Vietnamdefence.com

 

Mỹ tiếp tục chương trình xe chiến đấu thiết giáp thế hệ mới GCV

VietnamDefence - Ba công-xooc-xi-om công nghiệp đã trình các hồ sơ thầu mới cho chương trình xe thiết giáp tiên tiến GCV (Ground Combat Vehicle - Xe chiến đấu mặt đất) của Lục quân Mỹ trước ngày 21.1.2011, Defense News đưa tin.

Hình vẽ giả định xe GCV

Cả 3 nhóm này cũng đã tham gia cuộc thầu đầu tiên. Lục quân Mỹ công bố thư mời thầu cung cấp xe GCV ngày 25.2.2010. Dự định, trong khuôn khổ chương trình này sẽ phát triển loại xe chiến đấu thiết giáp thế hệ mới, thay thế các xe bọc thép chở quân M-113 và xe chiến đấu bộ binh Bradley. Tuy nhiên, cuối tháng 8.2010, sau khi phân tích tiến độ chương trình, Lục quân Mỹ đã tuyên bố hủy bỏ đợt mời thầu đầu tiên.

Nhiệm vụ kỹ thuật được cập nhật cho dự án GCV đã được Lục quân Mỹ công bố ngày 30.11.2010.

Đại diện của General Dynamics ngày 20.1.2011 đã xác nhận họ cùng với Lockheed Martin, MTU Detroit Diesel và Raytheon đệ trình Lục quân Mỹ hồ sơ thầu của mình.

Công-xooc-xi-om gồm Science Application International Corporation (SAIC) (nhà thầu chính), Boeing, Rheinmetall và Krauss-Maffei Wegmann đã đệ trình thiết kế dựa trên xe chiến đấu bộ binh Puma được phát triển cho quân đội Đức. Theo đánh giá của công-xooc-xi-om này, hiện tại, Puma là loại xe chiến đấu bộ binh duy nhất được phát triển dựa trên kinh nghiệm tác chiến ở Iraq và Afghnistan sẵn sàng cho sản xuất.

BAe Systems (nhà thầu chính) và Northrop Grumman đã phối hợp QinetiQ North America, iRobot Corporation, MTU và Saft Group để cung cấp xe chiến đấu thiết giáp dùng động cơ lai (hybrid) cho Lục quân Mỹ.

Công ty Advanced Defense Vehicle Systems mà hồ sơ thầu bị Lục quân Mỹ từ chối ở vòng thầu 1 đã quyết định không tham gia vòng thầu thứ hai này.

Dự định, trong khuôn khổ chương trình, trong tương lai sẽ phát triển cả một họ xe chiến đấu thiết giáp thế hệ mới cho Lục quân Mỹ. Lục quân Mỹ dự tính mua sắm trong chương trình GCV gần 1.874 xe.

Theo dự kiến, sau khi đánh giá các hồ sơ thầu nhận được vào tháng 4.2011, Lục quân Mỹ sẽ ký với 3 ứng viên các hợp đồng 2 năm trong khuôn khổ giai đoạn phát triển và trình diễn công nghệ. Trị giá tối đa mỗi hợp đồng không quá 450 triệu USD.

Sau khi hoàn tất giai đoạn trình diễn công nghệ, các nhà thầu sẽ phải cung cấp cho Lục quân Mỹ 2 mẫu chế thử xe thiết giáp để tiến hành thử nghiệm khả năng chống mìn và đạn phản lực chống tăng.

Theo đại tá Andrew DiMarco, Giám đốc dự án GCV, ở giai đoạn phát triển đầu và trình diễn công nghệ với mục đích giảm rủi ro, xác định vào trình diễn ban đầu các giải pháp kỹ thuật, Lục quân Mỹ dự định ký kết các hợp đồng với 3 ứng viên. Dự định, các ứng viên sẽ được xác định trong quý II tài khóa 2011. Giai đoạn trình diễn công nghệ sẽ kéo dài 24 tháng.

Giai đoạn thiết kế-thử nghiệm (Engineering and Manufacturing Development) tiếp sau giai đoạn 1 sẽ kéo dài gần 4 năm với sự tham gia của 2 nhà thầu xuất sắc nhất. Sau đó, Lục quân Mỹ sẽ chọn 1 nhàu thầu để sản xuất, cung cấp xe GCV.

Theo yêu cầu, đơn giá sơ bộ mỗi xe không quá 9-10,5 triệu USD theo thời giá 2010. Xe chiến đấu bộ binh mới phải có khả năng không vận bằng máy bay vận tải quân sự C-17 Globemaster III.

