VietnamDefence -
Hồ Nguyên Trừng đã nói với vua cha: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo”.
Vào cuối thế kỷ XIV, triều Trần mục nát, Hồ Quý Ly, một đại thần có thế lực mạnh trong triều, ép vua Trần nhường ngôi cho mình, lập ra triều Hồ vào năm 1400. Hồ Quý Ly là người táo bạo, ông đã thực hiện một số cải cách về chính trị, kinh tế, xã hội nhưng cũng chỉ là nhằm cứu vãn sự sụp đổ của nhà nước phong kiến và củng cố địa vị của dòng họ mình, không giải quyết được những mâu thuẫn gay gắt của xã hội đương thời. Ông lại mưu đồ cướp ngôi nhà Trần, một triều đại đã có nhiều công tích trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc nên ông bị mất lòng dân. Thế lực của đất nước suy yếu. Bấy giờ ở Trung Quốc, nhà Minh đang cường thịnh. Lợi dụng tình hình không ổn ở Đại Việt, Minh Thành Tổ quyết định đưa quân sang xâm lược.
Ngày 19/11/1406, Trương Phụ thống lĩnh gần 50 vạn quân, trong đó có trên 20 vạn quân chiến đấu tiến vào nước ta. Trước đó, triều Hồ đã chuẩn bị kháng chiến. Nhưng chiến lược của nhà Hồ là tăng cường số lượng quân thường trực, sắm sửa nhiều vũ khí tốt và xây dựng các tuyến phòng thủ, lấy đó để dàn trận đối đầu với địch. Hồ Quý Ly có ý định xây dựng một quân đội đến một triệu người, chắc chắn rằng ông chưa thực hiện được. Vũ khí của nhà Hồ có loại súng thần cơ do Hồ Nguyên Trừng chỉ huy chế tạo tốt hơn súng của nhà Minh. Hồ Quý Ly cũng cho sắm cọc gỗ, chăng xích sắt ở các cửa sông hiểm yếu. Một phòng tuyến quy mô lớn được xây dựng từ núi Tản Viên (Hà Tây) theo bờ Nam sông Đà, sông Hồng xuống Nam Định rồi lại theo sông Luộc, sông Thái Bình sang Bình Than trên sông Lục Đầu dài khoảng 400km. Thành Đa Bang (Ba Vì, Hà Tây) được coi là cứ điểm then chốt của phòng tuyến.
Quân Minh nhanh chóng vượt qua các trận đánh chặn của quân Hồ, hội quân trước tuyến phòng thủ Đa Bang. Ngày 20/11/1407, thành Đa Bang bị hạ, tuyến phòng thủ tan vỡ, quân Hồ tổn thất nặng, rút về Thăng Long rồi lại rời Thăng Long về giữ vùng hạ lưu sông Hồng (Nam Định). Quân Minh vào Thăng Long rồi đuổi tiếp xuống phía Nam nhưng bị đánh lại quyết liệt, phải về đóng đô ở Hàm Tử.
Tháng 4/1407, quân Hồ tổ chức phản công lớn nhưng bị địch mai phục, tổn thất nặng phải rút chạy vào Thanh Hoá. Quân Minh thừa thắng truy kích gắt gao. Tháng 6/1407, Hồ Quý Ly cùng triều đình bị địch bắt ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh).
|
Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa) |
Cuộc kháng chiến chỉ kéo dài được nửa năm. Đất nước ta rơi vào ách thống trị của nhà Minh. Cuộc kháng chiến thất bại để lại nhiều suy ngẫm. Bản thân triều Hồ có nhiều hạn chế và sai lầm. Hạn chế vì đất nước đang khủng hoảng, triều Hồ mới lên chưa kịp khắc phục. Hạn chế vì mất lòng dân, những hạn chế đó là một nguyên nhân khiến Hồ Quý Ly mắc sai lầm về chiến lược quân sự. Ông không thể dựa vào dân, phát động cuộc chiến tranh toàn dân rộng lớn chống kẻ thù. Hồ Nguyên Trừng đã nói với vua cha: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo”. Hồ Quý Ly khen câu nói thể hiện được điều thiết yếu đó. Dù sao triều Hồ cũng phải chịu trách nhiệm trước lịch sử.
Nguồn: Từ điển bách khoa Tri thức quốc phòng toàn dân.-H.: Chính trị Quốc gia, 2002.