VietnamDefence -
Vào phút chót, lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã hủy quyết định không kích Syria để báo thù cho chiếc máy bay do thám RF-4E Phantom của họ bị bắn hạ, tờ báo Thổ Nhĩ Kỳ Sabah hôm 20/7 đưa tin.
Theo Sabah, việc oanh kích các mục tiêu phòng không Syria là để trả thù Syria bắn rơi chiếc máy bay do thám RF-4E của Thổ Nhĩ Kỳ. Một số máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã được lệnh cất cánh. Nhưng vào phút chót, nhiệm vụ đã bị hủy bỏ sau khi tìm thấy xác của các phi công lái chiếc RF-4E bị bắn rơi.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng không dám không kích Syria vì họ “rất mơ hồ về các hệ thống phòng không Nga có trong trang bị của Syria”. Ngoài ra, Thổ còn một trở ngại nữa là họ không có thông tin chính xác là cụ thể chiếc Phantom bị bắn rơi bằng cách nào.
Nhưng yếu tố chủ yếu khiến Thổ hủy bỏ cuộc tấn công là “rủi ro chính trị” và không muốn gây phản ứng phẫn nộ trong thế giới Arab.
Ngày 22/6, phòng không Syria đã bắn rơi chiếc RF-4E của Thổ Nhĩ Kỳ. Sau đó, đại diện chính thức Bộ Ngoại giao Syria tuyên bố rằng, không nên xem sự cố này như một hành động thù địch đối với Thổ Nhĩ Kỳ mà đây chỉ là việc bảo vệ chủ quyền đất nước.
Ankara thì cáo buộc Damascus vi phạm luật pháp quốc tế và đổ toàn bộ trách nhiệm cho Syria về chiếc máy bay bị bắn rơi.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan tuyên bố, Thổ không định tấn công Syria vì chiếc RF-4E bị bắn rơi.
Sau đó, để phản ứng với Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai hệ thống phòng không trên biên giới với Syria.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố rằng, Nga nắm trong tay các thông tin theo dõi khách quan về chiếc máy bay Thổ bị bắn rơi.
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần đưa ra những tuyên bố trái ngược về sự cố ngày 22/6 khi ban đầu thì nói máy bay do tên lửa bắn rơi, sau đó lại nói không phát hiện ra dấu hiệu của quả tên lửa đã bắn rơi máy bay.
Cuộc tranh cãi về nguyên nhân sự cố gia tăng sau khi Bộ Tổng tham mưu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hôm 18/7 ra tuyên bố cho biết không phát hiện ra các sản phẩm cháy và chất nổ trong quá trình điều tra và khám nghiệm các mảnh vỡ chiếc máy bay rơi.
Hôm 20/7, Bộ Tổng tham mưu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sau khi nghiên cứu các mảnh vỡ chiếc RF-4E rơi ở Địa Trung Hải đã chính thức bác bỏ thông tin nói rằng, chiếc máy bay này bị tên lửa phòng không Syria bắn hạ.
“Trong quá trình các điều tra gần đây, chúng tôi không có các bằng chứng cho thấy, chiếc máy bay bị rơi của chúng tôi đã bị hỏa lực phòng không bắn rơi như chính quyền Syria ban đầu phỏng đoán”, thông báo của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.
“Sau khi, đưa được các mảnh vỡ còn lại của vó máy bay và tiến hành nghiên cứu chúng, sẽ có khả năng xác định cụ thể là Syria đã bắn rơi máy bay của chúng tôi bằng cách nào”, Bộ Tổng tham mưu quân đội Thổ nêu rõ.
Vẫn còn nằm lại dưới đáy biển là một số mảnh lớn và nặng của chiếc tiêm kích, nhưng việc trục vớt chúng bị hoãn lại do tàu lặn nước sau Nautilus bị hỏng. Bộ Tổng tham mưu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã nghiên cứu các phương án mới và sắp tới công việc trục vớt sẽ tiếp tục.
Nguồn: VZ, 20.7.2012.