Vietnamdefence.com

 

Kịch bản chiến tranh với Trung Quốc: Mỹ giành ưu thế (1)

VietnamDefence - Theo khái niệm Tác chiến không-biển (Air-Sea Battle Operational Concept), chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ diễn ra theo hai giai đoạn.

Đánh chìm tàu sân bay và tàu chiến Mỹ là mơ ước ấp ủ của giới diều hâu Trung Quốc

>> Kịch bản chiến tranh với Trung Quốc: Mỹ giành ưu thế (2)

Giai đoạn một sẽ là chặn đứng các cuộc tiến công ban đầu, chủ yếu là các cuộc tiến công bằng tên lửa, của quân đội Trung Quốc, cũng như hạn chế thiệt hại về quân đội và sự tổn hại của các căn cứ quân sự của Mỹ và đồng minh.

Khó nhất đối với quân đội Mỹ sẽ là bảo vệ các căn cứ và hải cảng, cũng như các tàu mặt nước cỡ lớn của Hải quân Mỹ nằm trong tầm hoạt động của tên lửa, máy bay và tàu ngầm của quân đội Trung Quốc. Trong những ngày đầu xung đột, khó có thể duy trì được lực lượng hải quân mặt nước lớn của Mỹ trong bán kính đến chuỗi đảo thứ nhất. Cần chấp nhận là Mỹ bị đặt vào tình thế quân sự còn khó khăn hơn khi sự căng thẳng chính trị và quân sự gia tăng trong khu vực sẽ buộc người Mỹ phải điều động lên các vị trí phía trước những lực lượng quân sự lớn nhằm thuyết phục các đồng minh tin tưởng vào ý định bảo vệ họ của Mỹ (đây là việc tung sức mạnh nhằm mục tiêu chính trị). Nhưng đồng thời, điều đó sẽ phản tác dụng về mặt quân sự bởi vì nó lập tức kích động một cuộc tấn công ồ ạt của Trung Quốc vào các vị trí này.

Dự kiến hành động của các bên

Các tàu chiến của Mỹ và Nhật Bản trang bị hệ thống AEGIS để chống tên lửa sẽ được lệnh chiếm lĩnh các vị trí bảo vệ đã định. Các tàu chiến mặt ước có giá trị chiến đấu lớn như tàu sân bay sẽ được rút khỏi tầm hoạt động của các lực lượng/phương tiện chống tiếp cận/phong tỏa khu vực (A2/AD) của Trung Quốc và sẽ bắt đầu liên tục cơ động để đối phó với các cuộc tiến công của đối phương. Các tàu tác chiến điện tử dùng để chế áp và đánh lừa đối phương cũng sẽ chiếm lĩnh các vị trí đã định. Các tàu ngầm của các nước đồng minh với Mỹ cũng sẽ được triển khai ở các vị trí chiến đấu phía trước đã định dọc theo chuỗi đảo thứ nhất, cụ thể là dọc theo các eo biển của quần đảo Ryukyu và ngang qua eo biển Luzon.

Những vị trí này tạo ra những điều kiện tốt cho cuộc chiến tranh tàu ngầm bởi vì các tàu ngầm Trung Quốc phải đi qua nhiều lần ở những địa điểm nguy hiểm đối với chúng các khu vực dọc quần đảo Ryukyu (các tàu ngầm Trung Quốc tính năng yếu, có tầm hoạt động nhỏ, sức chiến đấu thấp và thường xuyên phải vào cảng để bổ sung nhiên liệu). Điều đó rất quan trọng từ góc độ địa lý khu vực ở phương diện điều đó có thể tận dụng triệt để để tác chiến chống tàu ngầm Trung Quốc. Các tàu ngầm tiến công của Mỹ trái lại sẽ chiếm các vị trí ở các vùng biển ven bờ biển Trung Quốc để tấn công vào các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Trung Quốc, cũng như vào các hệ thống sonar ngầm và các sensor ở gần bờ biển. Những tàu ngầm còn lại sẽ làm nhiệm vụ các căn cứ quân sự Mỹ quan trọng nhất như Guam và các quân cảng ở Hawaii và kiểm soát hoạt động đi lại của các tàu Trung Quốc ở phía tây biển Philippines.

