Đó là thông báo của ông Alberto Gutierrez, một lãnh đạo công ty và kiêm Giám đốc chương trình Eurofighter khi phát biểu tại một cơ sở của công ty Airbus Defence and Space (phân hãng về quân sự của Airbus) ở Ottobrunn gần Munich ngày 20/6/2016.
|
Hình ảnh giả định của FCAS dành cho Không quân Đức do Airbus Defence and Space giới thiệu (Airbus Defence and Space / Jane's) |
Các kế hoạch chế tạo máy bay chiến đấu tương lai FCAS cho Không quân Đức được công bố lần đầu trong văn kiện “Chiến lược phát triển sức mạnh không quân năm 2016” (Air Power Development Strategy 2016) do Bộ Quốc phòng Đức ban hành vào tháng 1/2016.
Dự kiến, FCAS sẽ thay thế các tiêm kích-bom Tornado trong Không quân Đức và sẽ được đưa vào biên chế trong giai đoạn 2030-2040. FCAS có thể là máy bay có người lái, hai chế độ có và không người lái, hay không người lái.
Có tin Airbus Defence and Space đặt cho dự án này tên gọi “Hệ thống vũ khí thế hệ mới” (Next-Generation Weapon System).
Theo ông Gutierrez, đây sẽ là “hệ thống của các hệ thống”, nhưng khó có khả năng các công nghệ không người lái đạt được trình độ cho phép chế tạo hệ thống không người lái hoàn toàn ở thời điểm dự kiến đưa máy bay vào biên chế.
Ông Gutierrez cho biết, FCAS sẽ là máy bay hai chế độ có và không có người lái, với tổ bay 2 người (phi công và nhân viên điều khiển vũ khí).
Ông Gutierrez nhận định, FCAS nhiều khả năng sẽ được chế tạo trong chương trình đa quốc gia của châu Âu và Bộ Quốc phòng Đức đang đàm phán về vấn đề này với bộ quốc phòng nhiều nước, nhưng ông từ chối liệt FCAS vào thế hệ tiêm kích nào đó, chẳng hạn như thế hệ 5, mà chỉ nói rằng, “thế hệ là cách xếp loại nhân tạo do hãng Lockheed Martin nghĩ ra”.