Vietnamdefence.com

 

Su-30MKI(A) và Pantsir-S1 tiếp tục đắt hàng

VietnamDefence - Nga sẽ bán cho Algeria thêm 14 tiêm kích Su-30MKI(А) và Brazil hệ thống tên lửa phòng không Pantsir-S1.

Su-30MKI (Ladislav Karpov / TASS)
Tổng giám đốc Tổng công ty Rostec, ông Sergei Chemezov cho biết, Algeria đã đặt mua thêm 14 tiêm kích Su-30MKI(А) của Nga. Hợp đồng được ký vào mùa xuân năm 2015, việc chuyển giao thực hiện vào năm 2016-2017.

Hiện tại, Algeria đang sử dụng 44 chiếc Su-30MKI(А) do Tổng công ty Irkut sản xuất: 28 chiếc theo hợp đồng năm 2006 và 16 chiếc theo hợp đồng phụ chuyển thành hợp đồng cứng vào năm 2010.

Tiêm kích đa năng, siêu cơ động Su-30MKI do Nhà máy ở Irkutsk của hãng Irkut sản xuất, ban đầu được phát triển cho Ấn Độ (đặt hàng 272 chiếc, đã chuyển giao hơn 200 chiếc).

Ngoài Algeria, tiêm kích này đã được bán cho Malaysia (đã bàn giao 18 chiếc thuộc biến thể Su-30MKM). Ở biến thể Su-30SM, máy bay này được bán cho cả Không quân và Không quân hải quân Nga (đặt mua 80 chiếc, đến năm 2020, Nga dự định mua tổng cộng 180 máy bay) và Không quân Kazakhstan (4 chiếc).

Một tin vui khác đối với các nhà sản xuất vũ khí Nga là thông tin Brazil dự định mua 3 hệ thống tên lửa/pháo phòng không Pantsir-S1. Hợp đồng trị giá 500 triệu USD sẽ được ký vào năm 2016, Đại sứ Brazil tại Nga, ông Jose Antonio Guerreiro Vallim cho biết.
 
Pantsir-S1 (Aleksandr Savin / Wikipedia)
Ông đại sứ cho hay, ngân sách năm nay của Brazil sẽ cấp tiền để mua vũ khí Nga. Số lượng chính xác vũ khí sẽ mua hiện chưa được xác định chính xác. Việc ký hợp đồng mua Pantsir-S1 đã được thông báo mấy năm trước và liên tục bị trì hoãn.

Ban đầu, Brazil định mua các hệ thống này để bảo đảm an ninh cho giải vô địch bóng đá thế giới năm 2014, còn nay họ tính sử dụng Pantsir-S1 để phòng ngừa khủng bố trong thời gian diễn ra Olympic 2016 ở Rio de Janeiro và một số thành phố khác của Brazil.

Trước đó, Phó Tổng giám đốc hãng Rosoboronoexport, ông Sergei Goreslavsky tại triển lã vũ khí RAE-2015 tổ chức đầu tháng 9/2015 đã tiết lộ khả năng bán Pantsir-S1 cho Brazil vào năm 2016. Đại sứ Brazil cũng nêu thời điểm này, nhưng không nói rõ trị giá hợp đồng.

Ngoài khả năng ngăn ngừa khủng bố bằng phương tiện bay, các hệ thống phòng không này còn dùng để phòng không các cơ sở quân sự và công nghiệp quan trọng. Ở Mỹ Latinh, chúng còn có thể được dùng để chống hoạt động vận chuyển ma túy bằng đường không.

Một nguồn tin trong ngành công nghiệp tiết lộ, khả năng Brazil sẽ mua 3 hệ thống biên chế cấp tiểu đoàn Pantsir-S1, mỗi tiểu đoàn sẽ gồm 2 đại đội và mỗi đại đội được biên chế 6 xe chiến đấu. Như vậy, tổng khối lượng lô hàng dự đoán có thể gồm 36 xe chiến đấu.

Hệ thống tên lửa/pháo phòng không Pantsir-S1 do Viện Chế tạo dụng cụ (KBP) ở Tula phát triển. Các biến thể đầu tiên được nghiên cứu chế tạo từ đầu những năm 1990, sau đó được thiết kế lại hoàn toàn phục vụ hợp đồng xuất khẩu sang Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Biến thể hiện nay của Pantsir-S1 được chính thức trang bị cho Bộ đội phòng không Nga vào năm 2012.

Pantsir-S1 được trang bị các khẩu pháo tự động, cao tốc 30 mm và các tên lửa có điều khiển dùng để tác chiến trong thành phần hệ thống phòng không điểm tầm gần với nhiệm vụ bảo vệ chống vũ khí hàng không bay thấp, có độ bộc lộ nhỏ, kể cả tên lửa hành trình. Trong quân đội Nga, các đại đội Pantsir-S1 được biên chế cho các trung đoàn tên lửa phòng không tầm xa S-400 làm vũ khí tự vệ.

Pantsir đang được sản xuất cho cả Không quân Nga, lẫn xuất khẩu. Hiện nay, các biến thể của hệ thống này có trong biên chế của Algeria, Iran, Iraq, Syria, Oman, UAE.

Nguồn: Lenta, 11, 15.9.2015.

Print Print E-mail Print