Giả thiết là căn cứ quân sự Kadena ở Nhật, căn cứ Guam và các căn cứ ở quần đảo Mariana sẽ bị tiêu diệt hoặc bị phá hủy tạm thời vì cuộc tấn công tên lửa của Trung Quốc ở ngay đầu cuộc xung đột, vũ khí trang bị của Mỹ sẽ được đưa đến các căn cứ ở miền đông Nhật Bản để tăng cường khả năng phòng thủ của Nhật chống các cuộc tấn công xuất phát từ biển Nhật Bản và biển Hoa Đông. Vũ khí trang bị (máy bay, đạn dược, nhiên liệu…) được chuyển nhanh chóng và thành công đến miền đông Nhật Bản sẽ tăng cường khả năng phòng ngự của Nhật, cũng như bảo toàn triển vọng thắng lợi cuối cùng. Các vũ khí trang bị còn lại có thể đến từ Mỹ hay khu vực vịnh Persique nhanh nhất là sau một tuần.

Tiếp đó, người Mỹ sẽ tập trung làm “mù” các trung tâm chỉ huy quân đội Trung Quốc bằng cách tiêu diệt các vệ tinh Trung Quốc trong vũ trụ, cũng như các hệ thống radar kiểm soát không phận bố trí trên bờ biển và giành quyền khống chế không gian mạng. Việc bịt mắt đối phương sẽ khiến Trung Quốc không còn khả năng đánh giá mức độ thành công của các cuộc tấn công của họ và đánh giá tổn thất chiến đấu gây ra, điều đó dẫn đến không thể nắm bắt tình hình hiện tại và tiêu hao phương tiện chiến đấu vào các mục tiêu đã bị tiêu diệt hoặc không quyết định tấn công phù hợp để tiêu diệt.

Ngay sau khi bịt mắt thành công đối phương, người Mỹ sẽ phát động tấn công vào các bệ phóng tên lửa tầm trung và tầm xa, cũng như các hệ thống vũ khí tiến công khác của Trung Quốc. Đó là mục tiêu then chốt mà khi thực hiện hành công sẽ cho phép tước bỏ khả năng của quân đội Trung Quốc giành chiến thắng nhanh chóng và không thể đảo ngược. Để giành thắng lợi trong các nhiệm vụ đó, cần sử dụng các máy bay tiến công tầm xa khó bị radar đối phương phát hiện của Không quân và Hải quân Mỹ (các máy bay hiện có của Hải quân Mỹ không có những tiêu chí này, còn bán kính hoạt động của chúng nhỏ hơn của các hệ thống vũ khí phòng thủ của quân đội Trung Quốc, nhưng tình hình này sẽ sắp thay đổi khi Hải quân Mỹ nhận vào trang bị loại máy bay không người lái tầm xa phát triển cho hải quân Х-47В), cũng như các tên lửa phòng từ tàu ngầm.

Các cuộc không kích nhằm vào Trung Quốc sẽ được thực hiện bởi các máy bay tiến công có thể đột phá hệ thống phòng không (các máy bay ném bom B-2) nên cho phép tiêu diệt các mục tiêu cơ động và khó xác định, cũng như bởi các máy bay tiến công oanh kích ồ ạt từ cự ly xa khi sử dụng các vũ khí trên khoang (các máy bay ném bom В-52 với tên lửa hành trình) để tiêu diệt các mục tiêu tĩnh tại. Việc lựa chọn các mục tiêu trên lãnh thổ Trung Quốc phải được giới lãnh đạo chính trị thông qua để tránh khả năng leo thang không thể kiểm soát các cuộc tấn công trả đũa nhằm vào các mục tiêu dân sự trên lãnh thổ Nhật Bản.

Ở giai đoạn này của cuộc chiến, sự hiệp đồng giữa không quân và hải quân sẽ được thể hiện rất rõ: các tàu chiến AEGIS sẽ bảo vệ không phận bên trên các căn cứ không quân của Không quân Mỹ, còn các tàu ngầm và máy bay không người lái tiến công tương lai sẽ vượt qua hệ thống phòng không và mở cửa không phận Trung Quốc cho các cuộc tấn công ồ ạt được thực hiện bởi các máy bay đa nhiệm không có khả năng tự đột phá phòng không đối phương.

Các hành động nêu trên sẽ giúp Mỹ giành lại thế chủ động trong tất cả các môi trường tác chiến mà trong chiến tranh siêu hiện đại sẽ bao trùm không trung, biển , vũ trụ và không gian mạng. Các nhà phân tích Mỹ cho rằng, giai đoạn đầu sẽ không ngắn bởi vì các thách thức tác chiến liên quan đến giai đoạn này sẽ rất lớn.

(Tiếp theo)

Nguồn: malanka, ukr-portal, 14.8.2013.   

Print Print E-mail Print