Vietnamdefence.com

 

Nga tập trận tình huống Syria bị tấn công

VietnamDefence - Obama hoan nghênh sáng kiến giải giáp vũ khí hóa học Syria, Thượng viện Mỹ hoãn bỏ phiếu đánh Syria, Hải quân Nga vẫn tập trận tình huống Syria bị tấn công.

Cuộc tập trận mô phỏng tiến hành trận chiến đấu trong tình huống Syria bị tấn công quân sự
Các thủy thủ đoàn của tàu chiến và tàu bảo đảm thuộc binh đoàn tác chiến Hải quân Nga đã tiến hành tập trận ở Địa Trung Hải.

Cuộc tập trận mô phỏng tiến hành trận chiến đấu trong tình huống Syria bị tấn công quân sự.

“Lực lượng của Hải quân đã tập dượt lần lượt toàn bộ các hành động, liên lạc, cũng như phòng không và chống ngầm bảo vệ các cụm tàu và các tàu đơn lẻ khi chiến sự nổ ra tại các khu vực chúng hiện diện. Việc bảo vệ chống biệt kích người nhái được đặc biệt chú ý”, Interfax-AVN dẫn một nguồn tin tại Bộ Tư lệnh Hải quân Nga.

Nguồn tin cũng khẳng định, khi xảy ra can thiệp của nước ngoài vào Syria, các tàu Nga sẽ ở cách các khu vực nguy hiểm đủ xa và cho biết thêm: “Chúng tôi chẳng định đánh chìm ai. Không ai giao nhiệm vụ đó cho chúng tôi”.

Trước đó, có tin tại Địa Trung Hải hiện có tàu khu trục chống ngầm cỡ lớn Đô đốc Panteleyev, tàu hộ vệ Neustrashimy, các tàu đổ bộ cỡ lớn Aleksandr Shabalin, Đô đốc Nevelskoi, Peresvet, Novocherkassk và Minsk.

Theo kế hoạch của Bộ Tổng tham mưu Nga, tàu trinh sát hạng trung SSV-21 Priazovie đang thực hiện nhiệm vụ đặc biệt tại khu vực này.

Báo chí Nga cho rằng, Mỹ quyết định xem xét lại kế hoạch đối với Syria không chỉ do những lý do đối ngoại mà cả vì sự uy hiếp quân sự gây ra bởi tàu trinh sát Priazovie của Hạm đội Biển Đen.

Tàu trinh sát SSV-201 Priazovie uy hiếp mạnh mẽ tàu chiến và máy bay Mỹ một khi nổ ra chiến tranh
Mỹ lo ngại Nga kiểm soát toàn bộ khu vực Syria ở Địa Trung Hải và truyền thông tin về sự di chuyển của các hạm tàu Mỹ, các vụ phóng tên lửa cho Syria. Điều đó sẽ làm giảm đáng kể cơ hội thành công của chiến dịch tấn công Syria.

Còn nếu Syria đã có các hệ thống S-300 thì Mỹ có nguy cơ hứng chịu những tổn thất chiến đấu nặng nề mà họ sẽ không thể che giấu công luận quốc tế cũng là do sự hiện diện của hạm đội Nga ở gần bờ biển Syria.

Về cơ bản, các lực lượng hải quân Nga tập trung ở tây và đông Địa Trung Hải.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga Aleksei Pushkov tuyên bố rằng, cuộc tập trận cho thấy, Nga sẽ không chấp nhận giải pháp quân sự cho cuộc xung đột Syria.

“Hải quân Nga bằng sự hiện diện của mình thể hiện rằng, chúng tôi rất chú ý đến tình huống này, rằng điều này được chúng tôi coi như một vấn đề then chốt của chính trị thế giới, rằng Nga đang theo dõi các sự kiện này và không định chấp nhận logic giải quyết vấn đề bằng chiến tranh”, ông Pushkov nói.

Trước đó, ngày 9/9, ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nêu sáng kiến với chính phủ Syria. Ông kêu gọi ông Bashar al-Assad đặt vũ khí hóa học vào dưới sự kiểm soát của cộng đồng quốc tế. Điều đó sẽ giúp tránh cuộc tấn công vào Syria. Các cường quốc đã hoan nghênh sáng kiến của Nga.

Trước đó, ngày 10/9, trả lời phỏng vấn báo chí Mỹ, ông Barack Obama đã tuyên bố rằng, ông vẫn chưa quyết định có cần dùng sức mạnh quân sự chống Syria hay không. Nhưng nếu như cộng đồng quốc tế có được một cơ chế khả thi và có thể kiểm tra để kiểm soát vũ khí hóa học ở Syria thì Mỹ sẽ ủng hộ điều đó. Ông Obama đã tuyên bố sẵn sàng xem xét mọi khả năng cho phép tránh hành động quân sự chống Syria. Trả lời câu hỏi liệu kế hoạch tấn công Syria có bị đóng băng không nếu Damascus thực sự đặt vũ khí hóa học dưới sự kiểm soát của quốc tế, ông Obama trả lời: Hoàn toàn đúng, nhưng không nói rõ thời gian tạm dừng là bao lâu.

Ngoài ra, cũng hôm 10/9, có tin Thượng viện Mỹ đã hoãn việc bỏ phiếu nghị quyết về Syria.

Bằng sáng kiến đặt vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát quốc tế, Nga đang cố gắng tránh cho Syria mọi sự khiêu khích và tạo cơ hộ cho Mỹ thoái thác cam kết oanh kích Syria một khi sử dụng vũ khí hóa học. Đây là cái cớ rất tốt đề Mỹ xuống thang. Nhìn chung, Mỹ tán thành sáng kiến này, nhưng vẫn để lại dư địa để xoay xở.

Trong khi đó, ngoại trưởng Pháp Laurent Phabius tiếp tục đe dọa tấn công Syria bất chấp sáng kiến của Nga. Ông Phabius nói rằng, đối với sáng kiến của Nga, Pháp vừa quan tâm, vừa thận trọng; quan tâm là vì đây là những bước đi đầu tiên có thể giúp tìm ra giải pháp, thận trọng là vì đây là sự thay đổi lập trường của Nga.

Nguồn: Russia Today, Telegrafist, RIA Novosti, 10.9.2013.

Print Print E-mail Print