VietnamDefence -
Việt Nam sắp tới sẽ lọt vào top 3 khách hàng mua vũ khí Nga nhiều nhất, Tổng giám đốc Trung tâm Phân tích mua bán vũ khí thế giới (TsAMTO) Igor Korotchenko cho biết.
Ông đưa ra bình luận như vậy đối với tin nói rằng, ngày 28/6, Nhà máy Admiralteiskye verfi ở St. Peterburg sẽ hạ thủy tàu ngầm đầu tiên trong số 6 tàu ngầm Projekt 636 mà Việt Nam đặt hàng.
“Căn cứ vào các chương trình cung cấp vũ khí Nga quy mô lớn cho Việt Nam đã chính thức công bố và những chương trình đang ở giai đoạn thảo luận, có thể khẳng định rằng, trong tương lai trung hạn, Việt Nam chắc chắn sẽ lọt vào nhóm 3 quốc gia nhập khẩu vũ khí Nga lớn nhất”, ông Korotchenko nói.
Quan hệ hợp tác Nga-Việt trong những năm gần đây đã có tính chất đối tác chiến lược. Nga hiện là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Việt Nam. Trong tương lai, hợp tác kỹ thuật quân sự song phương sẽ còn mở rộng hơn nữa.
Chương trình hiện đại hóa quân đội Việt Nam đang được tiến hành theo nhiệm vụ chiến lược đặt ra là đến năm 2020 trở thành nước công nghiệp mạnh với nền công nghiệp phát triển và quân đội trang bị hiện đại.
Hợp tác Nga-Việt đang được tiến hành trên tất cả các loại vũ khí trang bị.
Trước năm 1991, Liên Xô là nguồn cung chính cung cấp vũ khí trang bị hiện đại cho quân đội Việt Nam. Tổng lượng vũ khí Liên Xô cung cấp cho Việt Nam trong giai đoạn 1953-1990 là gần 16 tỷ USD, chủ yếu là viện trợ không hoàn lại.
Trong những năm sau đó (1991-1993), do yêu cầu của phía Nga về việc thanh toán bằng ngoại tệ chuyển đổi tự do theo giá thế giới, cũng như do Việt Nam không có khả năng đáp ứng yêu cầu này, việc cung cấp vũ khí và phụ tùng cho Hà Nội gần như đình chỉ.
Trong thời kỳ 1991-1993, Việt Nam đã cắt giảm mấy lần chi phí quốc phòng.
Để bảo đảm an ninh quốc gia, từ năm 1994, Việt Nam đã bắt đầu tăng chi phí mua sắm vũ khí.
Từ năm 1995, hợp tác quân sự Việt-Nga được bắt đầu đẩy mạnh đáng kể và trong 3 năm gần đây đã chuyển lên cấp độ đối tác chiến lược.
Hiện tại, 75% vũ khí trang bị của quân đội Việt Nam là do Liên Xô và sau đó là Nga cung cấp.
|
Theo đánh giá của TsAMTO, tỷ trọng của Nga trên thị trường vũ khí Việt Nam giai đoạn 2008-2011 là 92,5%, giai đoạn 2012-2015 sẽ tăng lên đến 97,6%.
Trong 4 năm qua (2008-2011), TsAMTO ước tính khối lượng hàng quân sự Nga xuất khẩu cho Việt Nam được ghi nhận (các hệ thống vũ khí thông thường theo danh mục đăng ký của Liên Hiệp Quốc) trị giá 1,879 tỷ USD, chiếm 6,3% tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Nga. Với con số đó, Việt Nam đứng thứ 5 trong danh mục khách hàng nhập khẩu vũ khí Nga, xếp sau Ấn Độ (8,214 tỷ USD), Algeria (4,749 tỷ USD), Trung Quốc (3,527 tỷ USD) và Venezuela (1,974 tỷ USD).
Đáng lưu ý là xuất khẩu vũ khí Nga sang Việt Nam chỉ bắt đầu tăng mạnh vào năm 2010 году (460 triệu USD). Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu vũ khí Nga sang Việt Nam đạt kỷ lục 1,372 tỷ USD nhờ việc thực hiện hàng loạt chương trình bán vũ khí hàng không và hải quân lớn.
Trong 4 năm tới (2012-2015), theo lượng đơn đặt hàng hiện tại, Việt Nam sẽ leo lên vị trí thứ tư trong số các nhà nhập khẩu vũ khí Nga hàng đầu. Khối lượng xuất khẩu vũ khí Nga cho Việt Nam dự báo cho giai đoạn 2012-2015 TsAMTO ước là 2,463 tỷ USD, chiếm 7,6% tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí Nga trên cơ sở các đơn hàng và kế hoạch mua sắm trực tiếp hiện tại. Trong giai đoạn 2012-2015, Việt Nam sẽ vượt qua Algeria và sẽ chỉ thua Ấn Độ (14,341 tỷ USD), Venezuela (3,183 tỷ USD) và Trung Quốc (2,766 tỷ USD).
Lượng vũ khí Nga xuất sang Việt Nam tính theo năm dự báo là 413 triệu USD vào năm 2012, 523 triệu USD - 2013, 768 triệu USD - 2014 và 758 triệu USD - 2015 году. Đó là chỉ tính các hệ thống vũ khí thông thường, tức là không tính đến việc xây dựng, trang bị hạ tầng các cơ sở quân sự, xây dựng các trung tâm dịch vụ và huấn luyện, cũng như các chương trình vũ trụ theo kênh hợp tác với Rosoboronoexport.