Theo đại tá Andrew DiMarco, các mẫu thử nghiệm đầu tiên ở cấu hình ban đầu phải sẵn sàng vào giữa tài khóa 2014, mẫu chế thử hoàn chỉnh đầu tiên cho sản xuất loạt - vào đầu tài khóa 2016. Tổng cộng ở giai đoạn này, mỗi ứng viên vòng chung kết phải chế tạo 3 mẫu chế thử ở cấu hình ban đầu và 12 mẫu chế thử hoàn chỉnh cho sản xuất loạt.

Xe chiến đấu bộ binh GCV sản xuất loạt đầu tiến sẽ được nhóm thắng thầu sản xuất vào đầu tháng 4.2018 -  7 năm sau khi ký hợp đồng. Đơn vị đầu tiên của Lục quân Mỹ có thể nhận GCV vào trang bị vào năm 2019. Trong khuôn khổ chương trình này, trong tương lai sẽ phát triển cả một họ xe chiến đấu thiết giáp cho Lục quân Mỹ.

Trước đó, Lục quân Mỹ đã tổ chức “Ngày công nghiệp” với sự tham gia của 300 đại diện các hãng quốc phòng hàng đầu để thông báo về những thay đổi trong danh sách yêu cầu đối với GCV (Ground Combat Vehicle) và chiến lược mua sắm mới loại xe này.

Lục quân Mỹ đã công bố thư mời thầu cung cấp GCV ngày 25.2.2010. Dự định, trong khuôn khổ chương trình này sẽ phát triển một họ chiến đấu thiết giáp thế hệ mới để thay thế các xe bọc thép chở quân lạc hậu M-113 và xe chiến đấu bộ binh Bradley. Tuy nhiên, cuối tháng 8.2010, sau khi phân tích tiến độ chương trình, Lục quân Mỹ đã tuyên bố hủy bỏ đợt mời thầu thứ nhất và công bố ý định đưa ra nhiệm vụ kỹ thuật mới cho dự án này, cho phép chế tạo một xe chiến đấu thiết giáp mới trong thời hạn xác định (7 năm) và với giá cả chấp nhận được.

Trong khuôn khổ cuộc thầu đã bị hủy bỏ, đã có 3 công-xooc-xi-om đã gửi hồ sơ thầu cho Lục quân Mỹ là:
- BAe Systems (nhà thầu chính), Northrop Grumman, QinetiQ North America và Saft;
- Science Applications International Corp. (SAIC) (nhà thầu chính), Boeing, Rheinmetall và Krauss-Maffei Wegmann;
- General Dynamics Land Systems (nhà thầu chính), Lockheed Martion, Raytheon.

Dự án do Lầu Năm góc tiến hành thay cho chương trình chế tạo họ xe MGV (Manned Ground Vehicles) bị hủy bỏ, vốn được thực hiện trong khuôn khổ dự án “Các hệ thống chiến đấu tương lai”.

Theo đại diện Lục quân Mỹ, Trung tướng Bills Philips, việc chế tạo GCV vẫn là ưu tiên số 1 trong chiến lược hiện đại hóa vũ khí trang bị của Lục quân Mỹ, vốn dự kiến hiện đại hóa các vũ khí trang bị tăng-thiết giáp khác, kể cả xe tăng chủ lực Abrams, xe chiến đấu thiết giáp Stryker và xe chiến đấu bộ binh Bradley.

Theo Giám đốc dự án GCV, đại tá Andrew DiMarco, nhiệm vụ kỹ thuật mới đối với dự án phát triển xe chiến đấu bộ binh tiên tiến có khả năng sống còn cao trong điều kiện đối phương sử dụng mìn tự tạo và các thiết bị nổ ven đường có thể đưa ra vào cuối tháng 10.2010.

Lục quân Mỹ đã xác định cho ngành công nghiệp 4 ưu tiên trong xây dựng chương trình chế tạo xe thiết giáp mới. Trong đó có ưu tiên: “sức chứa”, tức là khả năng của xe chiến đấu bộ binh chuyên chở phân đội bộ binh 9 người đến nơi tác chiến, “khả năng bảo vệ” bảo đảm an ninh cho kíp xe khi hoạt động trong điều kiện tác chiến hiện đại có nhiều mối đe dọa, trong đó có mìn tự tạo, “khả năng hoàn thiện”, tức là có cấu trúc mở và kết cấu module, cho phép thay đổi và hoàn thiện trang thiết bị của xe, bộ trang bị bảo vệ tùy theo các nhiệm vụ thực hiện, “thời hạn phát triển”, theo đó phải bắt đầu sản xuất trong vòng 7 năm sau khi bắt đầu dự án.

Người ta cũng dự định tính đến các yếu tố sức mạnh hỏa lực, khả năng cơ động và độ tin cậy của xe chiến đấu bộ binh. Các nhà thầu tiềm năng sẽ có nhiều tự do hành động trong bảo đảm cung cấp các hệ thống đáp ứng các yêu cầu này.

  • Nguồn: Armstrade, 14.10, 24.1.2011.

Print Print E-mail Print