Vietnamdefence.com

 

Ai mở hàng T-14 Armata: Ai Cập, Ấn Độ, Trung Quốc hay Việt Nam?

VietnamDefence - Ấn Độ muốn mua bệ mang chiến đấu vạn năng thế mới Armata của Nga hay các bộ phận của nó để sau đó dựa trên đó chế tạo xe tăng của mình, ông Samir Patil, chuyên gia của Trung tâm phân tích Gateway House (Ấn Độ) tiết lộ với hãng tin Sputnik.

T-14 Armata
Ông Samir Patil đã bình luận như thế lời của Trợ lý của Tổng thống Nga về hợp tác kỹ thuật quân sự Vladimir Kozhin, người trước đó đã nói rằng, Ấn Độ, Trung Quốc và Đông Nam Á đã tỏ ra quan tâm đến các mẫu xe tăng-thiết giáp mới của Nga, trước hết là xe tăng Armata.

“Ấn Độ đang có các kế hoạch phát triển xe tăng của mình là dự án FICV (Future Infantry Combat Vehicle - Xe chiến đấu bộ binh tương lai). Nên tôi nghĩ rằng, nếu ngân sách cho phép, Ấn Độ có thể mua Armat hay ít ra là một số bộ phận của nó để nghiên cứu và sau đó sử dụng để chế tạo xe tăng của mình”, ông Patil nói.

Ngoài ra, ông cũng cho rằng, mua tăng Armata có cái lợi là khung gầm này thích hợp để chế tạo hàng loạt xe chiến đấu.

“Nên tôi nghĩ rằng, Ấn Độ sẽ muốn mua một khung gầm như vậy cho quân đội của mình”, ông Patil nhận định.

Các chuyên gia cũng không loại trừ khả năng hợp tác với Nga để phát triển “xe tăng tương lai” mà Ấn Độ cần.

“Nga là nước duy nhất mà Ấn Độ đang có các dự án cùng phát triển vũ khí. Đó là các dự án máy bay chiến đấu thế hệ 5 PAK FA (FGFA) và máy bay vận tải MTA. Tôi nghĩ rằng, Ấn Độ quan tâm đến khả năng thành lập liên doanh phát triển xe tăng mới còn vì nó phù hợp với sáng kiến “Make in India” của Thủ tướng Modi. Chương trình này nhằm tìm kiếm các đối tác nước ngoài để cùng phát triển và sản xuất”, ông Patil nhấn mạnh.

Đặc điểm chủ yếu của Т-14 Armata là cấu tạo của nó. Toàn bộ kíp xe ngồi trong thân xe và được bảo vệ vững chức trong cáp-xun bọc giáp. Xe chiến đấu này được trang bị hệ thống phòng vệ tích cực cho phép tiêu diệt đạn chống tăng bay đến gần ở chế độ tự động, không cần sự tham gia của con người. Trinhg độ tự động hóa của khung gầm Armta cho phép khi có các bộ phận chuyên dụng bổ sung, có thể chế tạo các xe chiến đấu hoạt động mà không cần có người trên xe.

Trước đó, Trợ lý của Tổng thống Nga về hợp tác kỹ thuật quân sự Vladimir Kozhin nói rằng, Ấn Độ, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á đã tỏ ra quan tâm đến các mẫu xe tăng-giáp mới được giới thiệu tại cuộc duyệt binh Chiến thắng ngày 9/5/2015. Ông Kozhin cho biết, các đối tác truyền thống của Nga muốn mua xe chiến đấu bộ binh và xe tăng Armata. Đó là Ấn Độ, Trung Quốc và Đông Nam Á.

Nhưng ông Kozhin cũng cho hay, các binh khí kỹ thuật mới giới thiệu đó trước hết sẽ trang bị cho quân đội Nga và chỉ trong tương lai mới có thể bán cho quân đội nước ngoài.

Trước đó, Tổng giám đốc Uralvagonzavod, nhà sản xuất Armata, ông Oleg Sienko thông báo, nhà máy đã mời các quan chức Ai Cập đến dự triển lãm vũ khí tổ chức vào tháng 9/2015 tại Nga để xem trình diễn khả năng của tăng Т-14 Armata. Uralvagonzavod đang tính toán các phương án bán Т-14 ra nước ngoài. Sau đó, khi ở thăm Cairo, Bộ trưởng Công thương Nga Denis Manturov cho hay, Nga sẵn sàng thảo luận với Ai Cập việc bán xe tăng Armata sau khi hoàn thành kế hoạch cung cấp xe tăng thế hệ mới theo chương trình vũ khí nhà nước.

VietnamDefence xin có đôi lời bình luận về các nước có thể mua tăng T-14 Armata.