Theo ông Korotchenko, trong những năm gần đây, Việt Nam đã ký hàng loạt hợp đồng lớn mua vũ khí Nga.
Ví dụ, trong khuôn khổ chương trình hiện đại hóa triệt để Hải quân, Việt Nam đã trở thành một trong những khách hàng lớn nhất mua vũ khí hải quân Nga. Chương trình quy mô lớn nhất là mua sắm 6 tàu ngầm điện-diesel lớp Projekt 636 Kilo.
Nga và Việt Nam đã ký hợp đồng mua bán 6 tàu ngầm Kilo trị giá gần 2 tỷ USD vào cuối năm 2009. Các tàu ngầm Projekt 636 của Hải quân Việt Nam sẽ được trang bị hệ thống tên lửa Club-S.
Ba tháng sau khi ký hợp đồng trên, hai bên đã bắt đầu đàm phán về việc xây dựng căn cứ tàu ngầm và hạ tầng liên quan. Dự án này ước trị giá tương đương, thậm chí lớn hơn kinh phí mua 6 tàu ngầm.
“Đồng thời với việc xây dựng hạm đội tàu ngầm, Việt Nam đã bắt tay vào hiện đại hóa các tàu chiến mặt nước chủ lực, cũng như các tàu nhỏ các loại. Nga cũng chiếm tỷ trọng rất lớn trong các chương trình chính hiện đại hoá Hải quân Việt Nam”, Tổng giám đốc TsAMTO cho hay.
Cụ thể, đó là chương trình cung cấp tàu tuần tra Projekt 10412 (biến thể xuất khẩu của Projekt 10410 Svetlyak). Việt Nam đã nhận được tổng cộng 6 tàu tuần tra loại này, trị giá mỗi tàu gần 15 triệu USD. Dự án lớn thứ hai trong phân khúc tàu chiến nhỏ là chương trình cung cấp và đóng theo giấy phép các tàu lớp Molnya.
Một dự án lớn cung cấp frigate tên lửa cho Việt Nam cũng đang được thực hiện. Năm 2006, Rosoboronoexport đã ký với Hải quân Việt Nam hợp đồng trị giá 350 triệu USD cung cấp 2 frigate Projekt 11661 Gepard-3.9.
Đầu tháng 3/2011, tại quân cảng Cam Ranh đã diễn ra lễ thượng kỳ Việt Nam trên frigate Gepard-3.9 đầu tiên. Frigate thứ hai được đưa vào biên chế Hải quân Việt Nam vào cuối tháng 8/2011.
Theo số liệu của TsAMTO, vào tháng 12/2011, hợp đồng phụ cung cấp cho Việt Nam 2 tàu Gepard-3.9 đã được chuyển thành hợp đồng cứng.
Ngoài ra, Liên bang Nga đang đàm phán cung cấp thêm cho Việt Nam các hệ thống tên lửa bờ biển Bastion trong khuôn khổ khoản tín dụng do Nga cấp để mua một số loại vũ khí.
Theo hợp đồng đầu tiên, vào năm 2010 và 2011, Việt Nam đã nhận được 2 hệ thống K-300P Bastion-P.
Nga cũng đang thực hiện các dự án lớn cung cấp máy bay quân sự cho Việt Nam. Đầu năm 2009, Nga đã ký với Việt Nam hợp đồng trị giá gần 400 triệu USD cung cấp 8 tiêm kích Su-30MK2 không có vũ khí kèm theo.
Tháng 2/2010, đã ký hợp đồng thứ hai cung cấp 12 Su-30MK2 kèm theo vũ khí hàng không, trị giá gần 1 tỷ USD. Hợp đồng này còn cung cấp vũ khí hàng không và phụ tùng cho lô Su-30MK2 đầu tiên đặt hàng năm 2009.
Đầu năm 2011, Nga đã hoàn tất việc chuyển giao các máy bay theo hợp đồng thứ nhất và bắt đầu thực hiện hợp đồng thứ hai (đã chuyển giao 8 máy bay). 4 máy bay còn lại sẽ được chuyển giao nốt trong năm 2012.
Căn cứ vào yếu tố Việt Nam mua thêm máy bay, công ty Sukhoi đang đàm phán xây dựng tại Việt Nam trung tâm khu vực bảo dưỡng máy bay Sukhoi.
Việt Nam cũng đang được xem là khách hàng tiềm năng mua 18 tiêm kích Su-30K hiện ở Belarus.
Hà Nội cũng công bố ý định bắt tay thực hiện chương trình hiện đại hóa hệ thống phòng không quốc gia với sự trợ giúp của Nga.
Nga cũng đã có nhiều hợp đồng với Việt Nam với thời hạn giao hàng nằm ngoài thời gian được xem xét trên, nghĩa là vào năm 2016 và sau đó.
Như vậy, trong tương lai trung hạn, Việt Nam sẽ chắc chân ở vị trí thứ ba về khối lượng mua sắm vũ khí Nga, ông Korotchenko nhận định.
Nguồn: RIA Novosti, Armstrade, 23.8.12.