phòng. Vì vậy, chúng tôi huy động cả lính nghĩa vũ có trình độ kỹ năng IT nhất định”, Đại tá Andres Hairk nói.

So với các nước khác, Estonia hiện có lực lượng tác chiến mạng khiêm tốn nhất về quân số. Trong khi Đức chẳng hạn dự định đến năm 2021 tăng quân số lực lượng tác chiến không gian mạng của mình lên tới 13.500 người, trong lực lượng tác chiến mạng Mỹ hiện đã có 19.000 quân, còn của Nga, nếu như tin vào số liệu của Deutsche Welle, thì ít nhất có 1.000 quân. Nhưng điều đó không làm phiền lòng người Estonia vì theo các vị chỉ huy, họ dự định chiến thắng trong không gian ảo bằng sự tinh nhuệ, chứ không phải bằng số lượng.

Nguồn: Lenta, 7.9.2018.

Print Print E-mail Print