Đúng là Ấn Độ có thể được xem là ứng viên nước ngoài số 1 sẽ mua xe tăng T-14. Trước hết là nguy cơ tác chiến trên bộ quy mô lớn ở thế lưỡng đầu thụ địch với 2 kẻ thù lớn là Trung Quốc và Pakistan buộc Ấn Độ phải duy trì một lực lượng xe tăng đông đảo và hùng hậu. Chủ lực của lực lượng xe tăng Ấn Độ vẫn là các xe tăng Liên Xô/Nga là T-72 và T-90S. Dự án xe tăng nội địa Arjun thì tiến độ ì ạch trì trệ trong mấy chục năm trời mà vài trăm xe sản xuất ra chất lượng vẫn rất kém, không đáp ứng yêu cầu của Lục quân Ấn Độ cả về số lượng và chất lượng. Dự án lắp ráp T-90S tại Ấn Độ theo giấy phép của Nga cũng gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do năng lực của nhà sản xuất Ấn Độ và Nga trì hoãn chuyển giao một số công nghệ then chốt. Tuy nhiên, cái khó ở đây là Ấn Độ thường cần mua xe tăng số lượng lớn, mà T-14 thì lại đắt khoảng gấp 2,5 lần xe tăng T-90S.

Trong khi đó, các địch thủ Trung Quốc và Pakistan thì liên tục sản xuất, hợp tác sản xuất, mua sắm các loại xe tăng hiện đại như Type 99, Al Khalid, T-80UD.

Trung Quốc thì ưa thó công nghệ để tự sản xuất xe tăng hơn là mua xe tăng Nga với số lượng lớn, hơn nữa Nga cũng rất ngán bán xe tăng cho Trung Quốc để một ngày nào đó chúng quay pháo bắn vào Nga, do đó khả năng Nga bán T-14 cho Trung Quốc là nhỏ.

Khả năng Ai Cập mua xe tăng Nga không lớn vì đơn giản là nước này không có tiền. Họ dựa vào viện trợ vũ khí của Mỹ và tiền của Saudi Arabia để mua vũ khí, kể cả từ Nga. Trong khi xe tăng thế hệ mới T-14 Armata có đơn giá ước 7,8 triệu USD.

Vậy ở Đông Nam Á, anh nào máu và thừa tiền để mua T-14? Trước hết trong các nước ASEAN có thể mua xe tăng, phải bỏ ngay Singapore vì anh này thích xài đồ Mỹ; anh Thái Lan vì anh này đã mua tăng T-84 Oplot của Ukraine, Lào, Campuchia, Timor Leste, Brunei thì không có tiền hay chẳng có nhu cầu.

Indonesia là đối tác truyền thống, từng sử dụng xe tăng-thiết giáp của Nga mấy chục năm nay (PT-76) và mới đây mua xe chiến đấu bộ binh BMP-3F. Nhưng người khổng lồ này cũng từ chối T-90S để mua xe tăng đồ cũ Leopard 2 của Đức vì nước này mua xe tăng chắc là để làm cảnh vì đất nước vạn đảo này biết dùng xe tăng đánh nhau với ai? Tiền nếu có cần ưu tiên cho máy bay và tàu chiến, tàu ngầm, tên lửa chứ.

Còn anh Mã thì sao? Malaysia nhiều năm trước đã mua PT-91 của Ba Lan (một biến thể của T-72). Nay họ đang có kế hoạch mua thêm xe tăng, nhưng chắc cũng chỉ mấy chục cái thôi. Vì vậy, xác suất để Malaysia mua T-14 là không đáng kể.

Cuối cùng là Việt Nam. Nước ta là đối tác truyền thống nhất của vũ khí Nga, ít ra là từ thời đánh Pháp và hiện cũng là một trong những khách hàng mua nhiều vũ khí Nga nhất trên thế giới và trong khu vực. Việt Nam có lực lượng xe tăng vào hàng đông đảo nhất khu vực, nhưng tuyền xe tăng đã rất già như T-54B, T-55, PT-76, đã đến lúc phải thay thế rồi. Báo chí đã đưa tin Việt Nam tính sẽ mua hoặc sản xuất T-90S theo giấy phép. Còn mua T-14 ư? Rất khó vì vấn đề khó khăn nhất là "đầu tiên".

Do tiềm lực kinh tế có hạn, ta chỉ chủ trương ưu tiên không quân, hải quân... "tiến thẳng lên hiện đại", còn lục quân thì cứ từ từ lên hiện đại vì chưa cấp bách bằng tác chiến trên không, trên biển.

Một khó khăn rất lớn nữa khi mua T-14 đối với Việt Nam là xe tăng này quá hiện đại, trình độ robot hóa, tự động hóa rất cao. Các chuyên gia Nga ước tính để làm chủ xe tăng này một cách thành thục, lính xe tăng phải học tập, huấn luyện căng thẳng trong 1,5-2 năm và như vậy lính xe tăng Nga lúc đó phải toàn là lính chuyên nghiệp, chứ không thể là lính nghĩa vụ được nữa.

Có lẽ mấy ông Nga thích PR cho xe tăng mới để giúp nhà sản xuất T-14 bán được hàng và tránh phá sản nên cứ đưa các nước Đông Nam Á vào cho vui, cho oai thôi. 

Nguồn: itar-tass, 4.6, RIA, 5.6.2015.

Print Print E-mail Print