Vietnamdefence.com

 
Tags: Ấn Độ , F-35

Mời Ấn Độ tham gia dự án F-35: Lời tỏ tình muộn màng

VietnamDefence - Mỹ đang tìm cách tranh thủ gỡ gạc những gì đã bị bỏ qua trên thị trường vũ khí Ấn Độ khi mời New Delhi tham gia phát triển tiêm kích F-35.

F-35A Lightning II (jsf.mil)

Ấn Độ nếu muốn có thể tham gia chương trình phát triển tiêm kích tiên tiến F-35 Lightning II của hãng Lockheed Martin, Defense News dẫn lời người đứng đầu Cục mua sắm, công nghệ và hậu cần, Bộ Quốc phòng Mỹ Ashton Carter. Mỹ cũng sẽ không phản đối nếu Ấn Độ chỉ mua các máy bay F-35 thành phẩm mà không tham gia chương trình phát triển máy bay. Ông Carter nói, “Hiện không có hạn chế nào ngăn cản Ấn Độ tham gia chương trình F-35, nhưng quyết định phải là do chính phủ Ấn Độ đưa ra”.

Ông Carter cũng nói rằng, trong số tất cả các loại máy bay dự cuộc thầu cung cấp 126 tiêm kích hạng trung đa năng cho Ấn Độ thì F-16IN Super Viper và F/A-18E/F Super Hornet của Mỹ là tốt nhất kể cả từ góc độ công nghệ đề xuất lẫn giá cả.

Tham gia cuộc thầu này còn có Typhoon (châu Âu), Rafale (Pháp), JAS 39 Gripen IN (Thụy Điển) và MiG-35 (Nga).

“Yếu tố quan trọng hơn cả đối với Ấn Độ khi đưa ra bất kỳ quyết định nào là việc chuyển giao công nghệ và tham gia vào sản xuất”, - ông Carter nói thêm, song không nói rõ Mỹ có chuyển giao cho Ấn Độ công nghệ sản xuất F-35 hay không nếu nước này quyết định mua F-35. Đầu và giữa năm 2010, có tin công ty Lockheed Martin dự định chào hàng Ấn Độ biến thể trên hạm và biến thể thông thường của F-35.

Ấn Độ đã lựa chọn dứt khoát Nga để hợp tác phát triển tiêm kích thế hệ 5, nên lời mời Ấn Độ tham gia một chương trình bị chậm tiến độ quá nhiều và trội chi quá lớn là vô nghĩa.

Ngày 21.12.2010, Nga và Ấn Độ đã ký hợp đồng phát triển bản vẽ phác thảo biến thể dành cho Ấn Độ của tiêm kích thế hệ 5 Т-50 (PAK FA) là FGFA (Fifth Generation Fighter Aircraft). Trị giá hợp đồng là 295 triệu USD. Việc thiết kế FGFA sẽ kéo dài 18 tháng. Dự kiến, chuyến bay đầu của FGFA diễn ra vào năm 2015. Không quân Ấn Độ (IAF) dự định mua 250 chiếc FGFA với tổng trị giá 25 tỷ USD.

Ấn Độ cũng đã quyết định tự lực thực hiện chương trình phát triển tiêm kích thế hệ 5 hạng trung.

Phương án duy nhất có thể là mua trong tương lai một số lượng hạn chế biến thể trên hạm của F-35, tuy nhiên điều này cũng ít có khả năng.

Mỹ dự định trong vài năm tới gia tăng đáng kể hợp tác kỹ thuật quân sự với Ấn Độ. Ngày 24.1.2011, Mỹ đã đưa khỏi danh sách kiểm soát xuất khẩu quân sự một số công ty Ấn Độ, trong đó có 2 doanh nghiệp nhà nước lớn nhất là Tổ chức Nghiên cứu và phát triển quốc phòng DRDO và Tổ chức Nghiên cứu vũ trụ ISRO. Như vậy, các công ty Mỹ sẽ có thể thoải mái mở các liên doanh với các hãng Ấn Độ và trao đổi công nghệ.

Mỹ muốn tăng cường quy mô hợp tác với Ấn Độ rõ ràng là do Ấn Độ là một trong những nước nhập khẩu nhiều vũ khí nhất khu vực. Bộ Quốc phòng Ấn Độ đang thực hiện chương trình hiện đại hóa vũ khí trang bị với mức chi đến năm 2016 là 200 tỷ USD. Gần 24 công ty quốc phòng Mỹ dự định ký với Ấn Độ các hợp đồng trị giá hàng chục tỷ USD.

Ấn Độ đã mua của Mỹ các máy bay vận tải quân sự C-130J-30 Super Hercules, máy bay tuần biển P-8I Poseidon, dự định mua tên lửa Harpoon II và máy bay vận tải quân sự C-17 Globemaster III. Tuy nhiên, nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ấn Độ vẫn là Nga.

  • Nguồn: Armstrade, Lenta, 27.1.11.

Print Print E-mail Print